TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Cử nhân đi xuất khẩu lao động

Ngày càng có nhiều cử nhân tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng quyết định xuất khẩu lao động, với mong muốn có tối thiểu vài trăm triệu đồng làm vốn khi về nước.

Giải pháp cho những cử nhân thất nghiệp

Lựa chọn đi xuất khẩu lao động đang là giải pháp cho nhiều cử nhân đại học, cao đẳng ra trường, chưa có việc làm. Nhật Linh (sinh năm 1993, cựu sinh viên trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, hiện đang làm ở việc ở Nhật) chia sẻ nguyên nhân khiến Linh quyết định sang Nhật làm công nhân sản xuất shushi: “Mới ra trường, mức lương 5 triệu đồng, chỉ vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu. Mấy anh chị mình quen từng đi xuất khẩu lao động, về nước có vốn để chuyển hướng kinh doanh ổn định nên mình nghĩ đây là cơ hội tốt”. Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1993, cựu sinh viên trường ĐH Công nghệ TP. HCM) cũng quyết định sang Nhật như Linh, cho biết: “Trường mình học không phải trường “top” nên lương sinh viên mới ra trường thấp. Muốn gọi là ổn định và có dư, chắc phải “bám trụ” làm việc cho một công ty khoảng 3 năm. Nhưng quyết định ấy chứa nhiều yếu tố may rủi, phụ thuộc vào công ty mình làm việc. Thay vì lựa chọn phương án “hên xui” đó, mình quyết định đi xuất khẩu lao động để biết chắc số tiền kiếm được trong 3 năm”.

cu nhan xuat khau lao dong 001Nguyễn Thị Liên (bên phải) cùng bạn cùng phòng tham quan lễ hội hoa anh đào ở Nhật vào ngày nghỉ.

Tuy nhiên, cả Linh và Liên đều vấp phải sự phản đối khi xin gia đình cho xuất khẩu lao động. Ba mẹ Liên cho rằng, cố gắng nuôi con ăn học suốt 12 năm, thêm 4 năm đại học, cuối cùng, con mình lại phải bán sức lao động nơi xứ người. Linh cho biết, các bậc phụ huynh thường có tâm lý xấu hổ, họ nghĩ rằng, chỉ có học thấp mới phải đi xuất khẩu lao động, dù thực tế, mức lương tối thiểu của lao động phổ thông ở nước ngoài cao gấp nhiều lần so với trong nước. Chính vì những định kiến như vậy nên nhiều bạn bè Linh dù thất nghiệp, “đắp” bằng cử nhân ở nhà nhưng gia đình nhất quyết không cho đi xuất khẩu lao động.

Chi phí cao

Tuy xuất khẩu lao động là giải pháp cho những cử nhân thất nghiệp nhưng không phải cử nhân thất nghiệp nào cũng có điều kiện đi lao động nước ngoài. Chi phí phải trả khi đi xuất khẩu lao động cao là nguyên nhân chính. Nhật Linh cho biết, tổng số tiền cô phải bỏ ra để hoàn tất thủ tục xuất khẩu lao động là hơn 200 triệu đồng. Bao gồm: Phí dịch vụ, là khoản phí người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phí khám sức khỏe; chi phí học ngoại ngữ, mức phí này phụ thuộc vào trình độ của người lao động (ví dụ như, xuất khẩu lao động phổ thông lao động ở Nhật yêu cầu mức ngoại ngữ tối thiểu là N5 nhưng có nhiều cử nhân không cần đi học đã có bằng tiếng Nhật N4, N3 thì sẽ tiết kiệm khoản chi phí này); chi phí đào tạo tay nghề đối với đơn hàng yêu cầu kỹ năng, công ty môi giới sẽ tổ chức đào tạo để người lao động có thể đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật. 200 triệu đồng bao gồm vé máy bay và thủ tục xin “visa”.

cu nhan xuat khau lao dong 002Nhật Linh tại Tokyo, Nhật Bản.

Mức phí cao, dao động từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng tùy thị trường lao động nhưng vì mức lương đáng ao ước (25 – 60 triệu đồng/tháng) nên không ít cử nhân quyết định vay vốn để có cơ hội đi xuất khẩu lao động. Trần Văn Thắng (sinh năm 1993, cựu sinh viên trường CĐ Điện lực miền Trung) cũng sang Nhật theo diện xuất khẩu lao động nhưng theo hình thức “thực tập sinh”, do bộ LĐ – TB – XH phối hợp với công ty ở Nhật nên Thắng không mất mất phí môi giới như Nhật Linh và Liên. Đổi lại, Thắng phải tự chi trả tiền nhà, không được hỗ trợ chỗ ở như Linh và Liên. Theo quy định của Nhà nước khi đi tu nghiệp tại Nhật, người lao động được nhận chế độ đối xử như lao động bản địa dưới dạng “tu nghiệp sinh”. Đây là một hình thức sang nước ngoài để học việc, tu nghiệp trong thời gian cho phép (khoảng 3 năm). Thắng tiết lộ: “Khi ký hợp đồng, mức lương “cứng” của mình là 32 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt và thuế thì mình còn lại khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Không phải toàn màu hồng

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện nên nhiều cử nhân ra nước ngoài lao động mang trên mình món nợ vay vài trăm triệu đồng, áp lực trả nợ khá cao. Linh chia sẻ, mức lương cô nhận được là 1.000 đôla/tháng, trừ 200 – 300 đôla dành cho sinh hoạt, ăn uống, cô còn lại 700 – 800 đôla dành dụm để trả nợ và tích cóp cho ngày về: “Mức lương ấy cao hơn nhiều lần so với mức lương ở Việt Nam thật nhưng cái giá đó phải đánh đổi bằng việc sống cô đơn ở nước ngoài, xa rời gia đình, bạn bè. Mình từng chứng kiến nhiều bạn trẻ đã không chịu nổi áp lực công việc, sự cô đơn mà bỏ việc giữa chừng, “ôm” theo nợ về nước, nên những ai có ý định xuất khẩu lao động cần phải hỏi bản thân có thực sự dám chấp nhận đánh đổi hay không”.

Nguyễn Thi Liên tâm sự: “Tính đến nay, mình đã sống ở Nhật được hơn một năm rưỡi nhưng nợ chưa trả xong. Nhiều người từng khuyên mình đến Nhật đừng chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền mà nên học thêm tiếng Nhật và thăm thú nhiều nơi, mở rộng hiểu biết. Chỉ bản thân mình hiểu rõ, để đến được Nhật, mình phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền và công sức. Vì tính chất công việc làm ở công ty shushi nên ngày nghỉ, lễ mình vẫn phải đi làm, rất ít cơ hội gặp bạn bè, đồng hương. Ngày nghỉ trong tuần thường chỉ ở nhà xem phim, vì khả năng tiếng Nhật còn hạn chế, đường xá vẫn chưa rành, toàn phải tự mò mẫm, nên ngại giao tiếp. Những bạn trẻ nào muốn sống tốt ở Nhật, phải thực sự bản lĩnh và giàu kỹ năng sống”.

cu nhan xuat khau lao dong 003Trần Văn Thắng (ngồi) nhờ bạn cùng phòng cắt tóc vì chi phí cắt tóc ở Nhật quá đắt đỏ.

Những công ty hỗ trợ nhà ở cho người lao động thường ghép phòng ngẫu nhiên. Không ít những tình huống “dở khóc, dở cười”, khi phòng chỉ có hai người ở nhưng tính tình không hợp, thậm chí, không muốn nhìn mặt nhau. Công ty tuyển dụng không giải quyết những vấn đề đó, dù muốn hay không thì người lao động vẫn phải ở với nhau suốt 3 năm hợp đồng lao động. Linh chia sẻ: “Bạn của mình đi lao động ở Hàn Quốc hay tâm sự, nhiều khi kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi cũng không  muốn về phòng. Phòng sống chỉ có hai người nhưng không hợp tính nhau, chả thèm nhìn mặt, chứ nói gì tâm sự hay nói chuyện. Vậy nên, có chuyện buồn, bức xúc không biết tâm sự với ai. Không dám gọi cho bố mẹ vì sợ bố mẹ lo lắng, chỉ biết giữ trong lòng”.

Văn Thắng cho biết, tiền cắt tóc ở Nhật khá đắt đỏ, tầm 4.000 yên (khoảng hơn 1 triệu đồng)/lần nên anh bạn mua tôngđơ, nhờ bạn cùng phòng cắt giúp để tiết kiệm tiền. Chỉ còn vài tháng nữa, Thắng kết thúc hợp đồng 3 năm về nước. Thắng khoe, đã mua được một miếng đất ở quê và để dành một số vốn đủ mở một nhà hàng. Anh bạn chia sẻ: “Kinh nghiệm làm việc 3 năm ở Nhật, tiếng Nhật thành thạo nên cơ hội về nước làm việc cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam rất rộng mở”.

 Nhật Linh cho biết, khi quyết định đi xuất khẩu lao động, Linh đã tốn nhiều thời gian tìm công ty môi giới uy tín, vì sợ bị lừa đảo. Cô khuyên: “Nên chọn công ty môi giới lao động đã có người quen đi trước để tìm hiểu kinh nghiệm. Muốn chắc chắn hơn thì đến Bộ LĐ – TB – XH để được giới thiệu. Sau đó, cần đến công ty nghe họ tư vấn. Các bạn hãy chú ý, những quảng cáo ở các công ty môi giới xuất khẩu lao động thường phóng đại lợi ích. Tốt nhất, các bạn nên gặp những người đi trước để tham khảo mức lương, môi trường làm việc thực tế, tránh vỡ mộng”.

NGUYÊN NGUYÊN


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag