TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Tọa đàm khoa học: Kinh nghiệm công bố bài báo khoa học và tham gia dự án quốc tế

 (P. Tuyển sinhVăn Lang, 17/1/2019) Sáng 05/01/2019, Trường Đại học Văn Lang tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề “Kinh nghiệm công bố bài báo khoa học và tham gia dự án quốc tế”. Diễn giả là PGS. TS. Nguyễn Xuân Hùng – là người Việt Nam duy nhất lọt top 1% các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018.

Công bố quốc tế vừa có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân nhà khoa học, vừa là một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng trường đại học. Bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế sẽ khẳng định chất lượng công trình nghiên cứu, thước đo năng lực nghiên cứu, khả năng hội nhập của nhà khoa học. Số bài báo đã đăng, số lần trích dẫn của bài báo là một trong những tiêu chí để đánh giá và xếp hạng đại học.

Ở Trường Đại học Văn Lang, song song với nhiều hoạt động để đảm bảo chất lượng đào tạo, hoạt động công bố bài báo quốc tế đã được quan tâm, đầu tư. Nhà trường đưa ra các chính sách khen thưởng và hỗ trợ trực tiếp tác giả có bài viết công bố quốc tế; tổ chức toạ đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế; hỗ trợ giảng viên tham gia các khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu tiên tiến và trang bị kỹ năng cho công bố nghiên cứu khoa học trên tạp chí, hội thảo quốc tế. Trong khoảng 5 năm (2013-2018), toàn Trường có 55 bài báo khoa học công bố quốc tế, riêng năm 2018 có 15 bài.

Khởi động năm mới 2019, Trường Đại học Văn Lang mời PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng – tác giả của 150 công bố quốc tế trên ISI, với hơn 4400 trích dẫn và chỉ số H=41 theo Web of Science, hơn 6.000 trích dẫn và chỉ số H=48 theo Google Scholar, tham gia nhiều dự án quốc tế. Đây là cơ hội để giảng viên Văn Lang tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm và được truyền cảm hứng để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học. Buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, một nhà giáo say mê nghiên cứu và có nhiều đóng góp cho khoa học; TS. Ngô Minh Hùng – Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu khoa học, các giảng viên, chuyên viên các đơn vị, học viên cao học các ngành của Trường.

Xem thêm CV của PGS. TS. Nguyễn Xuân Hùng tại đây

vlu pgs ts nguyen xuan hung 001PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu rất cảm kích vì PGS. TS. Nguyễn Xuân Hùng
đã dành cả buổi sáng 05/1/2019 để chia sẻ với giảng viên Trường Đại học Văn Lang.

Ngắn gọn, súc tích và đầy ắp thông tin, cuộc trò chuyện mở đầu của PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng với các giảng viên Văn Lang về Xu hướng công nghệ 4.0 trong việc giải quyết bài toán kỹ thuật đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích. PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng trình bày 5 vấn đề: các xu hướng trong xã hội hiện đại, các xu hướng trong công nghệ 4.0, các xu hướng trong trí tuệ nhân tạo, các xu hướng trong trải nghiệm ảo, các xu hướng nghiên cứu trong kỹ thuật. Lồng ghép vào câu chuyện công nghệ, ông giới thiệu một số dự án/ công trình nghiên cứu của mình đã được các quỹ đầu tư quốc tế tài trợ. Sau mỗi dự án/ công trình, ông đều rút ra những kinh nghiệm quý và chia sẻ với các “đồng nghiệp” Văn Lang, như: kinh nghiệm tham gia các dự án quốc tế đạt hiệu quả, xin dự án, xin học bổng, kêu gọi tài trợ, lấy kinh phí…

vlu pgs ts nguyen xuan hung 002 PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ kinh nghiệm
công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế tại Tọa đàm.

 Trong phần 2 của Toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng trình bày sâu hơn về công bố khoa học quốc tế với các nội dung: Sự cần thiết và bối cảnh công bố khoa học; các hệ thống cơ sở khoa học dữ liệu; cách phân loại chất lượng theo tạp chí; các lĩnh vực có thể đăng bài; phương pháp tiếp cận công bố khoa học. Thời gian còn lại, ông tập trung trao đổi, giải đáp thắc mắc của các giảng viên, chia sẻ của kinh nghiệm nâng cao công bố khoa học cho mỗi cá nhân, gợi ý các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển công bố khoa học quốc tế đối với lãnh đạo Trường.  

Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ “bí kíp” tiếp cận khả thi để công bố khoa học, và nhấn mạnh: nghiên cứu khoa học không thể làm một mình, để thành công, cần có sự hỗ trợ nghiên cứu và hợp tác. Ông chia ra hai đối tượng nghiên cứu viên: nghiên cứu viên chưa có bằng tiến sĩ và nghiên cứu viên đã có bằng tiến sĩ, với mỗi đối tượng cần có một “chiến lược” riêng. “Nghiên cứu viên chưa có bằng tiến sĩ thì sự hỗ trợ của thầy hướng dẫn là một yếu tố quan trọng, sau đó là các yếu tố: nghiên cứu và làm việc nhóm, khả năng tìm kiếm tài liệu và phát triển ý tưởng; tuân thủ nghiêm ngặt lịch làm việc. Đối với nghiên cứu viên đã có bằng tiến sĩ, hãy công khai CV, hướng nghiên cứu để tăng khả năng liên kết hợp tác, tìm ý tưởng mới: phản biện, cập nhật hướng nghiên cứu từ các bài báo mới đăng trên các tạp chí lớn uy tín; tham gia báo cáo và lắng nghe các báo cáo tại hội nghị quốc tế”.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ với các giảng viên trẻ về những băn khoăn lo lắng khi bước vào con đường nghiên cứu khoa học, và nhấn mạnh: làm khoa học, sai sót là điều khó tránh khỏi vì thế đừng nản lòng, hãy kiên trì học tập sự sáng tạo. Ông gợi ý những giải pháp, hướng dẫn cụ thể để tăng khả năng một bài báo được chấp nhận đăng trên các tạp chí ISI/SCOPUS, từ việc chọn chủ đề nghiên cứu, đánh giá kết quả nghiên cứu, trình bày bài báo khoa học đến việc giải trình các ý kiến phản biện bài báo, và chia sẻ “công thức” tìm ý tưởng mới - một trong những tiêu chí để có thể đăng báo.

vlu pgs ts nguyen xuan hung 003“Nghiên cứu khoa học đến với chúng ta như một cơn gió thoảng, nhưng nó sẽ thổi liên tục vào chúng ta. Nghiên cứu khoa học không phải là vấn đề gì đó vượt ra ngoài ngưỡng khả năng. Vấn đề ở chỗ là chúng ta có những con đường đi đến mục tiêu. Hy vọng rằng, thông qua câu chuyện cá nhân tôi và những chia sẻ sau buổi nói chuyện hôm nay, các thầy cô nhìn rõ hơn con đường đó và biết cách đi đến mục tiêu”.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng cho rằng công bố quốc tế nào cũng khó, nhưng đây là con đường tất yếu để các nhà khoa học Việt Nam vươn lên hội nhập với khoa học thế giới; một giảng viên đại học không thể tách rời việc nghiên cứu khoa học với giảng dạy. Để khuyến khích các đồng nghiệp có động lực nghiên cứu khoa học, ông khẳng định “có thể sống tốt bằng khoa học”. Hơn nữa, niềm vui khi bài báo được đăng, được công nhận về năng lực là niềm vui vô giá của người giảng viên – những người làm công tác “trồng người”.

Gói gọn trong một buổi sáng, Tọa đàm của PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng ít nhiều đã  giúp các giảng viên, học viên hình dung rõ hơn con đường để công bố một bài báo khoa học quốc tế, những chướng ngại vật sẽ gặp phải và cách để vượt qua. Xin cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Xuân Hùng, câu chuyện về con đường đến với khoa học của ông đã truyền cảm hứng để các giảng viên Văn Lang có thêm nghị lực để bắt đầu, và những “bí kíp” tích lũy được qua hơn 10 năm nghiên cứu khoa học sẽ giúp các đồng nghiệp Văn Lang đi xa hơn trên con đường của một nhà khoa học.

Nguyễn Liên


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag