TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh đại diện Văn Lang tham dự Hội nghị Nữ Khoa học & Công nghệ

(P.TS&TT – Văn Lang, 03/11/2019) - Sáng ngày 02/11/2019, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Khoa Môi trường & Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang tham dự Hội nghị Nữ khoa học và công nghệ lần thứ nhất tại khu vực phía Nam, do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức.

vlu hoi thao sinh hoc 1Tiếp nối Hội nghị Nữ trí thức với khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững vừa được tổ chức tại Hà Nội, Hội nghị Nữ khoa học & Công nghệ lần thứ nhất khu vực phía Nam do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM (sáng ngày 02/11/2019).

Với chủ đề “Khoa học, công nghệ với bảo vệ môi trường”, hơn 100 đại biểu đã tham gia Hội nghị, cùng thảo luận 29 bài báo của các nhà khoa học đến từ 7 trường đại học (Tài nguyên và Môi trường, Bách khoa Tp.HCM, Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM, Luật, Văn Lang, Lạc Hồng), các Viện và Sở ban ngành (Viện Môi trường và Tài nguyên, Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM,…).

 Làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học còn khó khăn hơn!  

vlu hoi thao sinh hoc 2Tại hội nghị, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh - Trưởng khoa Môi trường & Công nghệ sinh học (Trường Đại học Văn Lang) trình bày tham luận “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh khí của lục bình bằng công nghệ ủ kỵ khí dạng mẻ”.

Trong báo cáo, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh đã có những chia sẻ trăn trở về công tác nghiên cứu tại trường đại học tư thục, nơi gặp nhiều khó khăn trong khâu đề xuất kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia: “Làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học còn khó khăn hơn, khó khăn nhất là việc xin tài trợ cho các đề tài do giới nữ thực hiện”.

Từ lý do này, hầu hết các nghiên cứu của PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh đều là những nghiên cứu có tính ứng dụng cao để dễ đề xuất kinh phí từ các nhà tài trợ. Mặt khác, các đề tài nghiên cứu tăng tính thực tiễn, phục vụ cho công tác tư vấn khoa học cho các tổ chức, tạo nguồn kinh phí tiền đề phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu tiếp theo.

vlu hoi thao sinh hoc 3Tại Hội nghị, các nhà khoa học nữ không chỉ trình bày kết quả nghiên cứu tâm huyết mà còn chia sẻ sự đồng cảm về câu chuyện nữ giới làm khoa học.

Tiếng nói của các nhà khoa học nữ về vấn đề nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu được đề cao. “Các nhà khoa học nữ phải đồng hành cùng với xã hội, làm cho xã hội văn minh hơn, xanh và sạch hơn” - GS. TS Phan Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trưởng ban tổ chức Hội nghị chia sẻ.

Giá trị cây lục bình trong việc góp phần giảm thiểu khí nhà kính

PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh đã thực hiện chuỗi nghiên cứu về cây lục bình kéo dài suốt 10 năm. Điều đáng quý là đề tài về cây lục bình xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của Trường Đại học Văn Lang trong giai đoạn bắt đầu xây dựng Cơ sở 3: làm sạch dòng kênh Rạch Lăng. Kinh phí nạo vét và làm sạch lòng kênh đầy lục bình và cỏ lên đến hàng tỷ đồng. Đây cũng là tình trạng chung của khoảng 170 kênh, rạch bị lục bình, cỏ dại phát triển lấn át trên địa bàn Tp.HCM, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và các vấn đề ô nhiễm môi trường.

vlu hoi thao sinh hoc 4Sinh viên Văn Lang từng phát động nhiều chiến dịch tình nguyện vớt lục bình, cải tạo làm sạch bờ kênh Rạch Lăng, tô đẹp cảnh quan Cơ sở 3.

Cây lục bình được sử dụng nghiên cứu trong nhiều mục đích khác nhau: làm phân hữu cơ, nuôi trùng, xử lý lục bình để nuôi ruồi lính đen, nhộng xuất khẩu,.. Đứng ở khía cạnh quan trọng nhất trong làm khoa học, cây lục bình được ứng dụng trong công nghệ xử lý cần chi phí đầu tư rẻ tiền, vận hành dễ dàng, có thể nhân rộng mô hình. Sau quá trình phân tích về mặt khoa học và ứng dụng, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh đã lựa chọn công nghệ sử dụng mô hình ủ kỵ khí cây lục bình theo dạng mẻ, mô hình được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Trong kết quả nghiên cứu, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh đã cho thấy đề tài giải quyết được các vấn đề môi trường cấp bách hiện tại.
01. Nguyên liệu sau quá trình xử lý đạt yêu cầu sản xuất phân compost, giải quyết được vấn đề ô nhiễm hữu cơ do cây lục bình gây ra.
02. Sản phẩm quan trọng nhất của quá trình xử lý là khí sinh học, trong đó phần trăm tỷ lệ khí Metan rất cao (70%) - loại khí sinh học dùng để đốt, sinh ra ít CO2 hơn so với các loại nhiên liệu hóa thạch. Đây là cơ sở khoa học để đáp ứng nhu cầu sử dụng khí sinh học của con người, giảm thiểu khí thải nhà kính do sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra, góp phần vào công tác chống biến đổi khí hậu.

vlu hoi thao sinh hoc 5Ngày 01/02/2018, TS. Lê Thị Kim Oanh – Trường Đại học Văn Lang được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư.

PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh bắt đầu nghiên cứu chuyên ngành Môi trường từ những năm 1998. Hơn 20 năm làm việc và thực hiện các nghiên cứu về ngành môi trường, từ làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ, đến quá trình tu nghiệp tại ĐH Wageningen (Hà Lan) – quốc gia “top” đầu trong lĩnh vực quản lý thiên tai và công nghệ xử lý chất thải qua nhiều thế kỷ. Đến nay, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh đã có hơn 25 đề tài nghiên cứu khoa học đóng góp trong nghiên cứu bảo vệ môi trường.

PGS.TS. Lê Thị Kim Oanh cũng như các thầy cô của Khoa Môi trường & Công nghệ Sinh học – nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành về môi trường tại Việt Nam đã tham gia rất nhiều dự án nghiên cứu về môi trường tầm cỡ thế giới.

TIN VUI

Ngày 06/8/2019, phóng viên BBC Ms.Olivia Hannah Lace – Evans và Mr.Ashley John – Baptiste từ Đài truyền hình lớn nhất thế giới BBC (nước Anh) từng đến Trường Đại học Văn Lang phỏng vấn PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh từ góc nhìn của một chuyên gia về tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và tình trạng di dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phóng sự The Displaced: Climate change in Vietnam 'destroying family life’ được phát hành trên kênh BBC News ngày 30/9/2019.

 

Chi Nhân
Ảnh: Khánh Thịnh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag