TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Dấu ấn Văn Lang trong cuộc thi “Thiết kế Nhà nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long”

 (Phòng Tuyển sinh - Văn Lang, 16/10/2017) – Sau thành tích từ ARCHICAD – BIM Competition 2017, sinh viên Kiến trúc Văn Lang tiếp tục ghi dấu ấn trong cuộc thi “Thiết kế Nhà nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Viện Kiến trúc Nhà nổi Trường ĐH Kỹ thuật Cottbus – Senftenberg (Đức) tổ chức.

Phát động từ tháng 5/2017, cuộc thi “Thiết kế Nhà nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã thu hút sinh viên các cơ sở đào tạo ngành Kiến trúc trong cả nước tham gia, như: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Văn Lang, ĐH Phương Đông, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Hutech… Theo thông tin từ Ban tổ chức, cuộc thi đã nhận được 128 đề tài dự thi.


Sau vòng sơ khảo ngày 01/9/2017, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Văn Lang nhận tin vui: 3 đồ án lọt vào “top 15” đồ án có chất lượng tốt. Tiếp đó, 2 đề tài lọt vào “top 8” đồ án xuất sắc nhất bảo vệ trước Hội đồng giám khảo là các chuyên gia đến từ Viện Kiến trúc Nhà nổi Trường ĐH Kỹ thuật Cottbus – Senftenberg (Đức) và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Nhóm SV K20A: Nguyễn Thị Cẩm Hường, Vũ Minh Tâm, Uông Đại Vũ (SV năm 4);
● FUTURE IN PRESENT: Võ Ngọc Quang, Nguyễn Thái Hòa, Hồ Quốc Tuấn (SV năm 5).
Sau vòng thi ngày 25/9/2017, nhóm SV K20A dừng lại ở top 8.
FUTURE IN PRESENT đại diện cho sinh viên Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang đi tiếp vào vòng cuối,
tranh tài cùng sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh

 

DH van lang giai thuong kien truc 01Kết quả chung cuộc sau buổi bảo vệ chiều ngày 27/9/2017 tại Trường ĐH Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh: nhóm FUTURE IN PRESENT nhận giải khuyến khích.
Ảnh: Đại diện Viện Kiến trúc Nhà nổi Trường ĐH Kỹ thuật Cottbus – Senftenberg (Đức) trao giải khuyến khích cho nhóm SV Văn Lang.

FUTURE IN PRESENT (“hướng về tương lai ở ngay trong thực tại”), cũng chính là tên đề tài của nhóm, nhằm mục đích quy hoạch một khu làng nổi với quy mô 50 hộ dân, có một cuộc sống đảm bảo hơn, ổn định hơn, với các đề xuất giải pháp phát triển kinh tế dựa trên đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa của dân cư vùng Cù lao Mỹ Hòa Hưng.

“Văn hóa nhà nổi, chợ nổi đã trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân vùng Cù lao Mỹ Hòa Hưng từ bao đời nay. Nhưng vùng đất này đang tồn tại thực trạng báo động: nhà nổi mọc lên một cách tự phát không có sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Đời sống của cư dân còn khó khăn, nhất là thiếu thốn về điện, nước sạch hằng ngày. Trẻ em không được đi học. Người lớn chật vật mưu sinh. Người già không được quan tâm chữa bệnh và hưởng những vấn đề về phúc lợi xã hội… Mối quan hệ “láng giềng” của cư dân nơi đây ngày càng mai một khi vài tháng lại nhổ neo di chuyển sang vùng khác để mưu sinh.

Từ nhận thức trên, bài toán về quy hoạch một ngôi làng – trước hết cho 50 hộ dân được đặt ra với những vấn đề thật cụ thể: có những điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ cho nhu cầu thiết yếu cuộc sống, chú trọng mối liên kết “tình làng nghĩa xóm” giữa các hộ dân nhằm xây dựng một cộng đồng cư dân ổn định, gắn kết, chia sẻ và làm nên những giá trị cho cuộc sống, sẽ tốt hơn tình trạng bấp bênh, trôi nổi, rày đây mai đó như hiện nay.”

 DH van lang giai thuong kien truc 02Layout thiết kế của nhóm “Future in present” được trình bày bằng tiếng Anh tại buổi bảo vệ ngày 27/9/2017 tại Trường ĐH Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh.

DH van lang giai thuong kien truc 03
Điểm cốt lõi và sự khác biệt của bài toán nằm ở chỗ: làm sao để giữ người dân lại ở vùng đất này khi quy hoạch xong? Xây dựng một môi trường sống tốt hơn, đảm bảo về kinh tế, nhưng vẫn giữ lại đặc điểm thân thuộc với những người dân nơi đây là điều cần bàn tính tới ngoài câu chuyện quy hoạch về hình thức, và quy mô. Nhóm đề xuất các giải pháp để phát triển kinh tế dựa trên đặc thù văn hóa và thế mạnh địa phương: vấn đề nuôi trồng tự nhiên, làng nghề truyền thống, du lịch home stay và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái chế từ tự nhiên, xử lý vấn đề chất thải, tái sử dụng nó, tránh tác động đến môi trường, …

Nhóm cũng đã tính tới tương lai: “Khi dân số tăng, ngôi làng sẽ không đủ chỗ cho những gia đình phát triển qui mô lớn hơn. Khi đó mô hình sẽ là định hướng để phát triển những ngôi làng ra các vùng khác trong khu vực, kéo dãn dân số. Từ đó. hình thành những mối liên kết giao thương hỗ trợ về kinh tế, du lịch và các hoat động xã hội giữa các khu làng, tạo nên những làng nghề kinh tế, cùng nhau hỗ trợ và phát triển bền vững, hiệu quả hơn”.

DH van lang giai thuong kien truc 04Võ Ngọc Quang đại diện nhóm thuyết trình, bảo vệ đề tài trước Hội đồng,
chiều 27/9/2017.
Ngoài ra, khi khảo sát thực tế, nhóm đã nhìn ra những vấn đề (mặc dù cuộc thi không yêu cầu) như tình trạng sạt lở do nước biển dâng, do hút cát… khiến cho nhiều khu nhà ven bờ đang bị xóa xổ. Nhóm đã tìm hiểu việc sử dụng sự liên kết những khu nhà nổi tạo ra những phương án về bồi đắp bờ sông chống sóng vỗ, giúp những vùng đất được bồi lên và hạn chế tình trạng sạt lở đang ở mức báo động như hiện nay.

FUTURE IN PRESENT là đề tài được đánh giá có nhiều triển vọng ở các vòng thi. Hơi tiếc một chút, ý tưởng, tâm huyết của nhóm chưa chia sẻ được hết trong buổi bảo vệ trước Hội đồng Giám khảo.

“Dừng lại ở giải khuyến khích là một kết quả gây tiếc nuối, vì thực tế đề tài có thể đi xa hơn, nếu như… khả năng tiếng Anh của nhóm tốt hơn để có thể nói rõ hơn về ý tưởng, lý giải rõ hơn các đề xuất giải pháp phát triển cho khu làng nổi. Khi đó Ban Giám khảo sẽ hiểu hơn và đặt câu hỏi nhiều hơn để nhóm có thể chia sẻ hết những dự định của mình về bài toán tương lai khi khu làng phát triển…” - Võ Ngọc Quang – đại diện nhóm bộc bạch.

 DH van lang giai thuong kien truc 05
3 thành viên nhóm FUTURE IN PRESENT đã nhận được nhiều bài học quý hơn cả giải thưởng sau cuộc thi.

(Ảnh: nhóm chụp hình kỷ niệm cùng Giảng viên hướng dẫn - ThS. KTS. Trương Nguyễn Hồng Quang)

“Dù có chút tiếc nuối, nhưng cuộc thi đã đem đến cho chúng em nhiều trải nghiệm mới mẻ, có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Bài học lớn nhất là nhận ra sự mình còn rất nhiều thiếu sót về kiến thức. Với FUTURE IN PRESENT, nhóm em tự nhận thấy chưa giải quyết chiều sâu của bài, về kĩ thuật, ngôi nhà vật liệu, kiến trúc... Tiếp đến, khả năng về tiếng Anh của chúng em chưa thật sự tốt bằng các trường bạn. Một bài học nữa cũng rất quan trọng: trong bất kỳ công việc gì, dù là cuộc thi lớn hay nhỏ, hay đi làm việc sau này, cần tìm hiểu đối tác của mình là ai, hiểu được mục tiêu của họ là gì, trên cơ sở đó, mình sẽ có những bước đi phù hợp. Như lần thi này, Viện Kiến trúc Nhà nổi của Trường ĐH Kỹ thuật Cottbus – Senftenberg (Đức) đã mang sang Việt Nam những kĩ thuật vật liệu mới giới thiệu, nhưng hầu hết các đội không nhận biết được này, để có thể sử dụng đưa vào bài thi của mình. Đó cũng là sự thiếu tinh tế của những người trẻ…”.

Những bài học, những kinh nghiệm này, thực sự là những phần thưởng vô giá. Cuộc thi này, dù chỉ đạt giải khuyến khích, nhưng thật sự rất có ý nghĩa và là dấu ấn đẹp trong cuộc đời sinh viên của em”.

Nguyễn Liên (tổng hợp)
Hình ảnh: khoa Kiến trúc


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag