TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Cơ hội khi áp dụng mô hình học cùng cộng đồng

Là phương pháp tiếp cận giáo dục phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, học cùng cộng đồng vẫn là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Giới thiệu mô hình học cùng cộng đồng vào chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” diễn ra tại Hà Nội.

Thu hẹp khoảng cách giảng đường - thực tế

Học cùng cộng đồng (Community Engaged Learning - CEL) là một phương pháp tiếp cận sáng tạo đối với giảng dạy và học tập, trong đó hoạt động tương tác cùng cộng đồng là một phần của chương trình giảng dạy chính thức. Với phương pháp này, sinh viên được tính điểm cho quá trình học và tương tác cùng cộng đồng. Các hình thức học thông qua trải nghiệm, phân tích và chiêm nghiệm về quá trình học cùng cộng đồng có liên kết rõ rệt với chuyên ngành và chương trình học của sinh viên.

hoc cung cong dongHình ảnh của sáng kiến Đại học không giảng đường.

Theo TS Josephine Boland (ĐH Quốc gia Galway, Ireland), nếu một trường đại học đảm đương ba sứ mệnh: Giảng dạy, Nghiên cứu, Hỗ trợ cộng đồng thì đều có thể có những hoạt động gắn kết với cộng đồng. Sự hợp tác giữa trường đại học với cộng đồng bảo đảm lợi ích hai bên cùng có lợi, trong đó có việc trao đổi kiến thức và nguồn lực. Điểm nổi bật của mô hình là sinh viên và cộng đồng cùng học hỏi lẫn nhau, tăng cường sự hợp tác và trao dổi kiến thức chuyên môn và kiến thức bản địa, qua đó nâng cao ý thức công dân đối với những vấn đề xã hội. Bà cho rằng, điều này trước hết cầu sự thay đổi của nhà trường, cần những giảng viên đi tiên phong, họ sửa đổi chương trình giảng dạy để sinh viên có thể thay đổi theo.

Trong khi CEL là hợp phần quan trọng trong chiến lược giáo dục của các trường ĐH tại nhiều nước thì khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, thường được biết với tên gọi: Học thông qua trải nghiệm cùng cộng đồng, học thông qua phụng sự cộng đồng. Phần lớn các chương trình học cùng cộng đồng được sinh viên thực hiện thông qua các hoạt động tình nguyện. Trường ĐH Hà Nội đã tham gia một số dự án học tập cùng cộng đồng, năm 2016 đã thực hiện thành công dự án Tiếng Anh cộng đồng trong khuôn khổ đề án ngoại ngữ quốc gia. Dự án đã thu hút sự tham gia của nhiều cộng đồng người dân, học sinh, sinh viên ở các cộng đồng khác nhau sống chung quanh địa bàn thành phố Hà Nội.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc trung tâm Hành động vì Đô thị (ACCD), cho biết, hình thức áp dụng phương pháp này tại Việt Nam có nhiều sự khác biệt. Trong khi sinh viên theo chương trình CEL tại nhiều nước là chương trình học chính thức, được tính điểm, do trường đại học đưa ra sáng kiến thì hoạt động này tại Việt Nam là chương trình không chính thức, không tính điểm và thường do các tổ chức phi chính phủ khởi xướng.

Thách thức khi triển khai tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, mô hình Học cùng cộng đồng đã được thử nghiệm và áp dụng tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện tại, trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đã lồng ghép mô hình CEL vào giảng dạy quy hoạch và thiết kế đô thị. Năm 2014, Trung tâm ACCD đã bắt đầu triển khai sáng kiến Đại học không giảng đường, được tổ chức các hoạt động thường xuyên theo các chương trình trả­­i­­ nghiệm mùa hè và mùa động, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng, Hội An…, thu hút đông đảo sinh viên tham gia cũng như sự ghi nhận của chính quyền địa phương. Từ năm 2016 đến nay, ACCD đã hợp tác cùng một số trường đại học để áp dụng phương pháp học này trở thành một phần của ­­­­­chương trình giảng dạy.

Đổi mới cấu trúc môn học đang là cách mà giảng viên khoa Du lịch, ĐH Huế đã bắt đầu triển khai để sinh viên có thể áp dụng phương pháp CEL vào học phần Nhập môn quan hệ công chúng của khoa. Trong đó, 2/3 thời lượng môn học sinh viên có cơ hội được trải nghiệm học tập cùng với cộng đồng nông dân tại vườn rau hữu cơ Kim Long, phường Kim Long, thành phố Huế.

Bà Trần Thị Hương (ĐH Văn Lang), cho hay, năm 2015, ĐH Văn Lang thành lập Trung tâm điều phối hoạt động cùng cộng đồng và là trung tâm đầu tiên của Việt Nam đưa ra mục tiêu đưa hoạt động cùng cộng đồng vào chương trình giảng dạy. “Việc chính thức hóa hoạt động cùng cộng đồng là khá mới mẻ tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh của một trường ĐH tư. Phần lớn giảng viên còn hoài nghi với các khái niệm về CEL, cũng như quá trình triển khai CEL và làm việc cùng cộng đồng. Nguyên nhân chính là sự mới lạ với phương pháp sư phạm này, cũng như những trở ngại khi phải vượt qua những quan niệm giáo dục quen thuộc”, bà Hương chia sẻ.

Thách thức của việc ứng dụng CEL trong nhà trường còn ở việc bảo đảm tính bền vững cho các dự án, nhất là nhiều dự án không có sự ràng buộc về pháp lý mà chỉ dựa trên cam kết bằng niềm tin, nhiệt huyết. Nhiều chương trình nằm trong khuôn khổ của các dự án ngắn hạn hoặc là một hợp phần của môn học, sự thay đổi của cộng đồng chưa lớn hoặc tính tác động chưa cao. Điều này đòi hỏi nhiều chương trình dài hạn, có sự kế tục của các thế hệ sinh viên để hoạt động lâu dài hơn. Dù là thách thức, nhưng CEL vẫn có khả năng phát huy hiệu quả, bởi theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội Nguyễn Thị Cúc Phương, sự thay đổi này là cần thiết và nằm trong tầm quản lý của trường đại học.

Hạnh Hiền - theo Nhân dân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag