TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Kỷ niệm với Ceramic Project – đồ án năm 3 (khóa 22) ngành Thiết kế sản phẩm

(P. Tuyển sinh Văn Lang, 28/9/2018) - Ngày 19/9 vừa qua, tại phòng C709 – Cơ sở 2 Trường Đại học Văn Lang, 19 sinh viên năm 3 ngành Thiết kế Sản phẩm (Thiết kế Công nghiệp) đã  tham gia chấm các thiết kế độc đáo trong Đồ án Gốm vừa thực hiện mùa hè vừa qua.

Nếu như với các bạn sinh viên năm 1, năm 2, mùa hè là mùa “xách balo về quê” với gia đình, thì với sinh viên năm 3 ngành Thiết kế Sản phẩm Trường Đại học Văn Lang, mùa hè được xem là “mùa đồ án”. Và cả mùa hè này, các bạn đã dành để chăm chút một đồ án quen thuộc mà đặc biệt - Đồ án Gốm (Ceramic Project).

Sài Gòn – Đồng Nai: 6 tuần “đi đi… về về…”

Để hoàn thành sản phẩm trước khi trình cho giảng viên chấm điểm, các bạn phải trải qua 6 giai đoạn, trong đó gần 2 tháng ròng rã mỗi ngày miệt mài “đi đi… về về…” giữa Sài Gòn – Đồng Nai .

Giai đoạn 1: Tìm cảm hứng

Sinh viên xác định loại sản phẩm mình muốn thực hiện, tìm cảm hứng, sau đó bảo vệ ý tưởng  với giảng viên hướng dẫn. Các bạn phải xác định lý do chọn đề tài, hướng đổi mới chất liệu, hình ảnh…

Giai đoạn 2: Lên mô hình đất tỷ lệ 1:1

Sinh viên tạo dáng sản phẩm phác thảo bằng đất sét công nghiệp (đất sét có dầu) với tỷ lệ thực 1:1, sau đó trao đổi và xin ý kiến giảng viên hướng dẫn trước khi thực hiện  sản phẩm chính thức.

Giai đoạn 3: Làm khuôn thạch cao

Sau khi đã được giảng viên góp ý và “duyệt” sản phẩm, các bạn bắt đầu hành trình “vượt chướng ngại vật” đến xưởng gốm Việt Thành (Đồng Nai), bắt đầu những chuyền du lịch trong ngày Sài Gòn – Đồng Nai sáng đi chiều về, ngày nắng cũng như ngày mưa trong khoảng 6 tuần.

Khuôn gốm được chế tạo từ chất liệu thạch cao, vì thạch cao có tính chất hút ẩm và hút nước khá tốt, phù hợp với các sản phẩm gốm sứ. Có nhiều loại khuôn gốm, như khuôn in máy, khuôn in tay, khuôn ép thủy lực, mỗi loại có đặc trưng và cách sản xuất khác nhau. Sinh viên chọn sử dụng khuôn đổ rót - một loại khuôn chịu lực tốt.

Các bạn đến tận xưởng gốm và chính thức học việc của những “nghệ nhân tạo hình gốm”. Các bạn phải học cách đổ khuôn thạch cao, học từ các nghệ nhân chuyên nghiệp cách “cân, đo, đong, đếm” làm sao đổ được một chiếc khuôn chất lượng, với độ dày vừa đủ, độ cao và rộng bao nhiêu để đạt yêu cầu,… Sau khi có khuôn, khuôn phải được phơi đến khi khô hẳn mới có thể rót gốm tạo hình sản phẩm.dhvl do an gom sv nam 3 tdsp 1Sau khi rót gốm, khuôn phải được mang đi phơi tự nhiên thật khô trước khi vẽ họa tiết và tráng men sản phẩm.

Quy trình rót gốm vào khuôn không quá phức tạp. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, sinh viên phải hết sức cẩn thận vì sản phẩm rất mềm, chỉ một chút sơ sẩy nhỏ là phải rót lại từ đầu. Đầu tiên, các “nghệ nhân làm gốm Trường Văn Lang” phải buộc chặt khuôn thạch cao bằng dây cao su, sau đó sử dụng đất sét đã được hòa lỏng rót từ từ vào khuôn, sau đó mang thành phẩm đi phơi khô tự nhiên.

Hoàng Nam – lớp trưởng - chia sẻ: “Vì làm sản phẩm thủ công nên giai đoạn này chúng em phải thật cẩn thận, phải phơi sản phẩm thật khô mới có thể mang đi nung được. Có một chuyện mà làm em nhớ miết đến tận bây giờ, vào đêm tụi em phơi gốm thì trời đổ mưa lớn, như dự đoán nhiều sản phẩm bị hư hỏng, tụi em phải làm lại để có sản phẩm nộp, thiệt là một kỷ niệm “gian nan”!”

Giai đoạn 5: Tráng men

Sinh viên di chuyển qua khu tập trung sản xuất gốm của lò gốm Vạn Thành để thực hiện rất nhiều khâu: vẽ hoạ tiết, khắc hoạ tiết, tráng men, phun men và nung. Ở khâu vẽ họa tiết, sinh viên thỏa sức trang trí cho sản phẩm hoàn hảo nhất trước khi tráng men và mang đi nung. “Vì các bạn đều chưa từng thực hiện công việc này nên việc tráng men được thực hiện dưới sự giúp đỡ tận tình của các cô chú nghệ nhân, mỗi bạn đều trang trí sản phẩm của mình với một màu men riêng biệt.” - Hoàng Nam cho biết.

Giai đoạn 6: Nung gốm

Đây có thể xem là giai đoạn được sinh viên mong chờ nhất. Phải đợi các sản phẩm nung ở nhiệt độ cao trong 1 ngày thì các bạn mới được chiêm ngưỡng sản phẩm gốm sứ “đầu tay” sau 6 tuần chăm chỉ, lặn lội. Đó đúng là những giấy phút trông đợi và vỡ òa!

Giai đoạn 7: Chấm điểm – đánh giá kết quả

Giảng viên hướng dẫn đồ án – ThS. Lê Ngô Quỳnh Đan cùng các nghệ nhân xưởng gốm Việt Thành đánh giá các sản phẩm gốm đầu tay của sinh viên rất tốt. Mỗi sản phẩm có ý nghĩa riêng, song đều có thể ứng dụng vào đời sống hằng ngày.

dhvl do an gom sv nam 3 tdsp 2

 

Sinh viên Võ Hoàng Nam – Tác phẩm Măng đăng (8.0 điểm)

 Lấy cảm hứng từ búp măng mới nhú, vừa bụ bẫm vừa mạnh mẽ, Hoàng Nam tạo ra chiếc đèn ngủ kết hợp chức năng xông tinh dầu, mang đến cảm giác dễ chịu cho người sử dụng.

 

dhvl do an gom sv nam 3 tdsp 3Với tình yêu hình ảnh cá Koi của Nhật Bản, sinh viên Nguyễn Phương Linh Nhi cho ra đời sản phẩm Bộ tách trà tam ẩm Nishikigoi, gồm một bình và ba tách trà.

“Nishikigoi" là tên nguyên bản của cá chép Koi Nhật Bản. Cá chép Koi có sức sống mãnh liệt, tràn đầy năng lượng, có khả năng bơi ngược dòng chảy, đặc tính ôn hoà của cá mang ý nghĩa tâm linh: vận may, thành công, lòng can đảm, phồn thịnh, trường thọ,…. Bộ sản phẩm Nishikigoi muốn nhắn gửi thông điệp an lành đến người sử dụng.

 

dhvl do an gom sv nam 3 tdsp 4

 Tác phẩm Camellia ceramic của sinh viên Nguyễn Cao Thùy Trinh (8.0 điểm) mang đến sự hài hòa của các yếu tố thiên nhiên với sản phẩm tiểu cảnh thác nước mini, . góp phần điều hòa không khí, làm cho ngôi nhà sinh động, tràn sức sống, tạo cho các thành viên cảm giác thoải mái, bình an. Âm thanh nước chảy róc rách như một bản nhạc làm dịu tâm hồn. Khi thiết kế tiểu cảnh, sự có mặt của một thác nước sẽ biến ngôi nhà thành không gian thư giãn, uống trà, nghỉ ngơi hoặc nơi các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau.

 

6 tuần “đồ án hè” khó quên trong đời sinh viên

Giờ phút chấm điểm đồ án tại phòng C709 – Cơ sở 2, dường như điểm số cao – thấp chẳng còn quan trong nữa; thay vào đó là niềm vui vì các bạn đã cố gắng rất nhiều trong cả mùa hè, đã tự tay làm được một sản phẩm thủ công dành tặng bản thân.

Kết thúc đồ án, không ai còn phải dậy từ sớm tinh mơ để kịp giờ hẹn nhau ở cổng Cơ sở 2 rồi cùng di chuyển đến địa điểm làm gốm, nhưng cũng thật nhớ 6 tuần “du lịch Đồng Nai trong ngày”. Với sinh viên năm 3 ngành Thiết kế Sản phẩm, có lẽ niềm vui lớn nhất là các bạn đã chiến thắng bản thân, đã cố gắng hết mình tự tay làm ra các sản phẩm gốm. Hoàng Nam chia sẻ: “Cảm xúc của em là mãn nguyện khi kết thúc đồ án này, mãn nguyện khi chính tay làm ra sản phẩm gốm, mà còn có thể sử dụng được. Thông qua đồ án, lớp chúng em hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn trong học tập.Được làm việc chung với những nghệ nhân gốm suốt gần 2 tháng trời, mới thấy làm ra một sản phẩm gốm không hề đơn giản. Phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá này, phải trân trọng những sản phẩm gốm thủ công. ”.

dhvl do an gom sv nam 3 tdsp 133Đại diện tập thể lớp K22TD đến thăm và cảm ơn các nghệ nhân làm gốm tại xưởng Gốm Việt Thành ngày 26/9/2018.

Đồ án Gốm là đồ án quan trọng của sinh viên năm 3 ngành Thiết kế Sản phẩm. Thông qua đồ án, Trường Đại học Văn Lang muốn sinh viên hiểu rõ hơn về nghề gốm nói chung cũng như gốm Đồng Nai nói riêng, hiểu thêm về các sản phẩm gốm trên thị trường, màu men đặc trưng cũng như quy trình làm ra sản phẩm. Quan trọng hơn, mỗi đồ án là một lần sinh viên được tự tay hoàn thiện một quy trình nghiên cứu và hiện thực hóa sản phẩm – tiền đề cho quá trình lập nghiệp của họa sĩ thiết kế sản phẩm sau này.

Xem thêm 16 sản phẩm còn lại của Đồ án Gốm – sinh viên năm 3 (K22)

Bài viết: Lê My

Hình ảnh: Võ Hoàng Nam – sinh viên K22TD

 

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag