TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hành trình từ bảo vệ đến phó chủ tịch xã của chàng trai Quảng Ngãi

Gặp lại những người bạn từng làm bảo vệ ở Sài Gòn, cả họ và chính anh Khoa đều ngạc nhiên về sự thay đổi hơn 10 năm qua. 

Có mặt trong lễ tuyên dương 60 đội viên xuất sắc của đề án 600 tri thức trẻ tiêu biểu tăng cường về làm phó chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo, tối 28/8 tại Hà Nội, anh Nguyễn Anh Khoa nhiều lúc vẫn chưa tin mình vượt qua giai đoạn khó khăn cùng nhân dân xã Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi) trên cương vị lãnh đạo.

Sinh ra trong gia đình có bố và chị gái làm giáo viên, anh Khoa sớm nuôi dưỡng tình yêu với nghề sư phạm. Thi đại học lần đầu năm 2003 không đỗ, gia đình lại gặp biến cố, anh quyết định nhập ngũ với hy vọng được giữ lại phục vụ quân đội. Ba năm sau, khi đang học sĩ quan dự bị, theo nguyện vọng của gia đình, chàng trai sinh năm 1985 phải rời quân ngũ.

nguyen anh khoa 001Anh Nguyễn Anh Khoa (giữa) là một trong 60 đội viên xuất sắc của dự án 600 được Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ tuyên dương hôm 28/8 tại Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm

Không muốn ở nhà ăn bám bố mẹ, năm 2006 anh Khoa vào Sài Gòn kiếm việc, tự ôn luyện thi lại đại học, viết tiếp ước mơ giáo viên còn dang dở. "Tôi đã trải qua rất nhiều việc từ phụ hồ đến bảo vệ để có tiền trang trải cuộc sống, quyết tâm thi đậu đại học vì không đậu thì chỉ còn nước về quê cuốc đất”, anh Khoa nói.

Một năm sau, ở tuổi 22, anh Khoa trở thành tân sinh viên ngành Sư phạm Giáo dục chính trị của Đại học Quy Nhơn. Đến khi tốt nghiệp, anh nộp hồ sơ vào một trường THPT. Với số điểm ưu tiên nhờ thời gian quân ngũ, anh đứng đầu đợt tuyển dụng, nhưng vẫn bị trượt vì không thể tranh suất của sinh viên cử tuyển.

Sau lần đó, anh tiếp tục nộp hồ sơ xin dạy hợp đồng ở một trường khác. Đồng lương ít ỏi chỉ đủ tiền xăng xe và ăn sáng khiến anh từ bỏ sau ba tháng. Biết đến dự án 600 phó chủ tịch xã của Bộ Nội vụ, anh Khoa đăng ký. Vượt qua phỏng vấn, anh được tham gia lớp học kiến thức Quản lý nhà nước dành cho phó chủ tịch xã trước khi đảm nhiệm chức vụ này.

“Trúng tuyển vào dự án là may mắn lớn nhất của tôi. Phó chủ tịch xã khi ấy là chức vụ lớn lao lắm. Nó giúp tôi có công việc ổn định và cống hiến nhiệt huyết của tuổi trẻ ở miền sơn cước. Đến giờ, khi gặp lại những người bạn từng làm bảo vệ ở Sài Gòn, họ ngạc nhiên và tôi cũng ngạc nhiên về chính tôi”, anh Khoa nói.

Tháng 6/2012, anh trở thành phó chủ tịch xã Ba Điền, đúng thời điểm hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân hoành hành ở xã. Báo chí đã tốn nhiều giấy mực về căn bệnh cướp đi sinh mạng hàng chục người dân xã Ba Điền. Người dân hoang mang gọi nó với cái tên mơ hồ Bệnh lạ.

Chưa đến một năm, có tới 246 ca nhiễm bệnh, chiếm 18% dân số xã, 24 người tử vong. “Xã nghèo xơ xác. Người dân đến 95% dân tộc Hre, dân trí thấp, chỉ lo việc chữa bệnh. Nhiều người bắt đầu mê tín dị đoan chứ không còn lo lao động sản xuất nữa”, anh Khoa kể và cho biết điều đó khiến nhiều người thân và bạn bè không đồng tình để anh đến miền "rừng thiêng nước độc" Ba Điền.

nguyen anh khoa 002Anh Nguyễn Anh Khoa (thứ hai từ trái sang) trong một lần đến thăm gia đình có người mất vì hội chứng viêm da dày sừng ở xã Ba Điền. Ảnh: NVCC

Kỷ niệm đầu tiên tại xã Ba Điền khiến anh Khoa không khỏi xót xa. Đến dự đám tang của người mất vì bệnh, một người dân đã ngồi sụp xuống, ôm chặt chân anh và khóc Bác sĩ làm gì đi, cứ để bà con chết miết thế này sao?

"Câu hỏi khiến tôi lạnh sống lưng. Nỗi sợ hãi khiến người dân cứ thấy người lạ đến đều cho là bác sĩ. Tôi trằn trọc cả đêm hôm đó và quyết tìm tài liệu về căn bệnh chưa rõ nguyên nhân, chưa có phác đồ điều trị này”, anh Khoa kể lại. 

Sau một thời gian, Bộ Y tế chỉ ra tác nhân gây bệnh là người dân sử dụng gạo mốc và nguồn nước không đảm bảo. Anh Khoa xác định gạo mốc có thể dễ dàng loại bỏ, chỉ cần tuyên truyền, kiểm tra quá trình phơi sấy và bảo quản là được, nhưng nguồn nước thì thực sự khó khăn.

Phó chủ tịch xã trẻ tuổi bắt đầu đi khắp xã tìm hiểu và nhận ra trong 10 tổ dân cư, chỉ khu Gò Nẻ không ai bị dịch. Hỏi ra mới biết, người dân ở đây dùng nước ở Suối Gầm. Từ đó, anh khảo sát, lên kế hoạch và đưa ra đề án xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền năm 2013, trình các cấp.

Đề án được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và tỉnh Quảng Ngãi cấp kinh phí 10 tỷ đồng cho Ba Điền. Công  trình hoàn thành đã cung cấp nước sạch sinh hoạt thường xuyên cho nhân dân, dịch bệnh cũng được đẩy lùi.

Nhìn lại quãng thời gian cùng người dân Ba Điền giành giật sự sống, anh Khoa càng quyết tâm gắn bó với mảnh đất này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế, anh cùng UBND xã thực hiện chuyển đổi sản xuất cho nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người ở xã tăng từ 7 triệu đồng năm 2012 lên 9,5 triệu đồng/năm.

Theo đề án 600, anh Khoa sẽ giữ chức phó chủ tịch xã đến hết năm 2017. Nhưng năm 2016, anh được tín nhiệm bầu giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó chủ tịch xã nhiệm kỳ 2016-2021. “Hiện tôi triển khai Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Điền. Đây là đứa con tinh thần và tôi muốn hợp tác xã này có thể giúp nhân dân phát triển kinh tế tốt hơn”, anh Khoa chia sẻ.

Gắn bó với vùng đất Ba Điền trong những ngày tháng khó khăn nhất, anh Khoa cho biết nếu ai đó yêu cầu lựa chọn giữa vị trí hiện tại và một cấp hành chính cao hơn, anh vẫn sẽ chọn được công tác ở Ba Điền.  

“Tôi chưa từng nghĩ tới một vị trí mới mà chỉ dành thời gian cho những dự án mới. Được Bộ Nội vụ cho sang Hàn Quốc tìm hiểu về nông thôn mới, tôi sẽ cố gắng giúp Ba Điền hoàn thành 19 chỉ tiêu nông thôn mới vào năm 2020, trước mắt phải làm sao để tất cả đường giao thông được bê tông hóa”, anh Khoa nói.

Dương Tâm (Theo Vnexpress)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag