TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Văn Lang phát sóng chương trình Livestream độc quyền “Nhà Lạc #1 – Lạc trong vũ trụ ngành nghề”

(P.TS&TT – Văn Lang, 05/3/2020) - Tối ngày 03/3/2020, Fanpage Trường Đại học Văn Lang phát sóng số đầu tiên của chương trình livestream độc quyền "Nhà Lạc" - một chương trình giao lưu, trao đổi các vấn đề học tập, rèn luyện, định hướng ngành nghề cho học sinh sinh viên. Số đầu tiên của "Nhà Lạc 2020" có chủ đề “Lạc trong vũ trụ ngành nghề”, khám phá những liên hệ giữa ngành học và nghề nghiệp, những câu chuyện đúng - sai khi chọn ngành chọn nghề và vai trò của đại học trong hành trình nghề nghiệp của mỗi người.

Chương trình livestream “Nhà Lạc” sẽ được phát sóng định kỳ hằng tuần trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang, cung cấp thông tin trực tiếp, nhanh chóng, gần gũi về các vấn đề được học sinh sinh viên Trường Đại học Văn Lang quan tâm, trong đó, các số đầu tiên phát sóng trong khoảng thời gian tháng 3 - tháng 7/2020 sẽ chú trọng giới thiệu các thông tin tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sinh viên. Các khách mời uy tín trong và ngoài Trường phù hợp với từng chủ đề sẽ trao đổi và trực tiếp trả lời câu hỏi của người xem. Với format thân thiện của định dạng livestream, Fanpage Trường Đại học Văn Lang định hướng xây dựng một ngôi nhà chung trên không gian mạng xã hội, là nơi để người nhà Văn Lang cùng tâm tình, chia sẻ nhiều câu chuyện lớn nhỏ trong đời sống của mình.

live aaThS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, ThS. Nguyễn Đỗ Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên và anh Trần Vĩnh Trọng - MC, chuyên viên PR, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Văn Lang là 3 khách mời tham gia số livestream đầu tiên của "Nhà Lạc", 03/3/2020.

Với số phát sóng ngày 03/3/2020, chương trình "Nhà Lạc" của Trường Đại học Văn Lang chào đón 3 khách mời "đến thăm nhà": ThS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, ThS. Nguyễn Đỗ Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên và anh Trần Vĩnh Trọng - MC, chuyên viên PR, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Từ những góc nhìn khác nhau, 3 khách mời đã cùng bàn luận và chia sẻ nhiều ý kiến thú vị, trả lời nhiều câu hỏi của học sinh sinh viên và cung cấp nhiều thông tin hữu ích, hướng dẫn cho học sinh sinh viên cách chọn ngành phù hợp với tố chất của bản thân.

Làm sao để không chọn sai ngành?

Chương trình bắt đầu bằng cách đặt vấn đề: rất nhiều người quen xung quanh chúng ta tốt nghiệp từ một ngành và đang làm một nghề “không liên quan” đến ngành học. Chọn đúng ngành và học đúng nghề 100% là mức độ lý tưởng mà thường ít ai đạt được - đây là câu chuyện thông thường trong hoạt động hướng nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, thay vì hướng theo mục tiêu "chọn đúng ngành" thì các bạn trẻ có thể đặt mục tiêu thích hợp hơn, đó là "đừng chọn sai ngành". Muốn vậy, các bạn cần trải qua giai đoạn tự hiểu bản thân, soi chiếu các sở thích, năng lực và định hướng của bản thân vào các nhóm ngành nghề cụ thể. Khi đó, một bạn trẻ không chỉ phù hợp với một ngành riêng biệt nào đó mà thông thường có thể phù hợp với một hoặc vài nhóm ngành nghề; với biên độ khá rộng đó, các bạn có thể có nhiều lựa chọn ngành nghề phù hợp.

ThS. Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang, chia sẻ: Trước đây tôi là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, mong muốn ra trường sẽ làm công việc thiết kế những sản phẩm phần mềm, nhưng công việc đưa đẩy tôi đi dạy, sau đó bắt đầu làm việc tại Văn Lang và đến hiện tại thì phụ trách công tác quản lý. Trải qua các giai đoạn công việc, mặc dù không liên quan đến ngành học, nhưng nó đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong lĩnh vực quản lý. Không phải công việc nào cũng yêu cầu đúng ngành nghề lựa chọn, chỉ cần cố gắng, nỗ lực, chấp nhận thay đổi thì sẽ thích ứng với môi trường làm việc. Do đó, tôi khuyên các bạn đừng ngại ra ngoài va chạm, cố gắng tìm kiếm và thử thách chính mình. Bên cạnh đó, bạn cần có niềm đam mê đích thực đối với công việc mình đã chọn, dù là trái ngành nhưng mình cần phân biệt đâu là việc mình muốn làm, và từ động lực đó hãy luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng của mình trên con đường sự nghiệp”.

live bbThS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích cho sinh viên học sinh đã và đang tìm kiếm ngành nghề phù hợp với bản thân.


live dddTheo anh Vĩnh Trọng, ban đầu anh dự định chọn ngành Quản trị Khách sạn, nhưng sau đó theo học ngành Ngôn ngữ Anh và sau khi ra trường lại làm việc trong lĩnh vực truyền thông. “Tới thời điểm này, mình đã tốt nghiệp gần 10 năm, quá trình học đúng ngành, làm đúng nghề vừa đúng lại vừa sai. Tiếng Anh có mặt ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống, giúp chúng ta tiếp cận với rất nhiều thông tin, nhiều lĩnh vực ngành nghề. Trọng bắt đầu làm cộng tác viên cho VTV9 với công việc là biên tập viên mảng tin quốc tế vào năm 4 đại học, sau đó Trọng làm phát thanh viên Xone FM mảng giải trí, phải đọc rất nhiều tin tức về mảng âm nhạc quốc tế, sau đó mình quay về làm mảng tin tức tài chính quốc tế ở VTV. Và đến hiện tại công việc của mình là chuyên viên PR, đa phần khách hàng là người nước ngoài và họ muốn làm các chiến dịch truyền thông tại Việt Nam. Như các bạn đã thấy, mình chưa được đào tạo về báo chí, tài chính, tổ chức sự kiện nhưng với vốn tiếng Anh sẵn có và những kỹ năng mình tích lũy trong suốt những năm qua đã giúp mình theo đuổi được công việc đó và trở thành niềm đam mê”.


live ccĐồng hành cùng ThS. Võ Văn Tuấn và anh Vĩnh Trọng, ThS. Nguyễn Đỗ Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lực sinh viên của Trường Đại học Văn Lang chia sẻ đến học sinh – sinh viên những kinh nghiệm trong 15 năm làm giáo dục và tư vấn hướng nghiệp. Theo cô, những điều sinh viên đã học ở bậc đại học có thể ứng dụng vào công việc, giúp các bạn nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình. Xét từ góc độ khoa học trong hướng nghiệp, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực để giúp học sinh sinh viên chọn được ngành học phù hợp với sở trường của bản thân như tìm hiểu các công cụ trắc nghiệm sử dụng trong định hướng nghề nghiệp: Trắc nghiệm sở thích Holland, Trắc nghiệm tính cách theo học thuyết MBTI,… Học sinh sinh viên cần chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin về các ngành học, cuối cùng suy nghĩ những ngành nghề phù hợp với đặc tính bản thân của mình và lập mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai”.
Trường Đại học Văn Lang đồng hành cùng sinh viên học sinh định hướng ngành nghề qua các công cụ khoa học được kiểm chứng. Các bạn học sinh sinh viên có thể truy cập đường link sau để làm bài trắc nghiệm nghề nghiệp Holland và nhận kết quả trực tiếp ngay sau khi hoàn thành: https://tuyensinh.vanlanguni.edu.vn/trac-nghiem-nganh-nghe/

Chọn nghề trước hay chọn ngành trước?

Vũ trụ nghề nghiệp rất rộng lớn, các bạn trẻ từng ngày để tìm hướng đi cho bản thân, bắt đầu từ sở thích, tính cách, đam mê và điều kiện của mình. Qua những chia sẻ của ba khách mời trong số 1 của chương trình "Nhà Lạc", một vấn đề khác được đặt ra: học sinh sinh viên nên chọn ngành hay chọn nghề trước? Từ các lý thuyết khoa học và kinh nghiệm cá nhân của các khách mời, chương trình đưa ra một "lộ trình" phù hợp cho học sinh sinh viên:

  • 1/ tìm hiểu bản thân, từ đó biết mình thuộc nhóm nghề nghiệp gì;
  • 2/ liệt kê những nghề nghiệp/ công việc mình muốn theo đuổi và lọc lại nếu quá nhiều;
  • 3/ tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng, tố chất cần thiết với công việc/ nghề nghiệp đó;
  • 4/ xác định một ngành học phù hợp nhất với bản thân và nghề nghiệp đã chọn;
  • 5/ xác định trường đại học phù hợp có ngành học mà mình đã chọn;
  • 6/ tham quan, tìm hiểu trường đại học đã chọn, tìm hiểu những phản hồi thực của người học ngôi trường đó để xác quyết lựa chọn của mình.

Với định hướng đó, trong các số tiếp theo, chương trình livestream "Nhà Lạc" sẽ tiếp tục với các chủ đề chuyên sâu vào từng nghề nghiệp cụ thể, phân tích nghề dưới nhiều góc độ để học sinh sinh viên có cơ sở chọn lựa được ngành học phù hợp với nghề. Chương trình số 2 của "Nhà Lạc" với chủ đề "Sáng tạo content - nghề của vua?" sẽ lên sóng vào thứ Sáu, 13/3/2020 trong khung giờ 11 giờ - 12 giờ trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang.

Chương trình Nhà Lạc Livestream số đầu tiên đã nhận được phản hồi tích cực của học sinh sinh viên về một chương trình chia sẻ thực chất, văn minh, hữu ích cho các bạn trẻ. Trong hơn một tiếng lên sóng, ThS. Võ Văn Tuấn, anh Trần Vĩnh Trọng và ThS. Nguyễn Đỗ Thanh Hà đã nhiệt tình trả lời các câu hỏi của phụ huynh, học sinh đặt trực tiếp trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang. Các khách mời cũng lưu ý các bạn thí sinh hãy chủ động xem xét, chọn lựa và áp dụng nhiều phương thức xét tuyển để nâng cao cơ hội trúng tuyển đại học của bản thân.

 

Kim Ngân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag