TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Cải thiện vị trí đại học ngoài công lập tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vướng mắc về sở hữu chính là nút thắt tạo ra những bất cập về quan niệm, chính sách, cơ chế, dẫn đến nhận thức chưa đúng, quy định chưa hợp lý về ĐH NCL trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hội đồng khoa học tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ nhiệm Chương trình làm Chủ tịch Hội đồng vừa tiến hành họp, xem xét hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn để lựa chọn tổ chức và cá nhân phù hợp chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) ở Việt Nam”. 

cai thien vi tri dai hoc ngoai cong lapBộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ họp cùng các chuyên gia

Không chỉ tại Việt Nam, ĐHNCL đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục đại học, mỗi trường có sứ mạng riêng và tham gia hệ thống giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực theo các phân khúc khác nhau của thị trường. Ở một số nước, tỷ lệ sinh viên học tại các trường ĐH NCL có thể khá lớn, thí dụ: Tỷ lệ này là 86% ở Philippines, 75% ở Hàn Quốc và 60% ở Brazil, Indonesia, Bangladesh và Columbia. Ở Mỹ, trong 10 trường hàng đầu/topten thì 9 trường là ngoài công lập như Harvard, MIT, ... chỉ có 1 trường công lập là California State University (CSU) at Berkeley. 

Trong 10 trường ĐH hàng đầu thế giới thì ít nhất 8 trường là tư thục và 2 trường công lập (7 trường thuộc về Mỹ, Anh chiếm 2 và 1 thuộc về Pháp). Điều đó phần nào phản ánh vai trò của các trường ĐH ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trên thế giới.

Tại Việt Nam, Quyết định số 121/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 – 2020 đưa ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 30% - 40 % sinh viên học trong các cơ sở giáo dục ĐH NCL. Tuy nhiên, sau 10 năm, số lượng sinh viên ĐH NCL của Việt Nam vẫn chưa vượt qua được con số 13,16 %.

Vai trò, vị thế của ĐH NCL vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng từ đó chưa tạo động lực và “đối xử” bình đẳng về chính sách, cơ chế, môi trường và điều kiện để tồn tại và phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó, cần phải có một nhiệm vụ nghiên cứu bài bản, căn cơ về ĐHNCL từ đó đề xuất những chính sách, mô hình, cơ chế để phát triển bền vững. 

Nói cách khác, nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường ĐHNCL ở Việt Nam” được thực hiện sẽ cung cấp luận lý khoa học phục vụ cho việc xây dựng, thực thi chính sách về ĐH NCL của Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng phát triển của ĐH NCL Việt Nam thời gian qua; so sánh, đối chiếu với các mô hình, chính sách phát triển ĐH NCL của các nền GD tương đồng trên thế giới để đề xuất mô hình ĐH NCL của việt Nam cùng với cơ chế, chính sách để phát triển bền vững loại hình cơ sở GD này trong thời gian tới.

Nhiệm vụ KH&CN trên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN trên toàn quốc. Đến thời điểm quy định, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận được 04 hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ của Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển MeKong - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN và Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng VN. 

Phát biểu khai mạc phiên họp chính thức của Hội đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ-Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia nêu những yêu cầu và nội dung chủ yếu về việc tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng. Hội đồng đã nghe các chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt về đề cương nghiên cứu, trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng. 

Nhận xét chung về chất lượng nội dung đề cương nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu, các thành viên của Hội đồng tuyển chọn đều đánh giá đây là những nhóm nghiên cứu mạnh với đội ngũ các nhà khoa học có uy tín, năng lực, trong đó có sự tham gia của những nhà khoa học tên tuổi đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục và khoa học của Việt Nam như GS.TSKH Trần Văn Nhung, GS.TS Lâm Quang Thiệp, PGS.TS Trần Quang Quý, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng…

Các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được chuẩn bị công phu, đã đưa ra được cái nhìn tổng quan về nhiệm vụ, định hướng nghiên cứu và nhóm các sản phẩm mục tiêu. Các nhóm nghiên cứu cũng đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của ĐH NCL với sự phát triển của GD ĐH Việt Nam, đặt ra mục tiêu xây dựng sản phẩm nghiên cứu là tìm ra mô hình ĐH NCL của Việt Nam, đề xuất các chính sách để phát triển ĐH NCL bền vững.

Hội đồng đã thảo luận, đánh giá từng hồ sơ theo các tiêu chí đánh giá quy định, cho điểm độc lập từng hồ sơ và bỏ phiếu đánh giá chấm điểm cho từng hồ sơ theo phương thức bỏ phiếu kín. Kết quả, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam được lựa chọn tổ chức chủ trì, thực hiện. PGS.TS. Trần Quang Quý chịu trách nhiệm chủ nhiệm nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu chủ trì đề tài có trách nhiệm hướng dẫn và cùng với cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ để thẩm định và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện.

Thay mặt Hội đồng khoa học, GS.TS Phùng Xuân Nhạ đã lưu ý nhóm nghiên cứu được lựa chọn một số nội dung cần tập trung chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để “bắt” đúng trọng tâm “đề bài” mà nhiệm vụ khoa học này đề ra. 

Theo phân tích của Bộ trưởng, về bản chất không có sự khác biệt giữa ĐH công lập và NCL. Các cơ sở GD ĐH chỉ khác nhau về sở hữu, chất lượng và sứ mệnh. Nhiệm vụ của tất cả các trường ĐH là nghiên cứu khoa học, chuyển giao trí thức theo sứ mệnh. Sứ mệnh này được xác định nhờ phân tầng đại học.

Vướng mắc về sở hữu chính là nút thắt tạo ra những bất cập về quan niệm, chính sách, cơ chế, dẫn đến nhận thức chưa đúng, quy định chưa hợp lý về ĐH NCL trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Vì thế, câu hỏi nghiên cứu quan trọng nhất của nhiệm vụ KH&CN này là phải chỉ ra vướng mắc về chủ sở hữu, về huy động, giải phóng nguồn lực phát triển ĐH NCL. 

Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần có các phương pháp khoa học (thống kê, mô hình hóa, phân tích, đối sánh…) để tìm ra lời giải cho bài toán sở hữu này bằng các đề xuất kiến nghị chính sách, tạo hành lang pháp lý để xây dựng môi trường tích cực, bình đẳng cho ĐH NCL phát triển bền vững.

“Giải quyết được những khúc mắc xung quanh bài toán sở hữu sẽ đồng thời tìm được lời giải cho câu chuyện ĐH lợi nhuận, phi lợi nhuận. Từ đó góp phần tăng cường xã hội hóa, đa dạng hóa huy động nguồn lực xã hội cho phát triển GD ĐH, theo đúng tinh thần của Nghị Quyết TW 5 về tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục.

Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào các luận lý khoa học này để sửa đổi, điều chỉnh những nút thắt trong Luật GD, Luật GD ĐH đã và đang ràng buộc, cản trở sự phát triển của ĐH NCL”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận.

NGHIÊM HUÊ (Theo Tiền Phong)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag