TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Trường đại học đồng loạt giảm thời gian đào tạo

Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2016, thời gian đào tạo bậc đại học rút ngắn xuống còn từ 3-5 năm so với 4-6 năm như hiện tại. Vì vậy, bước vào năm học này, nhiều trường đại học đã giảm thời gian đào tạo. 

Có thể ra trường sau 3 năm

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết trường bắt đầu giảm thời gian đào tạo cho sinh viên khoá tuyển sinh 2017. Theo đó, bậc đại học sẽ giảm thời gian đào tạo từ 4 năm xuống còn 3,5 năm, bậc cao đẳng giảm từ 3 năm xuống 2,5 năm.

giam thoi gian dao tao 001Sinh viên có thể tốt nghiệp sau 3 năm học (Ảnh: Lê Văn)

Theo ông Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, thì trường này cũng áp dụng giảm thời gian đào tạo cho tất cả các ngành đối với khoá nhập trường năm 2017, từ 4 năm xuống còn 3,5 năm.

Còn Trường ĐH Mở TP.HCM đã giảm thời gian đào tạo từ năm 2016. Ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết tính cả khoá 2017 trường có hai khoá có thời gian đào tạo trong 3,5 năm. Tuy nhiên, với việc học tín chỉ, sinh viên hai khoá 4 năm vẫn có thể học vượt và ra trường sớm, thậm chí có nhiều sinh viên ra trường lúc mới học 3 năm.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM giảm thời gian đào tạo xuống còn 135 tín chỉ là thông tin được ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường chia sẻ. Theo ông Lý, tuỳ đặc thù của từng ngành mà trường giảm thời gian đào tạo. Tuy nhiên, mức 135 tín chỉ chưa phải là giảm tối đa mà vẫn có thể giảm xuống còn 120 tín chỉ. 

Một số ngành giảm thời gian đào tạo như kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh doanh nông nghiệp, vì những ngành này từ trước đã có 12% sinh viên tốt nghiệp từ 3-3,5 năm. Riêng nhóm công nghệ, kỹ thuật, liên quan đến sinh trưởng cây – con vẫn giữ nguyên thời gian đào tạo 4 năm (140 tín chỉ).

Còn Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã bắt đầu giảm thời gian đào tạo từ năm học 2008. Ông Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết trước năm 2008 thời gian đào tạo các ngành của trường là 5 năm, sau năm 2008 tới năm 2014 thời gian đào tạo còn 4,5 năm và từ năm 2014 đến nay thời gian đào tạo tiếp tục được giảm còn 4 năm. 

Nhiều thay đổi về chương trình đào tạo

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực Phẩm TP.HCM, cho rằng giảm thời gian đào tạo là một trong những bước tiến của trường đại học. 

Thực chất của giảm thời gian đào tạo là thời gian được phân bố và tổ chức lại cho hợp lý của chương trình học chứ không phải giảm chương trình học. Giảm thời gian đào tạo thì sinh viên sẽ giảm bớt được chi phí đào tạo, chi phí sinh hoạt và nhanh chóng có công ăn việc làm. Thế nhưng cũng đòi hỏi sinh viên cần nỗ lực nhiều hơn và phải có kế hoạch cụ thể phù hợp với khả năng của bản thân” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, về phía nhà trường, giảm thời gian đào tạo, sinh viên ra trường sớm hơn thì tăng cơ hội vào trường cho người học. Nhưng nhà trường cũng phải xây dựng lại chương trình, hệ thống quản lý để vận hành chương trình mới đáp ứng yêu cầu chất lượng.giam thoi gian dao tao 002Muốn ra trường đúng hạn sinh viên phải nỗ lực (Ảnh:Lê Văn)

Ở đây phải hiểu chương trình đào tạo là không có cắt giảm, nên trường gặp khó khăn khi tổ chức chương trình để người học tiếp thu được kiến và rèn luyện kỹ năng. Trước đây nếu người học tiếp thu kiến thức và kỹ năng trong 4 năm thì nay giảm xuống còn 3,5 năm” – ông Sơn giải thích.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đưa ra phương án tổ chức lại chương trình đào tạo bằng cách các môn rèn luyện thể thao được tổ chức dạng câu lạc bộ kết hợp với các chương trình rèn luyện kỹ năng. Các nội dung thực tập, kiến tập được tổ chức thành học kỳ doanh nghiệp và thậm chí khâu đánh giá sẽ do doanh nghiệp thực hiện. Nhà trường sẽ kết tăng cường các nội dung đào tạo, đánh giá qua hình thức trực tuyến. 

Ông Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết, từ năm 2014, một số ngành như kỹ thuật của trường đã được kiểm định chất lượng theo chuẩn ABET, vì vậy những ngành này đã giảm thời gian đào tạo xuống còn 4 năm.

Riêng các chương trình đại trà của trường cũng được giảng dạy theo phương pháp CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai, vận hành các sản phẩm, hệ thống thực - đào tạo theo yêu cầu thực tế) nên trường đã thiết kế lại chương trình đào tạo phù hợp với phương pháp này.

Các trường đại học có thể giảm thời gian đào xuống 3 năm nhưng điều này là không thể đối với ngành kỹ thuật. Mức thời gian đào tạo ngắn nhất của chúng tôi là 4 năm. Thực tế tại trường cho thấy dù giảm hay không giảm thời gian đào tạo thì tỷ lệ sinh viên ra trường đúng hạn là không cao, do khối lượng chương trình khá nặng” - ông Thông khẳng định.

Theo ông Thông, giảm thời gian đào tạo nhưng lượng kiến thức không đổi, sinh viên sẽ được giảng dạy ít hơn và phải tự học, tự rèn luyện nhiều hơn. Các môn lý thuyết trước đây toàn dạy lý thuyết thì nay sẽ có thêm 1/3 đến 1/2 số tiết thực hành. Vì vậy, sự nỗ lực này không chỉ để đạt điểm cao khi ra trường mà là để đạt chất lượng học tập.

Nếu chỉ ra trường với bảng điểm tốt mà không hoàn thiện kỹ năng thì vẫn không thể trụ được trong môi trường hiện nay. Tuy nhiên, qua việc giảm thời gian đào tạo chúng tôi nhận thấy sinh viên đã thể hiện sự năng động, tích cực hơn. Nhiều đồ án tốt nghiệp của sinh viên có chất lượng rất tốt, vì vậy không phải là không nỗ lực được”  – ông Thông khuyên.

Ông Trần Đình Lý cho biết, để giảm thời gian đào tạo trường đã tăng các học phần tự chọn. Số học phần sẽ tăng tuỳ theo nhu cầu người học để chọn lọc, chọn lựa học phần phù hợp. Nhưng việc rút ngắn thời gian đào tạo cũng phải bảo đảm chất lượng và lấy chất lượng làm đầu. Sinh viên muốn rút ngắn có thể học vào học kỳ 3 vì học kỳ này dành cho 2 đối tượng là trả nợ và học vượt.

Trong khi đó, đại diện một trường đại học thì nhận định, "Việc giảm thời gian đào tạo trong bối cảnh sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay là một thách thức cho sinh viên và nhà trường. Khi giảm thời gian đào tạo, nếu sinh viên không nỗ lực thì ra trường không có đủ kiến thức và khả năng để làm được việc".

Thế nhưng, ông Trần Đình Lý lại cho rằng, thất nghiệp là vấn đề rộng và chỉ có thể giải quyết khi giảm chỉ tiêu tổng thể cũng như cân đối cung - cầu, giảm cơ sở đào tạo kém chất lượng làm mất uy tín của ngành giáo dục, tổn thương nhà giáo. 

"Khi cung lớn hơn cầu thì việc áp chỉ tiêu đại học rất cần thiết, còn khi cầu lớn hơn cung thì dù làm gì cũng không có chỗ cho người có lòng tự trọng" - ông Lý nói

Tuệ Minh (Theo Vietnamnet)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag