TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải tái bản sách "Tôi chết bắt đầu một thế giới sống"

 

Sáng ngày 30/07, tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải (Giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông – Đại học Văn Lang), bác sĩ Trần Văn Bản phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp có buổi giao lưu giới thiệu sách Tôi chết bắt đầu một thế giới sống – tác phẩm đoạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1997.

Buổi giao lưu giới thiệu sách bắt đầu bằng những câu hỏi dành cho nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Tôi chết bắt đầu một thế giới sống được nhà văn thành hình chỉ từ một mẩu tin đăng trên báo về bác sĩ Trần Văn Bản đi tìm hài cốt liệt sĩ. Nhận thấy đây là đề tài quý, có thể khai thác thêm, tác giả đã tìm gặp bác sĩ Bản và cùng nhau làm nên một tác phẩm xúc động, chân thực về thời hậu chiến.

toi chet bat dau mot the gioi songTôi chết bắt đầu một thế giới sống được nhà văn thành hình chỉ từ một mẩu tin đăng trên báo về bác sĩ Trần Văn Bản đi tìm hài cốt liệt sĩ

Tôi chết bắt đầu một thế giới sống là hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của bác sĩ Trần Văn Bản. Những đồng đội của bác sĩ Bản ở chiến trường, trước khi ra mặt trận chỉ yêu cầu đồng đội hứa với mình một điều, đó là “Mang xác tao về cho mẹ”. Sự sống và cái chết mỏng manh nơi chiến trường, đồng đội có ngã xuống, chỉ kịp liệm thi thể bằng tấm tanh hoặc chiếc võng rồi vùi xuống đất, nào kịp nhớ gì. Đến khi hòa bình lặp lại, lời hứa năm xưa như thúc giục bác sĩ Bản lên đường. Những năm đầu, ông đi một mình, tìm về ngôi mộ năm xưa theo trí nhớ, có khi đi 3,4 lần vẫn không tìm được. Đến khi tìm được đồng đội của mình thì cũng không dám thông báo cho ai, giấu cả với người nhà, xương đồng đội tìm được, ông giấu trên gác xép, đến khi xác nhận được quê quán rồi mới dám báo cho người nhà liệt sĩ.

Năm 2016 một phần tác phẩm cũng được nhà văn Mỹ Lady Borton dịch và đăng trong Tạp chí Consequence của Mỹ. Tác phẩm đã gây xúc động mạnh với tất cả những ai đọc nó, bởi Tôi chết bắt đầu một thế giới sống không chỉ là những câu chuyên riêng lẻ, theo kiểu liệt kê, mà được nhà văn khéo léo tạo thành mạch câu chuyện: câu chuyện của chiến tranh, câu chuyện của người còn sống, của người đã khuất, lồng ghép vào nhau tạo nên bức tranh thời hậu chiến nhân văn và sâu sắc. Đó là những bà mẹ Việt Nam mất con, đến chết vẫn đau đáu nỗi niềm đứa con chưa về được với mẹ. Đó là nỗi lòng của những bà má miền Nam trót thương những chiến sĩ ngã xuống năm xưa như con như cháu mình. Mà theo lời bác sĩ Bản: “những bà mẹ Viêt Nam mất con trong chiến tranh đau một, nhưng bà mẹ Mỹ đau tới mười. Vì họ không biết con họ hi sinh vì cái gì, dân tộc cách nhà họ nửa vòng trái đất kia có hận thù gì với họ không

tuong thuat toa dam 002Nhà báo - Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải phát biểu trong Tọa đàm Báo chí tại trường Văn Lang

Khá nhiều lần, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải cùng các đoàn làm phim, phóng viên nước ngoài đến gặp bác sĩ Bản để lấy tư liệu về quá trình đi tìm hài cốt đồng đội. Câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn này đã được các nhà báo của Nhật Bản ghi lại trong một bộ phim tư liệu về quá trình bác sĩ Bản đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Bá Hòa, từ lúc khai quật ở Củ Chi đến khi đưa về Hải Phòng – quê hương của liệt sĩ. Những thước phim chân thật đã tạo tiếng vang lớn ở Nhật Bản, để sau này, những thanh niên Nhật khi đến Việt Nam, thường ghé qua Hội chữ thập đỏ Quận Tân Bình, chỉ để gặp người bác sĩ trong câu chuyện kia một lần và biếu 5 đô la dành dụm, góp tiền mua nhang khói.  Hay câu chuyện của một anh phóng viên trẻ tuổi của tờ Washington Post cùng đi tìm mộ với nhân vật. Đó là lần tìm mà không thấy, nhưng người phóng viên trẻ kia đã phải khóc khi chứng kiến bác sĩ Bản lội ao, ngụp lên ngụp xuống để tìm đồng đội mình.

Còn thật nhiều những câu chuyện xúc động như thế trong 200 trang của cuốn sách, khiến người đọc phải suy nghĩ, phải lắng động hồi lâu, ví như trước câu hỏi: “Liệt sĩ là ân nhân của tổ quốc, sao khi chết đi không có lấy một nấm mồ, không có hòm chôn cất tử tế?”. Hay tựa đề tác phẩm: Tôi chết bắt đầu một thế giới sống cũng khơi gợi thật nhiều suy nghĩ. Tác phẩm là lời kể của người sống – bác sĩ Trần Văn Bản, nhưng lại được nói lên bởi tiếng lòng của người nằm xuống, đúng như lời của một nhà phê bình từng nhận xét: “Thế giới nhân văn nằm trong lòng đất”.

Ở lần tái bản này, cuốn sách còn có thêm một điểm đặc biệt: bìa sách được chính con trai của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải (họa sĩ Trần Nguyên Hồng) thiết kế. Theo lời của bố, anh đã cho vào bức tranh lọ penicillin, vật đã được bác sĩ Bản dùng để ghi nhớ tên họ, quê quán của những đồng đội ngã xuống.

Với một đề tài về hậu chiến, nhiều người lo ngại tác phẩm sẽ khó lòng tiếp cận các bạn trẻ, nhưng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải vẫn có một niềm tin dành cho những ai yêu sách: “Người trẻ vẫn đọc sách, tôi tin ở những người đọc tử tế, người đọc có hiểu biết vẫn tìm đến những tác phẩm giá trị. Hơn hết, đọc Tôi chết bắt đầu một thế giới sống là một tấm nhang lòng cho người đã khuất.

Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông - Trường ĐH Văn Lang


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag