TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Làm gì để cải thiện chất lượng, hiệu quả nghiên cứu của các trường đại học?

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT, có bài viết phân tích về những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế đó trong nghiên cứu khoa học tại các trường đại học. Bên cạnh đó là những đề xuất để cải thiện chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT chủ trì Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học và đưa ra một số giải pháp về chính sách và đầu tư. 

"Điểm nghẽn" lớn nhất theo các báo cáo là tài chính dành cho nghiên cứu khoa học (NCKH) ở các trường rất khiêm tốn. 

Ràng buộc về tài chính cho NCKH ở các trường đại học (ĐH) chẳng cứ gì ở Việt Nam, mà các trường ĐH lớn trên thế giới cũng phải cạnh tranh gay gắt để có nguồn kinh phí. Với điều kiện của nước ta, kinh phí dành cho NCKH vốn hạn hẹp đòi hỏi quản lý sử dụng hiệu quả hơn.

cai thien chat luong nghien cuu 001Trong điều kiện của nước ta, kinh phí dành cho NCKH vốn hạn hẹp đòi hỏi quản lý sử dụng hiệu quả hơn

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiến bộ khoa học công nghệ và nhu cầu của đất nước luôn thay đổi về kinh tế, môi trường, công nghệ, quản lý, giáo dục, bệnh dịch đòi hỏi NCKH phải nhanh chóng nắm bắt được thông tin nhanh nhất, sớm nhất và tư duy xa hơn những gì hiện có nhằm tránh nghiên cứu những thứ mà thế giới đã trải qua.

Mọi người đều biết NCKH trong trường ĐH là đa mục tiêu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về phương diện tư duy, phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, củng cố lý luận, gắn học với hành, phát triển các định hướng NCKH cho tương lai các ngành học hoặc lĩnh vực... Bên cạnh đó là phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, tăng cường an ninh quốc phòng, nâng cao uy tín, vị thế hình ảnh của một trường ĐH, tạo điều kiện hợp tác với các đại học khá ở khu vực và quốc tế. Ngoài ra, NCKH để huy động nguồn lực hỗ trợ từ các hợp đồng R&D từ các doanh nghiệp hoặc ngành kinh tế...

Bên cạnh những thành công NCKH ở một số trường ĐH, đặc biệt là các công trình thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên với nhiều công bố ở nước ngoài, thì công tác NCKH ở các trường ĐH còn có những hạn chế.

Những hạn chế dai dẳng

Những hạn chế trong NCKH ở các trường ĐH có thể kể đến là: Không ít đề tài nghiên cứu lạc hậu quá xa so với những gì thế giới đã trải qua, nhất là các lĩnh vực về kinh tế, giáo dục và khoa học xã hội.

Các đề tài nghiên cứu về công nghệ có khả năng ứng dụng trong thực tế chưa nhiều, chưa xác định trúng nhu cầu nghiên cứu để lựa chọn đề tài vì thế việc huy động nguồn lực từ bên ngoài rất khó khăn.

Thiếu sự gắn kết hợp tác, tích hợp khoa học liên ngành trong các nghiên cứu công nghệ ở ngày trong một nhà trường cũng như giữa các trường.

Việc chuyển giao công nghệ hạn chế do cung và cầu không gặp nhau và còn chịu ràng buộc khác về các thủ tục hành chính.

Kinh phí và quản lý kinh phí chưa hiệu quả do kinh phí ít lại dàn trải, quá chú trọng vào kinh phí từ nguồn ngân sách, mà ít chú ý huy động nguồn lực từ bên ngoài doanh nghiệp hoặc ngành kinh tế. Ví dụ, ở một khoa kỹ thuật của ĐH Arizona (Hoa Kỳ) có năm Chính phủ tiểu bang cấp khoảng 18 triệu USD, nhưng khoa đó huy động bên ngoài thêm được trên 40 triệu USD nhờ các hợp đồng nghiên cứu. Nhưng điều này ở ta xem ra khá khó khăn.

Các nguyên nhân cơ bản

Nguyên nhân của nhân hạn chế dai dẳng nói trên liên quan đến các yếu tố về chính sách, cơ chế, chiến lược, điều kiện tài chính, môi trường ứng dụng kết quả NCKH...

cai thien chat luong nghien cuu 002Bộ GD-ĐT cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực NCKH của trường ĐH theo khuyến cáo của UNESCO

Tuy nhiên, có thể chỉ thẳng ra rằng khá nhiều NCKH ít chú ý đến tiến bộ KHCN và bám sát những định hướng lớn phát triển kinh tế xã hội của đất nước như việc đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng các trụ cột phát triển kinh tế, tăng năng suất (nhân lực, thể chế và hạ tầng) chú trọng 3 lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao, CNTT và Du lịch. Là sự hợp tác giữa nhà trường và các ngành kinh tế (industry) rất yếu nên khó khăn xác định nhu cầu NCKH. 

Sự hợp tác giữa các khoa hoặc giữa các trường trong nghiên cứu liên ngành quá hạn chế. Chưa liên kết hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm và hình thành mạng lưới nghiên cứu giữa các trường có ưu thế riêng. 

Vì thế, các trường ĐH chưa huy động được các chuyên gia trong nghiên cứu cơ bản với các chuyên gia thuộc ngành hoặc chuyên ngành (lĩnh vực toán rất ít được ứng dụng trong các đề tài nghiên cứu KHXH, kinh tế, giáo dục...). Chưa xác định được điểm giao giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Đặc biệt, chưa có đủ cơ sở dữ liệu tin cậy, hồ sơ của các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực KHCN ở các trường ĐH khác nhau, khi tìm kiếm thành viên trong các hội đồng thẩm định có thể lúng túng hoặc chọn nhầm chuyên gia.

Sự hợp tác giữa trường với viện nghiên cứu chưa đi vào thực chất và hiệu quả. Nhiều khi chỉ thấy ở bề nổi ở các hoạt động đánh giá nghiên cứu sinh, thạc sĩ, hoặc các đề tài nghiên cứu. Trong khi kỳ vọng của sự hợp tác này là phát huy sức mạnh tổng hợp của viện và trường tạo ra sản phẩm nghiên cứu phục vụ sản xuất kinh doanh, an ninh quốc phòng...

Một nguyên nhân mà ít đại biểu đề cập tại Hội nghị nói trên là yếu tố con người. Trong đó, năng lực nghiên cứu đội ngũ giảng viên (khả năng về ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng viết báo cáo, phân tích diễn giải, kỹ năng thông tin, tư duy logic-phản biện...) trên phổ rộng khá hạn chế vì giảng viên được giữ lại trường quen với cách học tập, nghiên cứu được truyền lại từ thế hệ các giảng viên trước. Sự đam mê trong NCKH của một bộ phận giảng viên hạn chế, mải dạy hơn là nghiên cứu.

Cuối cùng, những vấn đề về tự do học thuật, tự chủ, sáng tạo cần đặt ra như là một phương tiện để cải thiện chất lượng nghiên cứu trong các trường ĐH. Chương trình giáo dục ĐH hiện nay, đặc biệt ở phần giáo dục đại cương trong nhiều trường ĐH có thể nói là cản trở nhất định đến năng lực NCKH của giảng viên và sinh viên.

Đại học nên làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả NCKH?

Hiện nay, Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao soạn thảo Nghị định tự chủ giáo dục đại học. Có thể xem khi Nghị định được ban hành sẽ tạo cơ hội và động lực cho các trường ĐH phát triển mạnh và bền vững. 

Trường ĐH nên xác định lại sứ mệnh trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi về tiến bộ khoa học công nghệ, kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế. Phân tích những cơ hội tiềm tàng về khả năng hợp tác liên ngành lựa chọn những lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của trường mình. 

Nhà nước chú ý vấn đề này để có hướng đầu tư tránh kiểu sử dụng kinh phí NCKH giàn trải, rót qua nhiều kênh khác nhau (Bộ chủ quản, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ...) cho cùng một vấn đề nghiên cứu rải rác ở các cơ sở giáo dục ĐH khác nhau. 

cai thien chat luong nghien cuu 003Cần xác định thế mạnh, nhu cầu và mối quan tâm của nhà trường để xác định mũi nhọn, trọng tâm nghiên cứu, đổi mới chương trình...

Nói cách khác, phải ứng dụng CNTT, có đủ cơ sở dữ liệu kết nối mạng để có sự điều phối hiệu quả về nguồn lực theo mục tiêu chiến lược. Các trường ĐH và cơ quan quản lý nghiên cứu chưa quan tâm ứng dụng IOT trong quản lý và trong NCKH thì chưa vội nói đến IR 4.0.

Gắn chặt giữa giảng dạy và nghiên cứu, cải thiện sự tương tác giữa giảng dạy và nghiên cứu để có được thế hệ những nhà nghiên cứu và nhân lực tốt. Xem xét cấu trúc tổ chức và quản trị nhà trường để huy động các khoa trong nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary). 

Lãnh đạo nhà trường phải là người lãnh đạo trong dạy học và NCKH theo đúng nghĩa, phát hiện đào tạo bồi dương nhân tài nghiên cứu khoa học ngay từ sớm. Đảm bảo sự ứng xử công bằng, bình đẳng giữa các quyền lực hành chính và quyền lực học thuật. Tránh để quyền lực hành chính lấn áp quyền lực học thuật để đảm bảo có đội ngũ nghiên cứu đầu ngành giỏi ở mỗi khoa mà hạn chế chuyển lên phòng ban để làm quản lý...

Cần cải thiện chính sách và chiến lược NCKH trong trường ĐH, trong đó bổ nhiệm nhân sự NCKH để lãnh đạo NCKH trong trường hoặc trưởng nhóm nghiên cứu theo năng lực sáng tạo, sự đam mê cống hiến và đóng góp của tác giả bằng các công trình mà không phải theo thâm niên hoặc theo học vị (không thật). Trẻ có tài cao thì nên dùng sớm.

Xác định thế mạnh, nhu cầu và mối quan tâm của nhà trường để xác định mũi nhọn, trọng tâm nghiên cứu, đổi mới chương trình và cải thiện hợp tác với các đối tác từ các trường, viện, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt đẩy mạnh truyền thông NCKH (sản phẩm, tiềm năng hợp tác, sự thừa nhận - recognition...) thông qua mạng hoặc qua các diễn đàn, hội thảo. Các trường như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm khá tốt công tác truyền thông NCKH.

Có chiến lược và hợp tác với doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để huy động vốn và chuyên gia, làm cho NCKH gắn với thực tế hơn. Tiền là một vấn đề quan trọng, nhưng không biết nhu cầu của xã hội thì có tiền chẳng biết làm gì hoặc làm những đề tài vô bổ, kiểu "sáng tạo lại cái bánh xe". Như vừa qua, một số nông dân ít được đào tạo chế máy móc trong nông nghiệp, lại cho thấy nhiều đề tài của chúng ta đang ở trên trời.

Đổi mới việc lựa chọn và đánh giá nghiệm thu các đề tài, đề án NCKH. Tránh dĩ hòa vi quý trong đánh giá và việc đánh giá chất lượng đề tài thiếu các tiêu chí, chỉ số chi tiết để đánh giá. Bộ GD-ĐT cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực NCKH của trường ĐH theo khuyến cáo của UNESCO (tác động của kết quả nghiên cứu, tầm quan trọng, sự bền vững, tiềm năng của NCKH).

Xây dựng một văn hóa hợp tác trong NCKH mà Việt Nam còn thiếu. Nếu thiếu đi văn hóa hợp tác thì cũng giống như các vector không cùng phương và chiều nên không "hợp lực" được, đôi khi còn triệt tiêu mất động lực của nhau. Văn hóa này đòi hỏi thói quen hợp tác, chia sẻ giá trị, chuẩn mực học thuật, kỳ vọng, thái độ cam kết, đam mê, khiêm tốn, niềm tin đối tác NCKH.

Phát huy quyền tự chủ, cần đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục ĐH, đào tạo đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đòi hỏi cán bộ giảng dạy ở trường ĐH phải luôn có kỹ năng tư duy (critical thinking), sáng tạo, thông tin, tiếng Anh và phải có sự đam mê, trái tim đầy nhiệt huyết với NCKH cộng với chế độ đãi ngộ tương xứng của nhà trường để kích thích tài năng nghiên cứu trẻ.

TS. Hoàng Ngọc Vinh(Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
(Theo Vietnamnet)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag