TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Livestream tuyển sinh 2021 - tập 5: “CHỌN NGÀNH KIẾN TRÚC - BẠN SẼ HỌC GÌ TRONG 5 NĂM?”

(P.TS&TT  Văn Lang, 19/3/2021) - Tối 19/03 vào lúc 20g00, Livestream Nhà Lạc số 5 trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang tiếp tục lên sóng để giải đáp các thắc mắc của nhiều thí sinh - sinh viên tương lai về các vấn đề khi học ngành Kiến trúc

Sau khi trải qua 4 số phát sóng trước, thì Livestream Nhà Lạc trở lại với số livestream số 5 với chủ đề “CHỌN NGÀNH KIẾN TRÚC - BẠN SẼ HỌC GÌ TRONG 5 NĂM?” và lần này là dành cho các sinh viên tương lai có đam mê, định hướng cũng như mong muốn được hiểu hơn về chương trình học, các hoạt động đặc biệt trong 5 năm học Kiến trúc. 

Buổi giao lưu chia sẻ cho số livestream thứ 5 có sự tham gia của ThS. KTS. Nguyễn Bảo Tuấn - phụ trách Bộ môn Kỹ thuật, Khoa Kiến trúc, Phó Giám đốc Trung tâm ATC. Thầy được biết đến một người đã gắn bó giảng dạy các lứa sinh viên, đồng thời cũng đồng hành cùng các bạn sinh viên Kiến trúc ở nhiều cuộc thi lớn: “Mình rất vui vì có nhiều bạn thí sinh đang rất quan tâm đến ngành Kiến trúc. Chính vì vậy, Thầy sẵn sàng ngồi đây để chia sẻ cùng với tất cả các bạn về những thông tin cũng như giải đáp những thắc mắc để các bạn hiểu hơn về ngành học này” ThS. KTS Nguyễn Bảo Tuấn chia sẻ.

vlu livestream 5 aLivestream Nhà Lạc số 5 với chủ đề “CHỌN NGÀNH KIẾN TRÚC - BẠN SẼ HỌC GÌ TRONG 5 NĂM?” giải đáp các thắc mắc liên quan đến tuyển sinh và chương trình học cho thí sinh

Thông qua hộp thư VLU BOX và các kênh thông tin khác, nhiều thí sinh đã gửi các câu hỏi về chương trình đạo, kỳ thi năng khiếu, về các đồ án cũng như đời sống sinh viên. Để tiện theo dõi nội dung, Website Trường Đại học Văn Lang tường thuật lại buổi Tư vấn trực tuyến số 5 với chủ đề " Chọn ngành Kiến trúc - Bạn sẽ học gì trong 5 năm?”

Mời quý khán giả, quý phụ huynh, học sinh quan tâm, xem lại chương trình theo link phát sóng tại tại Fanpage Trường Đại học Văn Lang.

Để tiện theo dõi nội dung, Website Trường Đại học Văn Lang tường thuật lại buổi Tư vấn trực tuyến số 5 với chủ đề " Chọn ngành Kiến trúc - Bạn sẽ học gì trong 5 năm?”

MC đặt câu hỏi tương tác: Kiến trúc hiện là 1 trong 2 ngành của Văn Lang có số năm đào tạo là 5 năm, ngành thứ 2 là Dược học. Vậy Thầy cho em hỏi một câu hỏi tổng quan, trong 5 năm học, sinh viên Kiến trúc sẽ trải qua bao nhiêu tín chỉ, bao nhiêu môn học để hoàn thành chương trình ạ?

TL:Ngành Kiến trúc là một ngành có tính đặc thù cao do đó mà thời lượng học đòi hỏi 5 năm. Để trở thành Kiến trúc sư thì với chương trình hiện nay các bạn phải hoàn tất là 170 tín chỉ với hơn 70 học phần khác nhau. Trong ngành Kiến trúc có nhiều yếu tố rất đặc thù, là ngành mà chúng tôi hay gọi nó là “truyền nghề”. Môn chủ đạo trong ngành Kiến trúc là môn đồ án và có rất nhiều đồ án mà các bạn sẽ phải làm nhiều liên tục, tất cả các môn học khác đều nhằm phục vụ cho môn đồ án.

Bạn Phạm Tấn Tài (THPT Lưu Văn Liệt, Tp. HCM): Em đọc trên web thấy có “văn hóa truyền nghề” của ngành Kiến trúc, vậy văn hóa này là như thế nào ạ?

TL: Thầy xin đưa ra một cái ví dụ cho các bạn dễ hiểu. Trong ngành Kiến trúc thì các bạn sẽ phải học một môn quan trọng nhất là môn đồ án. Ví dụ đề bài sẽ cho chúng ta thiết kế một bệnh viện ở một khu đất cụ thể tại Thủ Thiêm, sau khi nhận đề xong các bạn sẽ có một giảng viên hướng dẫn, giảng viên hướng dẫn và sinh viên sẽ cùng nhau làm việc trong suốt 6 tuần hoặc là 9 tuần tùy tính chất của đồ án. Giảng viên sẽ hướng dẫn cho sinh viên những bước rất cặn kẽ, cụ thể từ chuyện sinh viên sẽ đi khảo sát hiện trạng như thế nào, tiến hành đánh giá điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, điều kiện khu đất ra sao,.. rồi sau đó lên phương án, lên ý tưởng và cuối cùng là hoàn thành đồ án đó. Đó là cách truyền nghề cho nhau. 

Bên cạnh đó còn là truyền nghề giữa thế hệ đàn anh và thế hệ đàn em. Trong Kiến trúc nó có một thuật ngữ chuyên môn là NERGE & PATRON. Thì Nerge là sinh viên năm dưới và Patron là sinh viên năm trên. Các bạn sinh viên có thể có những cái mà không tiện hỏi thầy cô mà có thể hỏi Patron của mình, hỏi các đàn anh, đàn chị của mình. Patron lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ lại các đàn em của mình rằng nên như thế nào,.. và ngược lại khi Patron lên bài thì Nerge có nhiệm vụ phải vào phụ cho Patron, cùng vẽ với Patron. Đó là tính chất truyền nghề trong ngành Kiến trúc.

vlu livestream nganh kien truc aaRất nhiều câu hỏi thiết thực từ các bạn thí sinh quan tâm đến ngành Kiến trúc đã gửi về chương trình

Bạn Quỳnh Như (Khánh Hòa) Có phải học Kiến trúc là chạy deadline ngập mặt không ạ?

TL: Khi nói về deadline thì không chỉ ngành Kiến trúc mà khi các bạn là sinh viên ở tất cả các ngành thì deadline là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên đối với riêng ngành Kiến trúc là một ngành đặc thù, tất cả các môn học đều có đồ án môn học và ngoài đồ án môn học còn có môn đồ án là môn chính nữa nên hầu như các bạn luôn luôn sống trong deadline. Lúc đầu tiên các bạn có thể sẽ hơi e ngại, cảm thấy sợ vì chuyện đó nhưng sau một thời gian các bạn đã bắt nhịp được rồi thì các bạn lại cảm thấy rất hãnh diện rằng mình hoàn toàn có thể thoải mái. Và đó cũng là một ưu điểm của sinh viên ngành Kiến trúc, là sinh viên ngành Kiến trúc luôn luôn thích nghi và chịu được áp lực cao. 

Nam Đỗ (tương tác trực tuyến): Em nghe nói chi phí làm đồ án và đạo cụ rất nhiều đúng không ạ, mong thầy tư vấn giúp em? 

TL: Khi làm đồ án thì tất nhiên một điều là mình phải có đạo cụ, tuy nhiên chi phí đạo cụ không quá đắt như các bạn đang e ngại mà vấn đề chính khi bạn làm đồ án cần phải đầu tư đó chính là kiến thức. Kiến thức mới là điều mình cần phải đầu tư, đạo cụ chỉ là một thứ yếu.

MC hỏi tương tác: Ngành Kiến trúc thì đòi hỏi các bạn có kỹ năng vẽ một chút, vậy thì những bạn cố gắng luyện tập mà không có năng khiếu bẩm sinh thì liệu rằng các bạn có theo ngành này được không Thầy?

TL: Đối với những bạn đang vẽ giỏi rồi thì Thầy không cần phải chia sẻ điều này nhưng các bạn có mức vẽ trung bình các bạn chú ý khi thi năng khiếu thì việc đầu tiên các bạn đạt được đó là phải dựng hình cho chính xác vì một số bạn không nghĩ tới chuyện này, mà chỉ chú trọng đến đánh bóng: đánh bóng đẹp thì điểm sẽ cao thì không phải.

Điều đầu tiên là đúng rồi mới đến đẹp, nếu chỉ có đẹp mà không đúng thì điểm không cao được. Đến khâu đánh bóng đẹp nếu như khá phức tạp với tay nghề của mình thì bạn cứ chuyển tất cả cái phức tạp ấy về các hình khối đơn giản mà bạn đã được học và đánh theo các hình khối đơn giản, như vậy thầy nghĩ các bạn vẫn đủ điểm đậu vào Kiến trúc. 

vlu livestream nganh kien truc ffffVừa xem tư vấn trực tiếp, nhiều bạn đã đặt ngay câu hỏi về vấn đề quan tâm khi học Kiến trúc

Bạn Trần Nhân (tương tác trực tuyến) Lúc học Kiến trúc thì mình sẽ học những môn gì? 

TL: Trong chương trình đào tạo thì tất cả các môn học sẽ được trải đều trong năm, tức là không có nặng nhẹ gì ở 5 năm. Tuy nhiên năm 1 là năm chúng ta sẽ học về những môn đại cương, về cơ bản trong Kiến trúc, về chuyên ngành thì có những môn như Kiến trúc nhập môn, nguyên lý thiết kế,.. đó là những môn dành cho năm 1. Về đồ án thì năm 1 chúng ta sẽ trải qua 4 đồ án cơ sở, đây là những bài tập rất quan trọng mà các bạn bắt buộc trải qua để làm cơ sở cho những đồ án mà chúng ta tự thiết kế được. 

Bạn Yến Nhi (tương tác trực tuyến): Mọi người ơi, học Kiến trúc thì PC nên mua như thế nào và laptop nên mua như thế nào, em định mua cả hai đó ạ, em cảm ơn?

TL: Đối với ngành Kiến trúc thì sau này khi các bạn đi làm bắt buộc phải có một máy tính dành cho chuyên ngành, với cấu hình nó rất cao, mạnh. Hiện nay khi vẫn là sinh viên, chưa điều kiện để đầu tư thì hệ thống máy tính của trường đã có thể hỗ trợ cho các bạn rồi. Hệ thống Máy tính của trường rất hiện đại, các bạn có thể yên tâm học tập 

các môn về đồ họa vi tính.

Bạn Nguyễn Như Bình: Ngành Kiến trúc có nặng về design hay không? Trong 5 năm mình sẽ học nặng nhất vào năm mấy và đồ án nào mình sẽ gặp khó khăn nhất?

TL: Ngành Kiến trúc không nặng về design, cái quan trọng của một Kiến trúc sư đó là phải tích lũy kiến thức. Thầy lấy một ví dụ, khi thiết kế một công trình thì chúng ta phải biết điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của các vị trí, công trình để đánh giá, phân tích các điều kiện tác động đến thiết kế của chúng ta như thế nào, từ đó lên concept, phương án dựa trên các nền tảng phân tích, hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật,... Chúng ta thiết kế một công trình thì phải đòi hỏi về công năng hợp lý, có hình dáng, khối dáng đẹp và phải đảm đảo nhiều yếu tố khác theo xu hướng thời đại ngày nay. Ví dụ như công trình phải tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đó là những điều mà Kiến trúc sư thời đại ngày nay phải biết chứ không chỉ nặng về design mà cần phải tích lũy một lượng kiến thức rất lớn, đó là lý do mà Kiến trúc kéo dài tới 5 năm chứ không phải 4 năm.

Đồ án nào nặng nhất là đồ án tốt nghiệp, khi các bạn làm đồ án tốt nghiệp thì các bạn chỉ cách Kiến trúc sư vài tháng nữa thôi. Lúc đó các thầy cô sẽ đặt các bạn vào trạng thái như các bạn đã là Kiến trúc sư và thiết kế công trình như một Kiến trúc sư thật, đạt được điều đó thì bạn mới ra trường được.

Bạn Quang Lộc( Group Cộng đồng Sinh viên Văn Lang ): Ngành Kiến trúc Chương trình Đào tạo Đặc biệt và Chương trình tiêu chuẩn khác nhau như thế nào? Học phí dao động khoảng bao nhiêu?

TL: So với Chương trình đào tạo tiêu chuẩn thì định hướng của Chương trình đào tạo đặc biệt Văn Lang là sẽ trở thành một công dân toàn cầu. Trong chương trình thiết kế môn học, môn thứ nhất chắc chắn là ngoại ngữ. Bên cạnh môn ngoại ngữ thì một số môn mà trong hệ tiêu chuẩn không có như là các môn về toán, khoa học, công nghệ hoặc một số môn theo định hướng khai phóng mà trong hệ tiêu chuẩn không có như lễ thức nhân văn, con người và môi trường, nghệ thuật trí tuệ hoặc một số môn về tư duy kỹ năng như tư duy phân tích, tư duy đặc biệt, tư duy sáng tạo, kỹ năng mềm đối với chương trình đặc biệt ở các ngành khác.

Riêng với ngành Kiến trúc, thì được định hướng theo một cách rõ ràng khác hệ tiêu chuẩn. Hệ tiêu chuẩn thì học theo truyền thống từ xưa tới giờ, nhưng với chương trình đặc biệt của Kiến trúc sẽ được đào tạo theo mô hình Studio, theo định hướng chủ yếu về công nghệ. Với mô hình Studio thì Việt Nam cũng không phải là mới lắm, có thể hiểu như một xưởng thực hành. Nhưng với hệ đặc biệt thì trường sẽ cung cấp riêng một lớp, một phòng để các bạn làm xưởng trong đó, vừa học lý thuyết vừa học các môn đồ án và sẽ được hoạt động 24/24, các bạn có thể ở lại và thầy cô cũng sẽ ở lại chung với các bạn.

Công nghệ là một thế mạnh của Đại học Văn Lang, là một Đại học định hướng phát triển công nghệ rất sớm và có mức đầu tư lớn. Đại học Văn Lang có cả một phòng thực tế ảo dành cho Kiến trúc, không chỉ với các bạn học hệ đặc biệt mà ngay cả với các bạn sinh viên hệ tiêu chuẩn cũng có thể thực tập ở phòng thực tế ảo này.  Phòng thực tế ảo đã được đầu tư rất nhiều thiết bị hiện đại. Ví dụ với môn học Lịch sử kiến trúc, trước đây các thầy cô sẽ giảng lý thuyết cho các bạn và các bạn có thể tham khảo thêm trên Internet, còn bây giờ các bạn muốn vào công trình nào, hệ thống phòng thực tế ảo sẽ cho phép các bạn có thể xem xét mọi ngóc ngách trong công trình đó.

Bạn Yến Nhi (Group sinh viên Văn Lang): Cho em hỏi học Kiến trúc chọn Chương trình Đào tạo Đặc biệt thì tiếng Anh có áp lực không? Vì tiếng Anh của em chỉ ở mức kém thôi ạ

TL: Không chỉ riêng với Chương trình đặc biệt mà cả Chương trình tiêu chuẩn, khi bạn bước vào trường sẽ có một bài test tiếng Anh đầu vào để phân  lớp tiếng Anh phù hợp với trình độ của bạn. Cụ thể với Chương trình đào tạo đặc biệt thì trong năm đầu tiên, các bạn sẽ vào lớp phù hợp và kết thúc năm đầu tiên các bạn có thể cùng học tiếng Anh như nhau.

vlu livestream 5 bThS. KTS. Nguyễn Bảo Tuấn - phụ trách Bộ môn Kỹ thuật, Khoa Kiến trúc, Phó Giám đốc Trung tâm ATC cho biết: "Nhiều bạn tưởng rằng khi học thì học phí cho Chương trình đặc biệt rất cap nhưng so với Chương trình học tiêu chuẩn chỉ cao hơn 30%. Với Chương trình tiêu chuẩn bạn sẽ được trải nghiệm trong nước và với Chương trình đặc biệt bạn sẽ có 2 lần trải nghiệm ở nước ngoài."

Bạn Nguyễn Tuấn Anh(THPT Nguyễn Văn Sáng ): Cho em hỏi vào ngành Kiến trúc có bắt buộc phải vẽ mỹ thuật hay không? Em đã tham gia vẽ trang trí màu tổ chức tại trường nhưng kiểm tra lại ngành Kiến trúc thì yêu cầu vẽ mỹ thuật. Sao ngành Kiến trúc phải yêu cầu vẽ mỹ thuật vậy ạ?

TL: Đây là quy định của trường, trường đã đăng ký với Bộ GD&ĐT, không thể muốn đưa môn nào vô thì đưa. Ngành Kiến trúc tuyển năng khiếu bằng môn vẽ mỹ thuật đã được trường thông báo trên trang web của trường tư trước rồi, các bạn cũng nên chú ý vào điểm này.

MC bổ sung: Đối với ngành Kiến trúc thì có 3 tổ hợp môn để xét là V00, V01 và H02, trong đó các bạn lưu ý là môn vẽ mỹ thuật là môn năng khiếu thì chúng ta sẽ nhân đôi.

Bạn Thân Anh (tương tác trực tuyến) : Học ngành Kiến trúc có còn thời gian cho sinh viên đi làm thêm hay không?Sinh viên nên làm thêm công việc gì để bổ trợ cho ngành học của mình? 

TL: Sinh viên ngành Kiến trúc khi đi làm thêm có một ưu điểm rất lớn đó là được làm thêm ở chính lĩnh vực mình đang học, đây là một điều mà thầy nghĩ ở các ngành nghề khác thì khó. Thông thường các ngành nghề khác khi sinh viên đi làm thêm thì các bạn phải chọn các ngành nghề đi phụ ở các siêu thị hoặc đi dạy kèm,... nhưng đối với sinh viên ngành Kiến trúc, bạn học từ năm 2 trở đi đã có thể đi làm thêm trong chính lĩnh vực mình đang học bằng cách nhận những công việc về vẽ hoặc làm part time cho Công ty Kiến trúc nào đó. 

MC đặt câu hỏi tương tác: Thầy có thể chỉ mẹo khi mà các bạn muốn đi làm thêm sớm và gây ấn tượng khi còn đang trong quá trình học chưa có kinh nghiệm không?

TL: Khi bạn mới bước chân vào trường, chúng ta chưa học môn gì hết, Khoa sẽ đào tạo bạn cách làm portfolio. Bạn muốn đi làm, ban phải chứng tỏ năng lực của mình cho nhà tuyển dụng mà không có gì hay hơn bằng việc bạn gửi portfolio cho họ xem. Bên cạnh làm portfolio, thì những bài tập, đồ án phải tự có ý thức rằng phải làm sao cho thật đẹp để bỏ vào portfolio của mình lưu lại rồi sau đó show nó ra cho nhà tuyển dụng. Với các bạn Kiến trúc, thầy cũng có lời khuyên rằng các bạn nên trang bị hành trang kiến thức cho mình, tự làm một cái portfolio thật tốt cho việc đi làm.

Phụ huynh (tương tác trực tuyến): Học ngành Kiến trúc hiện tại có còn dễ xin việc làm hay không khi tôi thấy các công ty xây dựng nhận vẽ thiết kế với giá rẻ, tôi cảm thấy lo cho công việc của con tôi khi học ngành này?

TL: Trong bối cảnh hiện nay của xã hội thì áp lực ngành nghề là rất cao không chỉ riêng ngành Kiến trúc. Tuy nhiên Đại học Văn Lang và Khoa Kiến trúc đã xác định các điều này rất rõ và định hướng những bạn sinh viên sau khi lấy được bằng Kiến trúc sư, khi ra trường đi làm, hành nghề phải có một tay nghề thật giỏi vì trong thị trường lao động, cạnh tranh hay không nằm ở tay nghề và giá cao hay thấp cũng quyết định ở tay nghề. Chính vì vậy cái chúng ta cần làm là làm sao cho các em có một tay nghề cao.

vlu livestream kien truc oƯu điểm của sinh viên ngành Kiến trúc khi đi làm thêm chính là làm ở chính lĩnh vực mình đang học

Duy Phan (tương tác trực tuyến): Ngành Kiến trúc sẽ khác ngành Thiết kế nội thất ở điểm nào, làm sao biết mình hợp với ngành nào?

TL: Thực ra, ngành Thiết kế nội thất cũng là một phần của ngành Kiến trúc, nó là một phần đi sâu hơn mà thôi, bản chất nó vẫn là thiết kế bình thường. Khi có nhiều người không hiểu về những ngành này lắm cho rằng ngành Nội thất là một ngành riêng và nó đơn thuần chỉ liên quan về các vấn đề về mỹ thuật. Kiến trúc chuyên sâu hơn vào bên trong nội thất, là một phân ngành của Kiến trúc. Làm sao để biết mình có hợp hay không chỉ có thể học để cảm nhận mà thôi, rất khó khi mà bạn chưa có cái tương tác nào để có thể xem là phù hợp với ngành nghề hay không. 

Bạn Bình (tương tác trực tuyến): Em thích VLU ghê, nhưng em muốn theo Art chứ không muốn học nặng Design nhiều. Cơ hội việc làm và hợp tác với các công ty Khoa Kiến trúc trường mình có nhiều không ạ?

TL: Về phần liên kết doanh nghiệp thì đó là thế mạnh của các Khoa như Kiến trúc, Mỹ thuật thiết kế, đó là những ngành rất mạnh trong việc liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh trường có Hiệp hội nghề nghiệp, thì Ngành Kiến trúc có Hiệp hội Kiến trúc sư, Khoa Kiến trúc có tương tác rất chặt chẽ với Hiệp hội nên về phía doanh nghiệp bạn hoàn toàn yên tâm. Hằng năm Khoa thường xuyên liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức các cuộc thi cho sinh viên ngành Kiến trúc. Gần đây cũng có tổ chức cuộc thi với giải thưởng 200 triệu cho sinh viên Ngành Kiến trúc.

Đối với ngành Kiến trúc,  không chỉ design, không chỉ là art mà tất cả vẫn là kiến thức, bạn phải đầu tư rất nhiều thì mới thiết kế được. Nếu chỉ đơn thuần rằng tạo ra một công trình nhìn art, nhìn cho nó nghệ thì nó không đáp ứng hết các yêu cầu của một công trình. 

Câu hỏi từ MC: Với những bạn thích ngành Kiến trúc quá nhưng ngành vẽ không phải là thế mạnh của bạn thì trong quá trình học bạn có gặp khó khăn gì khi theo học ngành Kiến trúc không ạ?

TL: Trước đây, Kiến trúc 100% là vẽ tay, lúc đó kỹ năng vẽ là một trong những kỹ năng quan trọng quyết định, tuy nhiên hiện kỹ năng vẽ tay đã được hỗ trợ rất nhiều bởi các hỗ trợ từ công nghệ máy tính và có những cái khi bản thân Thầy nói ra các bạn cũng bất ngờ. Thế hệ trước đây là vẽ tay, sau Thầy là vẽ máy, đến giờ đã có thể viết code để vẽ máy là một cái các bạn cảm thấy khác, mang tính thời đại của công nghiệp 4.0. Vì vậy không có vấn đề gì quá lo lắng nếu bạn không mạnh về vẽ tay.

Câu hỏi từ MC: Khi ứng dụng nhiều công nghệ trong việc học như vậy thì các bạn có cần phải học thêm gì ngoài giờ học nữa hay không?

TL: Đại học Văn lang là đại diện ủy quyền cho AutoDesk Việt Nam về đào tạo cho nên khi ngoài việc các bạn được cấp bằng Kiến trúc sư thì các bạn được cấp luôn chứng chỉ về phần mềm AutoDesk, chứng chỉ toàn cầu. Đây là một lợi thế mà Thầy thấy không có nhiều trường Đại học có được. Đặc biệt với trường Văn Lang sau khi ký kết với AutoDesk xong thì trường liên tục mở các khóa đào tạo nên các bạn không cần phải học thêm ở ngoài.

Bạn Tâm (tương tác trực tuyến): Thầy cho em xin một chút review về đội ngũ thầy cô của Khoa Kiến trúc Văn Lang được không, gia đình em thì phân vân giữa trường công và trường tư đó ạ?

TL: Vào ngày đầu khi thành lập trường Văn Lang thì tất cả các giảng viên môn Kiến trúc thời đó đều được mời từ Đại học Kiến trúc TP. HCM sang giảng dạy. Sau đó theo chỉ tiêu của trường mình về đào tạo theo định hướng ứng dụng thì bắt buộc các giảng viên khi về dạy phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm bên ngoài. Đến thế hệ bây giờ thì đó là sự kết hợp của các thầy cô trước đó cho đến ngày nay và một số thầy cô học từ nước ngoài về.

Giữa trường công và trường tư thì không thể phủ nhận trường công đều đã có một bề dày lịch sử trong suốt bao nhiêu năm trời. Tuy nhiên trường tư cũng có ưu điểm của trường tư khi Ban lãnh đạo nhà trường hoàn toàn có những quyết sách nhanh chóng để phù hợp với diễn biến của thời cuộc. Giống như về câu chuyện của công nghệ, trường mình rất mạnh tay về công nghệ khi cảm thấy những cái đó là tốt cho trường, cho sinh viên.

Bạn Thanh Bùi: Thầy có thể nói rõ hơn về viết code trên máy vi tính được không, Kiến trúc sư chuyên nghiên cứu về mảng này thì sẽ là trong lĩnh vực nào?

TL: Ngày xưa, khi Kiến trúc sư tạo ra một công trình thì đầu tiên đó là ý tưởng phác tay, sau đó vẽ lại chính xác ý tưởng đó, vẽ tay một đường cong rất là đẹp thì đó là cảm xúc của người thiết kế và đôi khi cái cảm xúc đó không thể lặp lại. Dân Kiến trúc được học một số nguyên lý đề tạo ra chuyện đó chứ không phải quá ngẫu nhiên đâu. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, Kiến trúc chuyển qua một xu hướng mới một trào lưu mới, người ta gọi là Kiến trúc tham số. Với cái này Kiến trúc sẽ không trở thành ngẫu nhiên nữa mà trở thành những cái như hàm số và chúng ta sẽ viết, tạo nên các công trình này dựa trên các công thức, hàm số này và khi chúng ta thay đổi một cái gì đó thì cả một công trình cũng thay đổi ngay trên máy tính của chúng ta. 

Ngày xưa khi làm Kiến trúc mà sửa sẽ phải mất 2,3 ngày mới vẽ xong và phải đưa Thầy coi, nhưng với công nghệ ngày nay thì thầy trò có thể ngồi lại với nhau và giải quyết trong cùng thời điểm đó, có thể ra một phương án hoặc vài chục phương án.

Bạn Tuyết Hoa: Khoa Kiến trúc sẽ học ở cơ sở nào và khi đi học sinh viên có phải mặc đồng phục không?

TL: Khoa Kiến trúc hệ tiêu chuẩn thì học ở cơ sở 1 nhưng hiện nay Khoa Kiến trúc hệ đặc biệt thì đang học ở cơ sở 3. Còn sinh viên Kiến trúc có một Lễ truyền thống thi thiết kế cho các trang phục năm đó. Khi thiết kế xong, các bạn đều mặc theo trang phục đó tuy nhiên không phải ngày nào cùng mặc mà chỉ mặc vào những ngày đặc biệt thôi.  

Bạn Mai Oanh (tương tác trực tuyến): Em đang học về Nội thất, nếu em muốn tìm hiểu sâu về Kiến trúc công trình thì em nên làm như thế nào?

TL: Nếu bạn muốn hiểu thêm về Kiến trúc công trình thì thầy khuyên bạn trước hết hãy hoàn thành các phần học về nội thất của bạn trước, sau khi bạn học xong mà vẫn muốn học về Kiến trúc công trình thì có thể học văn bằng 2 ở chính trường Đại học Văn Lang này.

Bạn Nhật Huy (tương tác trực tuyến): Em thấy sinh viên Khoa Kiến trúc có lễ hội về Rock, sao năm vừa rồi không có ạ? Đời sống sinh viên Kiến trúc nhiều deadline thì có năng động không?

TL: Năm vừa rồi, Khoa và các bạn sinh viên đều rất muốn tổ chức lễ hội truyền thông hằng năm, tuy nhiên do dịch bệnh nên Khoa buộc phải dừng lại. Sinh viên Kiến trúc cực kỳ năng động, ngoài chuyên môn của mình ra thì các bạn có rất nhiều tài lẻ, năng khiếu khác nên môi trường hoạt động của các bạn sinh viên Khoa Kiến trúc lúc nào cũng trong trạng thái hoạt động sôi nổi, náo nhiệt.

MC đặt câu hỏi tương tác: Với bao nhiêu năm gắn bó với ngành, thì điểm tạo nên sự khác biệt cho ngành Kiến trúc trường Đại học Văn Lang?

TL: Đầu tiên là sự định hướng đào tạo của Ban lãnh đạo nhà trường, ngay từ đầu Ban lãnh đạo đã phát động cho nhà trường và Khoa Kiến trúc phải đào tạo theo định hướng ứng dụng và trải nghiệm thực tế. Mục tiêu để các bạn sau khi ra trường có thể tiếp cận ngay được với công việc. Kế đó là nhanh chóng áp dụng công nghệ vào trong Kiến trúc và tạo nên một thế mạnh cho Khoa Kiến trúc. 

Qua những thông tin đã được giải đáp từ ThS. KTS. Nguyễn Bảo Tuấn trong buổi Livestream số 5 này, Nhà Lạc tin rằng những sinh viên ngành Kiến trúc tương lai đã tìm cho mình được hướng đi thích hợp cũng như vạch ra cho mình lộ trình học tập tốt nhất cho bản thân. Livestream Nhà Lạc sẽ lên sóng đều đặn mỗi tối thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần vào lúc 20g00 – 21g00 tại Fanpage trường Đại học Văn Lang. Mọi thông tin chi tiết về đăng ký xét tuyển, thi tuyển, các chương trình học,.. quý phụ huynh và thí sinh có thể đặt câu hỏi hoặc liên hệ đến các kênh thông tin khác.

vlu tu van tuyen sinh z

Mai Thy

Sinh viên Khóa 23 Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag