TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Trang bị kiến thức rác thải cho sinh viên y khoa

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng bộ tài liệu chuẩn về quản lý chất thải y tế để gửi tới tất các trường ĐH Y, Dược tham khảo làm tư liệu giảng dạy.

 Ba khó khăn lớn trong xử lý chất thải bệnh viện

Những năm gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường tại các cơ sở y tế của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là có tiến bộ song vẫn còn 3 khó khăn lớn:

Thứ nhất, kinh phí đầu tư và vận hành hệ thống xử lý chất thải bệnh viện rất cao.Thứ hai, kể cả khi có thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực có chuyên môn giỏi để vận hành hệ thống lại thiếu thốn.Thứ ba,nâng cao nhận thức về việc phân loại chất thải và thay đổi thói quen vứt rác tùy tiện của người dân là điều không dễ.

kien thuc rac thai 001Hành lang Viện Bỏng Lê Hữu Trác luôn đặt đủ các thùng rác xanh, trắng, vàng

Giải pháp tạm thời, từ năm 2016 đến nay, Đại học Y Hà Nội và Đại học Điều dưỡng Nam Định đã được lựa chọn và hỗ trợ xây dựng chương trình chi tiết tài liệu đào tạo về quản lý chất thải y tế. Các đối tượng được lựa chọn đào tạo gồm hệ đại học (bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng); hệ sau đại học (thạc sĩ quản lý bệnh viện, thạc sĩ y học dự phòng và thạc sĩ y tế công cộng); cử nhân điều dưỡng và cao đẳng điều dưỡng.

Tuy nhiên số lượng những người có kiến thức chuyên ngành về xử lý chất thải bệnh viện như vậy vẫn còn quá mỏng so với con số 14.000 cơ sở y tế trong cả nước.

Tốt nghiệp ĐH Y từ năm 2008, đã đi làm trong bệnh viện song chị Thanh Huyền không khỏi bối rối khi nghe hàng loạt câu hỏi rất “khoai”: “Chất thải giải phẫu có thể lưu giữ trong điều kiện thường tại cơ sở y tế tối đa bao lâu”? “Các loại chất thải lây nhiễm nào có thể xử lý bằng phương pháp khử khuẩn bằng vi sóng?” trong cuộc thi“Tìm hiểu về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế”.

kien thuc rac thai 002Phía trên dãy thùng rác luôn có tờ hướng dẫn để nhân viên y tế và người dân phân biệt các loại rác

Chị Huyền chia sẻ, nếu giờ được đi học lại, chị mong muốn có thêm kiến thức về lĩnh vực này, để nhiều khi không phải bối rối với chính chất thải nguy hại được thải ra từ công việc của chị hàng ngày.

Thay đổi từ người trong ngành

Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác là một trong những đơn vị đã vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải bệnh viện nhờ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải Bệnh viện (Bộ Y tế), sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Song thời gian đầu, bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn về kỹ thuật và nhân sự. Trong lần kiểm tra chất lượng đầu tiên, bệnh viện từng không đạt. Ngay sau đó, lãnh đạo Viện ngay lập tức đưa vấn đề xử lý rác thải y tế thành Nghị quyết.

Theo đó, yêu cầu toàn thể đội ngũ y bác sĩ cần phải có kiến thức phân loại chất thải rõ ràng, không được phép... quên hay nhầm lẫn.

Nhờ đó, ngay khi bắt đầu vận hành hệ thống xử lý nước thải và tiến hành các hội thảo tập huấn, Viện Bỏng đã thực sự đổi khác. Khu xử lý chất thải bốc mùi trước kia khiến ai đi qua cũng bịt mũi giờ đã thành công viên xanh.

kien thuc rac thai 003Khu xử lý nước thải “không mùi” theo công nghệ Nhật Bản tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác

Khắp các hành lang, bệnh viện đặt đầy đủ các thùng rác xanh, vàng, trắng, đen, trắng, tương ứng với 4 loại chất thải, phía trên có dán hướng dẫn cho cán bộ y tế và người dân.

Trông đợi nỗ lực từ cơ sở đào tạo

Trong 2 năm trở lại đây, Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện đã giúp đào tạo gần 7.000 cán bộ trên đủ phương diện, từ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách thuộc các ngành y tế, tài nguyên môi trường, công an, cho tới đội ngũ nhân viên vận hành hệ thống xử lý chất thải tại khắp 63 tỉnh thành.

Song song với các khóa tập huấn, 7 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cụ thể đã được biên soạn gửi tới từng địa phương.

Tuy nhiên, đào tạo cho đội ngũ đương nhiệm mới chỉ là một phần, trang bị đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này cho tất cả sinh viên ngành y mới là mục tiêu mà ngành thực sự muốn hướng tới.

kien thuc rac thai 004Khoá đào tạo về quản lý chất thải bệnh viện tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Ảnh: BVCC

Hiện tại, tài liệu chuẩn về quản lý chất thải cho nhóm đối tượng này còn thiếu, thời gian giảng dạy ít, chủ yếu lồng ghép. Do đó chính sự chủ động của các trường sẽ là yếu tố then chốt để nâng cao trình độ và thái độ của đội ngũ nhân viên y tế tương lai.

TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế cho biết, thời gian tới, bộ tài liệu đào tạo về quản lý chất thải y tế sẽ được chia sẻ tới tất cả các trường để tham khảo và làm tư liệu giảng dạy.

Ngoài ra, các phim hướng dẫn mô phỏng hình ảnh phân loại đúng chất thải y tế và các poster hướng dẫn về phân loại chất thải y tế cũng sẽ được cấp phát tới từng trường để làm giáo cụ trực quan.

Hoàng Dũng (Theo Vietnamnet)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag