TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Nhà toán học dành tiền thưởng hỗ trợ học sinh nghèo

Là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, từng đặt chân đến khoảng 30 quốc gia trên thế giới để dự hội nghị, hội thảo và giảng bài nhưng GS, TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Toán học, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, là người sống rất giản dị. Ông đã dành toàn bộ tiền giải thưởng của mình để giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó học giỏi ở quê nhà Điện Bàn, Quảng Nam.

Năm 2010, sau khi vinh dự nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt (100 triệu đồng), GS, TSKH Ngô Việt Trung đã vận động hai người khác trong gia đình cùng "hùn vốn" làm quỹ khuyến học (240 triệu đồng) hướng về quê nhà Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. GS Trung cho biết: Đến đầu năm 2017, số tiền ấy đã hỗ trợ sáu sinh viên nghèo vượt khó (40 triệu đồng/em) ở xã Điện Quang quê ông, một vùng quê bên bờ sông Thu Bồn giàu truyền thống cách mạng nhưng đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

giai thuong cao quy cho nhom nghien cuu manh ve toan hocGS, TSKH Ngô Việt Trung (người bên phải) với các cộng sự. Ảnh: TRUNG HIỀN

Trong căn phòng có phần chật hẹp, GS, TSKH Ngô Việt Trung rót mời tôi ly chè xanh do vợ ông vừa hãm lúc sáng sớm, giọng nhỏ nhẹ trao đổi với tôi nhiều chuyện. Từ vấn đề có tính thời sự như thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia mới đây, vấn đề xã hội hóa viết sách giáo khoa theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, khó khăn của việc dạy dỗ con cháu ở mỗi gia đình hôm nay, đến hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thời kỳ hội nhập… Ở vấn đề nào, ông cũng phản biện mặt trái của nó, chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người và xã hội. Rồi câu chuyện lại quay về với công việc nghiên cứu toán học mà GS Ngô Việt Trung gắn bó suốt gần 40 năm qua.

Sau khi bảo vệ thành công luận án TSKH ở nước ngoài, Ngô Việt Trung trở về gắn bó với Viện Toán học. Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, trong điều kiện nền kinh tế - xã hội nước ta hết sức khó khăn, cơ sở vật chất Viện Toán học còn nghèo nàn, nhưng TSKH Ngô Việt Trung đã mạnh dạn đề xuất và chủ trì hướng nghiên cứu có tính thời sự bấy giờ, đó là: "Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc". Vượt lên hoàn cảnh sức khỏe (một chân bị tàn tật ngay từ tuổi ấu thơ sau một trận sốt nặng), kiên trì và quy tụ được một nhóm nghiên cứu mạnh, trong khoảng 30 năm, ông đã cùng các cộng sự công bố hơn 170 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín; riêng GS, TSKH Ngô Việt Trung có hơn 80 công trình đăng trên các tạp chí đạt chuẩn ISI, một con số trở thành niềm mơ ước của nhiều nhà nghiên cứu toán học chuyên nghiệp trong nước.

Theo đánh giá của GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Toán học, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Đông - Nam Á, cụm công trình của GS Ngô Việt Trung và nhóm nghiên cứu đã mở ra một số hướng nghiên cứu quan trọng trong đại số giao hoán như lý thuyết vành Cohen - Macaulay suy rộng và dáng tiệm cận của các bất biến; xây dựng một số khái niệm và phương pháp nghiên cứu mới thúc đẩy ngành đại số giao hoán phát triển…

Các kết quả trong cụm công trình đã được các nhà toán học thế giới thừa nhận, quan tâm nghiên cứu, đồng thời phát triển thành một lý thuyết của toán học hiện đại, đó là lý thuyết vành Cohen-Macaulay suy rộng. Cũng từ đây, lý thuyết này có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà toán học trong việc nghiên cứu về cấu trúc vành và mô- đun trên vành giao hoán; mặt khác ngày càng tìm được nhiều ứng dụng trong các chuyên ngành khác của toán học ngày nay. Chẳng thế mà không ít chuyên gia nước ngoài đã gọi Việt Nam là “một trong những trung tâm đại số giao hoán của khu vực và quốc tế”, và GS Ngô Việt Trung được mệnh danh là nhà đại số giao hoán hàng đầu thế giới.

Quá trình triển khai thực hiện đề tài, GS Ngô Việt Trung và nhóm cộng sự đã đào tạo được 22 tiến sĩ, trong số này có chín người được phong giáo sư và phó giáo sư. Đáng chú ý là gần 20 năm trở lại đây, đã có khoảng 600 nhà khoa học quốc tế trích dẫn gần 1.800 lần từ các công trình nghiên cứu của GS Ngô Việt Trung và nhóm tác giả. Chính từ uy tín trong học thuật, ông đã được bầu làm chủ tọa của hàng chục hội nghị, hội thảo quốc tế về toán học. Khá nhiều trường đại học, viện nghiên cứu thuộc các nước Đức, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, I-ta-li-a mời ông sang tọa đàm và thỉnh giảng.

Vốn ít nói về bản thân nhưng từ những hiệu ứng này, mà năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hoàn chỉnh hồ sơ và đề nghị Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình "Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc" do GS, TSKH Ngô Việt Trung chủ trì thực hiện. Hơn 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế ở 19 hội đồng thẩm định khác nhau đã bỏ phiếu cho cụm công trình này và nhóm tác giả xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ vào đầu năm 2017.

Do quen biết đã lâu, tôi hiểu khá rõ về con người và bước đường khoa học của GS Ngô Việt Trung. Năm học 1969 - 1970, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Ngô Việt Trung giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán cấp 3 miền bắc. Năm 1983 (khi mới 30 tuổi), ông được phong phó giáo sư và năm 38 tuổi Ngô Việt Trung được phong hàm giáo sư, trở thành một trong những giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ. Từng đặt chân đến nhiều quốc gia khắp các châu lục nhưng ông sống giản dị, thích uống nước nụ vối hoặc chè xanh. Luôn đề cao tính nghiêm túc, ghét sự dễ dãi và giả dối trong khoa học, nhà toán học nổi tiếng Ngô Việt Trung cũng là người sống gương mẫu, bao dung, nhân hậu.

Đã nghỉ các công tác quản lý ba năm nay, sức khỏe có phần hạn chế nhưng với phương châm còn sống là còn làm việc, người đảng viên lâu năm - GS, TSKH Ngô Việt Trung vẫn không ngừng lao động, sáng tạo với công việc nghiên cứu toán học. Với ông, niềm vui bây giờ là phấn đấu mỗi năm có khoảng ba công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín…

NGUYỄN KHÔI (THEO NHÂN DÂN)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag