TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Đảng bộ Trường Đại học Văn Lang: Đi - để biết ơn nhiều hơn

(VLU, 26/11/2022) - "Trân trọng quá khứ - tương lai vững bền” là chủ đề được chi bộ 8 thuộc Đảng bộ Trường Đại học Văn Lang lựa chọn trên chuyến đi thực tế tại huyện đảo Cần Giờ lần này. Đây là dịp để tập thể chi bộ học tập, trải nghiệm và hiểu hơn về lịch sử oai hùng của dân tộc, đồng thời, chuyến đi làm phong phú thêm tư liệu bài giảng của các thầy cô đối với công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường.

Trên hành trình chuyến đi, đoàn có duyên kết nối thăm hỏi và được nghe trải lòng của một số thầy cô giáo là những thế hệ đầu tiên dấn thân, mang “con chữ” về với vùng đất Cần Giờ và điều đó đã làm cho chuyến đi trở nên ý nghĩa hơn nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022).

Xe khởi hành từ Trường Đại học Văn Lang, sau quãng đường gần 50 km, đoàn đặt chân lên mảnh đất Cần Giờ. “Huyện đảo” Cần Giờ hiện ra xanh mướt, những cánh rừng đước hút tầm mắt. Con đường từ bờ đông bến phà Bình Khánh xuyên qua thị trấn Cần Thạnh rộng thênh thênh. Trên con đường như một dải lụa thẫm giữa bạt ngàn đước, đoàn giảng viên được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của khu dự trữ sinh quyển độc đáo. Sau gần 2 giờ di chuyển, đoàn Đảng bộ Trường Đại học Văn Lang đã đến địa điểm viếng thăm.

Điểm đến đầu tiên, đoàn viếng thăm Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác - một căn cứ địa cách mạng quan trọng của bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, chúng tôi được “thực mục sở thị” những hình ảnh, hiện vật, nghe những câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa, cảm nhận và hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ của bộ đội đặc công.

dang uy b

Đoàn thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác; đồng thời, nghe thuyết minh về Rừng Sác, các trận đánh oai hùng và tham quan trạm quân y, khu vực hậu cần, nhà may quân phục, mô hình hứng nước mưa...

dang uy aĐoàn dâng hương tại Tượng đài chiến sĩ Đặc công Rừng Sác

Theo lời thuyết minh của hướng dẫn viên, ngày 15-4-1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập tại Đặc khu quân sự Rừng Sác với mật danh T10 (Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác), có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ. Bộ đội đặc công rừng Sác đã làm nên những trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ. Suốt 9 năm bám trụ Chiến khu Rừng Sác, chiến đấu anh dũng, đặc công Rừng Sác đã làm nên những chiến thắng vang dội trên sông Lòng Tàu, bến cảng Rạch Dừa, Cát Lái, kho vũ khí Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè... Trong hoàn cảnh môi trường sống khắc nghiệt, chiến đấu trên tuyến lửa, không những phải đối diện với bom đạn của kẻ thù, các chiến sỹ bộ đội đặc công Rừng Sác còn phải chiến đấu với đói khát và nhất là lũ cá sấu hung dữ dưới nước. Đoàn 10 chấp nhận hy sinh mất mát lớn với gần 1000 cán bộ, chiến sĩ từ mọi miền đất nước; trong đó, còn hàng trăm chiến sĩ hy sinh chưa tìm được hài cốt, một số bị chìm sâu dưới lòng sông hay trôi dạt ra biển cả.

dang uy c

Để tiêu diệt căn cứ quân giải phóng, Mỹ ngụy đã rải xuống Rừng Sác - cánh rừng chở che cho cách mạng hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn khiến cho nơi đây trở nên hoang tàn, cây cối chết đè lên nhau, bộ đội của ta phải chuyển quân ra bờ sông, trong đó lục quân hy sinh hết, chỉ còn lại đặc công thủy bám trụ tiếp tục chiến đấu…

Kết thúc phần thuyết minh, đồng chí hướng dẫn viên đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ day dứt lòng người:

“... Lặn sâu xuống sông Lòng Tàu/ Đồng đội ngày xưa có thấy đâu

Hỏi ốc, ốc nằm im chẳng nói/ Hỏi cua, cua bảo sấu ăn rồi...

Xương trắng nở hoa tận đáy sông

Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng...”

Nhắc đến Rừng Sác hôm nay, người ta không chỉ nhắc đến một Rừng Sác anh hùng, một Rừng Sác đau thương, một Rừng Sác huyền thoại mà còn là một Rừng Sác tươi xanh đầy hi vọng. Mảnh đất đã nuôi dưỡng ý chí, nghị lực của những con người nơi đây, không bao giờ chịu khuất phục trước những khó khăn, thử thách. Chính họ đã góp phần làm cho “vùng đất chết” xưa kia đã hồi sinh trở lại. Những người đi gieo con chữ, đã thầm lặng hy sinh để miệt mài thắp lửa tri thức, mở cánh cửa tương lai cho biết bao thế hệ học trò nơi huyện đảo xa xôi.

Trong khuôn khổ của chuyến đi về nguồn nhân dịp hết sức đặc biệt này, để tri ân những nhà giáo đã cống hiến cho ngành giáo dục nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng, đoàn đã đến thăm, tặng quà cho 02 giáo viên bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và 01 Nhà giáo ưu tú đã về hưu. Trường hợp đầu tiên là cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, giáo viên tiểu học Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Cô mắc bệnh ung thư vú từ năm 2018, đang trong thời gian điều trị. Chồng thất nghiệp, phải nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Hiện tại cô vẫn tham gia công tác giảng dạy. Cô chia sẻ thêm: “Mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng bản thân luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, lấy công việc làm niềm vui và đó là liều thuốc tinh thần để mình có thể vượt qua và chiến thắng bệnh tật”. Tiếp theo là cô Dương Thị Tuyết Loan, nguyên là giáo viên trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Cô cũng bị ung thư vú từ năm 2003, chồng là công an, đã mất vì ung thư. Cô có một con gái đang học đại học năm 3. Do sức khỏe yếu, không đảm bảo được công tác giảng dạy, cô Loan đã xin nghỉ hẳn công tác để tập trung điều trị bệnh.

dang uy dThS. Lê Thu Hằng – ĐUV, Bí thư Chi bộ 8, thay mặt đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà cho cô Nguyễn Thị Thanh Xuân.

dang uy eChi bộ 8 và Đảng bộ Trường Đại học Văn Lang thăm hỏi, tặng quà cho cô Dương Thị Tuyết Loan.

Cuối cùng, đoàn ghé thăm nhà giáo ưu tú Lương Thị Mỹ Lệ - nguyên là giáo viên Trường tiểu học Long Thạnh, huyện Cần Giờ. Cô đã vượt qua rất nhiều gian khổ, khắc nghiệt của điều kiện sống để đem con chữ đến học sinh nơi đây. Cô tình nguyện về công tác tại Cần Giờ - huyện thuộc diện nghèo nhất TP.HCM - vào đầu những năm 80, lúc này Cô mới hơn 20 tuổi - cái tuổi thanh xuân phơi phới. Vào thời điểm này, Cần Giờ thiếu thốn nhiều thứ, không điện, không nước ngọt, trường lớp chưa có nhiều như bây giờ, phải mượn chỗ để làm trường, mở lớp. Qua lời kể của Cô, mỗi ngày Cô phải dạy nhiều lớp, nhiều ca, học trò phải vất vả lao động kiếm sống, việc học chữ là một câu chuyện còn rất xa lạ với nhiều người dân và trẻ em nơi đây. Vì vậy, thầy cô giáo phải nỗ lực gấp nhiều lần; không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em về những thứ khác, không những vậy, còn quan tâm, chăm sóc các học sinh như những đứa con của mình. Vất vả là thế, nhưng cũng rất nhiều niềm vui. Cô kể: “Nhớ năm 1983, năm thứ 2 kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, các em nghe tuyên truyền về ngày lễ này và mang hoa đến tặng cô. Những bó hoa được các em hái tặng rất đơn sơ, được “ném” vào phòng ở của cô, thấy vui ghê. Điều đó lại hiện về mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam. Rồi cô phải dạy các em cách trao gửi, nói lời cảm ơn dành cho cô là như thế nào cho đúng, cho hay. Lần đó, xúc động nhất là có một em học sinh đã tặng cô một đóa hoa và tờ tiền 500 đồng và nói “Cô ơi, 20/11 con không có gì tặng cô, con chỉ có bông hoa này và tiền ăn sáng con dành lại tặng cô, cô nhận nha, con thương cô lắm nhưng con không biết làm sao...”, lúc đó mình chỉ kịp ôm nó vào lòng, nước mắt chảy ra mà không hay”. Được nghe những câu chuyện Cô kể mà chúng tôi thật sự thán phục, trân trọng biết bao những đóng góp, hi sinh mà Cô và những giáo viên khác đã âm thầm mang đến cho mảnh đất yêu thương này. 

dang uy gThS. Bùi Tá Thạnh – Phó Bí thư Chi bộ 8, thay mặt đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà cho NGƯT Lương Thị Mỹ Lệ.

Hành trình của chuyến đi đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn. Một chuyến đi ý nghĩa, đã cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Thế hệ chúng ta ngày hôm nay cảm thấy trân trọng và biết ơn những hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, đã ngã xuống để đổi lấy nền hòa bình, độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, để thế hệ con cháu được sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Thật biết ơn những người làm nghề giáo đã đưa con chữ đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh, nghị lực vượt lên hoàn cảnh của họ là những điều quý giá cho thế hệ trẻ học tập và trân trọng hơn những gì mình đang có.

Bài viết:  Dương Thị Chuyên - Chi bộ 8
Ảnh: Trần Anh Tuấn Kiệt - Chi bộ 8

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag