TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Việt Nam cần đại tu chương trình giáo dục ngoại ngữ

Trò chuyện với một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, ông Karim Raslan, nhà bình luận Malaysia, phát hiện nhiều vấn đề trong giáo dục ngoại ngữ Việt Nam.

Dưới đây là bài viết của nhà bình luận Karim Raslan.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2016 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra kết quả của học sinh Việt Nam đã vượt qua học sinh trong khu vực và liên tục vượt trội so với học sinh Mỹ hay Anh quốc trong các bài kiểm tra toán học và khoa học. Tuy nhiên, việc học sinh Việt đạt kết quả cao trong khảo sát PISA cũng chỉ là một khía cạnh của câu chuyện giáo dục, thực tế thì phức tạp hơn nhiều.

Dễ thấy giống như phần lớn các nước Đông Nam Á khác, hệ thống giáo dục của Việt Nam có nhiều vấn đề, nổi cộm nhất vẫn là nạn học vẹt và các bài kiểm tra chuẩn hóa. Thiếu sót lớn thứ nhì là thiếu trang bị tư duy sáng tạo cho học sinh trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng.

viet-nam-can-dai-tu-chuong-trinh-giao-duc-ngoai-nguHệ thống giáo dục Việt Nam được ông Karim Raslan đánh giá tụt hậu so với các nước ASEAN. Ảnh minh họa: Bubblespan

Để có được góc nhìn tiệm cận nhất với vấn đề ngành giáo dục Việt Nam đang gặp phải, tôi đã trò chuyện với cô giáo Đoan (không phải tên thật) - giáo viên dạy Anh văn trong một trường tiểu học ở ngoại ô Hà Nội. Cô 43 tuổi, có gương mặt lôi cuốn và tính tình vui vẻ, trẻ trung.

Cô giáo Đoan vô cùng tâm huyết với việc dạy học tiếng Anh. "Từ lúc mới bắt đầu tôi đã thích âm thanh của tiếng Anh rồi. Tất nhiên hồi còn học cấp 3, tôi phải theo chương trình tiếng Nga, nhưng đến năm 1993, tôi đã chuyển sang học tiếng Anh. Tôi biết tiếng Anh quan trọng hơn nên chuyển hướng... Dạy tiếng Anh là niềm đam mê của tôi, tôi dạy vì niềm vui chứ không phải vì tiền", cô nói.

Tuy đã giảng dạy trong trường 19 năm nhưng cô Đoan vẫn là giáo viên hợp đồng chứ không được vào biên chế. Điều này đồng nghĩa mức lương tháng của cô chỉ dao dộng từ 1.280.000 đồng đến 4.000.000 đồng tùy thuộc vào số lớp nhận dạy, và cô không được thụ hưởng chế độ lương hưu.

Cô cũng giãi bày phần đông đồng nghiệp kiếm kế sinh nhai nhờ dạy thêm, tương tự hầu hết giáo viên trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng cô hoàn toàn không lo lắng về việc dạy thêm. "Các lớp ở trường đều rất đông học sinh, có đến 44 em trong lớp tôi đang dạy. Một tuần có 4 tiết tiếng Anh, mỗi tiết dài 40 phút. Tôi không nghĩ thời lượng đó là đủ. Nhiều phụ huynh nhờ tôi tổ chức lớp dạy thêm nhưng tôi không có thời gian", cô giải thích.

"Nên tập trung vào cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết... tuy nhiên kỹ năng viết thường bị bỏ qua. Những cán bộ giáo dục bên trên nói rằng giáo trình tiếng Anh cho cấp tiểu học chỉ cần tập trung vào nghe và nói. Nhưng ngay cả đối với hai kỹ năng này, sách dạy hiện tại cũng không phù hợp, bằng chứng là học sinh không thể nói được sau khi học xong", cô Đoan nhận định. 

Một khó khăn khác của học sinh là vấn đề phát âm. Kỹ năng nói của học sinh Việt Nam nói chung còn yếu. Hiện tại các em phát âm còn sai nhiều từ, đặc biệt là các âm vô thanh mà tiếng Việt không có. Từ các em hay phát âm sai nhất là ‘bathroom’. Khi vào cấp 2 và gặp giáo viên nước ngoài, các em gần như không thể giao tiếp được. Chỉ những em đi học ở Trung tâm Tiếng Anh chất lượng thì mới nói tốt. Sách giáo khoa hiện tại không đáp ứng được các nhu cầu thực tế.

Giọng buồn rầu, cô Đoan nói thêm: "Các nhà lãnh đạo giáo dục chỉ áp đặt chương trình xuống giáo viên, học sinh mà không biết nó có thực sự phù hợp hay không. Tôi nghĩ các họ nên xuống các trường kiểm tra đột xuất để hiểu được tình hình tiết dạy thực tế".

Mấu chốt không phải phụ huynh thiếu quan tâm đến giáo dục. Bây giờ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, ngay cả công nhân nhà máy cũng cần biết tiếng Anh. Các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái mình học tiếng Anh. "Ở huyện tôi, giống như có một phong trào vậy, mọi người đều nghĩ học tiếng Anh là quan trọng, không chỉ ở tiểu học mà còn ở cấp mẫu giáo", cô Đoan kể.

Phần lớn cha mẹ ở Đông Nam Á (và cả các nhà đầu tư quốc tế) đều coi tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu và học tiếng Anh tốt sẽ giúp học sinh tiếp cận được nhiều cơ hội nghề nghiệp về sau. "Học tập đối với người Việt là một truyền thống. Không được giáo dục tốt, các em sẽ không có công việc tốt trong tương lai. Đáng buồn là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ hỏi đến ý kiến của phụ huynh", cô Đoan chia sẻ.

Nhưng nói một cách công bằng thì chính phủ có vẻ cũng thừa nhận những thách thức trước mặt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh là việc tối quan trọng với nền giáo dục nước nhà: "Dạy ngoại ngữ không chuẩn thì thà không dạy còn hơn".

Mặc dù học sinh Việt vẫn đạt kết quả cao trong khảo sát PISA, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét rà soát lại đề án 2020. Đây là kế hoạch tổng thể hoạch định việc giảng dạy ngoại ngữ toàn quốc bắt đầu từ năm 2008 với kinh phí thực hiện lên đến 10 nghìn tỷ đồng.

Nếu so sánh tinh thần của người Việt Nam với các quốc gia cùng khu vực thì quyết tâm thành công của người Việt luôn nổi bật, trong khi các quốc gia ASEAN 5 đã qua thời kỳ bùng nổ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng mềm của Việt Nam mà đáng chú ý nhất là hệ thống giáo dục vẫn đang rất tụt hậu so với các nước ASEAN 5.

Nhìn theo hướng tích cực, khả năng sẵn sàng bẻ lái để cải thiện chất lượng và kết quả chính là điều khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong khu vực, trong khi các cấp lãnh đạo đang sử dụng quyền lực tập trung để thực hiện cải cách cần thiết và trang bị cho người dân những kỹ năng thời đại hội nhập.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể thực hiện thành công các cải cách, ngày càng nhiều nhà máy, dây chuyền sản xuất sẽ được chuyển đến Việt Nam - nơi sẽ sớm trở thành trung tâm sản xuất năng động nhất của ASEAN trong tương lai gần.

Karim Raslan là nhà bình luận và cố vấn kinh doanh có nhiều tiếng vang tại khu vực Đông Nam Á. Tốt nghiệp Đại học Cambridge (Anh), ông di chuyển khắp khu vực để tìm hiểu đời sống, kinh doanh và chính trị. Tại Malaysia, mục bình luận Ceritalah của ông được xuất bản bằng ba thứ tiếng Anh, Quan Thoại và Malay trên các tờ The Star, Sin Chew Daily và Sinar Harian. Quan điểm của ông có thể được bắt gặp trên The Jakarta Globe (Indonesia), Today (Singapore) và các kênh truyền hình BBC, CNN, Al Jazeera hay CNBC.
Ông cũng là tác giả của 5 cuốn sách, “Ceritalah: Malaysia trong cuộc chuyển mình”, “Những anh hùng và các câu chuyện”, “Ceritalah 2: Hành trình xuyên Đông Nam Á”, “Ceritalah 3: Malaysia và giấc mơ dở dang” và “Ceritalah Indonesia”.

Karim Raslan (Theo Vnexpress)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag