(VLU, 08/04/2022) – Trong kì thi kết thúc học phần Nghệ thuật học của lớp K27VH1, giảng viên yêu cầu mỗi nhóm (5-6 sinh viên) lập 01 fanpage giới thiệu một loại hình nghệ thuật ứng dụng đảm bảo các tiêu chí về nội dung, tính khả thi khi triển khai kinh doanh của sản phẩm và có sự liên kết với các kênh đăng tải hình ảnh phổ biến khác như Tiktok, Youtube. Từ gợi ý của giảng viên, 05 nhóm sinh viên đã triển khai lần lượt các dự án với chủ đề phong phú và thú vị.
TRẠM CHỮA LÀNH
Chúng mình nghĩ, ai cũng đã, đang và sẽ phải trải qua những điều không dễ dàng trong cuộc sống. Chúng ta đã trải qua một năm với rất nhiều biến động, có những niềm vui và cũng có nỗi buồn, có những mất mát, những điều làm bản thân bất lực… Chính vì thế, chúng mình lập Fanpage “Trạm chữa lành” để từ các bản tin radio, góp phần xoa dịu cộng đồng kết nối với fanpage, lan toả những điều tích cực đến mọi người.
Khi thực hiện dự án, chúng mình gặp rất nhiều khó khăn: không sắp xếp được thời gian chạy bài, bí ý tưởng, bất đồng quan điểm,… Khi bắt đầu chặng đường, có năm con tim cùng hoà chung một nhịp đập nhưng hồi kết chỉ còn có bốn… Bốn con tim vụn vỡ ở lại mà đau nhói vì một trái tim đã ngủ yên mãi mãi. (*)
Dù quá trình thực hiện đề tài có nhiều biến động, chúng mình vẫn nhủ lòng cảm ơn vì đã gặp nhau, biết nhau và đã cùng nhau có những kỉ niệm đẹp, cùng trở thành “Trạm chữa lành” cho mọi người và cho chính mình.
Đỗ Nguyễn Khánh Đoan
(*) Sinh viên Bùi Quốc Tuấn (lớp K27VH1) mất đầu năm 2022 vì đuối nước. Chú thích của Ban biên tập.
ĐÊM CỔ
“Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu), và đó cũng là mục đích mà ngành Văn học Ứng dụng nói chung, môn Nghệ thuật học nói riêng hướng đến. Thay vì viết tiểu luận hay thi tự luận kiểm tra kiến thức như những môn học khác, chúng mình khép lại một kỳ học bằng cách tạo ra sản phẩm thực tế.
Nhóm chúng mình chọn sáng tạo một bộ bài Tarot, lấy cảm hứng từ truyện cổ Việt Nam. Ban đầu, nhóm lúng túng trong việc phác thảo ý tưởng và thu thập tài liệu, không tránh khỏi việc năm người mười ý. Đồng thời, nhóm phải đối mặt với kho tàng truyện cổ Việt Nam quá rộng lớn , hiểu biết về Tarot còn hạn chế, thế nên hơn nửa thời gian thực hiện đề tài chỉ dành cho việc định hình cách làm việc. Những tưởng đề tài cuối kỳ này xem như “đi tong”, thế nhưng nhóm đã thống nhất được ý tưởng và thực hiện đề tài trong vỏn vẹn một tuần cuối cùng.
Thành quả mặc dù chưa thật ưng ý, thậm chí vụng về và non nớt, nhưng đối với chúng mình, những kinh nghiệm đúc kết được từ quá trình thực hiện đề tài này đã là một thành quả vô cùng xứng đáng.
Đào Hồng Trang
LÀNG HỌA THI
Sản phẩm ứng dụng Nghệ thuật học của nhóm mình là Fanpage giới thiệu thể loại sách tranh kết hợp giữa văn học và nghệ thuật hình ảnh cho độc giả Việt.
Đọc sách tranh với những hình ảnh minh họa giúp chúng ta nhớ nội dung lâu hơn, ấn tượng đậm hơn với những trích đoạn hay phân cảnh nổi bật. Chữ của thể loại sách này có vai trò như phần “chú thích” cho hình ảnh được rõ ràng hơn.
Chúng mình đã tìm đọc một số sách tranh phổ biến và tổng hợp các thông tin tìm được về sách tranh trên Internet để giới thiệu thể loại này đến độc giả thông qua các kênh Facebook, YouTube và Tiktok của dự án.
Nguyễn Đông Nghi
ÂM SẮC
“Âm Sắc” là một dự án về đề tài quà lưu niệm, lấy cảm hứng từ nền văn hóa Trung Hoa cổ điển. Với 3 album “Tâm” - “Yên” - “An”, nhóm lần lượt giới thiệu về các sản phẩm đặc thù như: vòng tay phong thủy, móc chìa khóa và đặc biệt nhất là ấn phẩm hộp nhạc hồi ức. Mỗi sản phẩm chúng mình đưa ra đều được chuẩn bị cũng như cân nhắc kỹ càng từ khâu lên ý tưởng cho đến khâu lựa chọn chất liệu sao cho phù hợp với thông điệp ẩn chứa bên trong.
Thời gian đầu bắt tay vào “dự án”, chúng mình gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khâu lựa chọn vật liệu vừa đúng tinh thần sản phẩm, vừa thân thiện với môi trường. Nhóm cũng trăn trở về việc làm sao tạo ra sản phẩm lưu niệm vẫn có tính ứng dụng cao đến với người người tiêu dùng.
Hy vọng qua “Âm Sắc”, chúng mình đã mang đến nguồn năng lượng tích cực nào đó để có thể tiếp thêm động lực cho sinh viên về sự vững tin, sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới.
Phạm Kiều Oanh
THI CA NHẠC HỌA
Dự án này của chúng mình ứng dụng văn học trong nghệ thuật để truyền tải thôn điệp sinh thái. “Thi Ca Nhạc Họa” chủ yếu sử dụng chất liệu về thiên nhiên phong cảnh, từ những bức vẽ, vần thơ đến những trải nghiệm về âm thanh được chăm chút và lựa chọn phù hợp để tạo được hiệu quả cảm nhận cho người xem.
Bao lì xì: Chúng mình chọn in thơ và tranh cùng chủ đề lên bao lì xì cho ấn phẩm đầu tiên của dự án, nhằm mục đích lan tỏa cảm hứng nghệ thuật và cảm xúc trân quý thơ ca, mang đến cho người dùng nhiều điều may mắn trong cuộc sống.
Bánh Chữ: nhóm đề xuất ý tưởng sử dụng chiếc bánh may mắn giòn tan và ẩn chứa những áng thơ ngẫu nhiên bên trong – thay thế cho những thông điệp của mẫu bánh gốc của phương Tây.
Quá trình làm việc cùng nhau ở “Thi Ca Nhạc Họa” là một trải nghiệm thú vị và là tâm huyết của từng thành viên. Chúng mình mong rằng từng sản phẩm mà đề tài mang lại không chỉ thỏa mãn khả năng sáng tạo và ứng dụng văn học của bản thân mà còn là niềm hy vọng tạo được những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng về đam mê tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật. Việc làm cho thơ ca sống được trong thời đại này không phải là một công việc dễ dàng nhưng sau tất cả, chúng mình tự nhận thấy “Thi Ca Nhạc Họa” đã góp một phần nhỏ trong việc quảng bá bản sắc văn Việt.
Nguyễn Ngọc Trân