(VLU, 16/04/2022) - Sáng ngày 12/4/2022, Khoa Du lịch tổ chức hội thảo “Các xu hướng du lịch bền vững nào được ra đời trong thời kỳ Anthropocene?”, tập trung thảo luận về các xu hướng du lịch trước những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và xã hội ngày nay. Hội thảo có sự tham gia của GS. Bernard Scheou – Giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Perpignan Via Domitia (Pháp) và Ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Image Travels.
Du lịch và những hệ quả đối với thời đại
Thuật ngữ “Anthropocene” xuất phát từ tiếng Hy Lạp, nhằm chỉ các hoạt động của con người có tác động đến tự nhiên và nền địa chất. Theo thời gian, các hoạt động này gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái theo chiều hướng xấu đi. Mặc dù du lịch giúp con người kết nối, trao đổi văn hóa với nhau nhưng đồng thời cũng có những mặt trái. Nói về “Anthropocene” là nói về các thách thức to lớn mà nhân loại phải đối mặt và ngành du lịch có trách nhiệm đóng góp, giải quyết chung.
GS. Bernard Scheou – Giảng viên, nhà nghiên cứu Trường Đại học Perpignan Via Domitia đưa ra một số vấn đề nóng đã và vẫn đang tồn tại trong xã hội, nổi cộm nhất là vấn đề bất bình đẳng. Bất bình đẳng không chỉ hiện hữu giữa các quốc gia với nhau mà còn trong nội bộ chính quốc gia đó. Đại dịch bùng nổ khiến vấn đề này trở nên sâu sắc hơn giữa các tầng lớp, dẫn đến nhiều hệ lụy như mất tính liên kết xã hội, bạo lực tăng cao, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần người dân và nền kinh tế của các quốc gia.
“Du lịch càng phát triển thì bất bình đẳng thu nhập giữa người dân ngày càng cao, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển. Những người có sẵn nguồn vốn sẽ càng giàu hơn, người không có vốn sẽ càng nghèo đi. Những người hưởng lợi trực tiếp từ việc phát triển du lịch không phải dân địa phương mà là chủ đầu tư hoặc các công ty du lịch. Đối với những dự án lớn, đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất chính là dân địa phương và các doanh nghiệp nhỏ khi không có cơ hội tiếp cận quỹ đất. Các quốc gia đang phát triển cần phải nhìn lại tầm quan trọng trong phát triển du lịch địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Lợi nhuận từ ngành du lịch phải chia đều cho các bên liên quan” - GS. Bernard Scheou cho biết.
Không chỉ là vấn đề xã hội, ngành du lịch đang sử dụng một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng gây tác động không thể khắc phục đến sinh thái và môi trường. Hiệu ứng nhà kính tăng cao do lượng khí thải cacbon vượt ngưỡng khiến trái đất nóng lên là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu. Số lượng các cơn bão, lũ lụt, hạn hán, biển xâm lấn đất liền tăng cao trong những năm gần đây là một minh chứng. Thống kê từ Cục khí tượng Thế giới năm 2021 cho biết, đã có 180.000 cơn bão lớn nhỏ xảy ra toàn cầu, gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới gần 1 tỷ đô la. Nguồn tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng không thể tái sinh là một hậu quả nặng nề và khó khắc phục hơn cả sự suy thoái kinh tế.
Các giải pháp từ chuyên gia
Hướng đến du lịch phát triển bền vững, GS. Bernard Scheou đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm khí thải chứa carbon ở tất cả các ngành nghề, một trong số đó là giảm dần việc di chuyển bằng máy bay (nếu quãng đường <1200km đối với các nước Châu Âu), chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện hoặc di chuyển mềm (đi bộ, xe đạp, ngựa kéo…). Với khách du lịch, GS. Bernard Scheou khuyến khích tăng thời gian lưu trú, cấp thị thực miễn phí cho khách ở lại Việt Nam từ 3 đến 4 tuần. Các tour du lịch nên tăng tính kết nối với người dân địa phương, tôn trọng màu sắc văn hóa bản địa, đảm bảo môi trường sống… Năm 2021, xu hướng du lịch chậm lên ngôi. Đây là loại hình du lịch trải nghiệm, tận hưởng thiên nhiên và khám phá những thứ mới mẻ trong hành trình của mình. Du lịch chậm thường dành cho người cao tuổi nhưng cũng đã được giới trẻ hưởng ứng trong thời gian gần đây; đi đầu trong xu hướng di lịch này là các nước Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Hà Lan,...
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, diễn giả Nguyễn Ngọc Toản phổ biến đến người tham dự những ví dụ về một số mô hình hoạt động của du lịch bản địa tại Việt Nam như mô hình du lịch của làng Tả Phìn/ Sa Pa/ Lào Cai, mô hình du lịch của Cồn Sơn/ Cần Thơ, hướng đến du lịch phát triển bền vững. Các mô hình du lịch này sử dụng Hướng dẫn viên là người bản địa, du khách sẽ có dịp tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền như: nhuộm chàm và dệt thổ cẩm; món ăn từ lá thuốc; ngâm lá thuốc; thăm rừng trúc, thảo dược (đối với du lịch của làng Tả Phìn) hoặc thưởng thức cá lóc bay; nghề nuôi cá lồng; tham quan vườn trái cây ăn theo mùa; ăn nhà dân - ngủ nhà dân (nếu du lịch tại Cồn Sơn). Ngoài ra WAFORT - CỘNG ĐỒNG DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM (We act for responsible tourism) do ông Nguyễn Ngọc Toản thành lập là một mối liên kết bền chặt giữa du khách và các doanh nghiệp tham gia loại hình Du lịch có trách nhiệm, vừa tăng tính trải nghiệm vừa có thể bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và môi trường bản địa.
Là một khoa năng động tại Trường Đại học Văn Lang, Khoa Du lịch thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo học thuật, kết hợp với các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và các nhà quản lý, lãnh đạo uy tín trong nước. Với các chủ đề cấp thiết, mang tính thời sự, phù hợp với sự biến đổi của thời đại, các buổi hội thảo sẽ là cơ hội để sinh viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, đáp ứng con đường nghiên cứu học thuật hoặc công tác nghề nghiệp sau này.
Tin: Hoàng Tiên
Ảnh: Nhật Huy