TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên Hà thành: Trà đá ký sự

Nếu giới trẻ Sài thành lắng mình trong giọt café đắng, sinh viên thành Vinh mơ màng trong hương vị chè xanh, thì sinh viên Hà thành lại nhâm nhi thời gian bên ly trà đá, trà nóng với 1001 chuyện thường ngày.

1000 đồng cho một kho tàng chuyện

Kí túc xá Mễ Trì đêm cuối tuần đông nghịt người. Cả không gian vườn rộng hơn 20m2 được xếp ngay ngắn bởi những dãy bàn ghế nhỏ xinh.

Không ăn mặc sang trọng, sành điệu như ở các quán cafe wifi. Không lung linh huyền ảo như ở những quán đèn mờ khác. Không dành cho thiếu gia lắm tiền ưa quậy hay các cặp uyên ương ngồi thủ thỉ bên nhau. Họ đến đây mang theo một tâm trạng chung: giải stress cuối tuần.

Câu chuyện của họ được khơi nguồn từ cốc trà đá (mùa hè) hoặc ly trà nóng (mùa đông) với giá 1000 đồng, sang trọng hơn một chút là có đĩa hạt dưa 3000 đồng. Ba canteen, với gần 100 bộ bàn ghế.

Chiều tối nào cũng đông người ngồi uống trà. Ngày thường chủ yếu là sinh viên Nhân văn và Tự nhiên. Ngày cuối tuần có thêm sinh viên các trường bạn đến đây tụ họp.

tra da 001Một quán trà đá vỉa hè trên phố Hàng Vải, Hà Nội.Ảnh: Quang Anh

Tâm sự chuyện công việc, tình bạn, tình yêu. Bàn luận chuyện tình hình xã hội và thế giới… Tổng hợp “thời sự” trong mọi lĩnh vực của đời sống được “đóng khung” trong ly trà 1000đ.

Có những sinh viên đã ra trường đang lang thang tìm việc, đến sinh nhật không có tiền tổ chức, lũ bạn kéo nhau góp mỗi người 5000 đồng đến đây uống trà để hát bài Happy Birthday. Sinh nhật không hoa, không quà, chỉ có trà đá, hạt dưa và những câu chuyện được thi nhau kể cười đến vỡ bụng.

Có người khách lạ sau 20 năm quay lại thăm kí túc xá, đi chiếc xe láng cóng, gọi một cốc trà đá ngồi uống chỉ để ôn lại kỉ niệm xưa. Thấy lũ sinh viên bây giờ vui và mộc mạc quá, anh nhờ chủ quán mời dùm họ một đĩa dưa hấu, nhưng rút cuộc đĩa dưa vẫn nguyên vẹn cho đến khi anh nói lời “nỉ hảo”. Anh bảo: 20 năm qua, đêm nay anh mới được tận hưởng phút giây "thả lỏng tinh thần” bên câu chuyên cười của các em.

Thế mà, canteen Mễ Trì vẫn không địch được với các quán cóc ở trường ĐH Nông nghiệp I. Các chủ quán ở đây thi nhau mở quán chỉ để bán trà đá (nóng) và nhân trần, có thêm một số loại kẹo để làm mồi và cái điếu cày cho hợp với mác trường Nông nghiệp.

Ở đây, một cốc trà chỉ giá 500 đồng, trưa cũng như chiều, lúc nào cũng đông khách. “Ngoại thành ít quán cafe, trà đá nhiều và rẻ, lại thoải mái nói chuyện, đọc truyện và làm việc, lại đậm chất sinh viên. Buồn ra ngồi uống trà là lý tưởng nhất”, Nguyễn Văn Tình, sinh viên khoa Môi trường bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Hiền, một chủ quán nước cho hay: “Một ngày tính ra có đến gần 100 người đến. Tất cả đều là sinh viên. Ngày lễ làm không kịp trở tay. Ngồi đây vừa bán nước vừa nghe sinh viên nói chuyện cũng vui và cũng biết được khối chuyện”.

Trên địa bàn trường Nông Nghiệp I, tìm đến mỏi cả mắt mới có lấy một quán cafe nhưng chỉ bước chân ra ngõ là cả một dãy quán trà đá (nóng) hiện ra. Đây cũng là nơi lý tưởng cho một số sinh viên ngồi học bài và đọc sách.

Lang thang đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, tất cả đều được đón chào bởi những dãy trà đá bán dọc hai bên vỉa hè.

Không có bàn chỉ có ghế, nhưng được sinh viên tận hưởng một cách sảng khoái và nhiệt tình. Bạn bè đến kéo nhau ra trà đá ngồi nói chuyện. Nghe tin quê nhà mưa bão ra ngồi trà đá để hoài niệm về dư vị quê hương... Ở đó cũng là một kênh trao đổi thông tin mà bất cứ ai cũng có thể tham gia.

Chuyện tình bên ly trà đá

Người ta yêu nhau hẹn cuối tuần vào quán cafe ngồi cho có không gian riêng, còn với Tuấn (ĐH Giao thông vận tải) và Nga (ĐHKHXH&NV) lại hẹn nhau ở canteen Mễ Trì với 2 cốc trà đá và một đĩa hạt dưa.

2 kẻ ngồi đối diện nhau, cùng cắn hạt dưa và nhìn bọn trẻ con chạy thể dục theo mẹ. Thỉnh thoảng liếc mắt nhìn nhau cùng cười, thấy hạnh phúc chạy dài trong ánh điện phản chiếu. Yêu nhau từ thời cấp 2, nhưng mỗi khi nhìn hai người ở canteen, bạn bè thường tếu: “Hai đứa đang trong quá trình tìm hiểu”.

tra da via he 3 768x512rà đá vỉa hè- một thức uống rất đỗi quen thuộc, là nét văn hóa bình dị và cổ xưa nhất. Nhưng không phải bất cứ ai cũng nhận ra và cảm nhận được. (flynow.vn)

Có những đôi đến đây uống trà để thư giãn bằng cách thi nhau ai có nhiều chuyện cười hay nhất và ai cười sảng khoái nhất. Bạn bè đi ngang thấy vậy sà vào cùng góp vui. Tưởng anh chị sẽ xịu mặt xuống vì mất không gian riêng, nhưng lại lấy điện thoại “gọi thêm ít đứa nữa, hôm nay đủ tiền bao trà đá 5 đứa, xem bọn chúng công việc thế nào rồi”.

Còn anh Nguyễn Văn Cường (cựu SV ĐH Kiến Trúc Hà Nội) và chị Bùi Nguyên Thủy (cựu SV ĐH Kinh tế) dù đã thành vợ chồng nhưng cuối tuần vẫn “xe đạp ơi” tạt vào quán cóc vỉa hè làm một cốc trà đá. Anh bảo: “Thói quen thời sinh viên rồi, không bỏ được. Với lại ngồi đây không gian thoáng, thoải mái lắm. Lại được giải stress với 1001 câu truyện cười của sinh viên”.

Cũng chẳng biết nên buồn hay nên vui khi ngày lễ 20/10 lại có nhiều đôi yêu nhau hẹn vào quán cóc ngồi uống trà đá đến thế. Thậm chí có nhiều nhóm “nữ quái” hội tụ nhau ở đây cùng tổ chức kỷ niệm “ngày lễ của chúng mình”. Cũng chạm ly chan chát, cũng đánh ực một cái, chỉ khác là rượu cay, trà đắng, và không có tiếng đánh “keng” khi chạm cốc.

“Ngồi trà đá thoải mái, không phải lo thiếu tiền, chẳng ai nợ ai và nhất là cũng chẳng sợ mình bị chọc quê nếu lỡ may áo mình dính chút… nhọ nồi”, Hiền, Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương cười nói.

Một chiều ngồi quán cóc uống trà đá, chứng kiến những cặp đôi “không làm gì được nhau” bên ly trà, được nghe vô vàn câu chuyện tình của họ, mới hay rằng: tình yêu bên những cốc trà đá mộc mạc và chân thành, vô tư chân chất như chính ở những làng quê mà họ đã sinh ra.

Chợt nghiệm ra một điều rằng: sinh viên Hà thành gắn liền với trà đá, vui buồn bên ly trà đá. Ở đó không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo và cũng không nơi đâu bán chạy trà đá ( trà nóng) bằng Hà Nội City.

  Theo VietNamNet


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag