(VLU, 09/12/2022) - Ngày 07/12/2022, Khoa Công nghệ Ứng dụng tổ chức lớp chuyên đề “Nông nghiệp thông minh: Cơ hội mới hướng tới nông nghiệp bền vững” với sự dẫn dắt của TS. Fayaz Hussain - nhà khoa học có nhiều năm tâm huyết trong nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao. Buổi chuyên đề là khởi đầu thuận lợi cho chuỗi hợp tác thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học giữa TS. Fayaz Hussain và các giảng viên bộ môn Nông nghiệp Công nghệ cao và sinh viên trong tương lai.
TS. Fayaz Hussain đến từ Trường Đại học Brunei, xếp hạng 300 trên thế giới (theo THE World University Ranking). Ngoài báo cáo viên, lớp chuyên đề còn có sự tham dự của TS. Châu Tấn Phát - Trưởng ngành Nông nghiệp Công nghệ cao - Khoa Công nghệ Ứng dụng; TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học; ThS. Hồ Thị Ngọc Trân - Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ Thực phẩm; ThS. Nguyễn Duy Tuệ - Phó Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, cùng tập thể sinh viên Khóa 26, 27, 28 ngành Nông nghiệp Công nghệ cao của Trường Đại học Văn Lang.
TS. Fayaz Hussain có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo. Ông đã xuất bản nhiều bài báo về năng lượng tái tạo trên các tạp chí ISI/SCI có hệ số ảnh hưởng cao, các chương sách và hội nghị quốc tế uy tín cũng như nhận nhiều bằng sáng chế. Lĩnh vực nghiên cứu chính của TS. Fayaz Hussain gồm: hệ thống nhiệt quang điện, điện lạnh hỗ trợ năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng trong vật liệu thay đổi pha, nhiên liệu sinh học, hệ thống năng lượng tái tạo dựa trên IoT, nông nghiệp thông minh chạy bằng năng lượng mặt trời và các dự án năng lượng liên quan khác.
Tại buổi học chuyên đề, TS. Fayaz Hussain đã cùng gảng viên Khoa Công nghệ Ứng dụng thảo luận về tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng trên thế giới và cụ thể ở Việt Nam. Qua đó, TS. Fayaz Hussain và các thầy cô nêu lên những yêu cầu cấp thiết trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay và bày tỏ mong muốn đồng thực hiện những dự án hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.
Nông nghiệp đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng từ thuần hóa động vật và thực vật đến nhân giống có hệ thống và sử dụng rộng rãi phân bón, thuốc trừ sâu nhân tạo. Hiện nay, nền nông nghiệp đang trải qua cuộc Cách mạng xanh tiếp theo, được kích hoạt bởi việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) qua các giải pháp ứng dụng kết hợp như thiết bị chính xác, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT),... Đây là tiềm năng lớn để mang đến một nền sản xuất hiệu quả và bền vững hơn cho nhân loại. Thị trường nông nghiệp thông minh đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua do áp lực ngày càng tăng cao đối với hệ thống cung cấp thực phẩm, dân số toàn cầu tăng nhanh. Thị trường này dự kiến sẽ tăng từ 12,9 tỷ USD (2021) lên 20,8 tỷ USD (2026). Sự phát triển và thích ứng của nông nghiệp thông minh có tiềm năng cao sẽ đáp ứng những thách thức về an ninh lương thực trong tương lai.
Buổi hội thảo chuyên đề đã tạo cơ hội cho sinh viên Khoa Công nghệ Ứng dụng được tiếp xúc và trao đổi học thuật với chuyên gia đầu ngành trong mảng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Những thông tin mới được cập nhật cho thấy tiềm năng phát triển của ngành Nông nghiệp Công nghệ cao và chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ TS. Fayaz Hussain đã giúp sinh viên Khoa Công nghệ Ứng dụng được tiếp thêm động lực, niềm đam mê và quyết tâm học tập, gắn bó với con đường bản thân đã chọn.
Trên hành trình trở thành trường đại học chuẩn quốc tế theo định hướng nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang tích cực đẩy mạnh các hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học; tăng cường tổ chức các buổi trao đổi học thuật cho sinh viên, giảng viên nhằm nâng cao kiến thức chuyên ngành, sáng tạo những giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề cấp thiết cho xã hội, cùng hướng đến sự phát triển bền vững và trở thành người truyền cảm hứng trong cộng đồng hôm nay.
Tin: TS. Châu Tấn Phát
Hình ảnh: Bảo Trân