TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Điêu khắc Không gian truyền thống - Hoàn cảnh đương đại

(TT Thông tin - Văn Lang, 12/4/2016) - Hội thảo chuyên đề "Điêu khắc - Không gian truyền thống - Hoàn cảnh đương đại" do Hội Mỹ thuật Việt Nam và khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Văn Lang tổ chức, từ 8g - 11g ngày 30/3/2016, tại Họa thất lầu 7, Cơ sở 2 (233A Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM).

Lĩnh vực học tập, làm việc của sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp (Tạo dáng sản phẩm), Thiết kế Nội thất liên quan "sát sườn" với ngành điêu khắc, tạo hình sản phẩm. Sinh viên được học môn Điêu khắc (45 tiết - học kỳ 2 năm nhất ngành Nội thất) và môn Thẩm mỹ Hình khối (60 tiết - học kỳ 1 năm hai ngành Tạo dáng), được cung cấp kiến thức cơ bản về thể loại, chất liệu và kỹ năng thể hiện trong nghệ thuật điêu khắc, cảm nhận cơ bản về hình khối trong quá trình thực hành. Ngoài học tập trên lớp, khoa Mỹ thuật Công nghiệp Văn Lang chú trọng tổ chức những buổi sinh hoạt học thuật, những chuyến đi thực tế để sinh viên ghi chép hoa văn vốn cổ - "ngôn ngữ" của điêu khắc truyền thống.

Hội thảo chuyên đề "Điêu khắc - Không gian truyền thống - Hoàn cảnh đương đại" lần này phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam thật sự là cơ hội quý giá cho sinh viên Văn Lang được trực tiếp trao đổi và lắng nghe chia sẻ từ những nhà nghiên cứu mỹ thuật đầu ngành. Vấn đề các diễn giả lưu tâm không phải là trình bày lý thuyết về lịch sử ngành điêu khắc, vì những kiến thức này sinh viên đã được học và có thể tự đọc; mà quan trọng hơn là bàn về vai trò, hướng đi của ngành điêu khắc Việt Nam trong hoàn cảnh đương đại, giúp sinh viên nâng cao tầm nhìn và tăng cường kiến thức, định hướng cho chuyên ngành đang theo đuổi.

mtcn hoi thao dieu khac 001Hơn 80 sinh viên ngành Tạo dáng và Nội thất, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang đã đến tham gia hội thảo "Điêu khắc - Không gian truyền thống - Hoàn cảnh đương đại"

mtcn hoi thao dieu khac 002Hai diễn giả trình bày trong hội thảo là họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân (trái) và họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.
Hội thảo có sự tham dự của những tên tuổi lớn trong lĩnh vực điêu khắc: Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh, nhà điêu khắc Lê Lang Biên - Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Tp.HCM; nhà điêu khắc Phùng Chí Thu - phụ trách ngành Điêu khắc phía nam; điêu khắc gia trẻ Trần Việt Hà (được giải khuyến khích Trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2015 với tác phẩm "Ký ức Sài Gòn"); bà Mã Thanh Cao - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật.

Điêu khắc hiện đại - "tiến lên là quay lại quá khứ"..

Điêu khắc là "xương sống" của Mỹ thuật cổ Việt Nam, là đỉnh cao tinh hoa trí tuệ, tinh thần người Việt. Nếu muốn biết lịch sử một đất nước, muốn tìm hiểu tâm hồn một dân tộc thì kiến trúc và điêu khắc là những quyển sử chính xác nhất, đáng tin hơn cả các văn bản. Những vấn đề về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, tập tục, con người... có thể dễ dàng tìm thấy qua điêu khắc - như một con đường để tiếp cận và nghiên cứu văn hóa truyền thống. Các nhà điêu khắc Việt Nam hiện nay đang đứng trên một "mảnh đất" giàu có của tư liệu truyền thống mà không khai thác được sẽ thật sự thiệt thòi và đáng tiếc! Nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng đều theo quy luật tiến về phía trước, đồng thời quay trở về học lại quá khứ. Quan trọng là cách người nghệ sĩ lựa chọn trở lại quá khứ như thế nào để phát triển? - đó là điều diễn giả Nguyễn Quân nhấn manh.

mtcn hoi thao dieu khac 003Không ít sinh viên tập trung ghi chép lại "bài học" đặc biệt không có trong giáo trình.

Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm điêu khắc truyền thống có bốn đặc điểm nổi bật sau:

Tính biểu tượng: trở nên đặc biệt quan trọng khi các dân tộc tiếp xúc, giao lưu với nhau để tạo sự đặc sắc của mỗi nền văn hóa. Tính biểu tượng rất hấp dẫn, nhưng khi trở thành giáo điều lại là trở ngại cho người sáng tác và cảm nhận.

Tính hài hòa thẩm mỹ: Cái chuẩn của sự hài hòa là sự trung bình, nằm trong cách nhìn thông thường nhất, dễ chịu nhất của con người, gần gũi với đông đảo quần chúng.

Tính thực dụng của điêu khắc trước đây nằm trong nhà thờ, nhà chùa. Điêu khắc hiện đại mang kiến trúc đến công cộng nên tính thực dụng đặc biệt quan trọng với điêu khắc đô thị.

Truyền thống văn hóa: nằm ở xúc cảm, thói quen con người - là những thứ khó nắm bắt cụ thể nhất. Nhà điêu khắc phải làm sao để người xem đồng cảm được, dung hòa được tư duy, văn hóa cá nhân với truyền thống văn hóa của người thưởng thức.

Điêu khắc hiện đại không nhất thiết giữ trọn những đặc điểm trên. Đã có nhiều tác phẩm điêu khắc đương đại Việt Nam không tuân theo quy chuẩn điêu khắc truyền thống, sáng tạo tự do, rộng mở hơn (từ ý tưởng, chất liệu đến cách thể hiện). Tuy nhiên, việc chối bỏ truyền thống sẽ gây khó khăn, mâu thuẫn với sự sáng tạo của nghệ sĩ và sức sống của tác phẩm.

Điêu khắc hiện đại không tách rời xã hội đương đại...

Nghệ thuật điêu khắc cổ luôn gắn với lịch sử, tôn giáo cụ thể của thời đại đó nên dù thành tựu nhỏ bé vẫn có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng. Đó là câu hỏi đặt ra với các nhà điêu khắc đương đại, khi những tác phẩm tạo ra đang còn xa vời với tình hình xã hội đương đại. Diễn giả Phan Cẩm Thượng nhận xét: so với nghệ thuật Thái, Indonesia, Malaysia... tính cập nhật và tính xã hội của nghệ thuật Việt Nam rất mờ nhạt, trong đó có nghệ thuật điêu khắc.

mtcn hoi thao dieu khac 004Tác phẩm "Ký ức Sài Gòn" của Trần Việt Hà là một trong 5 tác phẩm điêu khắc được chọn để trưng bày trên phố đi bộ Nguyễn Huệ trong Tết Nguyên đán 2016.

Điêu khắc hiện đại Việt Nam tập trung hai mảng (đang tách rời hoàn toàn): điêu khắc đô thị và điêu khắc tự do. Những tác phẩm điêu khắc tự do phá cách về chất liệu (hơi nước, ánh sáng, nhựa...) và cách trưng bày, độc đáo, mới lạ nhưng muốn đưa vào đời sống đô thị là rất khó.

Điêu khắc đô thị có tính thực dụng hơn, có nhiều "đất dụng võ" hơn. Người sáng tác không nên nghĩ đời sống đô thị là đời sống công cộng, là chốn đi lại bên ngoài của con người; hãy xem "đô thị" là ngôi nhà của mình (giống người xưa xem cả ngôi làng là của họ). Tác phẩm điêu khắc cũng phải "chạm" được những tình cảm hàng ngày riêng tư cá nhân, chứ không chỉ là tình cảm cộng đồng. Ví như đặt một bức tượng ở phố đi bộ là để người dân thích đến đó dạo chơi hơn, chứ không phải chiếm mất lối đi của mọi người. Đó là vướng mắc rất rõ của điêu khắc hiện đại Việt Nam. 

Những vấn đề hội thảo đặt ra khá chuyên sâu và mới lạ với sinh viên. Có thể vì thế sinh viên chưa kịp "ngấm" để đưa ra thật nhiều câu hỏi trao đổi cùng diễn giả, nhưng chắc hẳn các bạn đã hình dung rõ hơn về thách thức và trách nhiệm của những người trẻ chọn đi theo con đường nghệ thuật.

Trong 20 năm trở lại, ngành Điêu khắc Việt Nam hoạt động tích cực và phát triển nhanh. Theo ý kiến của bà Mã Thanh Cao và ông Hoàng Tường Minh, những buổi Hội thảo chuyên sâu trang bị kiến thức lý luận về ngành điêu khắc thế này đang còn ít, chưa rộng rãi và thực sự cần thiết với những nhà điêu khắc, với các nhà quản lý và với các em sinh viên - thế hệ trẻ sẽ nối tiếp công việc sáng tác. Việc tiếp nối, gìn giữ văn hóa truyền thống cũng như tính ứng dụng, thực dụng của tác phẩm trên con đường hội nhập hiện đại là quá trình cần thiết, liên tục.

mtcn hoi thao dieu khac 005Trong hội thảo, một thông điệp được các bậc đi trước nhắn gửi nhiều lần đến lực lượng sáng tác trẻ, như "kim chỉ nam" cho công việc làm nghệ thuật, có thể hơi cực đoan, nhưng đáng suy nghĩ: Ý tưởng quan trọng hơn tác phẩm, quá trình làm ra quan trọng hơn kết quả.

Bích Phương


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag