TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Kỹ năng sử dụng tài liệu cho sinh viên khi tự học tích cực theo mô hình lớp học đảo ngược

(VLU, 04/8/2021) - Dạy học theo mô hình “lớp học đảo ngược” (Flipped classroom hay Flipped learning/ FL) là phương pháp tổ chức dạy học kết hợp (Blended learning/ B-learning), ngày càng phổ biến trong dạy học trực tuyến. Muốn học tập hiệu quả, sinh viên cần được trang bị kỹ năng tự học, nghĩa là tự mình tìm tòi, nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức.

Muốn tự học hiệu quả cần trau dồi nhiều yếu tố, trong đó, kỹ năng sử dụng tài liệu được coi là chìa khóa then chốt. Biết cách sử dụng, chìa khóa sẽ mở ra kho tàng kiến thức vô tận, nâng cao chất lượng học tập và thúc đẩy năng lực tự hoàn thiện bản thân của sinh viên.

vlu ky nang su dung tai lieu cho snh vien a

PHÂN LOẠI CÁC DẠNG TÀI LIỆU

Xét về tính chất và chức năng, tài liệu học tập đ­ược chia thành nhiều loại. 

  1. Giáo trình: Là những tài liệu học tập quan trọng của môn học, mang tính chính thống, kết tinh tri thức đã qua kiểm chứng, độ chính xác cao. Tuy nhiên khoa học vận động không ngừng, để cập nhật kiến thức thời sự, cần sử dụng thêm tài liệu tham khảo.
  2. Tài liệu tham khảo: Là những tài liệu được giáo viên cung cấp, hướng dẫn tìm kiếm nhằm mở rộng, cập nhật, bổ sung kiến thức.
  3. Tài liệu bổ trợ học tập: sổ tay, đề cương bài giảng, ngân hàng câu hỏi, từ điển, bảng tra cứu,… phục vụ cho quá trình học và thi cử thuận lợi hơn.
  4. Sách, báo, tạp chí chuyên ngành: Là những tài liệu khoa học dùng để tham khảo hay nghiên cứu chuyên sâu. Nguồn tìm kiếm trong nước và quốc tế từ các nhà xuất bản, thư viện quốc gia, thư viện đại học,…
  5. Sách, báo, tạp chí, website thường thức: cung cấp kiến thức tổng quát, toàn diện về đời sống, giúp sinh viên mở rộng tầm hiểu biết, liên hệ kiến thức được học với dòng chảy cuộc sống thực tế. Tuy nhiên cần tham khảo các địa chỉ, website đáng tin cậy.

Ngày nay, nguồn thông tin mà chúng ta không thể thiếu được là các cơ sở dữ liệu trên mạng internet. Tài liệu điện tử này có nhiều dạng, như:

- Sách điện tử (E-books)

- Báo điện tử (E-journals)

- Cơ sở dữ liệu điện tử (Electronic Databases)

- Tài liệu tham khảo điện tử (Electronic Reference)

- Các chương trình học qua mạng điện tử (E-learning programmes)

- Các luận văn điện tử (Electronic Theses)

- Các vật liệu nghe nhìn hay video theo yêu cầu (Video-on-Demand and Audio Visual Materials)

SỬ DỤNG CÔNG CỤ TÌM KIẾM TÀI LIỆU

Việc sử dụng các công cụ tìm kiếm trở thành kỹ năng cần được thực hành thuần thục. Hiện nay thường sử dụng phổ biến với mục đích học tập là:

- Google: công cụ này được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Google có nhiều tính năng tìm kiếm nâng cao khác nhau, giúp giới hạn phạm vi tìm kiếm. Kết hợp tính năng “Google translate” giúp người học tìm tài liệu ở nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau. Tài liệu có thể là tin tức, hình ảnh, video…, rất đa dạng, phong phú.

- Google Scholar: giúp tìm kiếm các thông tin thuần túy khoa học và học thuật (sách, tạp chí, luận văn, luận án, bài giảng…) Công cụ này lấy nguồn từ các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nhà xuất bản khoa học, các chuyên gia.

Công cụ tìm kiếm cho phép kết hợp các tính năng nâng cao: AND (và), OR (hoặc), NOT (không):

- AND: Kết quả phải có chứa tất cả các từ cần tìm.

- OR: Kết quả có chứa một hoặc nhiều trong số các từ đi kèm.

- NOT: Bỏ những từ không cần thiết.

Đối với tài liệu hoa học, hai định dạng được sử dụng ngày càng nhiều là: “.PDF” (Portable Document File) và “.PPT” (Microsoft PowerPoint). Dùng chức năng tìm hạn chế trong hai loại định dạng này có khả năng lọc thông tin cao vì mức độ dùng phổ biến trong mục tiêu khoa học và giáo dục.

KỸ NĂNG ĐỌC TÀI LIỆU HIỆU QUẢ

Khác với việc đọc giải trí, đọc tài liệu học tập cần phải tập trung, có tư duy phân tích và thái độ nghiêm túc. Phương pháp SQ3R được tác giả người Mỹ Francis Pleasant Robinson nêu ra trong cuốn sách “Học tập hiệu quả” (Effective Study) năm 1946 và đến nay đã trở thành phương pháp rèn luyện kỹ năng rất nổi tiếng trên thế giới.

SQ3R (SQRRR) viết tắt bởi Survey, Question, Read, Recite và Review, chỉ 5 bước đọc hiệu quả, gồm: Quan sát, Hỏi, Đọc, Trả bài và Xem lại.

  1. Xác định mục đích khi đọc: Đọc để làm gì? Tìm kiếm gì trong tài liệu này? Việc này sẽ giúp sinh viên tránh khỏi lan man, tốn thời gian. Muốn vậy, cần chú ý nguyên tắc sử dụng từ khóa, đọc tổng quát tài liệu, nếu đúng thứ cần tìm thì đọc chi tiết nội dung.
  2. Luyện tập phương pháp đọc: phương pháp đọc khoa học giúp nâng cao hiệu quả khi sử dụng tài liệu. Nhiều tác giả thống nhất phân chia ra các phương pháp sau:
    • Đọc lướt: tìm tiêu đề, tác giả, mục lục, tên các chương, phần đề mục chính mỗi chương, mục tiêu và phần tổng kết của tài liệu. Với cách này, bạn có thể đọc lướt toàn bộ tài liệu nhưng không đào sâu, tìm hiểu khái quát nội dung toàn bộ tài liệu.
    • Đọc nhanh: giúp bạn có khái niệm cơ bản về tài liệu, sau đó tập trung được sự chú ý vào những đoạn cần thiết, tìm được mối liên hệ logic giữa các đoạn. Thông thường có hai cách trình bày nội dung trong một đoạn: diễn giải (câu chủ đề thường nằm đầu tiên) và quy nạp (câu chủ đề nằm cuối cùng). Đọc câu chủ đề giúp bạn có thể bao quát tài liệu tốt hơn, kết hợp với ghi chú, tô màu để có được ấn tượng với những điều đã đọc.
    • Đọc kỹ: đọc một lần hay nhiều lần tuỳ thuộc vào mục đích cá nhân. Đọc lần đầu kết hợp ghi chép, đánh dấu, tô màu nội dung quan trọng giúp bạn nâng cao tốc độ đọc trong các lần tiếp theo. Với mục đích nghiên cứu để nắm vững toàn bộ nội dung hoặc cần thuộc lòng thì phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc có nghiền ngẫm, tư duy suy nghĩ.
  3. Vận dụng các kỹ năng khi đọc: thường xuyên sử dụng các kỹ năng như phân tích, tổng hợp, khái quát hoá, so sánh… bằng cách đặt câu hỏi: tại sao? như thế nào? Trên cơ sở đó, rút ra kết luận, nhận xét, đánh giá vấn đề cần đọc.

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG TÀI LIỆU HỌC TẬP

- Cần chuẩn bị tinh thần thoải mái, sảng khoái trước khi đọc, xem tài liệu. Não bộ khi hưng phấn sẽ có hiệu suất hấp thu, ghi nhớ thông tin cao nhất; đồng thời bạn sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng, sáng tạo không ngờ. Không nên học khi buồn ngủ.

- Tạo cho mình một không gian học tập yêu thích, tạo cảm hứng cho các môn học vận dụng não phải, cần cảm hứng sáng tạo. 

- Nên đọc sách và tài liệu tham khảo ngay sau bài học trên lớp, kết hợp cả tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh. Vừa đọc, vừa ghi chép, đánh dấu. Có thể tăng tốc độ phát lên 1.25-1.5 lần để xem nhanh chóng các video bài giảng.

Khi dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến quá trình học tập trực tiếp, mỗi sinh viên cần đề ra mục tiêu học tập của riêng mình và nỗ lực để thực hiện trong mọi hoàn cảnh.

BS. Phan Thành Công
Khoa Y Trường Đại học Văn Lang


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag