TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Túi giấy sinh học và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối của sinh viên Công nghệ Sinh học Văn Lang đến tay người tiêu dùng

(P.TS&TT – Văn Lang, 1/2/2021)Hành trình sản xuất túi giấy sinh học và phân bón hữu cơ của Anh Bảo, Nhật Hạ, Lan Anh, Tuyết Ngân – sinh viên ngành Công nghệ Sinh học đã hái những quả ngọt ban đầu. Trong tương lai, dự án hướng đến mô hình sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm giấy chất lượng, gói thực phẩm chín phục vụ người tiêu dùng.

Tết này, các thành viên trong nhóm nghiên cứu gồm Huỳnh Anh Bảo (Khoá 23), Phạm Thị Nhật Hạ (Khoá 23), Nguyễn Ngọc Lan Anh (Khoá 23), Cao Nguyễn Tuyết Ngân (Khoá 22) ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Văn Lang có rất nhiều tin vui. Dự án nghiên cứu sản xuất túi giấy sinh học và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối thành công ngoài mong đợi. Tháng 11/2020, Dự án đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka 2020, các đơn vị báo đài liên tục liên hệ nhóm ghi hình, phỏng vấn.

Vị khách với “đơn hàng khủng” đầu tiên chính là Khoa Mỹ thuật và Thiết kế - Trường Đại học Văn Lang – đặt 10.000 giấy vẽ cho sinh viên. Một số doanh nghiệp khác cũng đã tìm đến đề nghị hợp tác tài trợ cho dự án.

Và từ đây, niềm vui lớn bắt đầu…

vlu tui giay lam tu than cay chuoi bNhững chiếc túi giấy từ thân cây chuối do Anh Bảo, Nhật Hạ, Lan Anh, Tuyết Ngân làm ra nay đã có nhiều đơn vị đặt hàng.

Từ trái tim say mê của người làm nghiên cứu

Nói phòng Lab Khoa Công nghệ là ngôi nhà thứ hai của nhóm quả không sai, khi các bạn dành phần lớn thời gian sau giờ học cùng thảo luận, nghiên cứu nồng độ các chất làm túi trong hơn 2 năm qua.

Cuối năm 2018, cả nhóm bắt tay thực hiện dự án nhờ lời khích lệ của TS. Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ sinh học. Cô Quyền cho biết: “Chuối là loài cây quen thuộc với làng quê Việt Nam. Nếu ta biết tận dụng, tất cả các bộ phận đều mang lại giá trị cho con người. Nhưng nông dân thường bỏ lại thân chuối tại vườn sau khi cắt buồng để tự phân hủy. Quá trình này là mầm mống khiến sâu bệnh dễ phát triển, gây rối loạn phương pháp canh tác, ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. Rất ý nghĩa khi các em đã nghiên cứu tìm ra phương pháp làm túi giấy và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối”

vlu tui giay lam tu than cay chuoi dTS. Vũ Thị Quyền và nhóm nghiên cứu dành phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm để sản xuất phân bón và túi giấy hữu cơ.

Những ngày đầu hăng say, các bạn đi khắp nơi xin thân chuối về thử nghiệm. “Có hôm bọn mình chạy xe máy xuống Vũng Tàu, vào vườn xin thân chuối của các hộ nông dân rồi về lại thành phố. Vì mê nên cứ làm”, Bảo chia sẻ.

Cứ thế, các thành viên cần mẫn cho ra đời chiếc túi giấy sinh học hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu chọn thân chuối, tách bẹ, đập giập, phơi khô, cắt nhỏ, ngâm với dung dịch tẩy, nấu sôi, xay nhuyễn, đổ vào khuôn đến công đoạn gia công, vẽ, xếp lại những chiếc túi đã thành hình.

Khi khởi động dự án, nhóm có gần 10 thành viên, về sau các bạn dần bỏ cuộc; còn lại 4 bạn vẫn đi theo đến cùng. “Bọn mình vẫn bảo ban nhau cố gắng làm ra sản phẩm tốt giúp ích cho mọi người. Mình sẽ rất tự hào với những gì mình làm ra. Đó chính là động lực để nhóm tiếp tục làm dự án”, Lan Anh chia sẻ.

vlu tui giay lam tu than cay chuoi fVới điều kiện nhiệt độ thích hợp, một góc phòng thí nghiệm là nơi nhóm phơi túi giấy.

Tự hào về những học trò trực tiếp hướng dẫn, TS. Vũ Thị Quyền chia sẻ: “Tôi đánh giá cao về tính chịu thương chịu khó của các em, đặc biệt là lòng đam mê nghiên cứu để đạt được kết quả”.

… đến dự án thương mại hóa cho cộng đồng

Với phần bẹ chuối bên ngoài, nhóm đã làm ra sản phẩm túi giấy hữu cơ có khả năng tự phân hủy với độ dai nhất định, giá thành dao động từ 6.000 – 21.000 đồng/túi. Ngoài ra, nhóm còn tận dụng phần thân trong làm phân bón hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức giá 2.500 đồng/túi.

vlu tui giay lam tu than cay chuoi e(Từ trái sang): Huỳnh Anh Bảo, Cao Nguyễn Tuyết Ngân, Phạm Thị Nhật Hạ, Nguyễn Ngọc Lan Anh nhận giải khuyến khích cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka 2020.

Tuy nhiên với những đơn hàng sản xuất số lượng lớn, vấn đề đặt ra cho cả nhóm là sử dụng máy móc thay thế các công đoạn sản xuất túi thủ công. “Muốn có giá cả phù hợp, phải tiến hành nâng cấp lên thiết bị, máy móc, không chỉ là thao tác sản xuất thủ công như hiện tại. Khi thực hiện nghiên cứu trong môi trường đại học, cô trò phải chấp nhận làm thủ công, sau đó mới tìm cách nâng cấp từng bước”, TS. Vũ Thị Quyền thông tin.

Đạt những thành công bước đầu, nhóm bắt đầu nhận được đề nghị tài trợ của các doanh nghiệp và đang trong quá trình cân nhắc. Theo quan điểm của nhóm, khi ứng dụng thiết bị máy móc vào cần lựa chọn phù hợp đề đảm bảo đặc tính của sản phẩm hữu cơ, không phải sản phẩm công nghiệp.

vlu tui giay lam tu than cay chuoiNhóm hy vọng công đoạn thái nhỏ, nghiền nát thân chuối thủ công sẽ sớm thay thế bằng máy móc trong tương lai.

Bạn Lan Anh chia sẻ: “Ngoài dự án sản xuất túi giấy hữu cơ bao bì, sắp tới nhóm sẽ nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm giấy trong mỹ thuật, giấy gói quà. Quan trọng nhất là giấy gói thực phẩm – loại giấy này không đơn giản như giấy khác vì phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của ngành thực phẩm”.

Sau kết quả ban đầu, nhóm vẫn còn rất nhiều dự án làm cùng cây chuối, bởi những giá trị dinh dưỡng mà cây chuối mang lại, giá trị về mặt nguyên liệu, chất xơ cho ngành chăn nuôi, kể cả ngành thủ công mỹ nghệ. Tất cả các sản phẩm làm ra từ thân cây chuối đều có thể phân hủy trong môi trường.

Những chân trời mới vẫn đang chờ các bạn tiếp tục khám phá, kết hợp học lý thuyết, ứng dụng vào thực tiễn và truyền cảm hứng về tinh thần bền bỉ, mang tình yêu vào ngành học đến những người bạn xung quanh.

Trên hành trình này, chính các bạn đã tìm thấy vẻ đẹp của khoa học như con đường của nữ bác học Marie Curie: “Nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm không chỉ là nhà kỹ thuật: Anh ta cũng là một đứa trẻ đặt mình trước những hiện tượng tự nhiên gây ấn tượng cho anh ta như một câu chuyện cổ tích”.

Hồng Ngân
Ảnh: Minh Phương


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag