TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Ấn tượng Đồ án Gốm của sinh viên năm 3 ngành Thiết kế Công nghiệp Văn Lang

 (P.TS&TT –  Văn Lang, 08/9/2019) - Sáng ngày 07/9/2019, sinh viên Khóa 23 (năm 3) ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang đã trưng bày và chấm điểm các sản phẩm của Đồ án Gốm Sứ (Ceramic Project) tại Cơ sở 3. Nhiều ý tưởng thiết kế được đánh giá sáng tạo và có khả năng ứng dụng thực tiễn rất cao.

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 1Cô trò ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang hồ hởi khoe thành tựu 17 sản phẩm chất lượng của Đồ án Gốm sứ năm 2019.

Hành trình thực hiện Đồ án Gốm lắm công phu, đòi hỏi sinh viên tìm tòi, học hỏi, sáng tạo. Từ các bước đầu tiên tìm hiểu, nghiên cứu đến quá trình tạo hình, đúc khuôn và bắt tay thực hiện sản phẩm cũng đã hết gần 2 tháng. Trong giai đoạn đầu, sinh viên được trang bị nền tảng lý thuyết về lịch sử nghề gốm Việt Nam truyền thống - hiện đại, những tác phẩm gốm sứ nổi tiếng thế giới, quá trình sản xuất gốm sứ, thị trường gốm sứ. Ở giai đoạn nghiên cứu, các bạn được hướng dẫn hình thành ý tưởng và thiết kế mẫu prototype. Khi bản vẽ thiết kế được duyệt, sinh viên bắt đầu thực hành ở xưởng gốm và tạo ra sản phẩm thực tế theo tỉ lệ 1:1.

Năm 2019, áp dụng toàn bộ kiến thức và kỹ năng đã được trang bị ở các bước đầu tiên của khóa học, sinh viên Khóa 23 ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang đã tạo ra nhiều sản phẩm đột phá và sáng tạo, không chỉ là thiết kế tạo dáng mà còn sử dụng được trong thực tế. Ngoài tính ứng dụng cao và thiết kế bắt mắt, ThS. HS. Phan Quân Dũng – Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp nhận xét các đồ án năm 2019 độc đáo và táo bạo hơn, với những ý tưởng khó mà sinh viên các khóa trước chưa thực hiện. 

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 2Các bạn sinh viên đã có 2 tháng tham quan, nghiên cứu học hỏi từ làng gốm Biên Hòa – Đồng Nai; sau đó hoàn thiện ý tưởng, sản xuất, tạo hình sản phẩm. Toàn bộ 17 sản phẩm đồ án Gốm của sinh viên Khóa 23 được trưng bày tại Trường Đại học Văn Lang từ ngày 07/9 vừa qua.

Tại buổi trưng bày và chấm điểm đồ án, trọng số điểm được phân bổ dựa trên sản phẩm và quá trình thực hiện. Sản phẩm thiết kế chiếm 70% tổng số điểm, phần còn lại được chia cho điểm quá trình nghiên cứu, thực hiện, báo cáo thuyết trình. Với các bạn sinh viên, điểm số ghi nhận nỗ lực cá nhân, nhưng quan trọng hơn nữa chính là những trải nghiệm thực tiễn và cả những câu chuyện ý nghĩa đằng sau từng sản phẩm…

Cùng lắng nghe một vài câu chuyện đằng sau một trong những sản phẩm được đánh giá cao tại buổi trưng bày và chấm điểm nhé!

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 3“Với mong muốn có một bể nuôi cá của riêng mình, em quyết định chọn thực hiện sản phẩm này dựa trên quá trình tìm hiểu về phong thủy trưng bày và nhu cầu của nhóm đối tượng nuôi cá tại bàn làm việc. Ngoài ra, sản phẩm được tạo hình dựa trên hơi hướng của Nhật Bản, tối giản hóa và kết hợp những tính năng hiện đại hơn để sản phẩm ứng dụng tốt nhất trong thực tiễn. Qua đó, bể cá để bàn này có thể phù hợp trong không gian trưng bày để người sử dụng có thể tự tay chăm sóc khi rảnh rỗi, đồng thời cũng tạo sự sinh động và cảm giác thoải mái cho không gian làm việc.” - Sinh viên Hoàng Gia An chia sẻ về đồ án gốm “Bể cá thủy sinh”.

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 4Với đồ án "Ganesha", sinh viên Lưu Châu Hạnh chia sẻ: “Em vô tình thấy được hình ảnh vị thần Ganesha và cảm thấy bị lôi cuốn, nên em quyết định chọn hình tượng thần, kết hợp với kiến thức về phong thủy và tâm linh để phát triển ý tưởng thành bộ thác trầm hương. Tuy nhiên, quá trình làm ra sản phẩm cũng trải qua nhiều khó khăn, nhất là ở phần đúc bệ và tạo hình tượng thần, bởi tượng được tạo hình theo cách nặn rỗng ruột để tránh vỡ/nổ gốm khi nung. Nói thêm về ý nghĩa của thần Genesha, ông được biết đến là phúc thần của văn hóa Chăm-pa và cũng là vị thần bảo trợ cho các ngành nghề thủ công; có lẽ vì thế em rất vui khi tạo hình sản phẩm đồ án ngành Thiết kế công nghiệp dựa trên ý tưởng này."

 

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 5“Vốn thích nghiên cứu các sản phẩm gốm cổ, em khá thích thú với hình dáng và ý nghĩa của chiếc đôn Việt. Tuy chỉ là vật phụ nhưng chiếc đôn mang tính trang trí rất cao, làm nổi bật sản phẩm được đặt trên nó. Khó nhất khi làm ra sản phẩm này là thời gian, vì sản phẩm to và kết cấu phức tạp, phơi và nung tốn rất nhiều thời gian. Rồi khó khăn trong khâu tạo hình và khắc sản phẩm, vì chức năng của đôn là để đỡ một vật khác bên trên nên cần có kết cấu vững chắc, có thể chịu được sức nặng; nếu khắc mạnh tay và quá nhiều chi tiết sẽ làm vỡ kết cấu của đôn. Với sản phẩm của mình, em lấy cảm hứng từ những loài hoa mang ý nghĩa biểu trưng cho sự bền vững, trường thọ và mang ý nghĩa tốt lành để hình thành những họa tiết trang trí." - Sinh viên Ngô Long Vĩ chia sẻ về đồ án “Đôn Việt”.

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 6Sinh viên Trần Trang Phương Thảo thực hiện đồ án “Bộ Chậu Cây”, với ý tưởng chính được lấy từ họa tiết trên mặt nạ của người thổ dân Polyneshia (Hawaii), tạo nên một câu chuyện bộ lạc sống trên hòn đảo hoang. Tạo hình cơ bản, nhưng khó khăn sinh viên gặp phải chính là những họa tiết trên sản phẩm đều được khắc thủ công, màu sắc của gốm thay đổi tùy vào nhiệt độ của lò nung. Tuy vậy, bộ sản phẩm ra đời đã đáp ứng kỳ vọng.

Theo ThS. Lê Ngô Quỳnh Đan - giảng viên trực tiếp theo dõi và hướng dẫn sinh viên đồ án Gốm lần này: “Đồ án Gốm sẽ rèn cho các bạn sinh viên đức tính nhẫn nại và sự kỷ luật với bản thân trong quá trình thực hiện sản phẩm. Đây là những tố chất cần thiết sẽ theo các bạn suốt về sau trong những đồ án sắp tới cũng như trong quá trình làm nghề họa sĩ thiết kế sản phẩm. Mỗi sản phẩm được trưng bày hôm nay đều cho thấy sự nỗ lực rất lớn và sự tận tâm của các bạn đối với công trình của mình. Các sản phẩm đều mang tính ứng dụng rất cao, phù hợp đưa vào sản xuất. Ngoài ra có những sản phẩm mang đậm tính chất văn hóa, tâm linh và đặc trưng của vùng miền, được sinh viên sử dụng, phối hợp một cách hợp lý."

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 7ThS. Lê Ngô Quỳnh Đan - giảng viên ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang đánh giá cao các sản phẩm Đồ án gốm của sinh viên.

Ngành Thiết kế Công nghiệp tại Trường Đại học Văn Lang là địa chỉ hiếm hoi đưa Đồ án Gốm vào chương trình học và tạo ra hiệu quả đào tạo. 17 đồ án Gốm của sinh viên Khóa 23 nói riêng và đồ án Gốm của các khóa trước nói chung đã được trưng bày như một sự khẳng định về tính chuyên môn, sáng tạo và tính ứng dụng thực tiễn của ngành học này. Khách tham quan, trong đó có không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ đã nhận xét các sản phẩm Gốm của sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang đạt tính thẩm mỹ lẫn giá trị kinh tế cao.

do an gom nam 2 nganh thiet ke cong nghiep 8Một số sản phẩm khác trong buổi trưng bày đồ án Gốm sứ của sinh viên năm 3 ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang năm 2019.

Ngân Trần
Ảnh: Lee Minh Phương


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag