(VLU, 23/02/2022) - Ngày 22/02/2022, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học Việt Nam (Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thái Nguyên) tổ chức Lễ Khởi động dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý về xây dựng tài nguyên học liệu mở trong giáo dục Đại học ở Việt Nam”. Dự án được tài trợ bởi Hiệp hội Đại học Pháp ngữ (AUF).
Tham gia chương trình, Trường Đại học Văn Lang có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng, TS. Ngô Quang Trung – Phó Hiệu trưởng, TS. Ngô Minh Hùng – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học, TS. Nguyễn Cửu Đỉnh – Trưởng phòng Đào tạo, ThS. Lê Thị Minh Tâm – Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại, ThS. Nguyễn Chí Hiếu - Chánh Văn phòng Ban Giám hiệu và TS. Lê Minh Thành – Trưởng Khoa Du lịch.
Hiệp hội Đại học Pháp ngữ (AUF) - đơn vị tài trợ dự án - có sự tham dự của Ông Fabien Méheust - Phó Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, TS. Nguyễn Tấn Đại – Trưởng phòng AUF Tp.HCM. Đại diện Bộ GD&ĐT, PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học, PGS. TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học, TS. Nguyễn Bảo Hưng – Chuyên viên Chính vụ cũng cùng tham dự sự kiện.
Về các đơn vị đại học cùng tham gia dự án, đầu cầu Đại học Y Dược Hải Phòng có sự tham dự của PGS. TS. Phạm Minh Khuê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; cùng đại diện của Phòng Hợp tác Quốc tế, Phòng Công nghệ Thông tin, Phòng Quản lý Đào tạo Đại học và Sau Đại học; Đại học Mở Hà Nội có sự tham dự của TS. Đinh Tuấn Long – Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Học liệu; Đại học Thái Nguyên có sự hiện diện của TS. Bùi Thị Hương Giang – Phó Trưởng ban Công nghệ và Đối ngoại.
Mở đầu lễ giới thiệu dự án, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang giới thiệu: “Trong hai năm qua, tất cả chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng của đại dịch COVID lên nhiều mặt của xã hội. Để có thể vượt qua những mất mát, đau thương; mọi người, mọi lĩnh vực đều cần thay đổi thói quen trong tư duy và cách sống. Bằng sự nỗ lực, Bộ GD&ĐT cũng như các trường Đại học đã có nhiều phương án ứng phó sau đại dịch giúp sinh viên vẫn có thể đến trường. Tại thời điểm này, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài và chúng ta vẫn phải tìm kiếm thêm nhiều phương án để linh động trong công tác đào tạo hậu COVID. Kết hợp học trực tuyến và trực tiếp có bài bản là kế hoạch lâu dài nhằm đảm bảo được chất lượng đào tạo mà giáo dục nước ta đang hướng đến. Trên tinh thần đó, dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý về xây dựng tài nguyên học liệu mở trong giáo dục Đại học ở Việt Nam” được đề xuất đã cung cấp thêm nhiều lựa chọn phù hợp với địa phương trong hành trình thay đổi cách dạy và cách học. Để làm được điều đó, chúng ta cần nguồn học liệu số có chất lượng. Chuyển đổi số kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin là hướng đi để phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở đa dạng cho tất cả các trường Đại học.”
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ GD&ĐT trong việc thành thành lập nền tảng số quốc gia về tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), Trường Đại học Văn Lang và các đối tác đề xuất dự án xây dựng khung pháp lý và phát triển nền tảng TNGDM, nhằm thúc đẩy hiệu quả quản trị đại học thông qua chuyển đổi số, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và bản quyền. Dự án cũng giúp tăng cường tính liên tục trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu, đáp ứng lời kêu gọi của Bộ GD&ĐT: “Đóng cửa trường học trong khi vẫn duy trì việc học” để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, dự án hướng tới việc xây dựng một nguồn tài nguyên giáo dục phục vụ cho tất cả mọi người và nhu cầu học tập suốt đời, tạo nên nhiều giá trị cộng hưởng cho xã hội.
Dự án cũng hướng tới việc xây dựng một hệ thống liên trường đại học cho phép người nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và công chúng được chia sẻ, sử dụng chung các nguồn tài liệu một cách hợp pháp và không bị giới hạn về thời gian, không gian. Về lâu dài, phương án sẽ giúp các trường đại học chủ động trong việc triển khai giáo dục trực tuyến để đối phó với những rủi ro không lường trước trong tương lai.
Có mặt tại buổi khởi động dự án, đại diện AUF, Ông Fabien Méheust, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã gửi lời chúc tốt đẹp dành cho dự án: “AUF trung thành với những giá trị đoàn kết và chúng tôi tin rằng các trường Đại học đóng vai trò then chốt trong sự phát triển tổng thể của xã hội. Dự án thành lập tài nguyên giáo dục mở được đánh giá là một trong những dự án hay nhất của Việt Nam vì nó mang tính cụ thể, sáng tạo và mang tính hữu ích cao cho cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi sẽ dành nguồn tài nguyên kinh phí của mình để hỗ trợ Văn Lang cũng như các trường Đại học khác hoàn thành dự án này. Chúc cho dự án thành công và mang lại những giá trị lớn lao cho nền giáo dục của Việt Nam.”
Cụ thể, sản phẩm của dự án sẽ bao gồm:
- Quy định tiêu chuẩn về học liệu số;
- Quy trình đảm bảo chất lượng;
- Vấn đề tác quyền và sở hữu;
- Quyền lợi của người xây dựng và trách nhiệm của người sử dụng nguồn học liệu;
- Quy định sử dụng trong giảng dạy và học tập;
- Cơ chế quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu số;
Tiếp nhận thông tin chi tiết của dự án, TS. Ngô Minh Hùng – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học Trường Đại học Văn Lang đã chủ trì thảo luận các phương thức phối hợp nhằm triển khai dự án cùng đại diện của Bộ GD&ĐT và các trường đại học. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với những đóng góp, chia sẻ và quyết tâm cao độ của tất cả thành viên. Hy vọng với lộ trình phát triển trong 12 tháng, dự án sẽ cho ra mắt khung pháp lý phù hợp, phát triển nguồn tài nguyên học liệu mở giữa các trường Đại học.
Tin: Thu Hương
Hình ảnh: Lee Minh Phương