TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Một vài phương cách kết nối và tạo nhóm học tập khi học online

(VLU, 09/11/2021) - Trong quá trình học online, việc kết nối, tạo nhóm học tập là điều cần thiết nhằm tạo ra sự tương tác giữa người dạy và người học. Qua thực tế giảng dạy, nhóm thầy cô Khoa Khoa học cơ bản đã cung cấp một số phương cách kết nối và tạo nhóm học tập online cho các bạn sinh viên.

Cần kết nối và tạo nhóm học tập khi học online

Kết nối và tạo nhóm học tập là một việc cần thiết trong mọi hình thức và không gian học tập. Bởi học tập là một sự tương tác, kết nối giữa chủ thể với môi trường, trong đó, có sự tương tác, kết nối giữa chủ thể với những chủ thể, cá thể khác. Kết nối, tạo nhóm học tập không chỉ là cách để chia sẻ thông tin, trợ giúp nhau trong học tập mà còn là một kỹ năng quan trọng của người học thời nay.

Với môi trường học tập online, việc kết nối cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt với sinh viên Khóa 27 chưa một lần đặt chân đến trường. Hiểu được mong đợi của sinh viên, thầy cô chủ động dành nhiều thời gian, tìm mọi phương cách kết nối với các bạn để chúng ta có cảm giác là “người một nhà” trong sự cách trở về không gian học tập. Vì vậy, mặc dù là môi trường học tập online, nhưng thực tế thì không kém phần sôi động, náo nhiệt. Song, làm gì và làm như thế nào để có thể kết nối và tạo nhóm học tập trong môi trường học số ? Qua thực tế giảng dạy nhiều năm qua, nhóm thầy cô Khoa Khoa học cơ bản đúc rút một vài phương cách và xin được chia sẻ.

Một số phương cách để kết nối, tạo nhóm học tập

Trước hết, kết nối, tạo nhóm học trên MS Teams. Đây là kênh kết nối chính thống giữa giảng viên và sinh viên, là nơi “hội tụ đỉnh cao” cho sự kết nối cho dù không phải lúc nào sinh viên cũng sẵn sàng cho những múi giờ học tập của mình; nhưng với tinh thần trao đổi, cởi mở, chia sẻ bằng livestream (trực tiếp) của thầy cô, nơi đây không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn đem lại nguồn cảm hứng cho bao câu chuyện học đường thời online không thể nào quên.

Screenshot 201Chat box trên MS Teams

Thông qua những buổi học trên MS Teams, thầy cô sẽ giảng dạy, hướng dẫn các em cách học tập, chia sẻ thông tin cần thiết và sinh viên trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, cảm xúc của mình. Thầy cô và các bạn cũng có thể tạo ra những Teams nhỏ (nhóm học tập từ 5 đến 10 bạn), dùng chat box để trò chuyện. Thông qua phương tiện này, các bạn có thể dễ dàng làm quen, trao đổi học tập, họp nhóm, thực hiện dự án, bài tập được giao và dễ dàng lưu lại minh chứng của quá trình làm việc đó.

Thứ hai, kết nối, tạo nhóm trên trang e-learning. MS Teams và trang học e-learning được xem như “đôi bạn thân” không tách rời, luôn song hành cùng thầy cô và sinh viên trong suốt quá trình học tập ở Văn Lang. Đây không chỉ là nơi để thầy cô cung cấp thông tin về môn học, học liệu dưới dạng video bài giảng, bài đọc, tài liệu tham khảo, bài tập mà còn là nơi ghi nhận kết quả học tập của sinh viên bằng nhiều hình thức khác nhau. Những yêu cầu thầy cô đặt ra có thể là bài tập trắc nghiệm, bài luận hay một diễn đàn thảo luận chủ đề của môn học. Các bạn chia sẻ thông tin, trao đổi về những nội dung đã học, đồng thời chính các bạn sẽ làm cho nguồn học liệu của môn học thêm phong phú.

Screenshot 199Diễn đàn (forum) trên E-learning

Trang e-learning  có các công cụ giúp giảng viên kết nối với sinh viên và sinh viên kết nối với nhau rất hữu ích như chat, forum. Với ứng dụng chat, giảng viên và sinh viên có thể trao đổi trực tiếp với nhau nhanh chóng và khá hiệu quả. Còn với forum, giảng viên sẽ tạo ra các diễn đàn với nội dung cụ thể để sinh viên tham gia thảo luận hoặc sinh viên cũng có thể đặt ra câu hỏi để thảo luận. Với ứng dụng này, sinh viên dễ dàng xem ý kiến, thông tin của các bạn khi tham gia trên diễn đàn. Giảng viên sẽ không mất nhiều thời gian trả lời nhiều lần cho cùng một câu hỏi. Thông qua diễn đàn, sinh viên còn có thể rèn luyện kỹ năng trình bày ý kiến, phản biện và tương tác với người khác.

Thứ ba, kết nối, tạo nhóm học tập qua ứng dụng zalo. Nếu group học MS Teams là nơi sinh viên nhận sự truyền thụ phần lớn kiến thức từ thầy cô thì zalo là “thánh đường chia sẻ” của chính các bạn với nhau. Những group zalo của từng lớp được lập ra để các bạn chủ động chia sẻ kiến thức mình đã học, thông tin từ thầy cô, qua đó các bạn tự nhắc nhở nhau. Có một điều thú vị là thường với một câu hỏi được đặt ra trong  group, thầy cô không cần trả lời ngay vì y như rằng ngay sau đó sẽ có các thành viên trong lớp  trả lời cho bạn bè mình, thầy cô chỉ cần chốt vấn đề. Thậm chí, thầy cô phân quyền quản trị nhóm cho một số bạn, để các bạn tự vận hành nhóm, giúp nhóm trao đổi đi vào trọng tâm. Đó cũng là cách để các bạn học hỏi lẫn nhau, rèn luyện khả năng tự chủ. Từ một group lớn, sinh viên có thể sử dụng ứng dụng này để tạo các group nhỏ, hỗ trợ cho quá trình học tập rất hữu ích.

Screenshot 203Tạo nhóm trên Zalo

Thứ tư, kết nối, tạo nhóm học tập trên những ứng dụng khác như: facebook, padlet, google meet, google chat, - những ứng dụng hiện không còn quá xa lạ với sinh viên và giảng viên. Các bạn có thể cùng giảng viên của mình tạo ra những nhóm trên facebook, cũng như giảng viên có thể sử dụng padlet để các thành viên giới thiệu về bản thân và tạo lập nhóm học một cách nhanh chóng, công khai tại lớp học của mình. Nếu khai thác và sử dụng tốt những ứng dụng này, chắc chắn sinh viên sẽ không còn cảm thấy “cô đơn” trong môi trường học tập số.

Screenshot 197Tạo kế nối và nhóm trên ứng dụng Padlet

Với những phương cách trên, thầy cô và sinh viên, hay giữa sinh viên với nhau có thể hiểu nhau hơn, gắn kết hơn trong môi trường học tập số. Mỗi một ứng dụng có những thế mạnh tùy thuộc vào cách bạn khai thác, sử dụng như thế nào. Tùy vào điều kiện, khả năng, mỗi giảng viên và sinh viên sẽ lựa chọn cho mình một hoặc một vài phương cách khác nhau để kết nối, chia sẻ và tạo nhóm học tập hiệu quả. Làm tốt việc kết nối sẽ tạo ra những thuận lợi trong giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Song, cũng phải lưu ý rằng, có nhiều cách hay, phương tiện tốt nhưng sinh viên phải luôn chủ động, tự giác, có trách nhiệm trong học tập; trong hoạt động nhóm cần phải tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tuân thủ nguyên tắc trong làm việc nhóm. Có như vậy, chúng ta mới có thể dễ dàng vượt qua những rào cản của môi trường số hiện nay.

ThS. Bùi Tá Thạnh
ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy
ThS. Lê Thu Hằng


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag