TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

PGS. TS. Nguyễn Thời Trung: Tôi chọn lựa sứ mạng phát triển mô hình nghiên cứu khoa học cho đại học Việt Nam

(VLU, 04/10/2022) Ngày 01/10/2022, Trường Đại học Văn Lang tổ chức ra mắt Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ Nhân tạo, Viện trưởng là PGS. TS. Nguyễn Thời Trung – một trong số ít nhà khoa học Việt Nam được vinh danh trong 100.000 nhà khoa học có trích dẫn nhiều nhất thế giới (Tạp chí Plos Biology). Việc thành lập một đơn vị mũi nhọn về khoa học – công nghệ là dấu mốc khẳng định quyết tâm của Trường Đại học Văn Lang trong việc phát triển toàn diện hoạt động khoa học, hướng đến đẳng cấp quốc tế về uy tín học thuật. Website Trường Đại học Văn Lang thực hiện phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thời Trung trong bối cảnh Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ nhân tạo vừa ra mắt và nhận được sự chú ý và kỳ vọng lớn của cộng đồng cán bộ - giảng viên Trường Đại học Văn Lang.


PV:
Thưa PGS. TS. Nguyễn Thời Trung, hành trình khoa học của anh đã được định hình rõ nét trong khoảng 20 năm qua, với nhiều thành tựu được đánh giá là đột phá, cụ thể như có hơn 300 bài báo ISI đã được công bố, hơn 12000 số lượng trích dẫn ISI và chỉ số H-index (ISI) hiện là 59, theo Cơ sở dữ liệu Web of Science (Clarivate, Mỹ). Anh có thể chia sẻ gì khi nhìn lại con đường đã đi và những thành tựu đã đạt được?

PGS. TS. Nguyễn Thời Trung: Xin cảm ơn đã đề cập đến một số kết quả đạt được của tôi. Theo tôi, thành quả của cuộc đời mỗi người chính là kết quả của các sự chọn lựa của bản thân, của sự nỗ lực để thực hiện các chọn lựa đó và sự phù hợp của các chọn lựa đó đối với thời thế, xu hướng phát triển của xã hội. Ở đây ta cũng cần phải nói đến yếu tố may mắn khi nói đến sự phù hợp, vì không ai có thể đảm bảo 100% các chọn lựa của bản thân sẽ đúng theo thời thế, xu hướng phát triển của xã hội.

Bản thân tôi xem việc chọn lựa là hết sức quan trọng, đó là yếu tố bên trong và ta có thể nắm thế chủ động. Một cách ngắn gọn, tôi có thể điểm lại 06 lựa chọn quan trọng liên quan đến con đường sự nghiệp của mình cho đến thời điểm này: 1) Chọn nghiệp: NCKH và giảng dạy đại học tại Việt Nam là nghề nghiệp lâu dài; 2) Chọn hướng: nghiên cứu về Cơ học tính toán, Toán ứng dụng và sau này phát triển thành Toán ứng dụng & công nghiệp, Khoa học tính toán, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo là hướng NC lâu dài của mình; 3) Chọn thầy: chọn các GS đỡ đầu và hướng dẫn phù hợp có đủ tâm và tầm để thực hiện các luận văn, luận án và làm việc; 4) Chọn môi trường làm việc: Chọn làm việc tại các môi trường đại học có ban lãnh đạo cấp tiến, có mục tiêu xếp hạng đại học rõ ràng và sứ mạng phát triển NCKH của Việt Nam; 5) Xác định sứ mạng: đặc biệt trong những năm gần đây (khi đã vào một độ chín nhất định), tôi xác định được một sứ mạng phát triển các mô hình hoạt động NCKH hiệu quả và phát triển nhân tài khoa học tại các Trường đại học Việt Nam; 6) Chọn cộng sự cùng sứ mạng để cùng nhau đoàn kết, nỗ lực thực hiện sứ mạng đó. 

vlu pgs ts nguyen thoi trung aPGS. TS. Nguyễn Thời Trung phát biểu tại Lễ Ra mắt Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ nhân tạo - VLU

Còn nói về yếu tố bên ngoài nhưng lại có tính quyết định đến thành tựu của một cá nhân, đó là sự phù hợp của các chọn lựa đối với thời thế, xu hướng phát triển của xã hội, thì theo tôi là “rất phù hợp” trong bối cảnh đất nước ta và thế giới luôn biến động và thay đổi nhanh chóng trong thời gian qua. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được học tập và làm việc trong những môi trường và điều kiện luôn có sự ủng hộ công việc NCKH của mình. Như ở cấp quốc tế, đó là sự cạnh tranh quyết liệt về phát triển NCKH và xếp hạng đại học của các trường đại học trên thế giới; đó là sự cạnh tranh và phát triển rất nhanh hướng nghiên cứu về Khoa học tính toán và trí tuệ nhân tạo. Ở cấp quốc gia, đó là chủ trương nhất quán luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt để phát triển nghiên cứu cơ bản của lãnh đạo Đảng , Nhà nước; hoặc ở cấp Bộ là sự ra đời của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED đã thúc đẩy và hỗ trợ rất hiệu quả việc nghiên cứu cơ bản của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ. Còn ở cấp đơn vị, đó là được làm việc tại các Trường đại học có ban lãnh đạo cấp tiến, có mục tiêu xếp hạng đại học rõ ràng và sứ mạng phát triển NCKH của Việt Nam.

Tóm lại, cho đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy hài lòng với những chọn lựa liên quan đến con đường sự nghiệp của mình và những kết quả tích luỹ mình đã đạt được. Tuy nhiên, tôi thấy mình vẫn còn trẻ, đang vào độ chín và con đường sự nghiệp phía trước của mình vẫn còn dài. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng sẽ cùng êkíp của mình tiếp tục phát huy tiềm năng và năng lực, và cùng với sự phát triển của cả hệ thống Trường Đại học Văn Lang, Trường chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh mọi mặt và sớm đạt được mục tiêu xếp hạng đại học đã đề ra.


PV:
 Anh có thể giới thiệu tổng quan về Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ nhân tạo mà anh sắp tới sẽ dẫn dắt tại Trường Đại học Văn Lang?

PGS. TS. Nguyễn Thời Trung: Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ nhân tạo được thành lập phản ánh một xu thế tất yếu, khách quan của quá trình phát triển Trường Đại học Văn Lang, nhằm thành lập các đơn vị mũi nhọn về NCKH, để hiện thực hoá mục tiêu đưa VLU vào top 700 đại học hàng đầu thế giới.  Trong lễ ra mắt, tôi đã trình bày Sứ mạng của Viện là “Nghiên cứu, sáng tạo, thu hút/bồi dưỡng và trọng dụng tài năng để phát triển một thế hệ nhà khoa học tinh hoa có năng lực truyền cảm hứng, phụng sự và dẫn dắt xã hội.”

Viện có 10 định hướng hoạt động chính gồm: 1) Nghiên cứu cơ bản, trong đó tập trung 04  hướng chính gồm i. Toán ứng dụng và Toán công nghiệp; ii. Khoa học tính toán; iii. Khoa học dữ liệu và iv. Trí tuệ nhân tạo; 2) Nghiên cứu ứng dụng/triển khai/chuyển giao/tư vấn; 3) Đào tạo Sau đại học; 4) Phát triển đội ngũ chuyên gia; 5) Phát triển cơ sở vật chất NCKH; 6) Phát triển các mô hình hoạt động NCKH kiểu mẫu; 7) Giải quyết các bài toán thực tiễn đa ngành cho yêu cầu tính toán cao; 8) Thực hiện vai trò cộng tác và phát triển NCKH/ đào tạo sau đại học đối với các Khoa/Viện trong VLU; 9) Chia sẻ/Tập huấn các Tips liên quan đến NCKH cho các Khoa trong VLU; 10) Các nhiệm vụ khác liên quan đến KHCN, NCKH, đào tạo sau đại học.

Trong giai đoạn đầu thành lập, Viện có 18 nghiên cứu viên/Trợ lý nghiên cứu viên cơ hữu, trong đó có 03 NCV cơ hữu người nước ngoài. Viện có 06 Labs nghiên cứu gồm: 1) Lab Toán ứng dụng và Toán công nghiệp; 2) Lab Mô hình & tính toán hoá học; 3) Lab Vật lý tính toán; 4) Lab Cơ học tính toán; 5) Lab ứng dụng công nghệ cao; và 6) Lab Khoa học môi trường và biến đổi khí hậu. Trong năm hoạt động thứ nhất, Viện sẽ thành lập tiếp 02 Lab mới gồm: 7) Lab Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng; 8) Lab Cơ điện tử tính toán; và sẽ thành lập các Lab tính toán khác trong quá trình phát triển của Viện.

Về chuyên gia nghiên cứu cơ bản theo xếp hạng của VLU, Viện có một chuyên gia hạng 1, một chuyên gia hạng 2, bốn chuyên gia hạng 7, một chuyên gia hạng 8 và một chuyên gia hạng 9 theo Quy định về xếp hạng chuyên gia của VLU. Trong thời gian tới, một trong những ưu tiên của Viện là sẽ thu hút mới các chuyên gia hạng cao về tham gia Viện và bồi dưỡng để tăng hạng các chuyên gia/ NCV hiện hữu của Viện.

vlu pgs ts nguyen thoi trung bTháng 10/2022, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Lễ ra mắt Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ Nhân tạo do PGS. TS. Nguyễn Thời Trung là Viện trưởng.


PV: Đó là những mô tả rất ấn tượng thưa PGS. TS. Nguyễn Thời Trung. Thưa anh, trong
định hướng hoạt động của Viện, Trí tuệ nhân tạo (AI) có phải sẽ là điểm mới mà anh và các cộng sự muốn tạo sự khác biệt trong thời gian tới?

PGS. TS. Nguyễn Thời Trung: Đúng vậy, ngoài những hướng nghiên cứu cơ bản truyền thống về Khoa học tính toán, thì Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như Khoa học dữ liệu sẽ là những hướng nghiên cứu cơ bản mới mà Viện muốn tạo sự khác biệt trong thời gian tới. Bởi vì AI, Khoa học dữ liệu cùng với sự phát triển của KHCN trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ đồng bộ của Khoa học tính toán, Cảm biến, Internet vạn vật (IoT), Chips bán dẫn, Máy tính hiệu năng cao, và Khoa học vật liệu đã tạo nên những công nghệ mới tác động sâu sắc đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực trong xã hội hiện đại.

Ngoài ra, cùng với Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu, một hướng nghiên cứu cơ bản khác mà Viện cũng muốn tạo sự khác biệt đó là Toán ứng dụng và Toán công nghiệp. Bởi đây là hướng nghiên cứu nền tảng rất quan trọng và thiết thực cho sự phát triển cả lý thuyết và ứng dụng của nhiều ngành khoa học khác, trong đó có cả Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu. Đây là những hướng nghiên cứu rất phù hợp với tố chất thông minh về Toán, tư duy logic của người Việt Nam, và cũng rất phù hợp với điều kiện đầu tư phát triển của đất nước. Tôi kỳ vọng rằng Viện hoặc VLU sẽ sớm mở ngành đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành Toán ứng dụng và Toán công nghiệp trong thời gian tới.

Cũng nói thêm rằng, song song với việc phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản mới, một điểm khác biệt nữa mà Viện sẽ chú trọng phát triển là việc từng bước xây dựng và hoàn thiện 03 mô hình hoạt động NCKH kiểu mẫu gồm: 1) Mô hình Viện nghiên cứu; 2) Mô hình Lab nghiên cứu ứng dụng; và 3) Mô hình thu hút và bồi dưỡng chuyên gia hạng cao. Tôi kỳ vọng rằng những mô hình hoạt động NCKH kiểu mẫu này sẽ sớm thành công, được nhân rộng trong VLU và cho các Trường đại học khác để góp phần phát triển mạnh đội ngũ chuyên gia khoa học đầu ngành nói riêng và phát triển KHCN cho Việt Nam nói chung.

vlu pgs ts nguyen thoi trung dTrong 05 năm trở lại đây, Trường Đại học Văn Lang chú trọng phát triển công tác nghiên cứu khoa học, kết nối và mở rộng mạng lưới các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm tạo môi trường trao đổi tri thức cho cộng đồng Văn Lang nói riêng và giới nghiên cứu Việt Nam nói chung.


PV:
Anh đã lựa chọn Trường Đại học Văn Lang để thực hiện sứ mạng phát triển mô hình NCKH hiệu quả và phát triển nhân tài khoa học cho Việt Nam. Vậy Trường Đại học Văn Lang có những lợi thế gì để anh triển khai mô hình hoạt động của Viện Khoa học Tính toán & Trí tuệ nhân tạo, cũng như để thực hiện sứ mạng của mình? Ngược lại, có những thử thách nào mà anh đã trông thấy trước mắt?

PGS. TS. Nguyễn Thời Trung: Theo tôi, Trường Đại học Văn Lang (VLU) có rất nhiều lợi thế để triển khai mô hình hoạt động của Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ nhân tạo. Ở đây tôi xin liệt kê 04 lợi thế chính gồm: 1) Mục tiêu phát triển của VLU về việc nâng cao chất lượng và đẳng cấp về mọi mặt; điều này được cụ thể hóa thông qua mục tiêu cụ thể là sẽ được xếp hạng Top 700 đại học hàng đầu thế giới, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của Viện về tăng công bố ISI, tăng số trích dẫn ISI, phát triển nghiên cứu ứng dụng/chuyển giao và tăng đào tạo sau đại học; 2) VLU đã tập hợp được những chuyên gia tốt nhất ở Việt Nam hiện nay chuyên nghiên cứu và ban hành các chính sách phát triển và quản lý nghiên cứu khoa học; nếu thiếu những cơ chế và chính sách hiện đại và phù hợp thì sẽ rất khó để thu hút nghiên cứu viên, các nhà khoa học và rất khó để triển khai các hoạt động nghiên cứu theo đúng thông lệ quốc tế  3) Sự phát triển lớn mạnh toàn diện của VLU trong những năm qua về Tuyển sinh, Đào tạo đại học và sau đại học; Cơ sở vật chất, NCKH, Hợp tác quốc tế,... sẽ giúp Viện có đủ điều kiện phát triển nhanh chóng như thu hút chuyên gia giỏi, trang bị cơ sở vật chất NCKH, Hợp tác quốc tế,...; 4) VLU đã có sẵn nhiều Khoa/Viện có khả năng cộng tác ngay với Viện về NCKH và đào tạo sau đại học liên quan đến Khoa học tính toán và Trí tuệ nhân tạo như Khoa Kỹ thuật Cơ - điện và Máy tính, Khoa Xây dựng, Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Khoa học Cơ bản,... 

Về thử thách, theo tôi sẽ là rất nhiều vì VLU đang trong giai đoạn khởi đầu một quá trình thay đổi sâu sắc toàn diện để hướng mục tiêu xếp hạng Top 700 các Trường đại học hàng đầu thế giới trong thời gian tới. Đây là một mục tiêu rất cao và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống trong suốt 05 năm để có thể đưa VLU tiếp cận mục tiêu. Quá trình thay đổi này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thử thách vì thực sự là không dễ dàng để thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc, năng suất làm việc của cả hệ thống.

Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với sự quyết tâm của lãnh đạo VLU, và sự kiên trì thực hiện các giải pháp quyết liệt trong thời gian qua, thì VLU sẽ sớm thực hiện được việc thay đổi hệ thống để đưa VLU (đặc biệt là phong cách làm việc theo Văn hóa Top 700, tức văn hóa làm việc tại những đại học trong top 700 các đại học hàng đầu thế giới) vào quỹ đạo phát triển thần tốc và sớm tiếp cận mục tiêu đã đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Thời Trung đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Kính chúc anh sức khỏe và Viện Khoa học Tính toán & Trí tuệ nhân tạo phát triển như kỳ vọng.

 Mai Yến (thực hiện)
Hình ảnh: Thịnh Trần

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag