TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Những thay đổi trong đào tạo nhân lực y tế (Kỳ 1)

Thực tế công tác đào tạo bác sĩ của nước ta thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi đổi mới nhanh và mạnh mẽ hơn nữa. Nghị quyết số 20-NQ/TW (Hội nghị T.Ư 6, khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Bài 1: Thi sát hạch năng lực hành nghề

Sau một thời gian chú trọng đào tạo bác sĩ (tăng cả số lượng cơ sở đào tạo cũng như chỉ tiêu của các trường), đến nay với tỷ lệ 8 bác sĩ/ 10 nghìn dân, Việt Nam không còn nằm trong nhóm báo động về tình trạng thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, cách thức đào tạo bác sĩ của Việt Nam đang rất khác so với các nước trên thế giới. Bài toán về số lượng bước đầu được giải nhưng vẫn còn đó mối lo về chất lượng. Việc đổi mới đào tạo bác sĩ phải đạt được hai mục tiêu: nâng cao chất lượng và phù hợp xu thế của thế giới.

dao tao y te 001GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đào tạo, hướng dẫn các sinh viên, học viên tại phòng mổ thực nghiệm. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Ðạt số lượng, lo chất lượng

Theo thống kê, đến hết năm 2017, cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe, riêng ngành y đa khoa có 24 trường, trong đó có sáu trường ngoài công lập. Nhờ liên tục tăng số cơ sở và tăng chỉ tiêu đào tạo, đến hết năm 2017, Việt Nam đạt 8 bác sĩ/10 nghìn dân, dự kiến sẽ tăng lên 10 bác sĩ/10 nghìn dân vào năm 2020. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, công tác đào tạo bác sĩ còn nhiều bất cập. Số lượng bác sĩ được đào tạo tăng cao phần nào bù đắp được sự thiếu hụt, điều chỉnh được sự phân bố, tuy nhiên chất lượng có phần bị ảnh hưởng.

Việc đào tạo hiện đang "khoán trắng" cho các trường. Các cơ sở đào tạo tự xây dựng chương trình, tự đánh giá kết quả và tự công bố chất lượng nhân lực mà mình đào tạo. Nơi sử dụng (các bệnh viện) buộc phải sử dụng những sản phẩm đào tạo như vậy. Trong khi đó, tại các nước đều có một tổ chức độc lập thẩm định năng lực tối thiểu phải đạt trước khi nguồn nhân lực đó tham gia công tác khám, chữa bệnh. Theo PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội: Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều cố gắng (xây dựng bệnh viện khang trang, sạch đẹp, thiết bị hiện đại, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế được cải thiện...) nhưng vẫn chưa lấy được niềm tin của người bệnh. Mấu chốt là chất lượng nhân viên y tế chưa cao. Không thể có một bệnh viện tốt, an toàn nếu chúng ta vẫn tiếp tục đào tạo một cách "vô tư" như hiện nay.

Thạc sĩ Trần Ðức Thuận, Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng: Chương trình, nội dung đào tạo y khoa và áp dụng phương pháp giảng dạy đánh giá mới ở nước ta nói chung còn chậm. Trong khi đó, nhiều kỹ thuật và phương pháp chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, theo dõi và phục hồi chức năng liên tục được phát triển, ứng dụng, đòi hỏi chương trình và nội dung đào tạo phải liên tục được cập nhật. Ðiều kiện học tập và thực hành của sinh viên y khoa ở nước ta có nhiều vấn đề cần quan tâm khi cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn gặp khó khăn, nhất là chưa đáp ứng được với số lượng sinh viên y khoa khá nhiều như hiện nay. Với số lượng sinh viên tăng cao, khả năng đáp ứng của các bệnh viện thực hành lại rất hạn chế. Nhiều trường đại học y được hình thành cũng như nhiều trường đại học khác mở thêm mã ngành đào tạo y khoa đang là thách thức và gánh nặng đối với thực hành lâm sàng tại bệnh viện.

Việc đánh giá sinh viên chưa phản ánh hết quá trình hình thành và phát triển năng lực của bác sĩ. Ðánh giá năng lực thực hành của sinh viên y khoa chủ yếu vẫn dựa vào phương pháp truyền thống, chưa đo lường đầy đủ các yêu cầu năng lực sinh viên cần đạt được trong quá trình đào tạo; chưa chuẩn hóa và thật sự trở thành động lực thúc đẩy việc cải tiến quá trình dạy và học. Tiêu chí kiểm định cơ sở, chương trình đào tạo được xây dựng, tuy nhiên, kiểm định chương trình đào tạo y khoa chưa được thực hiện đầy đủ bởi các tổ chức kiểm định uy tín.

Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có những quy định chung về quản lý song còn thiếu các tiêu chí cụ thể, đặc thù đối với ngành y, vốn có những yêu cầu rất khác biệt. Trước đây, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý công tác đào tạo nhân lực y tế, ban hành các tiêu chí về điều kiện bảo đảm chất lượng, xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn, giám sát các cơ sở đào tạo thực hiện. Nhưng hiện nay, đang có xu hướng mất đi sự thống nhất, chuẩn hóa trong đào tạo bác sĩ.

dao tao y te 002Giờ thực hành của sinh viên Trường đại học Y dược (Ðại học Thái Nguyên). Ảnh: QUÝ TÙNG

Tiến tới thành lập Hội đồng sát hạch năng lực

Nhân lực y tế là một bộ phận rất quan trọng, là điều kiện quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định, nếu không thay đổi trong đào tạo bác sĩ y khoa, chúng ta sẽ sớm đối mặt với một nền y tế dễ dãi, tốn tiền và phát triển hình quả "mít". Kết quả của đổi mới là phải tạo ra đội ngũ bác sĩ giỏi về lâm sàng, có năng lực nghiên cứu, có tinh thần học tập suốt đời, được quốc tế công nhận bởi năng lực và sự thấu hiểu người bệnh, lòng quyết tâm góp phần nâng cao sức khỏe người dân.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong đào tạo nhân lực y tế, chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa đòi hỏi người học hiểu biết về ba vấn đề. Thứ nhất là kiến thức (kiến thức chung, kiến thức về khoa học sự sống, khối ngành khoa học sức khỏe, nhóm ngành y học và kiến thức đặc thù ngành bác sĩ đa khoa). Thứ hai là kỹ năng (kỹ năng nghề nghiệp như: giao tiếp, thăm khám và thủ thuật, tư duy hệ thống và giải quyết vấn đề, nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nghiệp; kỹ năng mềm: tự phát triển, làm việc nhóm và quản lý lãnh đạo, công nghệ thông tin và ngoại ngữ...). Thứ ba là thái độ đối với bản thân, nghề nghiệp và xã hội. Khung chương trình đào tạo mới của hệ bác sĩ đa khoa dựa vào bốn trọng tâm là: năng lực; tích hợp; chú trọng kỹ năng lâm sàng và kỹ năng giao tiếp; năng lực ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học. Nội dung giảng dạy được cụ thể hóa theo bốn nhóm lĩnh vực: khoa học cơ sở, cơ bản; thầy thuốc và người bệnh; y học cộng đồng; phát triển cá nhân và tính chuyên nghiệp.

Ðể nhân lực y tế đáp ứng được nhu cầu của hệ thống y tế hiện nay, cần có chương trình đào tạo kiểu mới và thầy giáo kiểu mới. Theo đó, chương trình đào tạo kiểu mới sẽ tạo nên những năng lực cần có của bác sĩ thế kỷ 21 bao gồm cả kỹ thuật và thực hành. Ðặc biệt chú trọng "Kỹ năng thúc đẩy sức khỏe", tức là phải đi trước một bước, không đợi thành người bệnh mới chữa mà quản lý ngay từ khâu khai thác bệnh sử, lối sống... rồi từ đó khuyến cáo, giáo dục, hướng dẫn, điều chỉnh lối sống giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe.

Kinh nghiệm tại hầu hết các quốc gia cho thấy, để được tham gia khám, chữa bệnh, các bác sĩ được đào tạo ở bất kỳ cơ sở nào đều phải qua một kỳ thi đánh giá năng lực cấp quốc gia. Ðây được nhìn nhận là cuộc kiểm tra chất lượng đào tạo. Hiện Bộ Y tế đang xúc tiến các bước tiến tới thành lập cơ quan quản lý hành nghề y tế (có thể là Hội đồng y khoa) để xác lập cơ chế kiểm soát chất lượng; tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nghề nghiệp cấp quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề... Trong đó, việc thi để cấp phép hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế. Song đây là một việc làm mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam, cho nên các bước đi phải chặt chẽ và phù hợp.

Thứ trưởng Lê Quang Cường khẳng định, việc thành lập Hội đồng y khoa là vấn đề cốt tử nhằm bảo đảm độ an toàn cho người bệnh. Bác sĩ (không cần biết học ở trường nào) nếu không đạt được năng lực tối thiểu thì không được tham gia khám, chữa bệnh độc lập. Việc kiểm tra đánh giá năng lực của bác sĩ cũng sẽ định hướng cho các trường không thể đào tạo tràn lan mà phải hướng cho người học tạo ra năng lực thật sự, đáp ứng yêu cầu của hệ thống y tế. Như vậy, Hội đồng y khoa phải có trách nhiệm đưa ra những điều kiện bảo đảm sàng lọc được người đủ năng lực.

Theo lộ trình đang xây dựng, dự kiến đến quý II-2018, Bộ Y tế sẽ trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Hội đồng y khoa, sau đó vận hành thử. Song song với lộ trình đó là tiến hành sửa đổi các quy định liên quan, nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh để điều chỉnh những quy định giúp cho hoạt động của Hội đồng không chồng chéo với các quy định hiện hành khi chính thức đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2019).

(Còn nữa)

TRUNG HIẾU - theo Báo điện tử Nhân dân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag