TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Công chiếu 06 phim tài liệu đầu tay của sinh viên Khóa 27 ngành Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình

(VLU, 16/04/2022) - Sáng ngày 14/04/2022, Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh tổ chức buổi chiếu phim tài liệu với chủ đề “Từ bài học quan sát và cảm nhận cuộc sống đến tác phẩm điện ảnh”, công chiếu kết quả của quá trình học tập học phần “Nghiệp vụ đạo diễn 2” trong học kỳ 212 của sinh viên khóa 27 ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình dưới sự hướng dẫn của NSND. Đạo diễn Đào Bá Sơn.

Buổi công chiếu thu hút các nhóm làm phim, khách mời cùng sinh viên có hứng thú với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, sự góp mặt của các thầy cô đến từ các khoa và ban giám khảo kỳ cựu của khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang: NSND. Đạo diễn Đào Bá Sơn, NSƯT Minh Hạnh, Đạo diễn Nguyễn Tường Phương.

Nhận xét về tác phẩm của những sinh viên - đạo diễn trẻ, NSND. Đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết: “Một số sinh viên đã biết cách áp dụng, sáng tạo trong cách kể chuyện, cách dựng và ngôn ngữ hình ảnh. Các bộ phim khá đa dạng trong cách kể, một số phim đi theo hiện thực, một số lại mô tả cuộc sống, thực hiện phỏng vấn khá tốt, cũng có một số phim dừng lại ở mức giới thiệu nhân vật. Buổi chiếu phim tuy “cây nhà lá vườn” nhưng rất đặc biệt vì đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời đạo diễn của các bạn có khán giả. 3 tháng - quãng thời gian thực hiện không phải là quá dài nhưng đó là thành quả của sự cố gắng, tâm huyết và yêu nghề. Bên cạnh những ý kiến, nhận xét của thầy cô, hi vọng các bộ phim cũng sẽ nhận được sự chào đón, góp ý của tất cả mọi người để những sản phẩm đầu tay của các bạn trẻ thêm hoàn thiện”.

Kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, các bạn sinh viên đã có dịp thưởng thức 6 bộ phim tài liệu, cùng khóc cùng cười với những nhân vật có thực ngoài đời sống hoặc có khi đó cũng chính là nỗi đau nội tâm của người đạo diễn.

vlu skda h

Chọn đề tài về mảnh đời bất hạnh của người phụ nữ, sinh viên Lưu Thị Hân chia sẻ: “Những cuộc ly hôn của bố mẹ đã tước bỏ quyền được sống một cuộc đời đầy đủ tình thương của những đứa trẻ, bên cạnh đó là những câu chuyện về vấn nạn phá thai do điều kiện kinh tế. Bộ phim của mình kể về chị Quỳnh, một người phụ nữ tuy nghèo khó, bất hạnh khi phải làm mẹ đơn thân, căn nhà là chiếc xe chở phế liệu, nhưng chị luôn có trách nhiệm với những đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Hình ảnh của chị Quỳnh cũng là đại diện cho cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo khổ. Trong khó khăn, cơ cực, họ vẫn hạnh phúc với thiên chức được làm mẹ, cố gắng chu toàn mọi thứ cho những người con của mình”.

vlu skda fSinh viên Mai Tiến Dũng khai thác câu chuyện của CLB Artzone VLU, chụp ảnh kỷ niệm cùng ThS. Phạm Hoài Phương - cố vấn CLB và Đạo diễn, NSND. Đào Bá Sơn.

Sinh viên Mai Tiến Dũng chọn cách khai thác chính CLB mà mình đang sinh hoạt: CLB Nghệ thuật Artzone. ThS. Phạm Hoài Phương - giảng viên khoa Nghệ thuật Ứng dụng đồng thời là cố vấn thành lập CLB cho biết: “Trường Đại học Văn Lang hiện có hơn 60 CLB và trong tương lai sẽ còn mở rộng hơn nữa. Đây sẽ là nơi rèn giũa cho các em về cách làm việc và tư duy phản biện. Chúng tôi, những người giảng dạy, góp mặt giúp các em có được thương hiệu riêng và sẽ luôn cổ vũ các em trên con đường khai phóng, tìm kiếm và khai thác những điều mới mẻ”.

vlu skda e

Với bộ phim “Người giữ lửa”, sinh viên Giao Giao dẫn dắt khán giả tìm hiểu về nghề hát bội cùng công việc thiết kế những chiếc mặt nạ dành cho người nghệ sĩ khi biểu diễn trên sân khấu. Mỗi chiếc mặt nạ của Quan Công, Lưu Bị hay Tào Tháo đều có đặc trưng riêng. Hát bội là một loại hình nghệ thuật của nước nhà cần được gìn giữ và phát huy, người nghệ sĩ và nghệ nhân chế tác phục trang biểu diễn cũng vậy. Mong mỏi lớn nhất của họ là tìm được truyền nhân, lưu giữ nét truyền thống cho lớp trẻ kế thừa. Bộ phim có chủ đề hay và thực tế nhưng cần đi sâu khai thác và dẫn dắt nhiều hơn. Với cô đạo diễn lần đầu chạm ngõ làm phim, các khâu đều rất khó khăn và gặp sự cố liên tục. Tinh thần cố gắng này được các thầy cô khích lệ và mong muốn sau này bộ phim sẽ được phát triển tiếp tục để hoàn thiện giá trị nhân văn của nó.

vlu skda d

“Từ hỗn độn thành người lớn” của sinh viên Nguyễn Đan Thọ là một bộ phim đặc biệt được dựng lại trên Pleiku, khắc họa một nhân vật dũng cảm, vừa là đạo diễn vừa là diễn viên, chĩa ống kính camera vào chính mình. Hữu Thọ chọn thể loại làm dòng phim tự sự với những cảm xúc thật, tình yêu thật về thế giới nội tâm. Những đổ vỡ và mất mát trong gia đình, tình thân khiến một cậu bé phải học cách trưởng thành, tập làm người lớn.

Sau “Nỗi đau đẹp nhất”, tác phẩm “Con ma muốn sống" của sinh viên Phạm Hữu Trí là bộ phim gây nhiều xúc động khi nói về vấn nạn tiêu cực và trầm cảm của những người trẻ đang vùng vẫy trong nỗi buồn và những định hướng mất thăng bằng. Trí đã may mắn thoát khỏi quãng thời gian tăm tối ấy nhưng ngoài kia vẫn còn rất nhiều số phận đang lạc hướng trong bóng tối. Bộ phim của Trí như một lời đối thoại chân thành để người xem có thể cảm nhận được sự đồng cảm, tìm ra lối thoát cho chính mình.

Buổi công chiếu kết thúc để lại nhiều cảm xúc cho các bạn sinh viên và khách mời. Tuy chưa thật sự hoàn hảo nhưng những tác phẩm đầu tay này sẽ là bước đệm khởi đầu cho ước mơ, nhìn lại những thiếu sót để vững vàng hơn trên con đường nghệ thuật sau này.

vlu skda a


Danh sách 06 phim tài liệu của sinh viên Khóa 27 ngành Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình VLU:
1. Artzone - Mai Tiến Dũng
2. Thiên đường trên trái đất - Quốc Anh và Thiện Anh
3. Nỗi đau đẹp nhất - Lưu Thị Hân
4. Người truyền lửa - Giao Giao
5. Từ hỗn độn thành người lớn - Nguyễn Đan Thọ
6. “Con ma” muốn sống - Phạm Hữu Trí

Tin: Hoàng Tiên
Ảnh: Nhật Huy

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag