TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên Khóa 22 chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác bảo vệ đồ án tốt nghiệp: nỗ lực đi qua Covid-19

(P.TS&TT - Văn Lang, 01/7/2020) - Ngày 23/6/2020, 16 sinh viên Khóa 22 chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác thuộc ngành Thiết kế Đồ họa đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp tại Họa thất Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang. Các đồ án được đánh giá đa dạng, phong phú các mảng đề tài.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep aHội đồng chấm đồ án và hơn 100 sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa theo dõi buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên Khóa 22 chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác

Hội đồng chấm Đồ án tốt nghiệp của sinh viên Khóa 22 chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác:

1. ThS. Lê Trường Bảo - Chủ tịch Hội đồng;
2. ThS. Phan Bảo Châu - Ủy viên;
3. ThS. Đào Chí Đắc - Ủy viên;
4. HSTK. Phan Vũ Linh - Ủy viên;
5. ThS. Hoàng Thị Anh Nghi - Thư ký.

Năm nay, mảng đề tài được sinh viên lựa chọn để thực hiện đồ án tốt nghiệp khá đa dạng, phong phú, như thiết kế game, nhân vật game, artbook, phim hoạt hình, phim ngắn, stop motion,… Theo đánh giá từ Hội đồng, do tình hình dịch bệnh nên chất lượng đồ án chưa được xuất sắc nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về chất lượng nội dung, hình thức của đồ án tốt nghiệp.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep bHai poster trong đồ án “Thiết kế 3D nhân vật và kỹ xảo cho Action TPS game Synergy Stones” (9.03 điểm) của sinh viên Phạm Khánh Linh. Đây là đồ án đạt số điểm cao nhất trong 16 đồ án năm nay.

Ý tưởng thực hiện đồ án của Khánh Linh xuất phát từ một thế giới phép thuật giả tưởng đã theo Linh từ rất lâu. Linh chia sẻ: “Mình biết tới những thể loại như vậy thông qua bộ phim, truyện và tiểu thuyết từng đọc, những nơi được cai trị bởi các vị thần ở thế giới của họ. Việc tạo ra, phát triển và hoàn thiện ý tưởng đó là một trong những mục tiêu lớn của mình trong quá trình học tập tại Trường ĐH Văn Lang. Mình cũng là một người yêu thích game nên đã dự định lựa chọn game cho đồ án tốt nghiệp từ lâu. Ban đầu mình có dự định làm về mảng phim hoạt hình, trong quá trình học tập và nghiên cứu thì mình nhận ra mình biết và hiểu về game hơn nên cuối cùng mình đã lựa chọn mảng game cho đồ án lần này”. 

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep dCác nhân vật trong Action TPS game Synergy Stones.

Khánh Linh cho biết mình gặp nhiều khó khăn từ khâu chuẩn bị, phân chia thời gian để hoàn thành công việc, chuẩn bị những kiến thức cũ và thử nghiệm những kiến thức mới, đến các vấn đề chuyên môn, các vấn đề về lỗi phần mềm, kỹ thuật. Việc sửa chữa và khắc phục các lỗi trong quá trình làm tiêu tốn nhiều thời gian của Khánh Linh.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep cĐồ án “Phim hoạt hình 3D giới thiệu game Solo Adventure” (8.98 điểm) của sinh viên Quách Nghê Nhật Minh được đánh giá cao từ Hội đồng. Thông qua thế giới của Solo Adventure, Nhật Minh muốn mang đến thực tại những vùng đất trong trí tưởng tượng của mình, đồng thời lồng ghép một câu chuyện ngắn về bài học mà Nhật Minh rút ra được sau cuộc phiêu lưu 4 năm đại học tại Văn Lang.

Nói về ý tưởng thực hiện, Nhật Minh cho biết: “Từ nhỏ, mình đã bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện, bộ phim về các cuộc phiêu lưu. Khi xem xét các ý tưởng để thực hiện đồ án lần này, mình đã quyết định lựa chọn từ khóa đầu tiên mà mình nghĩ đến đó chính là phiêu lưu. Đây cũng là từ khóa nói lên cuộc hành trình của mình tại Trường Đại học Văn Lang”.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep e Poster game với hình ảnh của hai nhân vật chính H-Yan và Bix cùng phối cảnh trong phim hoạt hình 3D giới thiệu game Solo Adventure.

Nhật Minh chia sẻ về châm ngôn sống: “Nếu người khác làm được thì mình cũng làm được. Nếu người khác chưa làm thì mình phải làm”, đây cũng là lý do mà Nhật Minh chọn phim hoạt hình 3D để thực hiện đồ án. Một phần, bạn muốn thử thách chính bản thân mình, một phần để tổng kết hành trình trong suốt thời gian học ở Văn Lang, một lần nữa nhìn lại tổng thể bản thân đang ở vị trí nào cũng như rèn dũa lại kĩ năng quản lý dự án, kĩ năng phần mềm,... để chuẩn bị cho các hoạt động tương lai.

Cũng lựa chọn phim hoạt hình là hình thức thể hiện, sinh viên Phan Tấn Được sử dụng chất liệu là hình ảnh vùng đất Đo Đo yên bình, món Mì xứ Quảng và tình bà cháu làm chủ đề xuyên suốt cho đồ án tốt nghiệp của mình.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep fĐồ án “Phim hoạt hình 2D ngắn Đo Đo” (8.85 điểm) của sinh viên Phan Tấn Được. Thông điệp Tấn Được gửi gắm trong đồ án này: “Hãy trân trọng những phút giây bên cạnh người thân của mình, đồng thời giới thiệu những món ăn đặc trưng của xứ Quảng nói chung và vùng đất Đo Đo nói riêng”.

Tấn Được chia sẻ về đồ án: “Nhịp sống hiện đại làm cho con người ta trở nên vội vã, lúc nào cũng mải mê theo đuổi, tìm kiếm một thứ gì đó mà quên mất những điều bình dị xung quanh, quên mất bữa ăn gia đình với những người ta yêu thương. Những bữa cơm nhà với đầy đủ thành viên trở thành một điều rất xa xỉ, nhưng thậm chí nếu may mắn có đủ đầy mọi người thì nhiều lúc tâm trí ta vẫn cứ mải mê rong ruổi theo kế hoạch dự án mà chẳng cảm nhận được sự hạnh phúc từ người thương đang có mặt với ta. Do đó, dự án này mình muốn thực hiện như một lời nhắn nhủ đến mọi người rằng hãy sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, hãy trân trọng những người đang có mặt cho ta. Có thể nói bài mình không phải là tốt nhất so với các bạn trong lớp. Nhưng đối với mình, nó là niềm tự hào của bản thân trong bốn năm đại học”.

Khó khăn lớn nhất mà Tấn Được gặp phải là thời gian và khâu diễn hoạt cho nhân vật. Một phim hoạt hình với thời gian 4 phút thì cần bỏ ra rất nhiều thời gian từ khâu kịch bản đến hoàn thiện. Lúc đầu, Tấn Được không điều chỉnh được thời gian vẽ cho từng cảnh nên dẫn đến bị trễ tiến độ. Về diễn hoạt nhân vật, trong phim có ba nhân vật, mỗi người điều có những tính cách riêng, nhân vật An là một nhân vật diễn khó nhất từ vui vẻ, đến bực bội và cả cảnh khóc, Tấn Được phải tìm rất nhiều tư liệu cũng như tự quay lại diễn hoạt để vẽ được cảm xúc tốt nhất cho nhân vật.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep gĐồ án “Stop motion Numbers” (8.94 điểm) của sinh viên Nguyễn Lê Hải Yến được các thầy cô trong Hội đồng đánh giá rất cao bởi sự đầu tư chỉn chu về nội dung lẫn hình thức trình bày. Hải Yến cũng là sinh viên hiếm hoi lựa chọn stop motion để thực hiện đồ án tốt nghiệp lần này.

"Numbers" là bộ phim ngắn lấy cảm hứng từ một đoạn ngắn của cuốn sách Hoàng Tử Bé, nói về việc nhiều người thích thú với những con số và sử dụng chúng để đánh giá một người. Khi đọc qua một bài báo viết về những câu ý nghĩa của Hoàng Tử Bé và vô tình đọc được một trích đoạn: “Grown-ups are very fond of numbers. When you tell them about a new friend, they never ask you the kind of questions that should be asked, such as: “What kind of voice does he have?”, “What are his favourite games?”, “Does he collect butterflies?”. Instead they ask: “How old is he? How much money does his father earn?”. They really do imagine this is the best way to discover what sort of person he is!”. (Tạm dịch: Người lớn rất thích những con số. Khi bạn nói chuyện với họ về một người bạn mới, họ không bao giờ hởi bạn những câu hỏi nên được hỏi như: “Giọng nói của anh ta thế nào?”, “Anh ta thích chơi trò gì?”, “Anh ta có sưu tầm bươm bướm không?”. Thay vào đó, họ chỉ hỏi: “Anh ta bao nhiêu tuổi?”, “Bố anh ta kiếm được bao nhiêu tiền?”. Họ thực sự tưởng tượng đây là cách tốt nhất để khám phá anh ta là người như thế nào!”). Đó cũng là thông điệp Hải Yến muốn người xem nhận ra thông qua "Numbers".

Phim ngắn Numbers được đăng tải trên kênh Youtube của Hải Yến

Hải Yến cho biết: “Mình gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện đồ án này. Đầu tiên là khó khăn về nhân sự, từ ngày bùng phát dịch bệnh, mọi người về quê rất nhiều, sau đó là cách ly xã hội nên mình bị hụt khá nhiều nhân sự, đến khâu chụp và set đèn thì chỉ có một mình mình làm. Thứ hai là vật liệu, vì lệnh cách ly xã hội nên mình phải tính toán mua đồ rất gấp, các cửa hàng vật liệu đóng cửa hết nên mình bị thiếu rất nhiều thứ và phải tự chế bằng vật liệu khác để thay thế. Thứ ba là mình chưa có kinh nghiệm trong mảng stop motion và thiếu cả thiết bị do thuê rất đắt, nên mình phải chật vật nghiên cứu thật kỹ lưỡng, kiểm tra nhiều lần rồi mới dám chụp”.

Ngoài ra, nhiều đề tài lựa chọn artbook làm hình thức thể hiện đồ án tốt nghiệp. Trong đó, đồ án của sinh viên Bùi Quang Vinh lấy cảm hứng từ Truyền thuyết Tổ Nghiệp Sân khấu Việt Nam được đánh giá tích cực từ Hội đồng.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep hĐồ án “Triển lãm và ra mắt sách tranh minh họa AR Tổ” (8.90 điểm) của sinh viên Bùi Quang Vinh.

Thông điệp mà Quang Vinh muốn gửi gắm thông qua đề tài này là giới thiệu truyền thuyết về Tổ Nghiệp Sân khấu đến với nhiều người hơn, với mọi lứa tuổi, cho những ai đang đi trên con đường nghệ thuật sẽ hiểu hơn về tín ngưỡng thờ cúng Tổ Nghề, từ đó thêm trân quý, biết ơn và dành đam mê cho nghề nghiệp nghệ thuật mình đang theo đuổi; dành cho những ai không làm nghệ thuật sẽ được biết thêm một giai thoại dân gian góp phần làm phong phú kho tàng truyện dân gian Việt Nam.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep kSinh viên Lê Trung Hưng cũng lựa chọn artbook cho đồ án tốt nghiệp của mình với đề tài “Artbook cho game Liêu Chi”. Đồ án cũng nhận được đánh giá cao từ Hội đồng với 8.11 điểm.

Chia sẻ về quyết định lựa chọn đề tài này, Quang Vinh cho biết: “Thật ra thế mạnh của mình là làm phim. Ban đầu mình đăng ký đề tài làm phim viral, nhưng do kinh phí hạn hẹp và dịch bệnh bùng phát nên mình quyết thử thách bản thân với đề tài vẽ tranh minh họa. Một dịp tình cờ mình xem lại nghệ sĩ Huỳnh Lập diễn tiết mục chung kết Cười Xuyên Việt 2015, anh mang hình ảnh của các vị Thánh Tổ Nghệ thuật lên sân khấu, thế là mình tự đặt câu hỏi “Tổ là ai?”, “Tại sao mọi người trong giới nghệ thuật đều thờ cúng Tổ?”. Khi hỏi thì cũng không nhiều người biết được giai thoại này. Dấu hỏi ấy đã thôi thúc mình lao vào nghiên cứu câu chuyện và quyết định kể nó đến tất cả mọi người bằng hình thức vẽ sách tranh minh họa.

Vẽ minh họa là một hình thức thể hiện nghệ thuật phổ biến trên thế giới để người nghệ sĩ có thể dễ dàng kể câu chuyện của mình một cách sáng tạo và nghệ thuật, vẽ minh họa giúp ta không bị giới hạn nên trí tưởng tượng sẽ bay cao và xa hơn. Bên cạnh đó, cô Phan Bảo Châu - giảng viên hướng dẫn, đã gợi ý, định hướng mình áp dụng công nghệ thực tế tăng cường vào tranh vẽ để câu chuyện trở nên sống động hơn, gây hứng thú và tò mò cho người đọc và cũng phù hợp với chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác mà mình đang theo đuổi”.

vlu sv tk dh tttt bao ve do an tot nghiep l

Đánh giá chung về chất lượng đồ án tốt nghiệp của sinh viên Khóa 22 chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác, Th.S Nguyễn Đắc Thái, Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trưởng ngành Thiết kế Đồ họa cho biết: “So với các Khóa trước của chuyên ngành này, sinh viên Khóa 22 đào sâu hơn về nội dung của các mảng đề tài, mảng game, thiết kế 3D hoàn thiện hơn, nhưng về layout, về trình bày app thì có lẽ yếu hơn so với năm trước một chút. Chất lượng đồ án của sinh viên chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác năm nay khá đa dạng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các bạn cũng gặp nhiều khó khăn nhất định về mặt thời gian. Do đặc thù của chuyên ngành này là tương tác, nhưng khi cách ly xã hội thì không thể tương tác được, không quay được, không dựng được, sinh viên không có đối tượng khảo sát,… điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cuối cùng của các bạn. Nhưng tổng thể, có thể thấy sinh viên đã nỗ lực hết mình với kết quả tốt, xứng đáng."


Sinh viên Khóa 22 là Khóa sinh viên thứ 3 tốt nghiệp chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác thuộc ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Văn Lang. Năm 2014, chuyên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác được triển khai và đưa vào chương trình giảng dạy. Sinh viên được đào tạo sử dụng công cụ, phần mềm đồ họa để thiết kế web, thiết kế game, phim hoạt hình, TVC quảng cáo, kỹ thuật nhiếp ảnh, quay – dựng phim,…

 

Bài: Nam Vương
Ảnh: Linh Nguyễn, sinh viên


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag