TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo Tham vấn các bên liên quan của Dự án ENTIRE hợp tác giữa ĐH Wageningen và Văn Lang

 (P. Tuyển sinhVăn Lang, 2/1/2019) – Ngày 13 – 14/12/2018, Hội thảo Tham vấn ý kiến các bên liên quan của Dự án Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam bằng cách tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước – ENTIRE” được tổ chức tại Khách sạn Liberty Central Saigon Riverside (17 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM). Mục tiêu của Hội thảo nhằm báo cáo tiến độ thực hiện, các kết quả nghiên cứu chính và kế hoạch thực hiện tiếp theo của dự án ENTIRE.

Dự án ENTIRE nghiên cứu điển hình tại khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, Long Hậu, và khu chế xuất (KCX) Tân Thuận; đã được Trường Đại học Wageningen (Hà Lan) và Trường Đại học Văn Lang phối hợp thực hiện từ năm 2016 dưới sự tài trợ của Tổ chức Netherlands Organization for Scientific Research – NWO (Hà Lan).

Hội thảo Tham vấn được tổ chức nhằm báo cáo tiến độ Dự án với đơn vị tài trợ, các bên liên quan, ghi nhận phản hồi về kết quả thực hiện cho đến thời điểm hiện tại và chia sẻ những lợi ích mong muốn nhận được từ Dự án của các bên liên quan.

vlu entire 001Đoàn đại biểu tham dự Hội thảo các bên liên quan của Dự án ENTIRE gồm: đại diện Tổ chức NOW; các chuyên gia của Dự án; Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; Ban quản lý các KCX và KCN tại Tp.HCM – HEPZA; Văn phòng Biến đổi khí hậu, HCCB-DONRE, Quỹ Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM; Công ty Đầu tư Hạ tầng KCN/KCX, Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN/KCX; các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường của các trung tâm nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tại Tp.HCM.

Dự án “Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam bằng cách tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước” do Khoa Công nghệ Môi trường, Khoa Chính sách Môi trường thuộc Đại học Wageningen (WUR, Hà Lan) và Khoa Môi trường và Công nghệ Sinh học thuộc Trường Đại học Văn Lang (VLU) đồng chủ trì và được thực hiện bởi 3 nghiên cứu sinh thuộc Dự án: NCS. Lê Minh Trường, NCS. Trần Thu Trang (VLU) và NCS. Firoozyar Farzaneh (WUR). Kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh đóng góp cho Dự án ENTIRE về việc sử dụng bền vững nguồn nước ngọt tại KCN thông qua 3 nhóm công việc.

vlu entire 002

Dự án ENTIRE đã hoàn tất các mục tiêu của giai đoạn 1: khảo sát và thu thập số liệu để đề xuất các giải pháp kỹ thuật, xác định năng lực thể chế hiện hữu để hỗ trợ các khu công nghiệp thực hiện các giải pháp kỹ thuật, và các tiêu chí để xây dựng mô hình hỗ trợ ra quyết định.

3 nghiên cứu sinh hiện đang hoàn tất các mục tiêu còn lại của giai đoạn 2: phân tích định lượng dựa trên các điều kiện hiện hữu của khu công nghiệp/khu chế xuất; xác định các nhân tố hỗ trợ và rào cản trong chính sách để các khu công nghiệp thực hiện giải pháp kỹ thuật; phát triển mô hình hỗ trợ ra quyết định.

vlu entire 003PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang và GS. Huub Rijnaarts – ĐH Wageningen đại diện các chuyên gia của Dự án ENTIRE phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mục tiêu của Dự án ENTIRE nhằm xác định các giải pháp kỹ thuật và quản lý để cụ thể hóa IHA khi áp dụng vào thực tế các KCN của Việt Nam. Đề tài được các cơ quan quản lý nhà nước (DONRE, HEPZA) và các bên liên quan của Dự án (KCN Hiệp Phước, Long Hậu, KCX Tân Thuận) đánh giá cao và cấp thiết do các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai gần như xâm nhập mặn, khan hiếm (water stress) và thiết hụt (water shortage) nguồn nước ngọt dẫn đến khả năng cạnh tranh nhu cầu sử dụng nước giữa đô thị, công nghiệp, và nông nghiệp, v.v…

Các nghiên cứu gần đây của Khoa Công nghệ Môi trường ETE-WUR đã cụ thể hóa khái niệm Cộng sinh Công nghiệp (Industrial Symbiosis) và phát triển thành mô hình Thu hoạch nước đô thị (Urban Harvest Approach – UHA).

Kết quả nghiên cứu trên lý thuyết của các nghiên cứu sinh thuộc ETE-WUR đã cho thấy: việc áp dụng 3 chiến lược của UHA có thể giúp các khu đô thị trở nên tự chủ (self-sufficiency) trong sử dụng nguồn nước. Khi áp dụng mô hình UHA cụ thể vào trường hợp của khu công nghiệp/ khu chế xuất, mô hình UHA được biến đổi thành IHA (Industrial Harvest Approach) - Thu hoạch nước công nghiệp. Các chiến lược để tối ưu hóa sử dụng nước trong công nghiệp/đô thị được đề xuất gồm:

  1. Giảm thiểu nhu cầu sử dụng nước bằng cách thay đổi công nghệ sản xuất (trong công nghiệp)/ thiết bị (trong đô thị);
  2. Tối đa hóa sử dụng nước tái sinh bằng cách tằng cường trao đổi nguồn nước giữa các ngành nghề (trong công nghiệp)/mục đích sử dụng (trong đô thị) hoặc tái sử dụng nước thải sau xử lý;
  3. Đa dạng hóa nguồn nước cấp bằng các nguồn nước thay thế như nước mưa, nước lợ, nước mặn.

vlu entire 004NCS. Firoozyar Farzaneh (WUR) trình bày các kết quả chính của gói công việc số 3 trong Dự án ENTIRE.

Tham dự Hội thảo. đại diện của công ty đầu tư hạ tầng KCN/ KCX đều cho thấy thu hồi nước mưa có thể được xem là giải pháp tiềm năng để thực hiện đa dạng hóa nguồn nước. Các câu hỏi ban đầu khi hình thành Dự án ENTIRE như: thể tích hồ chứa nước mưa, vị trí lưu chứa nước mưa sau thu hoạch, nhu cầu tiền xử lý nước mưa, phương pháp duy trì chất lượng nước mưa trong thời gian lưu chứa… đã phần nào được giải đáp từ các kết quả nghiên cứu ở giai đoạn 1 và nửa đầu giai đoạn 2.

Các bên liên quan cũng chia sẻ nhiều quan điểm để lưu trữ nguồn nước mưa, các ý tưởng để bổ cập nguồn nước ngầm. Những ý kiến quý báu này đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới giúp nghiên cứu sinh hiện thực hóa mô hình IHA tại KCN. Đó là các yêu cầu tiếp theo mà nhóm giải pháp công nghệ cần phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu hiện hữu tại KCN.

Ông Hà Minh Châu - Phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu (DONRE): các kết quả thu được từ dự án ENTIRE không chỉ có thể áp dụng trong phạm vi KCN/ KCX mà cần được mở rộng để ứng dụng cho các khu đô thị, hoặc trong nông nghiệp của Việt Nam.

Ông Giang Ngọc Phương - Phó Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước: đề xuất phương án lưu chứa nước mưa sau thu hoạch trong hệ thống thoát nước mưa hiện hữu của KCN/ KCX nhưng cần đảm bảo chế độ thủy lực để không gây ngập lụt cục bộ trong KCN.

Bà Lưu Thị Hiền - Công ty CP Long Hậu: đề xuất lưu chứa nước mưa trong các rạch “cùng” xung quanh KCN nhưng cần đảm bảo chất lượng nước lưu trữ và phải đáp ứng vấn đề pháp lý khi sử dụng các rạch “cùng” này.

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Công ty CP Tân Thuận: đề xuất mô hình lưu chứa nước phân tán – lưu trữ nước mưa tại các hồ chứa nước chữa cháy của công ty nhưng phải đảm bảo vấn đề pháp lý khi sử dụng hồ chữa cháy.

TS. Trịnh Thị Long - Điều phối chương trình nước (WWF): đề xuất mô hình thu hồi và lưu chứa nước mưa ở các quy mô khác nhau.

vlu entire 005Các chuyên gia thảo luận bàn tròn thu thập ý kiến các bên liên quan.

Tuy nhiên, một thực tế có thể nhìn nhận rõ hơn xuyên suốt từ khi hình thành ý tưởng ENTIRE cho đến Hội thảo hiện tại chính là các đổi mới về chính sách chính là điều kiện cần và đủ để thực thi các cải tiến kỹ thuật khi áp dụng mô hình IHA tại KCN của Việt Nam. Phần lớn các chuyên gia cho rằng bất cứ một giải pháp kỹ thuật nào đều cần dựa trên các đánh giá về nhu cầu sử dụng nước tại thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Nhiều ý tưởng hay về các công cụ chính sách tiềm năng nhằm hỗ trợ việc hướng tới sử dụng nước hiệu quả hơn tại các KCN đã được đưa ra thảo luận. Qua đó, một lần nữa, các sản phẩm về đổi mới hệ thống thể chế lại được chính các doanh nghiệp, KCN, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức môi trường khẳng định rằng sẽ rất hữu ích. Đây sẽ là tiền đề mở ra con đường phát triển bền vững cho các KCN được nghiên cứu nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung.

vlu entire 006

Dự án “Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam bằng cách tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước đã được NWO chính thức phê duyệt thực hiện trong 4 năm và sẽ hoàn thành vào tháng 3/2021. Kết quả nghiên cứu sẽ mở ra cơ hội để các KCN/KCX của Việt Nam giải quyết vấn đề tài chính trong việc sử dụng nguồn nước.

Mô hình nghiên cứu khoa học “tri-angle”: nghiên cứu sinh – học viên – sinh viên

vlu entire 007Dự án ENTIRE cũng chính là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của tập thể sinh viên/học viên của FEB-VLU. Sinh viên/ học viên thuộc chuyên ngành Công nghệ Môi trường có thể phối hợp cùng với nghiên cứu sinh thuộc nhóm công việc 1 để đề xuất, vận hành các mô hình nghiên cứu tái sử dụng nước thải ở KCN/ KCX ở quy mô pilot.

(Ảnh: NCS. Lê Minh Trường trình bày các kết quả chính của nhóm công việc 1).

 

 

vlu entire 008Sinh viên/ học viên thuộc chuyên ngành Quản lý Môi trường có thể thể phối hợp cùng với nghiên cứu sinh thuộc nhóm công việc 2 để xác định, đề xuất các đổi mới về chính sách khi các cải tiến kỹ thuật được triển khai trong thực tế của khu công nghiệp. Ý tưởng/định hướng nghiên cứu của nghiên cứu sinh sẽ được triển khai bởi các học viên cao học, và việc thực hiện các ý tưởng này sẽ là các bạn sinh viên của FEB-VLU.

(Ảnh: NCS. Trần Thu Trang trình bày các kết quả chính của nhóm công việc 2).

 

 

Mô hình “tri-angle” vừa mang lại hiệu quả về tiến độ và khối lượng công việc cho nghiên cứu sinh, vừa giúp học viên cao học kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tế, vừa giúp sinh viên tiếp cận, thực hiện được các hoạt động thực tế và so sánh với các kiến thức lý thuyết đã được học.

Sinh viên đại học sẽ sử dụng chính các kết quả học tập, nghiên cứu, và làm việc (với học viên và nghiên cứu sinh) để hoàn thành Khóa luận tốt nghiệp của mình, và sản phẩm đạt được của sinh viên (Khóa luận tốt nghiệp) sẽ đóng góp vào thành công của Luận văn tốt nghiệp của các học viên cao học. “Tích tiểu thành đại”, các kết quả đạt được từ hoạt động kết hợp giữa nghiên cứu sinh – học viên – sinh viên sẽ trở thành Luận án tiến sĩ của các nghiên cứu sinh và cũng chính là kết quả thực tiễn của Dự án ENTIRE.

“Có đi rồi sẽ đến đích”! Các bạn sinh viên qua một thời gian tôi luyện nhất định rồi sẽ quen dần với việc thực hiện nghiên cứu khoa học – một bước khởi đầu để trở thành một người nghiên cứu độc lập (independent research) khi thực hiện luận văn thạc sĩ trong tương lai. Nghiên cứu sinh từ một người nghiên cứu độc lập sau khi hoàn tất luận án tiến sẽ sẽ trở thành một nhà khoa học thực thụ với những đóng góp chuyên sâu vào lĩnh vực Công nghệ và Quản lý Môi trường.

Bài: Lê Minh Trường - Thu Trang
Ảnh: Nguyễn Linh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag