TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm”

(P.TS&TT – Văn Lang, ngày 17/11/2020) - Ngày 12/11/2020 vừa qua, Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng (Trường ĐH Văn Lang) phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm” thu hút gần 150 các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân và sinh viên các ngành học có liên quan đến tham dự.

Kế hoạch chiến lược của Trường Đại học Văn Lang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã xác định mục tiêu: Xây dựng Trường Đại học Văn Lang trở thành trường đại học đa ngành, đa bậc học, đảm bảo chất lượng đào tạo; là địa chỉ đáng tin cậy đối với người học; là đối tác tin cậy của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước về hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Với mục tiêu đó, Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm” được tổ nhằm trao đổi về: Các thành tựu mới trong nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ chế biến Thực phẩm trong nước và quốc tế; Nhiệm vụ phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thực phẩm ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam; cũng như các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực NNCNC và CNTP.

vlu hoithao nncnc cntp aHội thảo khoa học đã nhận được sự ủng hộ và tham dự của quý lãnh đạo các đơn vị đồng tổ chức như: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM; Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thực phẩm; Lãnh đạo các Sở ngành liên quan, một số Trường Trung học phổ thông tại TP.HCM; Các nhà khoa học và Viện/Trường khác và nhiều cơ quan báo đài quan tâm:
   1/ TS. Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ
   2/ TS. Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài Vụ, Văn Phòng Phía Nam - Bộ GD&ĐT
   3/ TS. Lê Văn Bảnh - Nguyên Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN-PTNT
   4/ PGS.TS. Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM
   5/ TS. Đỗ Việt Hà - Phó Trưởng Ban, Phụ trách Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM.

vlu hoithao nncnc cntp b

PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang phát biểu khai mạc hội thảo: “Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và là một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp ra các nước với một vị thế khá cao như cà phê, gạo, chè… Tuy nhiên, so với các nước Đông Nam Á chúng ta còn thua, so với các nước có nền nông nghiệp phát triển tốt như Israsel, Hà Lan thì chúng ta còn phải học hỏi rất nhiều. Làm thế nào để phát triển ngành NNCNC và CNTP vượt bậc trong bối cảnh hiện nay là câu chuyện mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người dân Việt Nam đang rất quan tâm. Và con đường hiện nay chúng ta đi không còn cách nào khác là ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, gia tăng sản phẩm có giá trị hơn, đây là xu thế phát triển hiện nay, với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bởi, nếu chúng ta chỉ phát triển nông nghiệp bằng cách tăng sản lượng, tăng năng suất, mở rộng diện tích nuôi trồng, trong khi đó đất để phát triển nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nguồn lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ngày càng ít, xâm nhập mặn ngày càng cao, nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp cực kỳ khó khăn.”

vlu hoithao nncnc cntp h

 

Trước khi đi vào báo cáo các đề dẫn chi tiết, TS. Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ đã có phát biểu chỉ đạo về các công tác trọng điểm hiện nay:

"Để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm, việc quan trọng nhất cần làm là làm tốt công tác hướng nghiệp tại các trường THPT. Các trường đại học, viện nghiên cứu cần liên kết với doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu đặt hàng. Hiện nay các cơ quan nhà nước cũng đang vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm."

 

Báo cáo đề dẫn “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm tại Trường ĐH Văn Lang”

vlu hoithao nncnc cntp cPGS.TS. Phan Phước Hiền – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng - Trường Đại học Văn Lang.

Theo khảo sát cho thấy: năm 2020, dự kiến cả nước có hơn 200 doanh nghiệp NNCNC, 10 khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ có 39 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Theo TT dự báo nguồn nhân lực Tp.HCM: Chế biến lương thực thực phẩm cũng có tới hơn 9.000 việc làm còn chỗ trống trong năm 2019. Lĩnh vực Nông - lâm - ngư cần lao động đã qua đào tạo nhiều nhất là: Công nghệ chế biến thực phẩm; Công nghệ sau thu hoạch… Dự báo trong 10 nhóm nghề "hot" của thị trường lao động Việt Nam trong 5 năm tới có ngành Chế biến thực phẩm. Do đó, với định hướng ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm tại Trường ĐH Văn Lang có những khác biệt và cải tiến vượt bậc trong chương trình đào tạo:

* Hội nhập: Ngành học được thiết kế mang tính hội nhập cao cho người học sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ tự tin làm việc thông qua khả năng giao tiếp bằng tiếng anh và các kinh nghiệm mang tính thực hành ứng dụng đã được trải nghiệm và truyền đạt trong suốt quá trình đào tạo.  100% sv được làm khoá luận/đồ án.. tốt nghiệp (có hỗ trợ KP 50-100%)

* Khởi nghiệp: sinh viên sẽ được học môn khởi nghiệp, có chuyên gia tư vấn khởi nghiệp. Có cơ hội khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo và kết quả nghiên cứu trong thời gian học hoặc khóa luận tốt nghiệp, có tài trợ kinh phí (theo đơn đặt hàng).

* Liên kết doanh nghiệp: nhà trường có những chương trình liên kết với các doanh nghiệp tạo điều kiện làm nơi thực hành cho sinh viên trong quá trình học tập.

Báo cáo đề dẫn “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp”

vlu hoithao nncnc cntp dPGS.TS. Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đưa ra các nghiên cứu ứng dụng CNSH vào 03 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Lĩnh vực trồng trọt:

Sưu tập, bảo quản và duy trì các nguồn gen quý phục vụ công tác lai tạo các giống mới ( công nghệ gen, chỉ thị phân tử, công nghệ nuôi cấy túi phấn; xử lý chiếu xạ gây đột biến.. ) thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu của khu vực (chịu hạn, chịu nhiệt); Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ gieo ươm cây con giống (giâm cành, khí canh ..) để nhân nhanh các giống rau, hoa chất lượng cao phục vụ sản xuất; Nghiên cứu chế tạo các chế phẩm sinh học (phòng trừ dịch hại, phân bón thế hệ mới) phục vụ cho canh tác cây trồng. Từng bước ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng; Sử dụng các biện pháp đấu tranh sinh học (sử dụng nấm đối kháng, thiên địch); Nghiên cứu chế tạo các bộ kít phát hiện nhanh dịch hại trên cây trồng và dư lượng các chất có hại trong nông sản.

Lĩnh vực chăn nuôi:

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gen, chỉ thị phân tử trong việc xác định tính trạng ưu thế phục vụ chọn tạo và nhân giống vật nuôi; Nghiên cứu công nghệ phôi, công nghệ tinh giới tính, phương pháp BLUP phục vụ công tác chọn giống chất lượng cao ( giống heo, bò sữa, bò thịt... ); Nghiên cứu các bộ kít để chẩn đoán, ứng dụng trong phòng trừ bệnh hại trên vật nuôi cũng như phát hiện các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; Nghiên cứu chế tạo các chế phẩm sinh học, phytogenic, probiotic phục vụ chăn nuôi; Ứng dụng rộng rãi các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi (công nghệ khí sinh học, chế phẩm sinh học), nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Lĩnh vực thuỷ sản:

Sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử để đánh giá tính trạng di truyền các loài cá tôm giống bố mẹ; Kỹ thuật chuyển đổi giới tính bằng kích dục tố và kỹ thuật nhiễm sắc thể; ( Phương pháp tiêm sợi đôi iRNA chuyển giới tính tôm càng xanh đực; Nghiên cứu sinh sản nhân tạo một số đối tượng cá có giá trị kinh tế cao. Chọn lọc và phát triển các dòng cá cảnh bản địa; Nghiên cứu chế tạo các loại vacxin thế hệ mới phòng ngừa bệnh trên tôm, cá các loại ( tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra); Nghiên cứu chế tạo các bộ kit phát hiện nhanh bệnh, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi, dinh dưỡng, phòng trừ bệnh trên tôm, cá, cá cảnh.  

Báo cáo đề dẫn “Nguyên liệu thực phẩm từ nhà máy công nghiệp sinh học”

vlu hoithao nncnc cntp eĐỗ Việt Hà - Phó Trưởng ban, Phụ trách Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM.

“Tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu theo kiểu truyền thống có rủi ro cao do thiên tai và dịch bệnh cao, khó kiểm soát và cung cấp không liên tục khi có sự cố. Dễ làm tăng giá cơ hội và gây mất an ninh , thậm chí hàng kém chất lượng,hàng giả sẽ tuồn vào làm cho thị trường rối loạn. Tổ chứng sản xuất kiểu ứng dụng kỹ thuật tiến tiến canh tác kiểu nhà màng,nhà lưới, nuôi chuồng tập trung cũng dễ rủi ro.Vậy cần phải tiên phong trong đưa ra các nguyên liệu để cung cấp thực phẩm sạch như: ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất (các loại máy nông nghiệp, thiết bị trồng rau tư động, nhà máy rau an toàn, nhà máy trồng nấm lạnh, thiết bị nhân giống vi sinh.”

Căn cứ vào nguồn nhân lực chuyên môn, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, hợp tác và chuyển giao công nghệ của Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng Trường Đại học Văn Lang và căn cứ nhu cầu sản xuất, kinh doanh từ các doanh nghiệp đối tác, tại Hội thảo, Trường Đại học Văn Lang đã tiến hành ký kết 04 thoả thuận hợp tác với 04 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm.

vlu hoithao nncnc cntp fẢnh: Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng (Trường ĐH Văn Lang) kí kết thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Lavifood; Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng Cầu Thạnh Tân; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoa Mai và Công ty CP GL Hồ Tràm.

Năm 2020, để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm, Trường Đại học Văn Lang đã tuyển sinh khoá đầu tiên cho 02 ngành đại học chính quy: Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm theo định hướng ứng dụng công nghệ hiện đại. Tại TP.HCM và khu vực miền Nam Việt Nam, Văn Lang là trường đại học đầu tiên đủ tiêu chuẩn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo thí điểm ngành Nông nghiệp Công nghệ cao.

vlu hoithao nncnc cntp gẢnh: Trường ĐH Văn Lang may mắn nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm. Tại hội thảo, Công ty CP Lavifood và Công ty TNHH TM Thoại An đã trao các suất học bổng đến sinh viên 2 ngành Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm của Trường Đại học Văn Lang. Tổng giá trị học bổng lên đến 30 triệu đồng.

Tại hội thảo, khách mời tham dự hội thảo được tham quan trưng bày các sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thực phẩm của Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng của Trường Đại học Văn Lang, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cùng các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

Sau phiên thảo luận chung, hội thảo được chia thành 2 phiên báo cáo tham luận theo 02 lĩnh vực chính: Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm:

Đối với các thành tựu mới trong lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao, tại phòng 11.4 với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - Chủ tọa: PGS.TS. Phan Phước Hiền và TS. Đỗ Việt Hà, đã có 03 tham luận về: Cách mạng công nghiệp 4.0 - cơ hội thách thức và cách tiếp cận cơ hội này ở Việt Nam (TS. Lê Văn Bảnh - Nguyên Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN-PTNT); Khảo sát một số biện pháp xử lý phù hợp nhằm kéo dài thời gian bảo quản xoài keo (TS. Châu Tấn Phát - Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang) và Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và khai thác nguồn tập đoàn giống đậu nành bằng mã quét QR (PGS. TS. Trương Trọng Ngôn - Trường Đại học Cần Thơ).

Trong lĩnh vực Công nghệ chế biến Thực phẩm, tại phòng 11.1 với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển công nghệ thực phẩm” - Chủ tọa: PGS.TS. Dương Hoa Xô và PGS. TS. Kha Chấn Tuyền, đã sẽ mang đến 03 tham luận với đề tài mới mẻ: Tiềm năng áp dụng exopolysaccharide được sản xuất từ vi khuẩn lactic trong ngành công nghiệp thực phẩm (TS. Nguyễn Hữu Thanh, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Nghiên cứu ứng dụng phương pháp chiếu xạ tia gamma kết hợp xử lý H2O2 để chế tạo chitosan khối lượng phân tử thấp ứng dụng trong bảo quản thịt bò viên (ThS. Nguyễn Thanh Vũ - Trung tâm Công nghệ sinh học Tp.HCM) và Ảnh hưởng điều kiện trích ly đến hoạt tính kháng oxy hóa và hàm lượng polyphenol của dầu nhân hạt xoài (TS. Phan Thế Duy - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM).

Trong khuôn khổ Hội thảo, buổi chiều cùng ngày các bạn sinh viên khối ngành Kỹ thuật – Công nghệ của Trường Đại học Văn Lang được tham quan Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM sau một buổi sáng nghiêm túc tham gia hội thảo khoa học tại Cơ sở 3. Đây cũng là những hoạt động quy mô lớn đầu tiên của sinh viên 2 ngành "mới toanh" của Văn Lang năm nay: Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm.

Những ý tưởng khoa học, kết quả nghiên cứu trình bày trong Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm” giữa Trường Đại học Văn Lang và các tổ chức, các doanh nghiệp đã góp phần đánh giá tổng quan về việc nguồn nhân lực, ngành nghề đào tạo, công tác giáo dục, nhu cầu thị trường lao động đối với 02 lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm. Từ đó đưa ra được các kế hoạch và chiến lược mới nhằm đạo tạo ra đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuệ Khánh

Ảnh: Mai Nhân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag