TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Mùa thực tập tốt nghiệp tại Đà Lạt của nhóm sinh viên Khóa 21 ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường

(P. Tuyển sinh & Truyền thông – Văn Lang, 28/2/2019) - Sinh viên Môi trường học vốn cực, bắt tay làm nghiên cứu khoa học càng vất vả với thí nghiệm, khảo sát thực tế nhiều lần. Thế nhưng, đọc những dòng nhật ký dưới đây về mùa thực tập tốt nghiệp tháng 2/2019 tại Đà Lạt của 2 nhóm sinh viên K21M, chúng ta cảm nhận ngập tràn niềm vui và hứng khởi với công việc và kiến thức mới, pha đôi chút lãng mạn từ con người và vùng đất sương mù mang lại.

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc

Chúng tớ là Nguyễn Thị Hồng Nghi, Hà Minh Thùy, Phạm Long Hoài Bảo Tâm, Nguyễn Thị Vy Lê - sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Văn Lang. 4 sinh viên nằm trong 02 nhóm làm đề tài tốt nghiệp Nghiên cứu đánh giá hiện trạng quản lý chất thải rắn hữu cơ từ hoạt động sản xuất nông sản ở thành phố Đà Lạt và đề xuất giải pháp quản lý nhằm đáp ứng chiến lược tăng trưởng xanh của thành phố” (Giảng viên hướng dẫn: PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh). Đây là đề tài nằm thuộc Dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững ở Việt Nam” (Dự án CIGG) do Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện. Chuyến khảo sát thực tế vào tháng 2/2019 (2 đợt) tại Thành phố Đà Lạt nhằm phụ vụ cho đề tài tốt nghiệp, sẽ bảo vệ vào tháng 6 năm nay.


van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 002Đối với sinh viên Văn Lang thuộc hai ngành Môi trường & Công nghệ Sinh học, Đà Lạt là vùng đất cực kỳ quen thuộc và nhiều kỷ niệm. Đà Lạt thơ mộng không chỉ là nơi để vui chơi, mà còn là nơi để học tập. Sinh viên ngành Công nghệ Sinh học năm nào cũng có chuyến thực tập cuối khóa dài ngày ở đây. Lần này, hai nhóm sinh viên Môi trường đến Đà Lạt khảo sát thực tế tận hai đợt. Nhận được nhiệm vụ thực tập là một đề tài về Chất thải rắn nông sản ở Đà Lạt, bọn tớ vô cùng háo hức, muốn nhanh chân chạy ngay đến đấy để có thể thực hiện khảo sát phục vụ cho đề tài. Sau những ngày lên kế hoạch khảo sát một cách đầy đủ và chi tiết, bọn tớ cuối cùng cũng tạm biệt Sài Gòn và vẫy tay chào Đà Lạt. Đà Lạt ơi, bọn tớ đến đây!

Dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ nhiệt tình của PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Khoa Môi trường & Công nghệ Sinh học, Giảng viên hướng dẫn đề tài tốt nghiệp, và hai anh cựu sinh viên của Khoa (anh Quang - K7 và anh Nam - K9), nhóm đã bắt tay vào đợt khảo sát đầu tiên. Bọn tớ được trực tiếp gặp và tham gia phỏng vấn các chuyên gia và Trưởng phòng Môi trường ở Ủy ban Thành phố Đà Lạt để có cái nhìn khách quan về  thực trạng phát thải, đặc tính chất thải và hiện trạng quản lý tại thành phố.

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 003Nhóm nghiên cứu thực hiện phỏng vấn đại diện Ban quản lý Chợ nông sản Tp. Đà Lạt (ảnh trái) và chú Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội nông dân P.12, Tp. Đà Lạt (ảnh phải).

Sau đó, bọn tớ đã được đi trực tiếp đến những nhà vườn trồng rau, trồng hoa để có cái nhìn cụ thể hơn về phương thức sản xuất và trồng trọt. Chọn Làng hoa Vạn Thành là nơi đầu tiên khảo sát, nhóm tìm hiểu về quy trình trồng hoa của người dân, phỏng vấn người làm vườn để phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Mọi người đón tiếp và giúp đỡ bọn tớ vô cùng nhiệt tình. Nhóm biết thêm được nhiều kiến thức vô cùng bổ ích, mỗi loại hoa sẽ có phương thức chăm sóc và có chất thải khác nhau, thế thì bọn tớ phải đưa ra phương án xử lý sao cho hợp lý đây nhỉ, một bài toán cần lời giải đối với kỹ sư môi trường bọn tớ đây!

Sau khi tìm hiểu về phương thức trồng hoa, bọn tớ di chuyển đến những nhà vườn trồng rau. Trồng rau có nhiều cách lắm nhé, chăm sóc cũng phải thật kỹ mới có thể cho ra một vụ đạt năng suất đấy. Điều tớ thích nhất ở những nhà vườn trồng rau là những “em” rau được chăm sóc kỹ càng, theo tiêu chuẩn VIETGAP, xanh mướt nằm trên giá đang dần lớn lên chờ thu hoạch. Không khác những người tớ gặp ở Làng hoa, những nguời làm vườn ở đây vô cùng tốt bụng, dẫn bọn tớ đi xuống tận nơi trồng rau, hướng dẫn sử dụng từng loại thuốc trừ sâu sao cho cây đạt năng suất cao nhất và vệ sinh an toàn nhất. Đối với rau, bọn tớ chọn thêm vài hợp tác xã sản xuất đóng gói nữa để khảo sát, bọn tớ muốn số liệu đưa ra phải thật chính xác và khách quan.

Tiếp đến, bọn tớ lại di chuyển đến Chợ Nông sản Đà Lạt – nơi tập trung buôn bán những mặt hàng rau củ quả của Đà Lạt. Ở đây khác những nơi bọn tớ đã từng đi qua, vì là chợ nên mặt hàng phong phú hơn, và đương nhiên rác thải cũng nhiều hơn nữa. Ở chợ, bọn tớ phỏng vấn Ban quản lý chợ để có thể nắm được phương thức quản lý chất thải rắn ở đây, hy vọng rằng nhóm nghiên cứu sẽ có thể đưa ra phương án quản lý tốt hơn nữa.

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 004Điều thú vị nhất trong chuyến hành trình lần này của bọn tớ là gì các bạn biết không? Đó chính là ở mỗi nơi bọn tớ đi qua, đều xin về một túi rác. Nghe có vẻ vô lý, nhưng thật sự ngành Môi trường là như vậy, có nơi bọn tớ xin rau thừa, củ hư có nơi lại xin hoa héo, hoa không đạt chuẩn... Bọn tớ sẽ trực tiếp làm thí nghiệm nghiên cứu trên những mẫu rác này để có thể đưa ra một phương pháp xử lý thích hợp nhất. 

Sau khi thực hiện xong kế hoach đợt 1, bọn tớ quay lại Sài Gòn làm nghiên cứu và hứa hẹn quay lại Đà Lạt khảo sát bổ sung lần nữa.

Sau những ngày nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, bọn tớ phát hiện những mới mẻ và thú vị trong từng mẫu rác, nhưng cũng dần nhận ra những thiếu sót của bản thân trong lần khảo sát đầu. Thế là bọn tớ quyết định lên lế hoạch khảo sát đợt 2 một cách thật chi tiết và cụ thể hơn nữa. Thế nhưng lần này do công việc bận, cô Oanh đã không thể đi cùng bọn tớ, cả 4 đứa đều phải tự liên hệ nơi xin phỏng vấn để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. (Ảnh: Sinh viên thực hiện công tác lấy mẫu chất thải tại cơ sở sơ chế HTX Anh Đào và cơ sở đóng gói hoa của Dalat Farm)

 

  

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 005

Lần này đi, mục tiêu của nhóm bọn tớ là phải đi đến được nơi sản xuất cà phê và sản xuất đặc sản của Đà Lạt. Sau những cuộc điện thoại liên lạc, cuối cùng bọn tớ đi đến nơi sản xuất cà phê đầu tiên – Cơ sở sản xuất cà phê K’Ho. (Ảnh: Sinh viên phỏng vấn nhân viên tại Cơ sở sản xuất cà phê K’Ho.) 

 

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 006Ở đây, họ vừa trồng cà phê vừa có quán cà phê cho khách, cả bán cà phê mang về nữa đấy. Vừa bước vào cửa, mùi cà phê thơm nức mũi đã vây lấy bọn tớ, cái mùi dễ chịu vô cùng. Vừa học vừa chơi, trong khi đợi chị RoLan – chủ vườn cà phê K’Ho có thời gian cho bọn tớ phỏng vấn, thì bọn tớ tranh thủ chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, nơi đây đẹp cực kỳ các bạn ạ.

 

 

 

 

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 007Vỏ cứng cà phê

Thì ra, sản xuất cà phê có rất nhiều bước và vô cùng công phu tỉ mỉ, để có được một mẻ cà phê đạt chất lượng, người làm cà phê phải đặt cả cái tâm của mình vào, từ khâu lựa cà phê cho đến rang cà phê ra thành phẩm, tất cả phải chăm chút từng tí một. Nhưng mà, sản xuất cà phê này nhiều chất thải quá, mặc dù chủ yếu là vỏ cà phê nhưng mình vẫn phải xử lý chứ, thế là bọn tớ xin mẫu mang về Sài Gòn làm nghiên cứu.

 

 

 

 

 

 

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 008

 

 Sau khi tìm hiểu xong quy trình sản xuất cà phê, bọn tớ di chuyển đến nơi sản xuất mứt hồng, lần này là cơ sở hồng sấy Lễ Vân. Là loại hồng treo gió và hồng sấy dẻo các bạn hay ăn đấy, ở đây bọn tớ được hướng dẫn về quy trình làm hồng sao cho ngon cho sạch an toàn hợp vệ sinh. À, ở đây cũng có chất thải, bọn tớ phải xin về Sài Gòn thôi, cô chủ vô cùng nhiệt tình, dẫn đến tận nơi tập trung rác còn lấy cho bọn tớ nữa. Bọn tớ còn đi nhiều nơi nữa, nơi nào cũng thật ấn nhiều niềm vui và kỷ niệm hành trình. (Ảnh: Sinh viên phỏng vấn cô Vân,chủ cơ sở hồng sấy Lễ Vân) 

 

van lang thuc tap tot nghiep moi truong sinh hoc 009Xưởng sản xuất hồng sấy, ảnh phải: hồng treo gió

Sau hai đợt khảo sát này, bọn tớ rút ra được nhiều điều lắm! Bọn tớ hiểu rằng, nếu muốn xử lý thật thích hợp và hiệu quả chất thải rắn nông sản thì không có cách gì khác ngoài việc tìm hiểu trực tiếp ở nơi phát thải. Tùy từng loại sản phẩm mà cho ra loại chất thải khác nhau, và đương nhiên phương thức xử lý cũng khác nhau.

Cũng là Đà Lạt, nhưng khi mình đến đây chơi và học tập, cảm nhận lại thật khác nhau . Những lần trước, tớ mang về Sài Gòn chỉ là những tấm hình sống ảo lung linh, nhưng lần này mang về lại là một kho kiến thức quý giá. Mang theo trong mình tình yêu đối với Đà Lạt, bọn tớ hy vọng rằng nhiệm vụ tốt nghiệp này của bọn tớ sẽ góp một phần nào đó vào việc giúp thành phố bọn tớ yêu luôn luôn xinh đẹp trong mắt mọi người. Người Đà Lạt luôn dễ thương và mến khách như vậy, mặc dù bọn tớ đến và hỏi rất nhiều nhưng mọi người luôn dùng sự nhiệt tình và ấm áp để tiếp đãi bọn tớ, chân thành cảm ơn mọi người rất nhiều. Đà Lạt luôn là một thành phố giữ chân du khách như vậy đấy!

Hồng Nghi – Minh Thùy
(SV năm tư ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag