TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Giáo dục khai phóng: Xu hướng đào tạo đại học mới cho Việt Nam?

Liberal Arts Education (tạm dịch là giáo dục khai phóng) là mô hình giáo dục bậc đại học hiện đang được áp dụng rộng rãi tại tại Hoa Kỳ, các quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phát triển tại châu Âu, châu Á với đặc trưng là đào tạo linh hoạt, chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng cường khả năng lựa chọn cho sinh viên. Vậy liệu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận mô hình giáo dục khai phóng hay chưa?

Một xu hướng đào tạo đại học

Ngô Thùy Ngọc Tú là học sinh THPT đầu tiên ở Việt Nam nhận học bổng của Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và hiện nay cô đã tốt nghiệp MBA tại INSEAD (Pháp). Cựu sinh viên Đại học Stanford sinh năm 1987 này đã cùng đồng nghiệp gây dựng thành công Học viện YOLA - một tổ chức dạy ngoại ngữ cho người Việt, hỗ trợ người Việt, các bạn trẻ thực hiện ước mơ du học. Ngọc Tú còn là đồng sáng lập phần mềm nói tiếng Anh (ELSA) - dự án nhằm giúp những người nói tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình. Cô được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất năm 2015. Đó là một trong số những thành quả của Ngọc Tú sau khoảng sáu năm từ khi ra trường.

giao duc khai phong(Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

“Lớp học đầu tiên ở trường đại học của tôi là học về ý nghĩa của cuộc sống. Nếu bạn chết thì điều gì sẽ xảy ra?... Khi học về điều đó chúng tôi phải đọc rất nhiều sách về khoa học tự nhiên, sinh học, triết học…” - Ngọc Tú nhớ lại - “Hay với chủ đề như mình sẽ làm gì khi phải đối đầu với những thay đổi thì chúng tôi tìm hiểu về các lĩnh vực như: Triết học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học, thậm chí cả về Hóa học, ... Chúng tôi đọc rất nhiều sách về các lĩnh vực". Ngọc Tú nhận mình là sản phẩm của giáo dục khai phóng và cho rằng nền tảng kiến thức được trang bị rất rộng đã giúp cô khi ra trường có thể làm việc tốt trong nhiều lĩnh vực. Tú cho biết rất tâm đắc mô hình dạy và học như vậy.

Liberal Arts Education (tạm dịch là giáo dục khai phóng) là mô hình giáo dục bậc đại học hiện đang được áp dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, các quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phát triển tại châu Âu, châu Á với đặc trưng là đào tạo linh hoạt, chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng cường khả năng lựa chọn cho sinh viên.

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường đại học Fulbright Việt Nam nói rằng, Liberal Arts là hệ thống giáo dục giúp người ta trở thành người có thể hành nghề tự do, trở thành con người tự do, làm được làm những gì mình muốn.

GS Lâm Quang Thiệp cũng cho biết đến đầu thế kỷ 21 thì chúng ta đã nhận thấy có thêm những điều rất cần thiết ngoài kiến thức, thí dụ như kỹ năng mềm… cần được đưa vào trường đại học. Nên có thể nói đầu thế kỷ 21 tinh thần giáo dục khai phóng lại trỗi dậy, cả trên thế giới, và ở Việt Nam cũng thế.

“Xã hội hiện nay với công nghệ số hóa, thì vòng đời của mọi nghề nghiệp không ổn định, vòng đời khoa học công nghệ rất ngắn, nếu học chuyên môn hẹp thì tới khi ra trường ngành nghề đó rất dễ đã bị thay đổi. Vì vậy, nếu sinh viên được trang bị kiến thức rộng, trang bị năng lực tư duy, năng lực diễn đạt ... thì sẽ thành công hơn trong cuộc đời” - GS Thiệp phát biểu tại hội thảo về giáo dục khai phóng được tổ chức tại Hà Nội ngày 16-10 vừa qua.

Thời điểm này, tại Việt Nam, mới chỉ có hai trường đại học là Trường đại học Fulbright và Trường đại học Việt Nhật (VJU) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên bố đề cao tinh thần khai phóng và áp dụng triển khai mô hình giáo dục đại học khai phóng. Có thể coi đây là những trường đại học đi tiên phong. Các trường này cho rằng áp dụng mô hình giáo dục khai phóng sẽ có thể là sự chuẩn bị tốt về nhân lực cho thị trường tương lai trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 sắp diễn ra vì những ưu điểm như: sinh viên đạt được kiến thức nền tảng vững chắc trong phạm vi rộng lớn hơn chứ không chỉ riêng chuyên ngành, các kiến thức từ giáo dục khai phóng có thể giúp sinh viên ra trường thích nghi được với mọi môi trường làm việc cũng như có khả năng học hỏi lĩnh vực nghiên cứu đa dạng với những kiến thức nền tảng để đi thẳng vào học sau đại học với bất kỳ chuyên ngành nào...

Không dễ ở Việt Nam?

Tuy nhiên, dường như tương lai của mô hình Liberal Arts tại Việt Nam vẫn chưa được định hình rõ nét và còn nhiều khó khăn khi triển khai. “Thực tế là ở Việt Nam, khi nói tới giáo dục đại học Mỹ, đa phần mọi người chỉ biết những đại học lớn như Harvard, Yale, MIT… mà không biết đến những trường Liberal Arts colleges mới là nền tảng của giáo dục cần hướng tới" - GS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét.

Bà Đàm Bích Thủy chia sẻ: Hiện tại khái niệm giáo dục khai phóng đang được Việt Nam quan tâm nhưng cũng có nhiều câu hỏi đặt ra. “Giáo dục khai phóng dạy cái gì, sau khi ra trường các em làm gì?... là những câu hỏi thường xuyên chúng tôi nhận được từ các vị phụ huynh” - bà nói - “Chúng ta thường dịch “Liberal Arts” hay “Liberal Education” chung là giáo dục khai phóng và khi nghe tới Liberal Arts, chúng ta thường nghĩ rằng sẽ đi theo các ngành nghệ thuật hoặc những ngành không đi vào khoa học tự nhiên. Có phụ huynh hỏi tôi chị sẽ dạy môn kịch, hay nhiếp ảnh, hay viết tiểu thuyết…”

Bên cạnh đó, câu hỏi liệu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận mô hình giáo dục khai phóng hay chưa vẫn đang bỏ ngỏ, khi hiện nay, ngay từ tên gọi của nó vẫn đang còn nhiều ý kiến tranh luận.

GS,TS Phạm Quang Minh cho biết ông không đồng ý việc dịch nghĩa Liberal Arts là đại cương, hay khai phóng. Theo ông, cần giữ nguyên tên gọi này, không dịch nghĩa và điều quan trọng là chỉ ra nó khác những đại học khác chỗ nào nếu không sẽ gây cho học sinh rất hoang mang. “Trước hết phải nói đây là đào tạo cử nhân hệ bốn năm (tại Mỹ) và cần nói rõ là hệ này có bằng cử nhân, khi tốt nghiệp là Bachelor of Arts, Bachelor of Science”.

Theo GS Lâm Quang Thiệp, trước đây, khi thực hiện đổi mới giáo dục đại học từ những năm 90, “nghiên cứu giáo dục Hoa Kỳ, chúng tôi thấy phần đại cương với những điểm tương đồng với mô hình giáo dục khai phóng được các đại học Mỹ coi trọng, nói rằng đó chính là để hình thành con người, con người như mục đích chứ không phải như công cụ".

“Tiếp thu tinh thần ấy, chúng tôi cũng đưa vào giáo dục đại học ở VN hai phần, đại cương và kinh viện. Nhưng khi thực hiện thì rất khó khăn, vấp phải nhiều ý kiến phản đối và đã không thành công".

Theo GS, một trong những yếu tố khiến giáo dục khai phóng khi đó không thành công là do có ít nhiều người hiểu biết về mô hình này, nên không ai hưởng ứng. “Và đấu tranh giữa giáo dục khai phóng, lúc đó chúng tôi gọi là giáo dục đại cương, với giáo dục chuyên môn hẹp vẫn tiếp diễn”.

Hiện có những luồng ý kiến mạnh mẽ về việc không cần thiết xây dựng trường Liberal Arts, mà cho rằng yêu cầu đối với giáo dục đại học Việt Nam là thiết kế lại các chương trình đào tạo đơn ngành.

GS Randall Woods (Trường đại học Arkansas, Hoa Kỳ) cũng nói rằng, cho tới nay, chúng ta đã có nhiều tranh luận về giá trị thật sự của giáo dục và hiện nay vẫn tranh luận rất nhiều về giáo dục khai phóng.

Trước câu hỏi, vậy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận mô hình giáo dục khai phóng trở lại hay chưa? GS Lâm Quang Thiệp đã nhận định: “Đây là cuộc đấu tranh không đơn giản”.

“Tôi tin tưởng xu hướng xã hội hiện nay hỗ trợ cho tư tưởng giáo dục khai phóng và khiến nó dần dần thắng lợi, do xã hội hiện nay là xã hội công nghệ cao, xã hội hội nhập. Tất cả các nghề nghiệp có thể biến mất, nhưng con người có năng lực, con người có khả năng diễn đạt, ứng cử, lãnh đạo thì có khả năng ứng xử ở các thay đổi khác nhau. Nhưng xu hướng xã hội sẽ hỗ trợ cho giáo dục khai phóng, chứ không thể nói ngày một ngày hai sống lại được” – GS chia sẻ quan điểm.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều những khó khăn khác khi triển khai mô hình đại học khai phóng, như về đội ngũ giảng viên, bởi để đào tạo được những sinh viên khai phóng thì cần phải có những người thầy khai phóng, chương trình khai phóng.

Bà Đàm Bích Thủy cho biết, đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường đã phải có những hình thức tuyển dụng đặc biệt.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song bà Đàm Bích Thuỷ nói rằng Trường đại học Fulbright Việt Nam kiên trì theo đuổi mô hình giáo dục khai phóng, muốn giúp cho các sinh viên có kiến thức rộng, có tầm nhìn và khả năng có thể làm trong bất cứ lĩnh vực nào cũng thành công.

Bà dẫn lại lời của Hiệu trưởng Đại học Harvard (Hoa Kỳ) rằng: Đại học Harvard cùng với truyền thống giáo dục khai phóng muốn chuẩn bị cho sinh viên không phải công việc đầu tiên, mà là công việc thứ hai, thứ ba, thứ tư....thứ sáu trong cuộc đời của người đó.

Tuy nhiên, bà Đàm Bích Thủy nhấn mạnh, đây không phải là việc muốn khẳng định một mô hình đào tạo nào có ưu thế nhất mà điều quan trọng hơn là mở ra thêm lựa chọn cho phụ huynh và học sinh.

LÊ HÀ - theo Nhân Dân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag