(VLU, 22/03/2022) - Ngày 19/03/2022, Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo chuyên đề "Quản trị sự thay đổi trong tổ chức" nhằm nâng cao kỹ năng quản lý hệ thống cho sinh viên, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại mới.
Hội thảo được dẫn dắt bởi diễn giả Lê Minh Anh Thư - CEO của STEP Forward Education, tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Xã hội – Chuyên ngành Văn hoá, Xã hội và Truyền thông theo học bổng từ trường Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương.
Tại Hội thảo, diễn giả Anh Thư gợi mở cho sinh viên nhiều suy ngẫm với chủ đề thảo luận “Chúng ta cần chuẩn bị gì trước sự thay đổi của thời đại?”. Sinh viên tham dự lần lượt chia sẻ những thắc mắc và dự định của bản thân trong tương lai vào năm 2030.
Theo diễn giả Anh Thư, sự phổ biến và phát triển vượt bậc của công nghệ ngày nay đòi hỏi con người không ngừng cập nhật để thích ứng. Mối liên kết giữa con người và AI đang trở nên ngày một bền chặt hơn, không khó để thấy những chú robot hiện đại đang dần thay thế nhiều công việc của con người trong đời sống sinh hoạt thường nhật.
Diễn giả cho biết, theo PwC, có đến 4 thế giới và môi trường làm việc có thể xảy ra trong năm 2030:
The Red World: Công nghệ cho phép doanh nghiệp nhỏ khai thác vào kho thông tin, kỹ năng và tài chính khổng lồ; HR không còn tồn tại như một chức năng riêng biệt và doanh nhân sẽ dựa vào dịch vụ thuê ngoài cho những quy trình về con người; Sự cạnh tranh khốc liệt về tài năng.
The Blue World: Các tập đoàn toàn cầu trở nên lớn hơn, mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng hơn bao giờ hết; Các công ty xem quy mô và ảnh hưởng của họ là cách tốt nhất để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận; Tài năng hàng đầu đang tranh giành khốc liệt,
The Green World: Để phản ứng trước dư luận mạnh mẽ, tài nguyên thiên nhiên khan hiếm và các quy định quốc tế nghiêm ngặt, các công ty thúc đẩy chương trình mạnh mẽ về đạo đức, sinh thái.
The Yellow World: Người lao động và công ty mong muốn tìm kiếm ý nghĩa, đam mê trong công việc; Người lao động tìm thấy sự tự chủ, linh hoạt và thảo mãn khi làm việc cho các tổ chức có tiêu chuẩn xã hội và đạo đức mạnh mẽ; Khái niệm trả lương công bằng chiếm ưu thế.
Từ các nhóm môi trường làm việc có thể diễn ra vào năm 2030 như: Tạm biệt "bàn làm việc, Trợ lý robot ảo, Mulicultural virtual team và Virtual Meet-up, sinh viên và người lao động trong tương lai càng cần phát triển bản thân, đáp ứng đầy đủ các yêu cần về kỹ năng, kiến thức và thái độ để chuẩn bị cho tương lai. Diễn giả cho biết thêm, kỹ năng giao tiếp, thành thạo ít nhất một ngôn ngữ mới ngoài tiếng mẹ đẻ, nâng cao trình độ chuyên môn cũng là yếu tố quan trọng đối trên thị trường lao động cạnh tranh trong tương lai.
Tham dự hội thảo, bạn Huỳnh Hà Hải Yến - K25Q20 đặt câu hỏi: “Thời đại 4.0 có làm con người chúng ta trở nên xa cách hay không?” Theo diễn giả, câu hỏi này cũng chứa câu trả lời, vì thời đại 4.0 cũng làm chúng ta trở nên xa cách, tuy nhiên cần khắc phục điều đó như dành ít thời gian cho điện thoại, laptop hơn và có nhiều hơn những buổi gặp mặt trực tiếp với những người mà bạn muốn gặp. Diễn giả cũng dành nhiều lời khuyên cho người trẻ hôm nay về cách kiểm soát cảm xúc bản thân bằng cách luôn tự đặt câu hỏi cho chính mình hoặc thực hiện các bài tập về tỉnh thức để quan sát, thấu hiểu mình hơn.
Đức Phước