TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Bộ môn Lý luận chính trị Văn Lang: Hành trình về với hồn thiêng sông núi

(P.TS&TT – Văn Lang, 10/8/2019) - Từ ngày 22/5 đến 29/5/2019, các giảng viên bộ môn Lý luận chính trị - Khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Văn Lang đã có hành trình thực tế về nguồn tham quan các di tích lịch sử ở Đông – Tây Bắc. Chuyến đi là hành trình trải nghiệm quý để tập thể giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020.

Đáp chuyến bay tại sân bay Nội Bài vào lúc 8g sáng, Hà Nội đón chúng tôi bằng cơn mưa rào ngày hạ. Đoàn tôi sẵn sàng cho một chuyến đi dài về với hồn thiêng sông núi.

Điểm di tích đầu tiên mà chúng tôi đến là nhà tù Sơn La. Vào những năm 1930-1945, đây được coi là “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm 1.007 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam.

001Đoàn giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị Trường Đại học Văn Lang tại Khu Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng kiên cố năm 1908 trên ngọn đồi Khau Cả bên suối Nậm La với diện tích ban đầu là 500m2 (thuộc trung tâm thành phố Sơn La hiện nay). Nhà tù được xây dựng chủ yếu bằng đá, gạch, mái lợp tôn, không có trần. Giường nằm cho tù nhân cũng được xây dựng bằng đá, láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn.

002Nhà tù Sơn La

Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản.

Chúng tôi được giới thiệu rằng khác với các nhà tù khác, nơi đây chủ yếu là tra tấn về mặt tinh thần. Vậy mà tận mắt nhìn thấy xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai gian, trại ba gian, những phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2m2 cùng hàng trăm hiện vật: còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn … chúng tôi bỗng thấy rợn người. Đây là những thứ mà thực dân Pháp đã sử dụng để tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Cái giá của độc lập, tự do là máu, là kìm kẹp, đòn roi mà cha ông phải gánh chịu là thế đấy.

003Nhà tù Sơn La và cây đào Tô Hiệu

Thực dân Pháp muốn biến nhà tù thành nơi đè bẹp ý chí đấu tranh cách mạng. Thế nhưng, sự hà khắc, tàn ác của thực dân Pháp không làm nhụt chí của các chiến sỹ, trái lại chính nơi ngục tù tăm tối này đã trở thành một trường học, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản như: đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng ...

Khi đứng dưới cây đào Tô Hiệu, chúng tôi nhìn khoảng trời xanh, nghĩ về cái mầm xanh nơi gian ngục tối tăm mà người chiến sỹ trung kiên năm xưa đã nâng niu để rồi nuôi dưỡng, vun trồng. Cây đào Tô Hiệu mãi mãi là biểu tượng cho ý chí, sức mạnh quật cường của dân tộc ta.

Chúng tôi rời khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La trong nhiều cảm xúc khó tả và trân quý hơn những giá trị mà các thế hệ cha ông đã hy sinh để tạo dựng – nền độc lập, tự do, hoà bình của Tổ quốc.

Vui mừng chào đón Đoàn về với Điện Biên anh hùng”! – lời của cô thuyết minh cứ ngân mãi trong tôi. Điện Biên Phủ - hẳn nhiều người đã nghe và từng nói nhiều về nơi có chiến thắng "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu". Thế nhưng, khi đặt chân lên mảnh đất này, gặp những con người nơi đây chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc niềm tự hào về một miền đất đã đi vào trang sử chói lọi của dân tộc mình.

004Tượng đài Quyết chiến Quyết thắng - Điện Biên Phủ.

Điện Biên, một vùng núi rợp trời hoa ban trắng khi xuân về, với cánh đồng Mường Thanh, dòng sông Nậm Rốm và các chứng tích thời bom đạn. Điện Biên Phủ là một minh chứng hùng hồn về sự phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh đó được hun đúc qua những năm, tháng của cuộc chiến tranh đã được Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh dẫn đường chỉ lối, tạo thành một khối vững chắc để đập tan chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt nam, góp phần quan trọng làm tan rã chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Về Điện Biên hôm nay không dễ để hình dung được đây từng là chiến trường bởi cánh đồng Mường Thanh năm xưa chỉ còn một phần, nay đã là thành phố sầm uất. Phải đến khi lên đồi A1 - vị trí quan trọng nhất trong dãy đồi phía Đông bảo vệ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tôi mới phần nào mường tượng được.

005Đồi A1 và cánh đồng Mường Thanh ngày nay

Đứng trên điểm cao nhất của đồi A1 có thể bao quát được toàn bộ lòng chảo Điện Biên. Do vị trí đặc biệt quan trọng này, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành cứ điểm mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật, bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Đồng thời Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng.

 Đây là nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng mét giao thông hào; cứ điểm đánh ác liệt nhất và kéo dài nhất có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, quân ta đã bí mật đào liên tục trong hơn 2 tuần một đường hầm từ ngoài hàng rào dây thép gai vào sát hầm ngầm của Pháp để đặt một lượng thuốc nổ gần 1 tấn nhằm công phá hầm chỉ huy cứ điểm A1 của Pháp. Rạng sáng ngày 07/5/1954, quân ta đã hoàn toàn chiếm lĩnh đồi A1 và chỉ hơn 12 giờ sau đó toàn thể quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng xin hàng.

Bước trên đồi A1 mà chúng tôi lại nghĩ hoài mấy câu thơ về miền đất Quảng Trị:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. (Lê Bá Dương)

006Đồi A1 và Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1

Ai bước lên đồi A1, xin nhẹ chân. Các chú, các anh đã hòa vào hồn thiêng sông núi. Cây phượng vĩ trên đỉnh đồi cháy rực ngày tháng 5 lịch sử như dòng máu thanh xuân của lớp lớp cha anh tô thắm cho mảnh đất này.

Chúng tôi còn được đến thăm khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, cách thành phố Ðiện Biên Phủ gần 40km, bên cạnh khu du lịch sinh thái hồ Pa Khoang. Đây là một hệ thống liên hoàn những lán làm việc của các cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong đó có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công trình vĩ đại nhất tại Mường Phăng chính là đường hầm xuyên sơn nối hai lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm dài 69m, đào xuyên qua đồi để tránh bom và đạn, pháo. Những bậc tam cấp dẫn lên miệng hầm (cũng là lán của Đại tướng) nay từng dòng người vẫn về thăm, tưởng nhớ vị đại tướng lỗi lạc đã cùng với quân dân làm nên Điện Biên anh hùng.

007Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng

Không có nhiều thời gian để ở lại lâu hơn, chia tay Điện Biên, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình về Cao Bằng - nơi gần 80 năm trước Bác Hồ kính yêu chạm cột mốc 108 để trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba.

Thăm hang Cốc Bó (thuộc Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nơi Bác ở (từ ngày 8-2 đến cuối tháng 3-1941), chúng tôi càng thấy trân trọng, cảm phục nghị lực, nhân cách lớn của Người. Pác Bó theo tiếng địa phương có nghĩa là ‘‘đầu nguồn’’, Pác Bó cũng là ‘‘đầu nguồn’’ của Cách mạng Việt Nam.

008Hang Cốc Bó và núi Các Mác – Suối Lênin

Hang Cốc Bó nhỏ bé, ẩm thấp và lạnh lẽo, nằm sâu trong khe núi, có chiều cao trên 7m. Năm xưa, tại hang này, chỗ ngủ của Người là tấm ván đơn sơ, không chiếu, không chăn trong hang sâu mùa giá băng miền sơn cước.

009Bếp lửa Bác dùng đun nấu và sưởi ấm và chiếc giường Bác ngủ nơi hang Cốc Bó

Chúng tôi thăm hòn đá Người kê làm bếp nấu cơm, cây ổi Người hái lá đun nước uống thay chè, chỗ Người thường ngồi câu cá sau mỗi giờ làm việc, chiếc bàn đá nhỏ bé chỉ đủ kê một chiếc máy chữ Người ngồi “dịch sử Đảng” Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng.

010Địa điểm cây ổi, nơi Bác ngồi câu cá

Người Cha già của dân tộc, người đã dẫn dắt nhân dân ta thoát khỏi ách nô lệ lầm than đã sống ở một nơi đơn sơ, mộc mạc đến nhường này.

“Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/ Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/ Ai hay ngọn lửa trong hang núi/ Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau!”. (Theo chân Bác – Tố Hữu)

Khu Di tích đặc biệt Pác Bó cũng là điểm đầu, nơi đặt “Km 0” của con đường huyết mạch và lịch sử - Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam, đi qua 30 tỉnh, thành phố, nối thông đến Đất Mũi (Cà Mau).

Nói lời tạm biệt với Cao Bằng, nhưng trong chúng tôi ai cũng thầm nghĩ một ngày nào đó sẽ trở lại nơi này để cảm nhận nhiều hơn, nhiều hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, sự quyết tâm mãnh liệt của Hồ Chí Minh – người con đất Việt, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.

Đoàn chúng tôi về ATK Định Hóa là một khu di tích rộng lớn, là vùng lõi của chiến khu Việt Bắc, nằm ở cực Bắc của tỉnh Thái Nguyên, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. An toàn khu Trung ương Định Hoá nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ) để xây dựng các cơ quan chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến. Cũng như hang Cốc Bó (Cao Bằng), đây là nơi “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái” như ý Bác. 

011

012Khu nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh

Nơi đây còn là Phủ Chủ tịch đầu tiên, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 - 1954.

Cùng với Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Nơi đây có 128 điểm di tích ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc. Ngày 20/5/1947, Bác cùng 8 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc lên đây chọn đồi Khau Tý là điểm để xây dựng “Phủ Chủ tịch đầu tiên”, nơi Bác hoàn thành cuốn Sửa đổi lối làm việc với bút danh XYZ …

Đoàn chúng tôi đến lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo xanh ngát tre, vầu, cọ, thăm Nhà trưng bày- Bảo tàng ATK Định Hóa, với tổ hợp 380 hiện vật và ảnh tư liệu, sa bàn, tái hiện không gian “Thủ đô Kháng chiến”, thăm cây đa Khuôn Tát, nơi Bác Hồ cùng anh, em bảo vệ chơi bóng chuyền, tập võ ngày nào. Về với “Thủ đô gió ngàn” năm xưa, chúng tôi thăm đình Tân Trào, đèo De, núi Hồng, “quán Ông già”, đồi Phong Tướng, rừng cọ, đồi chè, nhà sàn, giao lưu với bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao,… Đâu đâu cũng gặp những con người hiền hòa, chân chất.

013Đoàn giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị tại Khu di tích Tỉn Keo

Bước lên 79 bậc thang (tượng trưng 79 mùa xuân của Bác), chúng tôi tới lán Nà Nưa, thăm nơi ở và làm việc của Người giữa núi rừng Việt Bắc trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, thắp nén nhang tưởng niệm vị cha già kính yêu của dân tộc.

014Đoàn giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị tại Khu di tích Lán Nà Nưa 

Căn lán đơn sơ, mái lá, vách nứa, sạp tre, vậy mà chính nơi “vượn hú chim kêu suốt cả ngày” này Bác đã có 92 ngày đêm với điều kiện sống đơn sơ để cho ra đời nhiều quyết sách mang ý nghĩa sống còn cho dân tộc.

Ở giữa rừng rậm âm u, lại thêm thức đêm nhiều, ăn uống đạm bạc (chủ yếu chỉ măng rừng luộc chấm muối, nước trà thay canh) đã khiến sức lực Bác gần như cạn kiệt. Và đã có lần Bác ốm rất nặng tưởng chừng không qua khỏi. Lần tỉnh lại sau cơn sốt kéo dài, Bác đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”. Lời căn dặn như một mệnh lệnh, một quyết sách, quyết tâm sôi sục dẫn đắt cách mạng Việt Nam trong những năm tháng gian nan nhất.

Cũng đến ngày chúng tôi chia tay Đông, Tây Bắc trong niềm lưu luyến. Tây Bắc, Đông Bắc – cái tên yêu thương trong suốt chuyến hành trình của chúng tôi. Nơi đây, những người con trai, con gái đã dành cả thanh xuân cho Tổ quốc. Nơi đây, hội tụ những người con yêu nước, hy sinh cuộc đời mình cho cách mạng Việt Nam. Nơi đây, đầu nguồn cách mạng, lưu dấu ấn vị Cha già của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, hồn thiêng sông núi mãi hát khúc ân tình thủy chung. Hẹn một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại nơi này – miền biên cương mến yêu!

Nguyễn Thị Quỳnh – Bộ môn Lý luận Chính trị
Ảnh: tập thể giảng viên Bộ môn LLCT cung cấp


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag