TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Giản Tư Trung và câu chuyện về “Triết lý giáo dục & Quản trị đại học”

(P. Tuyển sinh  Văn Lang, 31/8/2018 Chiều 28/8/2018, tại Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung đã có buổi nói chuyện tại Trường Đại học Văn Lang về “Triết lý giáo dục và Quản trị đại học”.

 Giản Tư Trung là người sáng lập, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; Phó Chủ tịch Qũy Văn hóa Phan Châu Trinh; Giám đốc Sáng kiến OpenEdu; Chủ nhiệm Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL; Ủy viên Hội đồng Điều hành Hội Giáo dục So sánh Châu Á… Ông là tác giả cuốn sách “Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”, xuất bản năm 2015.
Ông được vinh danh là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới bầu chọn (ngày 12/3/2013) vì những đóng góp cho giáo dục.

Giáo dục có phải là hàng hóa?

Trong trang phục giản dị quen thuộc tại các buổi diễn thuyết, chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung bắt đầu buổi trao đổi với thầy cô Trường Đại học Văn Lang bằng câu hỏi: Giáo dục có phải là hàng hóa?

van lang gian tu trung IMG 0398Buổi nói chuyện của chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung thu hút sự quan tâm của lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang: TS. Nguyễn Dũng – Ủy viên Hội đồng Quản trị, nguyên Hiệu trưởng; PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu – UV HĐQT, Hiệu trưởng, ThS. Võ Văn Tuấn – UV HĐQT, Phó Hiệu trưởng thường trực, PGS.TS. Nguyễn Văn Áng - Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các phòng, khoa, ban chức năng trong trường.

Xác định “giáo dục có phải là hàng hóa?” là một tiền đề quan trọng để từ đó tiếp tục luận bàn về triết lý giáo dục và quản trị đại học. Đây là hai vấn đề Trường Đại học Văn Lang đang quyết tâm định hình trên con đường đổi mới và phát triển.

van lang gian tu trung 002Thầy cô Trường Đại học Văn Lang thảo luận sôi nổi tại Tòa đàm với chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung, Hội trường 203 A – Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, 28/8/18.

Sau những trao đổi, diễn giả và các thầy cô Trường Đại học Văn Lang đã cùng thống rằng: nếu hiểu giáo dục là bằng cấp, khóa học, điểm số, thì giáo dục là hàng hóa, có giá và có thể mua bán được; nhưng nếu hiểu giáo dục là nền tảng văn hóa, là năng lực làm người, trình độ chuyên môn, năng lực làm nghề thì giáo dục không phải là hàng hóa. Giáo dục là một thứ rất quý giá và thiêng liêng, không thể bán, không thể mua bằng tiền hay rất nhiều tiền.

Theo diễn giả, giá trị giáo dục được tạo ra bằng Thời gian, Tâm trí, Sức lực, Trí thông minh và Tiền bạc, trong đó tiền bạc chỉ là chất xúc tác cho quá trình tự thân giáo dục, quá trình tự lực khai phóng. Nói giáo dục quý giá bởi vì khó lắm mới có được, gian khổ lắm mới có được. Nói giáo dục thiêng liêng bởi khi có, chúng ta sẽ trở thành một người khác, sống một cuộc đời khác, có một số phận khác.

Triết lý giáo dục là gì?

Cần trả lời 3 câu hỏi để xác định triết lý giáo dục:

* Thế nào là con người?
* Chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào?
* Làm thế nào để chúng ta tạo ra những con người như vậy?

Giáo dục là một quá trình, có sự tiếp nối, trong đó giáo dục đại học tiếp nối thành quả của giáo dục phổ thông. Trường đại học muốn bàn về triết lý giáo dục cũng cần quay về giáo dục phổ thông, trong đó có việc tìm hiểu đích đến của giáo dục phổ thông nên tạo ra những con người như thế nào.

Là Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, chuyên gia Giản Tư Trung đồng thời chia sẻ mô hình giáo dục con người do Viện IRED đề xuất: Mô hình Tam tính. Theo đó, một con người được giáo dục cần hội đủ ba yếu tố: Nhân tính (Human Way), Quốc tính (“Home” Way) và Cá tính (My Way). Ông nhấn mạnh: Nhân tính là yếu tố đầu tiên và trước nhất cần phải giáo dục cho một đứa trẻ, là cái tối thiểu nhất của một đứa trẻ cần có. Cá tính được xây dựng trên nền tảng của Nhân tính và Quốc tính.

Hãy xây dựng “Đạo học” của Trường

Chuyên gia Giản Tư Trung cho rằng điều quan trọng nhất ở một ngôi trường đại học là phải xây dựng được đạo học của trường. Đạo học cần được gọi tên một cách rõ ràng và thật trong sáng qua việc trả lời hai câu hỏi: học để làm gì? tại sao học?

Theo góc nhìn của diễn giả, hiện nay, chúng ta đang đứng trước thực trạng giáo dục được đo lường bằng những con số vô tri hơn là quan tâm đến gốc rễ: những con người lương tri. Đích đến của giáo dục tiến bộ không phải là danh vọng, địa vị, mà là con người tự do. Muốn làm được điều đó, giáo dục tiến bộ phải khuyến khích được con người hiếu tri (con người ham hiểu biết, khát khao tri thức). Đây chính là cơ sở để hiểu về đạo học.

Đại học có hai chức năng cơ bản: chức năng đào tạo – tạo ra sản phẩm trí thức; và chức năng nghiên cứu – tạo ra sản phẩm tri thức. Với mô hình trường đại học ứng dụng, Văn Lang sẽ chọn cho mình một hướng đi phù hợp; trong đó điều quan trọng nhất là trả lời được câu hỏi: Văn Lang sẽ tạo ra những con người như thế nào? Chính “đạo học” sẽ tạo ra sứ mệnh và tinh thần của một trường đại học. Và việc được mang danh đại học là cả một vinh dự, cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Quản trị đại học

Chia sẻ với lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang về tầm quan trọng của triết lý giáo dục và quản trị đại học trong tương lai phát triển của Trường, chuyên gia Giản Tư Trung cho rằng cần phân biệt rõ các khái niệm: quản trị hay cai trị, lãnh đạo hay cầm quyền. Ông gợi ý mô hình quản trị của Trường Doanh nhân PACE, lấy tư tưởng là yếu tố trung tâm. Công việc đích thực của lãnh đạo là đả thông tư tưởng cho đội ngũ. Cũng như thế, công việc của giảng viên là hãy đả thông tư tưởng cho sinh viên.

mo hinhMô hình tái tạo của Trường Doanh nhân PACE có thể áp dụng cho các doanh nghiệp, trường học. Trong 6 nhân tố, tư tưởng là yếu tố đầu tiên mà Giản Tư Trung khuyên lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang nên quan tâm.

Diễn giả chia sẻ thêm: đã đến lúc cần thay đổi tư duy và nhận thức về nhà trường. Nhưng cần hiểu đại học khác với doanh nghiệp. Có thể đưa những điểm ưu việt của quản trị doanh nghiệp vào quản trị đại học, đó là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng gì Văn Lang; nhưng phải giữ được cái hồn của đại học, vì mục tiêu giáo dục là tạo ra được những “con người sản phẩm” như mong đợi.

Trong khuôn khổ một buổi chiều, những chia sẻ của chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung đã chạm đến nhiều vấn đề sâu xa, và khi hình dung được câu trả lời, Văn Lang ít nhiều mường tượng hướng đi của mình. Văn Lang sẽ đi theo hướng nào để xứng đáng với danh tiếng một trường đại học nơi mà 24 năm qua, 24 thế hệ sinh viên đã lựa chọn, hàng ngàn, hàng vạn gia đình đã gửi gắm con em mình để học tập, rèn luyện, để thay đổi bản thân. Đó là những trăn trở đè nặng lên vai những lãnh đạo của Trường, rất cần sự đồng lòng, chung tay của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên Trường để Văn Lang tiến xa hơn trên hành trình phía trước.

Tin bài/ hình ảnh: Nguyễn Liên


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag