TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên Mỹ thuật Văn Lang ghi dấu ấn tại giải Young Designer Awards 2018

(P.Tuyển sinh – Văn Lang, 20/12/2018Tháng 12, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp đón nhận tin vui: sinh viên ngành Thiết kế Nội thất giành giải Ba và giải Tài năng cuộc thi Young Designer Awards 2018 (Nhà thiết kế trẻ Châu Á 2018), chủ đề “Forward - Humanity In New Design Language”.

Xem thêm:

Phát động cuộc thi “Nhà thiết kế trẻ Châu Á 2018” đến SV Mỹ thuật Văn Lang

Sinh viên Văn Lang đoạt giải thưởng Thiết kế Nội thất – Kiến trúc

Như tin đã đưa, Young Designer Awards 2018 là sân chơi dành cho sinh viên Kiến trúc và Nội thất được đón nhận ở 15 quốc gia khu vực Châu Á. Tại Việt Nam, cuộc thi thu hút sinh viên nhiều trường đại học hàng đầu đào tạo lĩnh vực này: Kiến trúc Hà Nội, Xây dựng Hà Nội, Kiến trúc Tp.HCM, Bách Khoa Tp.HCM, Văn Lang, Tôn Đức Thắng,… Trong top 30 đồ án được chọn sau vòng sơ loại, 10 dự án xuất sắc nhất đã có mặt tại vòng chung kết tranh giải Nhất, Nhì, Ba và giải Tài năng công bố đầu tháng 12/2018.

dai hoc van lang nippon a2ThS. Lê Long Vĩnh – Trưởng ngành Thiết kế Nội thất là người hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án “Reply Babel” và “War Museum”.

Năm 2018, Trường Đại học Văn Lang có 10 đồ án sinh viên gửi dự thi ở mảng Nội thất. Kết quả có tới 7 đồ án được chọn, chiếm gần 1/4 tổng số bài thi được chọn vào top 30 của giải, 2 dự án được chọn vào vòng chung kết. Đặc biệt, “Reply Babel” của Phạm Thị Thùy Dương – sinh viên năm hai ngành Thiết kế Nội thất là 1 trong ba dự án xuất sắc nhất của Việt Nam tham dự vòng chung kết quốc gia. Dự án “War Medium” của Mai Chí Công và Đinh Thị Mỹ Uyên nhận giải Tài năng – Ý tưởng thiết kế màu sắc.   

dai hoc van lang nippon bThùy Dương - tác giả dự án “Reply Babel” có phần thuyết trình trình ấn tượng và hấp dẫn, chuẩn bị công phu, tương tác với khán giả và giám khảo tại vòng chung kết quốc gia, 09/12/2018, khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint (Q.1, Tp. HCM).

“Nơi bắt đầu từ những điều kết thúc”

Lấy cảm hứng từ hình ảnh ngọn hải đăng phát sáng soi đường cho những chiếc thuyền ngoài khơi trong đêm, Phạm Thị Thùy Dương – tác giả của dự án “Reply Babel”, đã thiết kế một tòa tháp - như một homestay dành cho nữ tù nhân vừa mới ra tù, là nơi để họ học nghề, tu tâm – một bước chuyển tiếp trước khi tái hòa nhập cộng đồng.

dai hoc van lang nippon c

Phòng sinh hoạt chung được thiết kế với không gian tròn tạo cảm giác quây quần ấm cúng. Không gian phòng học, ngoài công năng của một lớp học, còn đáp ứng nhiều chức năng khác như tổ chức hội thảo hướng nghiệp, tổ chức tiệc. Giữa gian phòng có cầu thang lớn, lấy sáng từ giếng trời, đem đến năng lượng, sức sống tràn đầy cho những con người sống trong tòa tháp. Không gian thiền được đặt ở vị trí cao nhất của tòa nhà, không khí thoáng mát, cảnh sắc bình yên thích hợp để tịnh tâm và nhìn lại bản thân. Gam màu xanh chủ đạo tạo cảm giác mát mẻ, sự chuyển dịch màu từ tối sang sáng thể hiện tinh thần hướng về phía trước, là sự nỗ lực của các nữ tù nhân.

Reply Babel sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường là tre, nứa, gỗ, mang đến cảm giác mộc mạc bình yên. Ánh sáng là điểm mấu chốt để xây dựng tòa tháp với lớp vỏ kiến trúc bằng kính tận dụng tối đa nguồn ánh sáng mặt trời, giúp nới rộng không gian, tạo cảm giác thoáng cho những nữ tù nhân đã sống quá lâu tại những buồng giam tối tăm, ngột ngạt. Đây sẽ là chốn ở lý tưởng cho những người tái hòa nhập cộng đồng, nơi không có những ánh nhìn soi mói, những lời miệt thị, những cái lắc đầu từ chối quá khứ “không hoàn mỹ” của họ.

“Reply Babel” không chỉ là nơi để ở, mà còn là trường học nghề để có thể tìm việc làm cho tương lai. Họ được tích lũy kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết các vấn đề thông qua thực hành các hoạt động về du lịch, khách sạn; bổ túc kiến thức, trau dồi Anh văn để tái hòa hợp cộng đồng tốt hơn. Nơi này sẽ như một gia đình để họ cùng nhau chia sẻ, động viên nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp; đồng thời là cầu nối, mở rộng mối quan hệ với thế giới bên ngoài.

dai hoc van lang nippon gBan Giám khảo đánh giá cao ý tưởng của Thùy Dương, và có nhiều đóng góp cho dự án về mặt công năng sử dụng để dự án hoàn thiện hơn.

Không chỉ tạo ra một không gian để con người có thể sống một cách thực sự, tác giả gửi lời kêu gọi tới cộng đồng: “Hãy mở cho họ một cánh cửa để dẫn tới ánh sáng. Hãy bắt đầu thay đổi nhận thức, và dùng ánh sáng nhân văn soi rọi đến tận cùng nỗi đau, khoan dung hơn với những con người đã phạm sai lầm trong quá khứ, bởi bản thân họ đang hối cải từng ngày. Chỉ có như thế mới kết thúc được vòng tròn luẩn quẩn: sự tiếp diễn, sự tái phạm của tù nhân ngày càng tăng cao như thực trạng hiện nay. “Reply” với ý nghĩa là lời hồi đáp lại những tiếng kêu cứu của những số phận lầm lạc trong quá khứ khi họ muốn tái hòa nhập với cộng đồng. Thông điệp “End or start?” - nơi bắt đầu từ những điều kết thúc” có ý nghĩa như thế.

Thùy Dương cho biết: “Em rất vui khi tham gia cuộc thi. Em có cơ hội chia sẻ ý tưởng và nhận những lời nhận xét giá trị từ các chuyên gia đầu ngành. Nhiều thầy cô, bạn bè, anh chị thấy tiếc cho em em được giả ba, vì dự án của em rất có triển vọng, có thể đi xa hơn. Ban tổ chức cũng đánh giá rất cao ý tưởng của em. Nhưng lần đầu làm đồ án, lần đầu tham gia một cuộc thi lớn, với kiến thức của em, như thế đã là một khởi đầu thuận lợi. Bản thân em cũng nhận được rất nhiều góp ý về chuyên môn. Đây là đồ án đầu tiên em, kết quả này là một dấu mốc quan trọng. Nó khẳng định em đang đi đúng hướng và giúp em thêm niềm tin và đam mê với nghề, để thực hiện được ước mơ trở thành nhà thiết kế nội thất tương lai. Học Thiết kế Nội thất Văn Lang là một quyết định đúng đắn. Văn Lang đã cho em một môi trường học tập tuyệt vời. "                       

dai hoc van lang nippon h“Reply Babel” – giành giải Ba chung cuộc. Ông Ee Soon Hean - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam trao giải cho Thùy Dương tại vòng chung kết quốc gia, 09/12/2018

 

“Hãy ngừng chiến tranh!”

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là nơi tái hiện những ký ức đau thương, mất mát của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bài dự thi “War Museum” của sinh viên Đinh Thị Mỹ Uyên và Mai Chí Công – năm thứ Ba ngành Thiết kế Nội thất thực hiện với mong muốn “bảo tàng chỉ là không gian lưu giữ hiện vật chiến tranh của Việt Nam, mà còn là nơi kêu gọi hòa bình cho thế giới”.

dai hoc van lang nippon i“Màu cam – màu của sự cảnh báo, cũng chính là màu sắc thật của chất độc màu da cam (Đioxin) đã làm chết hàng ngàn km rừng dọc khu vực chiến tranh, để lại những di chứng trên con người – nỗi đau vẫn đang âm ỉ của hàng vạn gia đình hôm nay mặc dù chiến tranh đã lùi xa vài thập kỷ”.

Dự án đã tổ chức lại không gian của Bảo tàng, trang trí lại nội thất bên trong với cách sử dụng màu sắc, ánh sáng, kết hợp sử dụng tư liệu… Khi tham quan, người xem có thể cảm nhận được về nỗi đau, tội ác do chiến tranh gây ra một cách chân thật nhất bằng tất cả giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác…

Cam, đỏ, đen, xanh là bốn gam màu chủ đạo được sử dụng luân phiên trong suốt công trình nhằm tạo ấn tượng thị giác, và là những tín hiệu cảnh báo. Đó có thể là không gian bị nhuốm màu đỏ rực của khỏi lửa và bom đạn, qua sự tái hiện không khí tang thương chết chóc của thành đồng Quảng Trị khi Mỹ rải xuống 328 tấn bom đạn. Những khu rừng bị tàn phá, chết chóc kéo dài hàng ngàn km dọc tuyến đường Trường Sơn; sự lồi lõm như những khối u dị dạng mà các nạn nhân chất độc màu da cam đã phải gánh chịu…, di hại của chất độc màu da cam. Không gian tái hiện thật cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của quân dân ta tại Địa đạo Củ Chi - một di tích lịch sử cách mạng và cũng là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện tài trí, sự khéo léo của người Việt Nam.

 

Màu sắc là một trong những tiêu chí chấm điểm quan trọng của cuộc thi Young Designer Awards 2018. War Museum đã thể hiện được khả năng kết hợp màu sắc hài hòa trong thiết kế, tạo điểm nhấn cho công trình, bộc lộ sự sáng tạo trong sử dụng màu. Ban tổ chức đánh giá cao về cách sử dụng màu sắc:Sử dụng hiệu quả ánh sáng như là một nét đặc trưng để làm nổi bật những hiện vật trưng bày; Sự phân chia ranh giới của khu triển lãm với những màu sắc khác nhau như là một dấu hiệu chỉ dẫn hiệu quả; Ánh sáng với những màu sắc khác nhau được sử dụng dường như là một ý tưởng thông minh khi viện bảo tàng chiến tranh tương đối tối. Ánh sáng được tập trung vào các hiện vật”.

“Mọi người đều có quyền được sống. Quyền được hạnh phúc. Hãy ngừng chiến tranh” là thông điệp War Museum mong muốn lan tỏa. Từ thông điệp trên, hai nhà thiết kế nội thất tương lai muốn nêu cao khẩu hiệu “Chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình” và kêu gọi “các quốc gia thế giới hãy đoàn kết lại”.

dai hoc van lang nippon xMai Chí Công và Đinh Thị Mỹ Duyên nhận giải Tài năng tại đêm chung kết quốc gia, 09/12/18

Ngoài “Reply Babel”, “War Museum”, Văn Lang còn có 5 dự án lọt vào top 30. Tất cả đều được trưng bày tại vòng chung kết quốc gia. Theo Ban tổ chức, bài dự thi của sinh viên Văn Lang có chất lượng khá tốt, vừa đáp ứng yêu cầu về các yếu tố chất liệu, ánh sáng, màu sắc, vừa thể hiện tâm hồn của một nhà thiết kế nội thất tương lai hướng đến cộng đồng và cái nhìn trách nhiệm với cuộc sống, tinh thần nhân văn: sự quan tâm đến những đối tượng kém may mắn trong xã hội, đưa ra giải pháp cải thiện cuộc sống, duy trì và tôn trọng bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống.

Với thành tích này, một lần nữa, chúc mừng thầy và trò khoa Mỹ thuật Công nghiệp đã ghi thêm dấu ấn của mình trong sân chơi chuyên nghiệp Young Designer Awards 2018.

Các nhóm sinh viên ngành Thiết kế Nội thất Văn Lang vào top 30 đồ án Young Designer Awards 2018:
1. “Giá trị di sản văn hóa kiến trúc đặc trưng ở Sài Gòn Việt Nam LAMBRETTA” - Phương Hòa Lộc – năm tư;
2. “Coral Reefs Kindergaten” - Nguyễn Bảo Phi và Võ Thị Thu Thảo - năm tư;
3. “Viện Coffee” - Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Thái Hoàng – năm tư;
4. “Khát vọng mầm xanh” - Nguyễn Diễm Ngọc – năm tư;
5. “Ernest Cocochinchine” - Lưu Vĩnh Phát – năm tư.

Nguyễn Liên tổng hợp

Hình ảnh: Lê Vương


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag