TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo Khoa học: Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính

(Phòng Tuyển sinh – Văn Lang, 04/8/2018) – Sáng ngày 21/07/2018, tại Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, Phường Cô Giang, Quận 1, Tp.HCM, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Viện Văn học đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918 – 2018).

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 1aChủ trì Hội thảo: PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học; PGS.TS Vũ Thanh – Phó Viện trưởng Viện Văn học; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng Viện Văn học; Ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Văn Lang; Ông Dương Trọng Dật - Giám đốc phụ trách Tổ chức, Nội vụ và Truyền thông, Viện trưởng Viện Đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật - Truyền Thông Trường ĐH Văn Lang.

Khai mạc Hội thảo khoa học, Ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang phát biểu: Trường Đại học Văn Lang rất vinh dự được là đơn vị đồng tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính. Đây là cơ hội hợp tác đầu tiên giữa Viện Văn học và Trường Đại học Văn Lang trong lĩnh vực văn học. Nhà trường mới đây cũng đã mở ra ngành học mới: Văn học ứng dụng, với trách nhiệm bồi dưỡng chuyên môn và bồi dưỡng đạo đức, tâm hồn giới trẻ hiện nay. Hội thảo cũng là cơ hội để sinh viên, các giảng viên ngành Văn học (ứng dụng) trao dồi thêm kiến thức chuyên môn và tiếp cận thêm nhiều góc nhìn mới về nhà thơ Nguyễn Bính.

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 1B

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, phát biểu đề dẫn theo ba luận điểm chính: 1/ Nguyễn Bính chịu nhiều ảnh hưởng phương Tây nhưng thơ của ông vẫn trở về với “chất quê”; 2/ Nguyễn Bính sinh ra ở miền Bắc nhưng một phần đời gắn liền với miền Nam; 3/ thơ Nguyễn Bính thuần Việt, chân quê, ông cũng là người “đi xa nhất” trong dòng thơ này.

 

 

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 2a



Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính nhận được nhiều bài nghiên cứu gửi về và tập hợp 47 bài viết của các nhà nghiên cứu từ Nam chí Bắc vào Kỷ yếu Hội thảo. Kỷ yếu do Nhà xuất bản Văn nghệ phát hành, được chuyển đến các khách mời ngay trong Hội thảo. Trong đó, 5 bài nghiên cứu được chọn báo cáo tham luận tại Hội thảo sáng 21/7/2018.

 

 

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 3PGS.TS Trần Đình Sử, tham luận Nguyễn Bính – Nhà thơ điệu nói trong phong trào Thơ Mới lãng mạn 1932 – 1945.

PGS.TS Trần Đình Sử đưa ra khái niệm Thơ điệu nói trong phong trào Thơ Mới, những dẫn chứng cho thấy Thơ điệu nói đã “cách mạng hóa” thi ca Việt Nam và sức ảnh hưởng của thơ Nguyễn Bính trong thời kì Thơ Mới. Ông kết luận: “Nguyễn Bính là nhà Thơ Mới tiêu biểu với những bài thơ lục bát, thơ bảy chữ điệu nói tài tình; ông đã biểu hiện nhiều tiếng nói thân thuộc gần gũi với dạng thức cái tôi mới mẻ,…Thơ điệu nói của Nguyễn Bính linh hoạt mềm mại, song cũng có chỗ dài dòng và dễ lẫn với ca vè, làm giảm sút sức mê hoặc.”


DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 4PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị, tham luận Nguyễn Bính - Nhà thơ Mới của nhiều thời.

PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị cho rằng Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời chứ không hẳn chỉ của phong trào Thơ Mới, bởi ông “Khác biệt một cách gần gũi. Gần gũi một cách khác biệt.”

Nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị đưa ra rất nhiều dẫn chứng thơ Nguyễn Bính và phân tích nhiều khía cạnh từ chất thơ, chủ đề thơ, hình ảnh chủ đạo và nhận xét, đánh giá của các nhà bình phẩm văn học về thơ Nguyễn Bính để làm rõ luận điểm: Nguyễn Bính đã và sẽ là nhà thơ của nhiều thời. Với ý nghĩa và tầm vóc thơ Nguyễn Bính đã có, việc dịch và giới thiệu rộng rãi thơ Nguyễn Bính với cộng đồng quốc tế là rất cần thiết để nhân loại hiểu Việt Nam hơn.

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 5PGS.TS. Võ Văn Nhơn, tham luận Nam Bộ trong thơ Nguyễn Bính.

PGS.TS. Võ Văn Nhơn cho rằng tính cách Nguyễn Bính ưa giang hồ, xê dịch; và phương Nam đã đem đến cho thơ ông một giọng điệu hào sảng.

Viết về hành trình nhà thơ cách mạng Nguyễn Bính ở Nam Kì, PGS.Ts. Võ Văn Nhơn cho rằng chiến tích thơ văn của Nguyễn Bính trong những năm kháng chiến chống Pháp là rất to lớn so với những nhà thơ cùng thời đi kháng chiến. Và nhận định: “Thơ viết về Miền Nam, Nam Bộ của Nguyễn Bính do đó không phải là những sáng tác do tưởng tượng, hư cấu, mà là máu thịt, là những trải nghiệm bằng máu và nước mắt của chính ông, vì thế những vần thơ chân thực này đã lay động người đọc một cách sâu sắc”. Số lượng tác phẩm để lại về Miền Nam của Nguyễn Bính tuy bị thất lạc ít nhiều, nhưng số còn lại cũng đủ cho thấy Nam Bộ đã có vị trí rất đặc biệt trong đời thơ giàu có của ông.

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 6PGS.TS. Trần Hoài Anh, tham luận Đời và Thơ Nguyễn Bính trong văn học Miền nam trước 1975.

Nếu như báo cáo của PGS.TS. Võ Văn Nhơn tập trung vào sức ảnh hưởng của miền Nam đến đời và thơ của Nguyễn Bính, thì ở báo cáo của PGS.TS.Trần Hoài Anh, ông cho thấy sức ảnh hưởng của Nguyễn Bính với văn học miền Nam lúc bấy giờ.

Trong xã hội miền Nam trước 1975, thơ Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Chân quê, Cô hái mơ, Ghen, Cô lái đò,… đã có vị trí đặc biệt trong tâm thức và tâm cảm của bao thế hệ người đọc. Nguyễn Bính và thơ của ông còn là một di sản trong văn học miền Nam trước 1975, cho nên ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca tiền chiến xuất hiện nhiều trong sách, báo ở miền Nam.

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 7ThS. Lê Thị Gấm, tham luận Thơ Nguyễn Bính dưới góc nhìn liên văn bản.

ThS. Lê Thị Gấm cho rằng “Trong phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính không phải là nhà thơ hiện đại nhất. Ông không thể nghiệm tượng trưng hay siêu thực, cũng không mang thơ mình ngôn ngữ, motif rất Tây như một số nhà thơ cùng thời. Nguyễn Bính chỉ làm thơ lãng mạn.”

Tham luận đi vào phân tích cấu trúc khoa học, hệ thống ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Bính. “Cấu trúc thơ Nguyễn Bính dung dị mà phức tạp. Lời thơ chân chất mà sâu sắc. Trong cái nhìn vĩ mô, các tác phẩm thơ của Nguyễn Bính kết nối trong một cấu trúc liên văn bản, gợi mở nhiều tầng nghĩa tương liên thú vị, sâu sắc, mà những phân tích của chúng tôi ở tham luận này là một thể nghiệm, có tính gợi mở.”

DH VAN LANG HT NGUYEN BINH 8Ngoài các tham luận, Hội thảo vinh dự đón tiếp con gái của nhà thơ Nguyễn Bính là nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu tham dự. Bà trình bày về cuộc đời và sự nghiệp văn học Nguyễn Bính qua những nghiên cứu riêng về người cha của mình.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà thơ, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều báo cáo và trao đổi nhằm làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của nhà thơ Nguyễn Bính, đồng thời có thể mở ra nhiều hướng tranh luận mới.

Thay mặt Viện Văn học. PGS.TS. Vũ Thanh bày tỏ hy vọng có thể tiếp tục cùng Trường ĐH Văn Lang tổ chức các Hội thảo văn học có ý nghĩa trong tương lai.

 

Bài: Ngọc Thi – Tố Như

Ảnh: Ngọc Thi

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag