TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Livestream Tư vấn tuyển sinh năm 2021 - tập 7: “NGÀNH MÔI TRƯỜNG TẠI VĂN LANG, ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG MỚI”

(P.TS&TT - Văn Lang, 25/03/2021) - Tối ngày 25/03 vào lúc 20g00, Livestream Nhà Lạc số 7 trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang lên sóng trở lại để giải đáp các thắc mắc của nhiều thí sinh - sinh viên tương lai với những vấn đề xoay quanh lĩnh vực Môi trường.

Tiếp nối các số trước, Livestream Nhà Lạc số 7 gây thu hút với chủ đề “NGÀNH MÔI TRƯỜNG TẠI VĂN LANG, ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG MỚI.” dành cho các bạn thí sinh đang thắc mắc về ba ngành: Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Quản trị Môi trường Doanh nghiệp, Thiết kế Xanh của Khoa Công nghệ trường Đại học Văn Lang.

vlu livestream nganh moi truong dLivestream tư vấn trực tuyến trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang cùng sự tham gia của TS. Huỳnh Tấn Lợi

Tại buổi tư vấn trực tuyến có sự tham gia của TS. Huỳnh Tấn Lợi – Trưởng ngành chương trình đào tạo Tiến sĩ, Khoa Công nghệ. Thầy là cựu sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, tốt nghiệp thủ Khoa năm 2013; tốt nghiệp thủ Khoa chương trình Thạc sĩ ngành Kỹ thuật & Quản lý Môi trường tại Viện Công nghệ Châu Á - Thái Lan năm 2016; tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2020 với chương trình Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Môi trường tại Đại học Kyoto - Nhật Bản khi mới 29 tuổi và trở thành 1 trong những Tiến sĩ trẻ nhất tại Văn Lang.

Mở đầu Livestram, TS. Huỳnh Tấn Lợi có chia sẻ: “Khoa Công nghệ quá thân thiết với mình, mình học 4 năm, sau đó trở về trường tiếp tục công tác với chức danh Giảng viên và học vị Thạc sĩ. Công việc tư vấn của mình không phải mới mà hiện tại mình đang ở một vị trí mới. Trước đây mình là cộng tác viên trong chương trình tuyển sinh ở các trường THPT nhưng bây giờ mình đã đổi vị trí, mình tư vấn chung với cương vị là đại diện cho trường Đại học Văn Lang. Mình cũng hy vọng rằng, những lời tư vấn, tâm sự của mình giúp các bạn học sinh cấp 3 có được thông tin và hành trang để đưa ra sự lựa chọn của mình.”

 Để tiện theo dõi nội dung, Website Trường Đại học Văn Lang tường thuật lại buổi Tư vấn trực tuyến số 7 với chủ đề “Ngành Môi trường tại Văn Lang, đón đầu xu hướng mới.”

MC: Nhờ Thầy chia sẻ về những xu hướng mới của ngành Môi trường hiện nay, để các bạn học sinh dễ hình dung hơn ạ.

TL: Nhiều bạn trước đây thường hay nghĩ ngành Môi trường là phải đi giải quyết các vấn đề rác, nước thải; những vấn đề tế nhị về mặt vệ sinh là phải có ngành Môi trường và những Kỹ sư Môi trường đi giải quyết.

Nhìn lại chặng đường 2020 các bạn sẽ thấy Chính phủ Việt Nam đã thông qua bộ luật Bảo vệ môi trường - một bộ luật mới có thêm những cập nhập mới. Đối với ngành Môi trường hiện nay, xu hướng mới là phát triển bền vững và thêm một cụm từ mới nữa đó là kinh tế tuần hoàn.

Câu chuyện của Việt Nam, trong năm 2020 vừa qua, mình cũng thấy được nhiều vấn đề môi trường nổi bật, đặc biệt nhất là khu vực miền Tây Nam Bộ. Vấn đề về xâm nhập mặn, nhiễm mặn nguồn nước dẫn đến người dân không có đủ nguồn nước trong quá trình sinh hoạt, quá trình sản xuất, quá trình nông nghiệp. Vậy lý do là ở đâu? Thì người Kỹ sư Môi trường là người sẽ đi giải quyết câu hỏi đó và tìm ra câu trả lời.

Một vấn đề khác là ô nhiễm không khí năm 2020 và nó nổi cộm trên một ứng dụng điện thoại nói rằng Hà Nội lúc đó là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực môi trường không phải là một việc mơ hồ, mà đã được áp dụng nhiều rồi. Đó là những xu hướng mới mà hiện nay ngành Môi trường đang đưa vào nghiên cứu, áp dụng.

Bạn Thiên An (THPT Tân An) – Bạn Phương Trinh (THPT Hùng Vương): Khoa Công nghệ năm 2020 đã mở thêm một số ngành mới về môi trường: Quản trị Môi trường Doanh nghiệp, Thiết kế Xanh. Thầy có thể chỉ ra những đặc trưng riêng của từng ngành được không?

TL: Ba ngành mở ra đã phải cân đo đong đếm rất nhiều, mình phải đi tìm câu hỏi rằng thật sự xã hội có cần 3 ngành này không, đặc biệt là 2 ngành mới. Ngành đầu tiên mà Khoa Công nghệ mở ra là ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, đây là ngành bắt đầu từ năm 1995, đồng hành với việc phát triển của trường Đại học Văn Lang. Trong giai đoạn 1995, vấn đề môi trường là một vấn đề hot, khi nhắc đến ai cũng nghĩ trong tương lai đây là một vấn đề cấp thiết do đó khi mở ra ngành đó, chương trình đào tạo được chuyển giao hoàn toàn ở trường Đại học Wageningen - Hà Lan. 

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường là ngành đã đào tạo lâu năm, các bạn sẽ học về thiết kế, nhận định vấn đề và giải quyết các vấn đề bằng cách thiết kế lên các công trình về nước thải, rác thải, thiết kế hệ thống cấp thoát nước ở trong nhà. Một người Kỹ sư công nghệ môi trường đặc thù là làm về kỹ thuật. Còn với ngành Quản trị Môi trường, là một ngành mới được mở ra vào năm vừa rồi, nhưng cũng là một ngành lâu đời. Cái tên gọi mới vì chương trình tạo ra có sự kết hợp, lồng ghép giữa ngành Quản trị Kinh doanh và Quản trị Doanh nghiệp vào vấn đề quản lý tài nguyên và môi trường của doanh nghiệp. Khi học ngành này, mình trở thành một người quản lý, là người tạo ra những chính sách, phương pháp cải thiện quá trình sản xuất, giảm thiểu tối đa mức độ tác động của quá trình sản xuất đến vấn đề môi trường.

Ngành Thiết kế Xanh là ngành khi nghe sẽ thấy hình như có một chút lồng ghép của ngành Kiến trúc. Kiến trúc thiên về việc xây dựng, tạo ra một môi trường, không gian sống. Còn đối với ngành Thiết kế Xanh, chúng ta ứng dụng các vấn đề môi trường, xây dựng thiết kế bền vững, sử dụng các vật liệu có khả năng tái chế và ứng dụng năng lượng hiệu quả để giảm thiểu luồng điện tối đa khi sử dụng cho tòa nhà. Ngành Thiết kế Xanh mở ra, trở thành một xu thế đặc biệt cho các doanh nghiệp, muốn xây dựng lên một đô thị mới thì việc thiết kế không gian xanh là cực kỳ quan trọng.

Bạn Nguyễn Hân – Bạn Ngọc Trang (TP.HCM): Ngành Quản trị Môi trường Doanh nghiệp có phải là ngành Quản lý Môi trường không? Ngành Quản trị Môi trường Doanh nghiệp khác gì với ngành Quản trị Kinh doanh và thực chất đây là ngành Kinh tế hay là ngành Kỹ thuật?

TL: Quản trị là một cấp cao hơn của ngành Quản lý. Khi quản lý vấn đề môi trường trong doanh nghiệp phải quản lý được việc sử dụng tài nguyên, nhiên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất như thế nào để sản xuất ra sản phẩm ít tốn nhiên liệu nhất, tạo ra ít chất thải nhất. Học ngành Quản trị Môi trường Doanh nghiệp tất nhiên sẽ giống một chút với quản lý tài nguyên môi trường, chúng ta phải biết quản lý như thế nào để có thể ứng dụng vào quản trị doanh nghiệp, khác nhau vẫn có nhưng có sự lồng ghép, đan xen lẫn nhau. Do đó khi học về ngành Quản trị Môi trường Doanh nghiệp, các bạn sẽ được học thêm các kiến thức trong Quản trị Doanh nghiệp, tức là quản trị kinh doanh. 

MC đặt câu hỏi tương tác: Khi lên các trang tuyển dụng tìm về Kỹ sư thiết kế xanh thì không có những vị trí như vậy, nếu các bạn học Thiết kế Xanh các bạn sẽ làm cụ thể với công việc gì ạ?

TL: Cách đây 1-2 ngày thì Thầy có nói chuyện với một anh ở bên Công ty Insee, trước đây là Công ty xi măng Holcim thuộc tập đoàn Siam - Bangkok. Anh có chia sẻ với các Thầy Cô trong Khoa rằng khi anh muốn phát động giải thưởng INSEE Prize 2021 và lên mạng tìm về những trường có ngành về môi trường, anh đã rất ngạc nhiên khi trường mình có đào tạo về ngành Thiết kế Xanh. Khi anh làm trong lĩnh vực xây dựng, anh rất mong muốn tìm thấy những người có đúng chuyên môn thiết kế lên các tòa nhà, các đô thị có không gian sống thân thiện với môi trường và đặc biệt phải mang dấu ấn xanh. Xanh ở đây không phải mình trồng nhiều cây mà mình phải sử dụng hiệu quả các vấn đề về năng lượng, hiệu quả về vật liệu xây dựng, cái nào ít tạo ra chất thải nhất. 

Hiện nay ở Việt Nam nhiều tòa nhà dần mong muốn có được chứng chỉ toà nhà không gian xanh hoặc tòa nhà có kiến trúc xanh dẫn đến nhu cầu việc làm trong ngành này rất đa dạng. Không chỉ những công ty xây dựng mong muốn mà nhiều công ty khác cũng muốn cải thiện không gian ở trong của mình, thì trong doanh nghiệp sẽ cần những người học vẽ Thiết kế Xanh để cải thiện nó.

 vlu livestream nganh moi truong cTS. Huỳnh Tấn Lợi nhiệt tình tư vấn, giải đáp các thắc mắc của các thí sinh về lĩnh vực Môi trường

MC đặt câu hỏi tương tác: Có một từ thường gặp trong các tài liệu tuyển sinh giới thiệu về các ngành học của môi trường là từ “liên ngành”. Liên ngành là tích hợp các kiến thức và kỹ năng của nhiều ngành học khác nhau trong 1 ngành học. Vậy Thầy có thể chỉ ra cụ thể hơn tính liên ngành trong 3 ngành lĩnh vực môi trường của Văn Lang và điều đó tạo nên những ưu thế gì cho người học?

TL: Định nghĩa chung môi trường nghĩa là những gì xung quanh chúng ta và nó bao gồm các vấn đề xây dựng, vấn đề kinh tế, vấn đề xã hội. Liên ngành ở đây chính là làm sao lồng ghép vấn đề môi trường và vấn đề kinh tế. Trước đây nếu bạn theo dõi các vấn đề về phát triển môi trường thì xây dựng nền môi trường đẹp của các nước phát triển hiện nay như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ở Châu Âu trong giai đoạn đầu họ đều không muốn phát triển kinh tế để giữ vững được vấn đề bảo vệ môi trường. Vậy lồng ghép vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế như thế nào? Đó là câu hỏi đặt ra trong phát triển liên ngành giữa vấn đề quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại và vấn đề kinh tế, vấn đề môi trường. 

Hiện nay một số nhà hàng ở TP. HCM bắt đầu phát triển mô hình kinh doanh Zero waste, mô hình không chất thải trong vận hành nhà hàng. Hoặc về hệ thống du lịch sinh thái mà trước đây các bạn thường nghĩ đi vào rừng là du lịch sinh thái. Vấn đề về du lịch sinh thái là khi đến khu vực đó, mình trải nghiệm được gì, học được gì về vấn đề môi trường hay không và đem đến nguồn lợi gì cho người dân sống ở khu vực địa phương đó. Khi mình tạo ra một môi trường du lịch không chất thải, các bạn sẽ thấy được vấn đề liên ngành rất rộng rãi, ngay trong những vấn đề du lịch, kinh tế, môi trường ở xung quanh các bạn.

Bạn Thu Hà - Nhật Huy (THPT Phan Thiết, Bình Thuận): Khi học Công nghệ Kỹ thuật Môi trường thì cơ hội sau khi  ra trường có thể làm những việc gì, ứng dụng như thế nào vào đời sống? Em cảm thấy ngành Môi trường ở các nước phát triển sẽ có nhiều bạn trẻ quan tâm và theo đuổi hơn, còn ở Việt Nam có vẻ ngành này chưa phổ biến nên kém hấp dẫn, cơ hội việc làm cũng hạn hẹp.

TL:  Khi các bạn trở thành một Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, với bằng kỹ sư này các bạn sẽ là người vận hành, thiết kế các công trình hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Vấn đề mình đặt ra ở đây là giá trị mình cống hiến cho xã hội như thế nào. Học các ngành này là những người giám sát công trình trong xây dựng, thi công các hệ thống xử lý nước, rác, khí thải. Các bạn sẽ được học môn An toàn lao động và khi ra trường có thể là những Chuyên viên An toàn lao dong (HSE). Đối với tất cả Công ty xây dựng đều cần người chuyên viên này và sau nhiều năm khi bạn đã có kinh nghiệm bạn có thể lên giám sát công trình, người quản lý.

Ở các nước phát triển chọn học ngành Kỹ thuật rất nhiều, tất cả mọi thứ trong xã hội đều xoay quanh khoa học kỹ thuật. Có phát triển khoa học kỹ thuật là có phát triển kinh tế mà có phát triển kinh tế sẽ có thể phát triển xã hội. Đây là ba mũi tên phát triển đi đều với nhau. 

MC đặt câu hỏi tương tác: Mức thu nhập của sinh viên học ngành Môi trường sau khi ra trường sẽ khoảng bao nhiêu ạ?

TL: Mức thu nhập cho một người Kỹ sư mới ra trường chưa có kinh nghiệm sẽ nằm ở mức 7-9 triệu. Khi ra trường bạn là người học việc mới, nhưng với Khoa Công nghệ Kỹ thuật Môi Trường ở Đại học Văn Lang các bạn sẽ được cọ xát rất nhiều. Khi là sinh viên, các bạn đi kiến tập, thực tập, có cơ hội đi xuống các nhà máy, theo các Thầy Cô thực hiện những dự án liên quan đến doanh nghiệp nên khi ra trường các bạn bắt nhịp rất nhanh vào việc học hỏi. Sau thời gian làm việc, mức độ tăng lương hoàn toàn phụ thuộc vào các bạn.

Làm một người vận hành trạm xử lý hoặc hệ thống xử lý nước thải của 1 doanh nghiệp, sau 1 năm các bạn có thể lên quản lý của cả hệ thống. Tuy nhiên trong quá trình học tập, các bạn cũng phải trau dồi thêm các chứng chỉ hành nghề của mình như HSE. HSE học ra trường có thể làm 1 Kỹ sư thiết kế các công trình xử lý. Khi có càng nhiều kinh nghiệm thì mức lương cũng lên từ 13-15 triệu. Nếu các bạn là người cố vấn, lương của các bạn cũng ở mức độ khác, cao hơn nhiều, tùy vào mức độ dự án mà các bạn tư vấn.

Hiện nay có anh Lâm Tấn Quy là cựu sinh viên khóa 1 của ngành Kỹ thuật Công nghệ Môi trường, anh đang có 1 Công ty về thi công các hệ thống xử lý nước thải ở khu vực TP. HCM cho đến khu vực miền Tây và mức thu nhập của anh rất lớn. Đối với ngành Kỹ thuật Môi trường nếu các bạn có đam mê, có năng lực thì thu nhập khác nhiều so với lúc các bạn mới đi làm.

vlu livestream nganh moi truong aPhần mêm mô phỏng hệ thống xử lý, thiết kê 3D được trình chiếu trực tiếp trên Livesttream Nhà Lạc

Bạn Nhân Nguyễn: Thầy ơi, trong lúc học thì trường có dạy các phần mềm vẽ không hay sinh viên phải tự học ở bên ngoài?

TL: Đối với 3 ngành học trong bộ môn Môi trường, các bạn đều sẽ phải học 1 phần mềm chung là Autodesk. Đối với ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường và Thiết kế Xanh các bạn sẽ phải học cao cấp hơn, đó là chương trình thiết kế Revit, mô phỏng các hệ thống xử lý, thiết kế ở mức độ 3D. 

MC đặt câu hỏi tương tác: Ngoài những vấn đề công nghệ ngày trước không được như bây giờ thì những thế hệ sau còn có ưu thế gì hơn khi học?

TL: Với Khoa Công nghệ của trường Đại học Văn Lang, các bạn được học và trải nghiệm trong phòng thí nghiệm được xây dựng mới hoàn toàn cùng máy móc hiện đại. Hiện tại Khoa Công nghệ có rất nhiều dự án nước ngoài, trong nước lớn nhỏ, các bạn được tham gia trải nghiệm, tiếp xúc thực tế khi vẫn còn là sinh viên. 

Trường Đại học Văn Lang có 1 chính sách rất hay, trường sẽ cấp quỹ nghiên cứu khoa học sinh viên để thực hiện ý tưởng của mình. Thầy và 1 cô ở Khoa Công nghệ Thông tin cũng đang hướng dẫn 6 bạn sinh viên làm 1 đề tài thiết kế phần mềm ứng dụng trên điện thoại để tăng nhận thức và năng lực phân loại rác, trao đổi chất thải. Hiện tại Khoa cũng đang thực hiện các dự án lớn về tro, bùn thải và các chất thải không đúc của các doanh nghiệp; dự án về việc xử lý đất bị ô nhiễm từ thời chiến tranh. 

Bạn Yến Linh: Học Khoa Công nghệ có sang nước ngoài thực tập hay chỉ thực tập trong nước và con đường học Tiến sĩ, Thạc sĩ như thế nào?

TL: Các bạn sinh viên năm 4 khi thực hiện đề tài tốt nghiệp nếu như các bạn may mắn thuộc các dự án quốc tế, các bạn sẽ được đi sang nước ngoài thực tập. Năm vừa rồi, khoa Công nghệ của trường Đại học Văn Lang đã ký kết hợp tác với Viện Công nghệ Châu Á ở Thái Lan để xây dựng chương trình 3,5 cộng 1,5. Các bạn học 3 năm rưỡi ở Khoa Công nghệ sau đó còn 1 năm rưỡi các bạn sang Viện Công nghệ Châu Á học lấy bằng Thạc sĩ. Các bạn chỉ tốn 5 năm để có 2 cái bằng Đại học và bằng Thạc sĩ. Ở Thái Lan, bằng của Viện Công nghệ Châu Á cực kỳ danh giá, khi học ở đó các bạn được tiếp xúc hơn 30 quốc gia, khả năng học thêm về kiến thức văn hóa, ngoại ngữ và sự trải nghiệm.

MC đặt câu hỏi tương tác: Đối với ngành Thiết kế Xanh và ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, nữ học ngành này có khó không thầy?

TL: Ở các nước phát triển, các bạn nữ học ngành Kỹ thuật có đông hay không đó là 1 tỷ lệ được rất nhiều người quan tâm. Nữ giới là nhóm người có khả năng về thẩm mỹ, tính tỉ mỉ và cẩn thận trong quá trình học tập, làm việc. Trong xu hướng bình đẳng giới, nữ giới hoàn toàn có khả năng làm việc đó. Thầy đã chứng kiến rất nhiều nữ giới thành công trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường rất sáng giá chính là cô PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang, cô có bề dày công trình nghiên cứu đáng tự hào. Kế đến là cô PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh - Trưởng Khoa Công nghệ, cô không chỉ giỏi giải quyết các vấn đề khó mà còn giỏi trong vấn đề ngoại giao.

Các bạn nữ khi đi vận hành xử lý nước thải tuy cực nhưng các bạn rất hài lòng khi được trải nghiệm những công việc đó mà trước đây chỉ nghĩ rằng vấn đề này là của nam giới, nhưng nữ giới đều có thể làm được. Việc các bạn nữ học những ngành Kỹ thuật này hoàn toàn có khả năng và cực kỳ thuận lợi ở Khoa Công nghệ trường Đại học Văn Lang.

MC đặt câu hỏi tương tác: Những điều gì khiến Thầy yêu ngành Môi trường nhiều như vậy và chọn gắn bó với Văn Lang?

TL: Đây là một ngành có đóng góp cho xã hội rất nhiều và giá trị mà ngành Môi trường đem đến cho xã hội không còn tính bằng con số thông thường mà phải tính bằng những giá trị thiết thực về mặt nhân văn. Do đó mình yêu ngành Môi trường lắm, yêu từ việc ngành đã đóng góp như thế nào và đã đem đến những gì cho chúng ta. Trước đây Thầy cũng đã chia sẻ rất nhiều trên một số bài phỏng vấn của Thầy rằng: “Nếu không phải là Văn Lang thì không phải là đâu cả”.

Buổi Livestream Nhà Lạc số 7 với TS. HUỲNH TẤN LỢI – Trưởng ngành chương trình đào tạo Tiến sĩ, Khoa Công nghệ đã giải đáp các thông tin cũng như những chia sẻ thực tế nhất về ngành Môi trường của trường Đại học Văn Lang. Nhà lạc hy vọng các thí sinh có thể chọn lựa ngành học phù hợp nhất cho bản thân. Livestream Nhà Lạc sẽ lên vào lúc 20g00 – 21g00 tại Fanpage trường Đại học Văn Lang.

Mai Thy
Sinh viên Khóa 23 Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag