(VLU, 12/04/2022) - Sáng ngày 09/04/2022 vừa qua, khoa Mỹ thuật và Thiết kế trường Đại học Văn Lang đã phối hợp với TS. KTS. Trần Trung Hiếu tổ chức buổi tập huấn học thuật chủ đề công nghệ Photogrammetry, mang lại luồng gió mới cho ngành nội thất, kiến trúc trong việc áp dụng kỹ thuật số 4.0.
Sau thời gian dài giảng dạy trực tuyến, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế tổ chức buổi tập huấn học thuật đầu tiên cho giảng viên về áp dụng kỹ thuật công nghệ trong giáo dục và định hướng cho sinh viên ngành. Buổi tập huấn được dẫn dắt bới TS. KTS. Trần Trung Hiếu, người có kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm trong công nghệ Photogrammetry, cùng sự góp mặt của các giảng viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế. Trong 3 tiếng diễn ra, nhiều thảo luận sôi nổi và giải pháp đưa ra để thống nhất đem đến giải pháp công nghệ tối ưu cho sinh viên ngành Thiết kế Nội thất và Kiến trúc.
Photogrammetry hay gọi là Scan 3D bằng máy ảnh, được biết đến như một kỹ thuật cao giúp thu nhận, ghép nối và đo kiểm hình học từ một loạt ảnh chụp định sẵn với tỷ lệ sai số cực thấp. Dữ liệu xuất ra từ quá trình này là đám mây điểm, bản đồ công trình, mẫu 3D có đầy đủ màu sắc,... Hiện nay Photogrammetry đang dần được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, điển hình như dự án đo đạc các di sản tháp Chăm ở miền Trung.
“Những gì mắt người có thể thấy được đều số hóa được” là quan điểm được bàn luận sôi nổi nhất trong buổi tập huấn, gợi mở nhiều hướng áp dụng công nghệ Photogrammetry vào công tác giảng dạy hiệu quả. Được biết, đây cũng là buổi tập huấn học thuật nhằm chuẩn bị cho chuỗi thực tập thực tế của sinh viên khoa Mỹ thuật và Thiết kế đến Huế vào tháng 5 sắp tới cũng như đồ án về áp dụng công nghệ Photogrammetry vào số hóa Phòng Truyền thống của Trường Đại học Văn Lang.
“Tôi tin việc áp dụng công nghệ Photogrammetry vào công tác đo đạc và lưu trữ các tỷ lệ của kiến trúc sẽ hỗ trơ sinh viên rất nhiều trong quá trình đi thực nghiệm và đo đạc.” - ThS. Lê Long Vĩnh, Trưởng ngành Thiết kế Nội thất chia sẻ.
Đối với thầy cô giảng dạy đồ án vẽ ghi kiến trúc/ nghiên cứu vốn cổ, công nghệ Photogrammetry càng thú vị và hữu ích, bởi thực tế, sinh viên gặp khá nhiều khó khăn trong việc lấy thông số tỷ lệ. Các giảng viên tin rằng, nếu công nghệ Photogrammetry được tìm hiểu và áp dụng kỹ hơn sẽ mang đến nhiều hiệu quả khả quan, giảm thiểu được những khó khăn mà sinh viên đang gặp phải. Song song, việc áp dụng công nghệ Photogrammetry vào việc dạy học đã đặt ra vấn đề liệu có làm mất đi sự cảm quan và xúc tác của sinh viên với các thết kế, chất liệu hay không, tạo ra thảo luận sôi nổi trong buổi tập huấn.
Buổi tập huấn học thuật về công nghệ Photogrammetry là tiền đề cho việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào ngành Kiến trúc - Nội thất nói riêng cũng như các ngành thiết kế khác tại Trường Đại học Văn Lang nói chung, chuẩn bị cơ sở để hỗ trợ sinh viên ngành chuẩn bị cho đồ án sắp tới.
Tin: Đặng Ngọc Trân
Hình: Nhật Huy