TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

AUF tổ chức tư vấn hướng nghiệp định vị bản thân cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang

(P.TS&TT – Văn Lang, 29/9/2019) - Ngày 28/9/2019, Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang tổ chức các chuyên đề tư vấn hướng nghiệp, định vị bản thân, truyền cảm hứng và đạo đức nghề nghiệp, tập huấn kỹ năng ứng tuyển cho sinh viên.

Chương trình tư vấn gồm 2 chuyên đề: “Định vị bản thân, truyền cảm hứng và đạo đức nghề nghiệp” (phiên buổi sáng) và “Nâng cao Kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn và viết hồ sơ tuyển dụng” (phiên buổi chiều). Đây là một trong những hoạt động tiếp theo của Đề án ứng tuyển Dự án AUF 2018 của Trường Đại học Văn Lang mang tên “Tăng cường sự “tương tác đa chiều chuyên nghiệp” thông qua đối thoại Trường Đại học Văn Lang – các doanh nghiệp”, nhằm xây dựng một mô hình đối thoại mới “tương tác” với các đối tác (có yếu tố nước ngoài); “đa chiều” trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tự nhiên, xã hội; “chuyên nghiệp” trước đòi hỏi của thị trường lao động và đem lại hiệu quả cao; kỳ vọng giúp sinh viên cải thiện nội lực bản thân, điều chỉnh và bổ sung kỹ năng cần thiết trong quá trình đào tạo.

Tham dự chuyên đề tư vấn hướng nghiệp trong buổi sáng, PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, phát biểu khai mạc: "Chương trình này là hoạt động kế tiếp, dựa trên kết quả của Hội thảo "Đối thoại doanh nghiệp - tương tác đa chiều chuyên nghiệp" mà Trường Đại học Văn Lang tổ chức ngày 27/8/2019, trong đó đưa ra một số vấn đề cần triển khai sớm để hỗ trợ sinh viên. Nhà trường luôn mong muốn sinh viên tự tin tìm được việc làm đúng với chuyện ngành sau khi ra trường. Hơn thế nữa, các bạn có thể tìm được việc làm mà mình yêu thích với mức lương cao; các bạn có thể tự tin khẳng định mình là người mà các nhà tuyển dụng tìm đến chứ không cần phải đi xin việc. Đó là cả một quá trình nỗ lực rất lớn. Chính vì vậy, Trường Văn Lang mong muốn bằng kiến thức, chia sẻ và hướng dẫn của người đi trước, của thầy cô và những chuyên gia, các bạn có thể đẩy nhanh hành trình của mình. Hãy thử và sai, hãy trải nghiệm để cuối cùng đúc kết con đường mà mình sẽ đi".

AUF 0Với chuyên đề tư vấn ngày hôm nay, cô mong muốn các bạn học cách học, học làm sao để "You are the world leader". Đại học là thời gian mà các bạn có thể trải nghiệm nhiều thứ và đừng để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Cô hy vọng sau buổi tư vấn hôm nay, các bạn xác định được sẽ làm gì và trở thành con người như thế nào trong tương lai.” - PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang) nhắn nhủ sinh viên.

 Chuyên đề "Định vị bản thân, truyền cảm hứng và đạo đức nghề nghiệp"

Với chuyên đề này, sinh viên Văn Lang được gặp các diễn giả: bà Lê Thị Hồng Ánh - Giám đốc Nhân sự Công ty Novartis Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Nga - Giám đốc Đào tạo Công ty TNHH Công nghiệp Leanwares, trong đó bà Lê Thị Hồng Ánh là cựu sinh viên khóa 1 Trường Đại học Văn Lang. Hơn 50 sinh viên đã tham dự buổi tập huấn, các bạn đến từ nhiều khoa và các khóa khác nhau, có bạn chỉ vừa là sinh viên năm nhất nhưng cũng có bạn là sinh viên năm 3,năm 4 của Khoa Du lịch, Khoa Kỹ thuật, Khoa Xây dựng, Khoa Kiến trúc, Khoa Quan hệ Công chúng Truyền thông và Nghệ thuật, Khoa Tài chính Ngân hàng, Khoa Kế toán, Khoa Kinh doanh Thương mại, Khoa Công nghệ Thông tin,...

AUF 2Là cựu sinh viên khóa 1 ngành Tài chính Kế toán của Trường Đại học Văn Lang, bà Lê Thị Hồng Ánh - Giám đốc Nhân sự Công ty Novartis Việt Nam tham dự Hội thảo để chia sẻ với các thế hệ đàn em: Định vị bản thân là gì? Tại sao phải định vị bản thân?,...

Câu hỏi của diễn giả khiến các bạn sinh viên nhìn lại bản thân và đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau, có bạn nói rằng: định vị bản thân là biết rõ bản thân có điểm mạnh, điểm yếu gì để mình có thể sử dụng nó cho công việc tương lai; hay một bạn nữ năm 2 Khoa Quản trị Kinh doanh thì nói rằng: Định vị bản thân là xác định mình muốn làm gì trong tương lai và mình có thích hợp với điều đó không…

Cùng thảo luận, diễn giả và sinh viên đi đến thông nhất: định vị bản thân là tạo thương hiệu cá nhân của chính bạn, cho người khác thấy giá trị của bạn bằng cách tạo sự khác biệt. Đó cũng là cách mà bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, khiến nhà tuyển dụng chú ý và từ đó, giúp bạn có cơ hội việc làm tốt hơn.

AUF 3 1Nói về điểm yếu và điểm mạnh của bản thân, bà Lê Thị Hồng Ánh chia sẻ: Hãy vượt qua nỗi sợ của bạn. Nếu bạn đầu hàng trước điểm yếu, nỗi sợ sẽ mãi đi theo; bạn sẽ không bao giờ vượt qua được. Bằng cách nhìn vào điểm yếu của mình và tìm cách khắc phục, bạn sẽ càng hoàn thiện và phát triển hơn, tin và yêu bản thân hơn. Những chia sẻ của bà Lê Thị Hồng Ánh làm rất nhiều sinh viên có mặt tại buổi tư vấn lắng lại, dường như các bạn cũng đang tự hỏi chính mình như vậy.

Diễn giả thứ hai, bà Nguyễn Thanh Nga - Giám đốc Đào tạo Công ty TNHH Công nghiệp Leanwares - lại chia sẻ với sinh viên Trường Đại học Văn Lang về những bài học thất bại. Thành công nào cũng có thất bại, chính những bài học từ thất bại mới khiến bạn mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Với diễn giả Nguyễn Thanh Nga, thất bại là điều mà bà quá quen thuộc, đã tôi luyện bản thân thành con người hôm nay. Như những người bạn với nhau, bà nói về những ngày thất nghiệp khi vừa ra trường, về lý do thất nghiệp, quá trình đi tìm lại lý tưởng – định vị lại bản thân,...

AUF 4Bà Nguyễn Thanh Nga - Giám đốc Đào tạo Công ty TNHH Công nghiệp Leanwares hướng dẫn sinh viên Văn Lang cách truyền cảm hứng, tán thưởng người khác và tạo năng lượng cho bản thân với phương pháp vỗ tay và thư giãn cơ thể.

Nói về Đạo đức nghề nghiệp, diễn giả Nguyễn Thanh Nga nhận định: “Ai cũng có ước mơ và khi ước mơ đó thành hiện thực,  cảm giác rất “đã”, rất sung sướng. Nhưng khi đứng trên đỉnh ước mơ, các bạn cần sáng suốt và tỉnh táo để ước mơ ấy không bị biến chất, bị tha hóa.”

Cách đặt vấn đề làm các bạn sinh viên băn khoăn, trăn trở: Làm thế nào vẫn giữ được ước mơ của mình mà không bị tha hóa? – “Hãy tận hưởng hết mình trong hiện tại, sống hết mình cho ước mơ cho ngày hôm nay, hạnh phúc trong từng giây phút mà bạn trải qua - thế là đủ.” - đó là câu trả lời của diễn giả.

Tập huấn nâng cao kỹ năng phỏng vấn và viết hồ sơ ứng tuyển

AUF 5Buổi tập huấn "Nâng cao kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn và viết hồ sơ tuyển dụng" được tổ chức tại Phòng 11.4 - Tòa nhà A - Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang, với hơn 100 sinh viên đến từ Khoa Du lịch, Kỹ thuật, Xây dựng, Kiến trúc, Quan hệ Công chúng truyển thông và nghệ thuật, Tài chính Kế toán, Xã hội & Nhân văn, Kinh doanh Thương mại, Công nghệ Thông tin,… tham gia.

AUF 6Diễn giả đầu tiên trao đổi kinh nghiệm với sinh viên Văn Lang là bà Trương An, Giám đốc tuyển dụng Công ty tư vấn nhân sự RGF. Qua trò chơi truyền thông tin qua cử chỉ để khởi động chương trình, bà Trương An gợi mở cho các bạn sinh viên cách giao tiếp giữa người với người.

Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, những cử chỉ và hành động nào là nên và không nên làm, ví như bạn có thể than vãn, buồn phiền với bạn bè nhưng không nên kể lể câu chuyện ấy với đồng nghiệp hoặc sếp của mình... Bằng kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài và các công ty đa quốc gia, bà Trương An đã có những lời khuyên rất hữu ích cho sinh viên về kỹ năng giao tiếp trong môi trường làm việc.

AUF 9Khi phỏng vấn ứng tuyển, sinh viên cũng cần chuẩn bị rất nhiều kỹ năng. Bà Trương An tư vấn: Cuộc phỏng vấn bắt đầu ngay từ khi bạn bước chân đến công ty/doanh nghiệp phỏng vấn, vì vậy bạn phải chuẩn bị thật tốt từ hình thức, phong thái đến cách nói chuyện, trả lời trước, trong và sau cuộc phỏng vấn.

Những câu chuyện trải nghiệm thực tế của diễn giả làm cho buổi tập huấn sinh động và chân thật. Bà Trương An còn hướng dẫn khá chi tiết cách để sinh viên Văn Lang viết CV hấp dẫn nhà tuyển dụng. Bà nhấn mạnh: không nên nói dối trong CV, hãy chân thật và thẳng thắn, trang bị kỹ năng mềm, tự tin và tạo thương hiệu cá nhân trước nhà tuyển dụng.

AUF 8Ở phần Kỹ năng phỏng vấn xin học bổng du học, chị Nguyễn Thu Uyên, Giám đốc Công ty tư vấn du học AKI group cung cấp rất nhiều thông tin học bổng du học các nước cho sinh viên Văn Lang.

Trước khi kết thúc chương trình, bà Trương An cởi mở: “Các bạn cần xác định bản thân muốn gì và thay đổi tư duy. Trong thời buổi 4.0 này, các công việc chân tay sẽ bị đào thải. Nếu các bạn không biết bản thân muốn gì, không có sự hiểu biết về công việc mình muốn làm, khả năng của mình ở đâu, bản thân mình cần học thêm gì thì các bạn không có việc làm vững chắc. Hãy làm một bài tập về cuộc đời mình, hãy tự hỏi tôi là ai? Tôi muốn gì? Trong bao lâu tôi sẽ đạt điều mong muốn. Đi du học cũng vậy: đi du học để làm gì? Hãy xài tiền một cách thông minh. Xin đừng vật vờ và sống như những Zombie, hãy có kế hoạch cho cuộc đời mình”.

AUF 10

Chia sẻ sau buổi tham gia chương trình, bạn Nguyễn Việt Anh - năm tư Khoa Kiến trúc (ảnh bên, thứ 3 từ phải sang) tâm sự: “Em được nghe chia sẻ về sự thành công. Sự thành công không nhất thiết là về tiền bạc, danh tiếng, mà đôi khi chỉ cần hạnh phúc trong gia đình hoặc hài lòng với kiến thức mà mình học được. Em biết cách định vị bản thân, cách tự vấn chính mình muốn gì, đang ở vị trí nào và nên làm gì để đạt được ước mơ trong mục tiêu của mình. Nhờ các diễn giả và thầy cô mà em biết thêm cách giao tiếp trong môi trường công việc, làm thế nào gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, cách đối xử giữa đồng nghiệp với nhau,… Em cám ơn nhà trường đã tổ chức một buổi học bổ ích và thú vị cho chúng em”.

Giai đoạn 3 của Đề án "Tăng cường sự tương tác đa chiều chuyên nghiệp” thông qua đối thoại Trường Đại học Văn Lang – các doanh nghiệp" do Trường Đại học Văn Lang chủ trì với sự bảo trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF sẽ sớm diễn ra trong tháng 11/2019 với trọng tâm là Hội chợ việc làm doanh nghiệp cho sinh viên.

Ngân Trần
Ảnh: Lee Minh Phương

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag