Quỹ Tín dụng học tập dành cho sinh viên thành lập từ năm 1998 nhằm giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập. Quỹ do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) quản lý. Vốn vay từ Quỹ sẽ giúp các bạn trang trải một phần chi phí học tập, sinh hoạt: học phí, sách vở, phương tiện học tập, nghiên cứu.
Năm học 2017 – 2018, Trường Đại học Văn Lang đã xác nhận hồ sơ cho 1.507 sinh viên làm hồ sơ thủ tục vay vốn học tập.
Ảnh: Các anh chị sinh viên khóa trên hướng dẫn các em tân sinh viên thủ tục để vay vốn trong ngày nhập học.
ĐỐI TƯỢNG VAY
- Chủ hộ là người đại diện cho hộ gia đình có nơi cư trú hợp pháp trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ NHCSXH, là cha hoặc mẹ hoặc người đại diện cho gia đình SV đã thành niên (đủ 18 tuổi) được UBND cấp xã sở tại xác nhận.
- Sinh viên mồ côi cha mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động được trực tiếp vay vốn tại NHCSXH nơi Nhà trường đóng trụ sở.
PHƯƠNG THỨC CHO VAY
Thông qua hộ gia đình của sinh viên, bố hoặc mẹ hoặc người đại diện cho hộ gia đình (người thân) sẽ chịu trách nhiệm trong mọi quan hệ với ngân hàng, kể cả trách nhiệm trả nợ. Người thân sau khi vay được tiền có thể yêu cầu chi nhánh NHCSXH ở địa phương chuyển tiền cho con em mình tới NHCSXH nơi con em mình đang học tập, sinh viên đến nhận tiền mang theo chứng minh nhân dân. Miễn phí chuyển tiền.
Địa chỉ NHCSXH: Phòng Giao dịch NHCSXH quận Bình Thạnh (334 Bạch Đằng, P. 14, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM; điện thoại: 028.35106380).
MỨC VỐN CHO VAY: 15.000.000 đồng/năm.
LÃI SUẤT CHO VAY: 0.55%/tháng, 6.6%/năm, lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN
Đối với sinh viên có người thân vay theo hộ gia đình:
- Bước 1: Sinh viên liên hệ Văn phòng Khoa làm Giấy xác nhận chứng minh sinh viên đang theo học tại trường để gửi về cho gia đình.
- Bước 2: Người vay của gia đình (chủ hộ) liên hệ địa phương để gia nhập Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), viết Giấy đề nghị vay vốn kèm Giấy Xác nhận của trường gửi cho Tổ TK&VV (trường hợp nhập học năm đầu tiên, hộ gia đình phải xuất trình Giấy báo nhập học).
- Bước 3: Tổ TK&VV tiến hành họp tổ để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên Giấy Đề nghị vay vốn, đối chiếu với đối tượng xin vay đúng với chính sách vay vốn của Chính phủ, sau đó lập danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH, kèm theo Giấy Đề nghị vay vốn, Giấy Xác nhận của Trường, trình UBND cấp xã/tương đương xác nhận.
- Bước 4: Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã/tương đương, Tổ TK&VV gửi toàn bộ hồ sơ đề nghị vay vốn cho NHCSXH để làm thủ tục phê duyệt cho vay.
- Bước 5: Sau khi phê duyệt, NHCSXH lập thông báo cho vay gửi UBND cấp xã/tương đương, UBND cấp xã/ tương đương thông báo cho Tổ TK&VV và người vay đến điểm giao dịch gần nhất để nhận tiền vay.
SV diện mồ côi có thể làm hồ sơ vay trực tiếp tại NHCSXH quận Bình Thạnh.
- Bước 1: Sinh viên liên hệ Văn phòng Khoa để được hướng dẫn đăng ký (theo mẫu).
- Bước 2: Phòng Công tác Sinh viên hướng dẫn sinh viên làm Giấy Đề nghị vay vốn và làm Giấy xác nhận; Lập danh sách trình ký Ban Giám hiệu gửi NHCSXH quận Bình Thạnh để được xem xét cho vay; Thông báo cho sinh viên ngày đến làm thủ tục nhận tiền vay.
- Bước 3: Sinh viên liên hệ Phòng Công tác Sinh viên để biết lịch ngân hàng giải ngân.
- Bước 4: Đúng lịch (Nhà trường sẽ thông báo), sinh viên đến NHCSXH quận Bình Thạnh để ký nhận tiền vay và chuyển tiền đóng học phí vào tài khoản của Trường (mang theo CMND, thẻ sinh viên).
TRẢ NỢ VAY QUỸ TÍN DỤNG HỌC TẬP
Thời hạn cho vay tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc và lãi, gồm 2 thời hạn như sau:
- Thời hạn phát tiền vay: Tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khóa học (kể cả thời gian sinh viên tạm dừng và bảo lưu kết quả học tập). Trong thời gian này người vay chưa phải trả nợ gốc và lãi tiền vay; lãi vay được tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.
- Thời hạn trả nợ trong hạn, tính theo công thức: T = t x 2 + 12 (tháng); trong đó, T là thời hạn trả nợ trong hạn, t là thời gian sinh viên học tại Trường tính từ ngày nhận món vay đầu tiên cho đến khi tốt nghiệp được tính theo tháng (1 năm học = 12 tháng).
Ví dụ thời gian học của bạn là 4 năm, bạn có thể được vay ngay từ năm nhất. Nhưng thường năm nhất, bạn được bố mẹ lo đầy đủ, đến năm thứ 2, thứ 3 gia đình bạn mới bắt đầu thấy khó khăn và làm hồ sơ vay vốn.
Giả sử, bắt đầu nhận món vay đầu tiên vào học kỳ 1 năm thứ 3, bạn được vay với mức tối đa là 15.000.000 đồng/năm. Từ khi nhận tiền vay đến khi tốt nghiệp, thời gian bạn học tại trường là 2 năm (24 tháng). Áp dụng công thức trên, thời gian trả nợ trong hạn vay với T = 24 x 2 + 12 = 60 (tháng) = 5 năm. Như vậy, bạn có 3 năm kể từ khi tốt nghiệp để trả vay với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng; 6,6%/năm. Hết thời hạn này, lãi suất bạn phải trả sẽ tăng lên 0,715%/tháng.
Khi tốt nghiệp, bạn ra trường, đi làm và bắt đầu trả vay 1.400.000 đồng/tháng, sau khoảng 2,5 năm bạn sẽ trả xong cả gốc lẫn lãi; nếu bạn trả được 1.745.000 đồng/tháng thì thời gian trả vay trong vòng 2 năm.
Bạn sẽ hình dung cụ thể hơn về việc vay và trả nợ của mình qua bảng tính sau đây:
(*): Tính trong trường hợp suốt thời gian vay, bạn không trả bất kỳ khoản tiền nào.