TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

“Hiệp sĩ” hơn 25 năm bảo vệ voọc Việt Nam

Từ bỏ cuộc sống ở Đức để “xin” kéo dài dự án bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam từ 3 năm, 5 năm rồi quyết định ở hẳn, ông Tilo Nadler nay đang là giám đốc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), nơi nuôi dưỡng hàng trăm loài động vật quý hiếm của Việt Nam. 25 năm “nằm rừng” bảo vệ từng con voọc bị thương, nhiều người yêu mến dành cho ông những cái tên như “hiệp sĩ voọc”, “linh trưởng chúa”, “Lục Vân Tiên Cúc Phương”.

Hiệp sĩ voọc

Nhắc về bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đều kể về người đàn ông Đức có tên Tilo Nadler. Chúng tôi may mắn gặp ông tại TP. Đà Nẵng trong một khóa tập huấn “Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam 2017” dành cho các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên cả nước.

Hiep Si 2 OptÔng Tilo chia sẻ thông tin về linh trưởng Việt Nam tại buổi tập huấn cho các bạn trẻ Việt Nam. Ảnh: TT

Quả đúng như lời kể, “hiệp sĩ voọc” có khuôn mặt đỏ, bộ râu rậm và dù không khoác trên mình bộ trang phục màu xanh lá rừng bụi bặm như mọi khi nhưng giọng nói của ông vẫn nguyên sự bộc trực, thẳng thắn của một người 25 năm “lăn lộn” giữa đất khách để canh rừng, cứu từng con vật đáng thương từ những kẻ săn bắn.

Tilo vốn là thạc sĩ điện lạnh nhưng vì có sở thích đặc biệt với động vật hoang dã, nhất là loài voọc, ông xin làm cộng tác viên cho Hội Động vật Frankfurt - tổ chức cứu hộ và bảo vệ động vật lâu đời nhất trên thế giới, hoạt động ở 30 quốc gia. Năm 1991, Tilo nhận nhiệm vụ sang Việt Nam làm phim để xác định thông tin loài voọc mông trắng sau 57 năm tái phát hiện ở Việt Nam. Trước đó, voọc mông trắng được cho là tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Ông đi nhiều ngày trong rừng tìm voọc và sau nhiều tháng, ông đã tìm thấy chúng nhưng không phải ở trong rừng. “Đó không phải là một con voọc đang nhào lộn trong rừng, mà là con voọc bị thương, bị nhốt trong lồng, đang bị đem bán ngoài chợ và sắp trở thành món ăn cho con người”, ông Tilo kể.

Tilo ngay lập tức giải cứu con vật tội nghiệp, nhiều cơ quan chức năng Việt Nam sững sờ trước thông tin về loài voọc quý hiếm của thế giới đang hiện hữu tại Cúc Phương. Để rồi, một năm sau đó, Hiệp hội Frankfurt kêu gọi các chuyên gia thực hiện dự án bảo tồn voọc ở Việt Nam, Tilo xung phong thực hiện. Hiệp hội Frankfurt đầu tư kinh phí giúp Tilo xây dựng Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong ba năm (1993-1996). Cũng từ đây, Tilo trở thành nỗi ám ảnh với những kẻ săn thú hoang dã, chỉ cần nhìn thấy hành động nhỏ động đến động thực vật trong vườn quốc gia là ông bắt ngay.

Năm 1996, thay vì chuyển giao dự án cứu hộ linh trưởng cho phía Việt Nam quản lý, Tilo đã đề nghị ký tiếp hợp đồng để ông ở lại Cúc Phương thêm 3 năm, rồi 5 năm. Để rồi chính ông cũng chẳng ngờ rằng từ cơ duyên với linh trưởng Việt Nam đã giúp ông gặp và nên duyên với chị Nguyễn Thị Thu Hiền. Đặc biệt hơn, vì có chung tình yêu với động vât, để tập trung chăm sóc linh trưởng, Tilo và chị Hiền chuyển về hẳn ở Cúc Phương.

Đến nay, dự án kéo dài hơn 20 năm và Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp của hai vợ chồng Tilo chỉ nhận hỗ trợ 50% chi phí của Hiệp hội động vật Đức, còn lại hai vợ chồng tự xoay sở từ nguồn tài trợ ở các nơi trên thế giới. Cũng hơn 20 năm qua, bất kể cả nửa đêm, mỗi khi phát hiện con vật nào bị ốm là cả hai vợ chồng lại lao đi giải cứu. Hiện, hơn 180 cá thể gồm nhiều loài linh trưởng đang được chăm sóc ở trung tâm.

Việt Nam có 25 loài linh trưởng, trong đó 15 loài cần phải cứu hộ gấp gáp, nhất là 4 loài đặc hữu (trên toàn thế giới, chỉ Việt Nam mới có), thì Tilo đã dang tay tiếp đón đầy đủ. Sau nhiều cống biến, Tilo từng vinh dự đón nhận Thư khen của Chủ tịch nước Việt Nam, Huân chương Lao động hạng ba do Nhà nước Việt Nam trao tặng, giải thưởng danh dự hạng nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới.

Hiep Si 1 OptVợ chồng ông Tilo trong một chuyến khảo sát về linh trưởng cùng các đồng nghiệp. Ảnh: TT

Trăn trở về đội ngũ bảo tồn trẻ Việt Nam và giải thưởng mang tên chính mình

Tham gia khoá tập huấn “Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam 2017” với tư cách là nhà tài trợ, người sáng lập, là giảng viên, trong năm 2017 này, ông Tilo còn dành một số tiền cá nhân để tạo ra “Giải thưởng Tilo Nadler dành cho nhà bảo tồn linh trưởng trẻ Việt Nam” như một cách động viên các bạn trẻ.

“Giáo dục và nhận thức của giới trẻ Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học, về thiên nhiên trong nhiều năm trở lại đây đã phát triển và có chiều hướng tăng lên. Các bạn ngày càng có kiến thức cao, có điều kiện tiếp nhận từ nhiều kênh thông tin. Tuy nhiên, tôi e rằng điều đó không thể đuổi kịp với tốc độ ngày càng đi xuống của sự đa dạng sinh học Việt Nam”, ông Tilo chia sẻ với giọng đầy trầm ngâm, đó cũng là trăn trở lớn nhất của ông.

Ông cho hay, có một thực tế rằng trong vòng 10 năm trước đây, việc nghiên cứu bảo tồn động vật tại Việt Nam chỉ được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài và con số đó rất nhỏ. Trong khi Việt Nam là đất nước có nguồn đa dạng sinh học cao, số loài linh trưởng rất lớn nhưng những người làm công tác nghiên cứu lại quá ít, cùng với thực trạng săn bắn động vật, môi trưởng sống của các loài ngày càng bị thu hẹp càng cho thấy việc thiếu nhân lực, con người có kỹ năng, kiến thức để làm công tác bảo tồn cần rất đáng lo ngại.

Là người đặt nền móng cho khoá tập huấn dành cho những nhà bảo tồn linh trưởng trẻ từ 10 năm nay, thế nhưng với ông vẫn cảm thấy chưa đủ. “Những khoá tập huấn như thế này rất hữu ích tuy nhiên chúng ta chỉ mới dừng lại ở TP. Đà Nẵng với 20 sinh viên mỗi năm được tiếp cận trong khi công tác bảo tồn cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Tôi hy vọng những bài học về đa dạng sinh học, về bảo tồn động vật sẽ được đưa vào trường cấp 3, trường đại học. Hiện nay chỉ có một vài chuyên ngành được học nhưng đây là vấn đề nhận thức chung nên chúng cần được phổ cập cho tất cả người Việt Nam”, ông Tilo chia sẻ.

Bỏ tiền xây dựng trung tâm và nay là giải thưởng khích lệ cho các bạn trẻ, ông tâm sự: “Thú linh trưởng Việt Nam đang nằm trong top cần được bảo tồn, việc bảo vệ thú linh trưởng không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả thế giới. Vì vậy không chỉ những nhà nghiên cứu, chuyên gia linh trưởng Việt Nam phải hành động mà toàn thế giới cũng quan tâm. Vậy nhưng, Việt Nam phải là nơi nhận thức đầy đủ nhất về vai trò, vị trí của mình và những người trẻ Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ”.

Cuối buổi lễ khai mạc khoá tập huấn, ông Tilo vào lớp với các bạn sinh viên. Ngày đầu tập huấn, ông chia sẻ cho các bạn trẻ biết rằng số lượng voọc tại Cát Bà nay chỉ còn 57 con. Con số đó là quá nhỏ và nguy cơ tuyệt chủng đang ở ngay trước mắt. Lớp học im lặng, một phần vì học viên muốn lắng nghe thật kỹ lời của ông Tilo, một phần vì những thông tin từ ông như khiến nhiều bạn suy ngẫm. Và đó cũng là hy vọng của ông Tilo: “Tôi ước mình có thể làm được nhiều việc hơn nữa và hy vọng sự thay đổi trong nhận thức về bảo tồn linh trưởng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam sẽ nhanh hơn nữa. Chúng ta phải thực hiện điều đó càng sớm càng tốt. Nếu không nhiều thứ quý giá sẽ biến mất và chúng ta không thể hồi phục lại được”, ông Tilo chia sẻ.

THÙY TRANG - theo Lao động


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag