TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Đại học Văn Lang đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế “Hành trình Bánh mì Việt Nam – từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia”

(VLU, 11/10/2022) - Ngày 11/10/2022, Hội thảo Khoa học Quốc tế “Hành trình bánh mì Việt Nam – Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” diễn ra tại Hội trường Trịnh Công Sơn, cơ sở chính Trường Đại học Văn Lang, đóng góp những thành tựu nghiên cứu, sưu tập tư liệu khoa học về bánh mì Việt Nam. Sự kiện do Báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức.

Hội thảo Khoa học Quốc tế “Hành trình bánh mì Việt Nam – Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” được tổ chức nhằm đóng góp những giá trị về nghiên cứu, sưu tập tư liệu khoa học về tiến trình lịch sử Bánh mì Việt Nam, góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt so với bánh mì các nước trên thế giới; đồng thời, tôn vinh văn hoá ẩm thực Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam ra thế giới.

VLU 1032

Chương trình có sự tham dự của hơn 1.000 hội thảo viên là các siêu đầu bếp uy tín, nổi tiếng trên thế giới cùng đội ngũ chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, ban lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên và sinh viên,... 

Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của Đảng và Nhà nước đã tham dự sự kiện gồm có Ông Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch; Ông Lê Trương Hiền Hoà – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM; Ông Lê Tất Việt - Phó trưởng Cơ quan đại diện văn phòng phía Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Dương Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương tại TP.HCM; Ông Lương Văn Nhiền – Bí thư Đảng Ủy Khối Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Phía Nam); Ông Trần Hải Đăng – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, cục phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ; Ông Nguyễn Đức Xuyên – Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch, Tổng Cục Du lịch;...

Trường Đại học Văn Lang đồng thời vui mừng đón tiếp các chuyên gia, nhà nghiên cứu ẩm thực nổi tiếng trong và ngoài nước: Ông Gunther Koerffer – Chủ tịch Liên đoàn bánh mì và bánh ngọt thế giới; Bà Judy Koh – Hiệu trưởng Trường Creative Culinaire, thành viên Hiệp hội bánh mì và bánh ngọt Châu Á; Nhà sử học Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc Hội Khóa XI, XII, XII, XIV; TS. Sử học Vũ Thế Long – Uỷ viên BCH Hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam; Ông Lê Xuân Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam; Ông Kao Siêu Lực – Vua Bánh mì, Kỷ lục gia về Bánh mì Việt Nam; Ông Lý Sanh – Nghệ nhân Ẩm thực Việt Nam, Cố vấn Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam; Ông Trần Lê Thanh Thiện – Đại sứ gia vị, siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam; PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;... Về phía Ban tổ chức, lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, báo Thanh niên, Hiệp hội Siêu đầu bếp Việt Nam và Saigontourist đã có mặt và phát biểu tại sự kiện. 

VLU 9858

Phát biểu chúc mừng sự kiện, TS. Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa ẩm thực Việt, góp phần nâng cao kinh tế và du lịch của đất nước: “Bánh mì là nét ẩm thực đặc trưng của văn hóa người Việt, là thứ không thể thiếu khi mang ra kể với bạn bè bốn phương trên toàn cầu. Với mong muốn góp sức phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam, Văn Lang mong rằng trong tương lai sẽ có cơ hội hợp tác cùng các cơ quan ban ngành và cơ sở báo chí cũng như những chuyên gia, nhà nghiên cứu ẩm thực, thực hiện các dự án phát triển ẩm thực gắn liền với văn hóa, du lịch và kinh tế, để góp phần tôn vinh bánh mì của người Việt ra thế giới”.

VLU 0059Ông Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Hành trình bánh mì Việt Nam – Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia”

Ông Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, Trưởng Ban tổ chức phát biểu đề dẫn Hội thảo: “Bánh mì đã gắn bó với đời sống con người Việt Nam. Từ một món ăn chơi, bánh mì đã dần trở thành món ăn chính trong các bữa ăn của học sinh, sinh viên, người lao động,… Bánh mì là thành tố quan trọng trong văn hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần tiếp nhận văn hóa, sáng tạo vô hạn của con người Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu về tiến trình lịch sử của bánh mì Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, bánh mì vốn dĩ chỉ là món ăn đơn giản, nhưng ít ai nghĩ rằng, bản thân món ăn đơn giản này lại chứa đựng trong mình hành trình lịch sử, mà cụ thể là lịch sử mở rộng thuộc địa của người Pháp và phản ứng của người Việt với văn minh phương Tây, diễn ra trong suốt gần 100 năm.

Tại hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày 7 tham luận với 4 chủ đề: Lịch sử bánh mì Việt, sự du nhập từ món ăn phương Tây trở thành ẩm thực bản địa; Sự giao thoa văn hóa và sáng tạo trong chế biến của bánh mì Việt; Bánh mì Việt hội nhập quốc tế và định vị thương hiệu; Sức hút, hấp dẫn của bánh mì Việt với thế giới.

  • Tham luận “Bánh mì Việt Nam – Theo dòng thời gian” - NCS. Nguyễn Thị Thuý Phượng, Viện trưởng Viện Mekong;
  • Tham luận “Bánh mì Việt Nam, một hiện tượng điển hình về sáng tạo trong văn hoá ẩm thực thế giới” – Tiến sĩ Sử học Vũ Thế Long;
  • Tham luận “Nghề làm bánh mì và sự sáng tạo của người thợ làm bánh mì Việt Nam” – Ông Kao Siêu Lực – Vua Bánh mì, kỷ lục gia về Bánh mì Việt Nam
  • Tham luận “Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam nhìn từ món ăn Bánh mì Việt” – PGS. TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;
  • Tham luận “Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá bánh mì Việt, cơ hội quảng bá Ẩm thực Việt Nam” – TS. Lê Minh Thành, Trưởng Khoa Du lịch và Ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS Group)
  • Tham luận “Bánh mì – Cà phê sữa đá, đặc sản “combo” ẩm thực đường phố Sài Gòn tại Nhật Bản” – Ông Matsuo Tomoyuki – Giám đốc điều hành Tập đoàn Văn hoá Thực phẩm Nhật Bản, Chủ tịch Hội Văn hoá Ẩm thực Việt – Nhật;
  • Tham luận “Chế biến sốt và nhân Bánh mì Việt Nam hương vị Singapore” – Đầu bếp Eric Low.

VLU 0081NCS. Nguyễn Thị Thuý Phượng, Viện trưởng Viện Mekong trình bày bài báo cáo tại Hội thảo.

Trong bài báo cáo, NCS. Nguyễn Thị Thuý Phượng đã trình bày các nội dung: Bối cảnh lịch sử của bánh mì tại Việt Nam; các giai đoạn sản xuất bánh mì Việt Nam bằng lò và biến tấu các loại nhân bánh mì. NCS. Nguyễn Thị Thuý Phượng cho biết: “Bánh mì Việt chính là món bánh baguette do người Pháp mang vào đầu thế kỷ 20. Năm 1919, báo Lục Tỉnh Tân Văn số 670 kêu gọi người Việt làm kinh tế, trong đó có nghề làm bánh mì. Bánh mì Việt Nam thực sự xuất hiện với món bánh Hòa Mã kẹp thịt nguội của ông Hòa - bà Tịnh vào năm 1958 tại Sài Gòn. Từ đây, bánh mì được biến tấu với nhiều loại nhân khác nhau và dần trở thành nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực”.

Theo NCS. Nguyễn Thị Thuý Phượng, hành trình bánh mì Việt là một hành trình xoắn ốc, từ giao thoa văn hóa ẩm thực trở thành giá trị thương hiệu quốc gia. Hiện nay, bánh mì đã xuất hiện trên mọi miền tổ quốc, theo chân người Việt trên khắp thế giới và trở thành biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

VLU 0228Nhà sử học Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc Hội Khóa 11, 12,13,14 phát biểu tại hội thảo.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc Hội Khóa XI, XII, XIII, XIV đóng góp ý kiến vào tham luận: “Tại Việt Nam, một số món trong văn hóa ẩm thực như trà, cà phê, phở, bánh mì dần trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Trong đó, bánh mì từng là một món ăn “ngoại lai” nhưng với sức sáng tạo và tiếp nhận văn hóa của người Việt, bánh mì dần trở thành món ăn quen thuộc trong thói quen ẩm thực. Các nghiên cứu khoa học về bánh mì Việt Nam có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy vị thế món ăn này trên thế giới”.
VLU 0261TS. Vũ Thế Long nhấn mạnh giá trị trong bánh mì Việt Nam chính là những món ăn đi kèm khiến món ăn này của nước ta trở nên nổi bật, là nét ẩm thực thu hút với du khách nước ngoài. Hiện nay, bánh mì Việt Nam vô cùng phong phú tùy theo đặc điểm vùng miền: bánh mì chảo (Hà Nội), bánh mì que với pate (Hải Phòng), bánh mì bột lọc ở miền Trung, bánh mì thanh long, bánh mì bóng đêm,...

VLU 0302

Trong bài báo cáo của ông Kao Siêu Lực – Vua Bánh mì, kỷ lục gia về Bánh mì Việt Nam chia sẻ về câu chuyện học nghề đầy gian nan, khó khăn của mình. Ông đã từng vất vả để học công thức từ một người thợ nổi tiếng bởi vì họ giấu nghề. Ông mong muốn được truyền nghề rộng rãi, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, ông cho rằng bánh mì là 1 nét văn hóa độc đáo của người Việt và công thức làm bánh cần được chia sẻ rộng rãi để lan tỏa nền văn hóa này tới toàn thế giới.

VLU 0556

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch - ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ẩm thực Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Cụ thể, Việt Nam nên dùng thế mạnh về văn hóa ẩm thực làm yếu tố tạo nên giá trị cho điểm đến, tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách như cách người Thái Lan đã làm và đạt thành công. Khai thác tối ưu giá trị ẩm thực trong du lịch giúp phát triển ngành du lịch nói riêng và phát triển kinh tế tại địa phương.
PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ: “Danh từ “banh mi” từng được từ điển Oxford ghi danh, bánh mì Việt Nam cũng được kênh CNN Travel nổi tiếng thế giới đưa vào top 50 thức ăn đường phố ngon nhất châu Á, bên cạnh phở, cà phê Việt…Trong chiến lược kết nối, quảng bá ẩm thực với du lịch, cần lồng ghép du lịch ẩm thực Việt Nam vào trong chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam. Qua đó, tôi đề xuất lấy ngày từ điển Oxford ghi danh từ “banh mi” làm ngày tổ chức Lễ hội Bánh mì Việt Nam hằng năm”.
VLU 0604
Trong bài tham luận của mình, TS. Lê Minh Thành đã trình bày những ứng dụng để quảng bá hình ảnh bánh mì Việt Nam, điển hình là metaverse. Metaverse là không gian kỹ thuật số hỗ trợ 3D mới nổi sử dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ bán dẫn để cho phép mọi người có trải nghiệm thực tế như thật. TS. Lê Minh Thành cho rằng có thể tạo ra hình ảnh từ sáng tạo liên quan đến nền tảng thực phẩm, không gian bếp với công thức làm bánh mì từ các đầu bếp nổi tiếng, đưa hình ảnh bánh mì Việt Nam đẹp nhất trong mắt người xem trong và ngoài nước.

VLU 0770Đầu bếp Eric Low trình bày và biến tấu lại phần nước sốt và nhân cho chiếc bánh mì Việt Nam.

IMGL0268

IMGL0045

Sau phiên Hội thảo buổi sáng, trong buổi chiều ngày 11/10/2022, 20 đội thi đến từ sinh viên các trường đại học tại Tp.HCM đã tham dự Hội thi sáng tạo nhân bánh mì tại Trường Đại học Văn Lang, với ban giám khảo là các siêu đầu bếp nổi tiếng thế giới.

Bạn Nguyễn Ngọc Như Ý, sinh viên năm 2 - Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: "Trước giờ ăn bánh mì nhiều nhưng em không hề biết đằng sau bánh mì Việt là cả một hành trình dài từ sự ra đời cho đến khi được thực khách khắp nơi trên thế giới đón nhận tích cực. Sau khi tham gia hội thảo em đã được mở mang rất nhiều kiến thức về món bánh mì Việt, điều này có lợi cho việc học và nghiên cứu của sinh viên như em".

Hội thảo Khoa học Quốc tế “Hành trình bánh mì Việt Nam – Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” nằm trong chuỗi chương trình “Ngày Bánh mì Việt Nam” nhằm đề xuất, tôn vinh ngày 24/03 hằng năm là Ngày Bánh mì Việt Nam. Chương trình góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam nói chung và ẩm thực đường phố Việt Nam nói riêng, thúc đẩy kích cầu du lịch TP.HCM gắn với đội ngũ chuyên gia, đầu bếp nổi tiếng trên thế giới.

Tin: Thu Hương
Hình ảnh: Nhật Huy – Khánh Thịnh

Đọc thêm:

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag