TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Chuyên đề và Triển lãm Tranh khắc Gỗ - thành quả của thầy trò ngành Thiết kế Đồ họa sau Covid-19

(P. TS&TT – Văn Lang, 27/06/2020) - Sáng ngày 26/6/2020, tại Hội trường N2T1 – Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang, khoa Mỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức Hội thảo Chuyên đề - Triển lãm Tranh khắc Gỗ ngành Thiết kế Đồ họa. Chương trình thu hút gần 500 sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa và sinh viên các ngành Thiết kế khác như: Thời trang, Nội thất, Tạo dáng.

vlu trien lam tranh khac go cHội thảo chuyên đề có sự tham dự của ThS. HS. Phan Quân Dũng - Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, ThS. Nguyễn Đắc Thái - Phó Trưởng khoa, Cô Bùi Vân Thiện – Phó trưởng Phòng Đào tạo, ThS. Đinh Xuân Tỏa – Trưởng Phòng Công tác sinh viên,… cùng các giảng viên và sinh viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang.

Với tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn ra đầu năm 2020, sinh viên Khóa 24 (năm hai) ngành Thiết kế Đồ họa Trường Đại học Văn Lang đã nỗ lực hoàn thành chuyên đề Tranh khắc gỗ tại nhà, với sự hướng dẫn trực tuyến của thầy cô. Đây không những là khó khăn với các bạn mà còn là khó khăn, thử thách với chính giảng viên ngành Thiết kế Đồ họa, bởi giảng viên phải thay đổi hoàn toàn phương pháp giảng dạy đối với một môn thực hành nghệ thuật quá đặc thù, đòi hỏi hướng dẫn trực tiếp và tỉ mỉ từng chi tiết.

Tranh khắc gỗ là môn học rất đặc trưng của ngành Thiết kế Đồ họa Trường Đại học Văn Lang, bởi hiện nay, gần như các trường đào tạo mỹ thuật trên cả nước không còn tổ chức được môn học thuộc nghệ thuật truyền thống vốn đòi hỏi người học và giảng viên phải có sự tỉ mỉ và kiên nhẫn từ bài giảng cho đến thực hành này. Thế nhưng tại Văn Lang, qua rất nhiều năm, đồ án Tranh khắc gỗ luôn thu hút rất đông sinh viên, tạo ra các tác phẩm có trình độ nghệ thuật cao, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và ứng dụng hiện đại. Triển lãm lần này trưng bày 200 tác phẩm tranh khắc gỗ của các bạn sinh viên Khóa 24 ngành Thiết kế Đồ họa được thực hiện trong quá trình học online tại nhà khi tránh dịch Covid-19.

vlu trien lam tranh khac go bCác giảng viên ngành Thiết kế Đồ họa ngồi lại chia sẻ những khó khăn, nhìn lại quá trình triển khai chuyên đề Tranh khắc gỗ online năm 2020, từ trái qua: HS. Trần Văn Thi, ThS. Nguyễn Vũ Lâm, ThS. Hồ Đặng Bạch Lý, HS. Ca Lê Dũng và ThS. Nguyễn Đắc Thái - Phó Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp.

vlu trien lam tranh khac go aĐông đảo giảng viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp và gần 500 sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa và sinh viên các ngành Thời trang, Nội thất, Tạo dáng,… tham gia học hỏi và mở rộng kiến thức về nghệ thuật Tranh khắc gỗ.

Đồng hành vượt qua khó khăn của sinh viên khi phải học và làm đồ án tại nhà, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang đã hỗ trợ các bạn hết sức có thể bằng cách gửi dụng cụ, màu vẽ, giấy dó, bảng gỗ,… về nhà cho sinh viên. Các giảng viên phụ trách chuyên đề tích cực giảng dạy online, đóng góp ý kiến cho đề tài, động viên sinh viên đừng nản lòng, hướng dẫn cặn kẽ, không quản ngại thời gian, ngày đêm,… May mắn, thầy trò Văn Lang còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của anh Hoàng Phúc – chủ Doanh nghiệp in ấn Hoàng Phúc khi cung cấp cho Khoa và sinh viên rất nhiều dụng cụ vẽ trong mùa dịch.

Vượt qua thời gian nghỉ dịch – học online tại nhà, khi quay trở lại trường nộp tác phẩm, thầy trò ngành Thiết kế Đồ họa vỡ òa trong sung sướng khi nhận lại hơn 200 tác phẩm chất lượng tốt, được giảng viên bộ môn nói riêng và giảng viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp nói chung đánh giá cao. Trong hoàn cảnh thiếu thốn dụng cụ, không có giảng viên trực tiếp hướng dẫn, nhưng thành quả cuối cùng lại quá trọn vẹn. Có thể thấy, dịch Covid xảy ra vừa là khó khăn thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các bạn sinh viên giải phóng bản thân, giảng viên nâng cao chuyên môn hơn khi cả người dạy và người học phải thích ứng với những thay đổi của xã hội.

“Trong năm 2019, cô có về làng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Sự thật buồn lắm các bạn ạ! Cả làng tranh Đông Hồ chỉ còn 2 gia đình đang làm nghề. Cô rất trăn trở với nghệ thuật truyền thống này. Nghệ thuật truyền thống của chúng ta đang đi về đâu? Tranh khắc gỗ Việt Nam đang ở đâu? Cô thật sự rất mừng khi Khoa mình đưa việc học vốn cổ trong đó có tranh khắc gỗ vào chương trình học. Hôm nay các em đã chứng minh cho cô, mọi người và các thầy cô thấy các em có đủ khả năng, năng lực để lưu giữ, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Cám ơn tất cả các bạn.” – TS. Mã Thanh Cao - giảng viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM đã có những chia sẻ đầy trăn trở với các bạn sinh viên.

vlu trien lam tranh khac go fTS. Mã Thanh Cao chọn ra 1 tác phẩm tiêu biểu trong số 12 tác phẩm có điểm số cao nhất được trưng bày trên sân khấu để tặng phần quà đặc biệt (tác giả: sinh viên Trinh Trương).

Cô Bùi Vân Thiện – Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Văn Lang cũng chia sẻ về những khó khăn khi toàn trường triển khai học online trong mùa dịch: “Chúng ta phải ngưng tất cả các hoạt động khi dịch bệnh ập đến, các Khoa và Phòng đào tạo đã rất băn khoăn về các học phần đồ án không biết phải triển khai như thế nào. Tôi quả thật rất khâm phục các thầy cô và sinh viên của khoa đã hoàn thành môn học này, khi xem các tác phẩm của các bạn trưng bày tại đây và trên video trình chiếu, tôi nghĩ với môn học đặc thù như thế này chúng ta đã hoàn thành thì không còn khó khăn trở ngại nào mà các bạn và thầy cô không vượt qua”.

ThS. HS. Phan Quân Dũng - Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp phát biểu: “Ngay khi có chỉ đạo dạy học online, Khoa Mỹ thuật phải xem xét lại, vì các tất cả các lớp của Khoa đều cần học trực tiếp, làm đồ án cần có giảng viên bộ môn hướng dẫn, sửa bài tại chỗ. Nhưng nếu tất cả môn học của khoa không triển khai dạy online thì tiến độ của sinh viên cũng bị chậm lại. Nhân đây, tôi xin cảm ơn sự hỗ trợ của Phòng Đào tạo để chúng tôi có thể triển khai và giảng dạy thành công các học phần như thế này.”

Không chỉ giảng viên, các bạn sinh viên cũng nhiệt tình chia sẻ những cảm xúc của mình khi học môn tranh khắc gỗ online và hoàn thành đồ án tại nhà, tự điều chỉnh độ nông sâu của vết khắc, tự thực hành với dụng cụ có 1-0-2 trong quá trình in tranh, khắc gỗ, như dụng cụ nhà bếp hoặc bất cứ thứ gì có thể sử dụng được. Bạn Đặng Khải Hoàng nói: "Khó khăn của em là đề tài, ngay từ đầu khi em nói ý tưởng tác phẩm của mình với cô Minh, cô đã không đồng ý vì có liên quan đến tôn giáo, lịch sử; nhưng em đã thuyết phục cô để thực hiện tác phẩm này. Quá trình lên bản nháp có lẽ là khó nhất, em phải thể hiện được sự đơn giản, sự chuyển biến từ âm sang dương qua từng nét khắc. Em cũng muốn nói lời cảm ơn đến cô, nhiều khi em thức khuya vẽ phác thảo, thắc mắc gửi tin nhắn cho cô nhưng không ngờ là cô trả lời liền, em rất cảm động và cám ơn cô."

vlu trien lam tranh khac go hSinh viên ngành Thiết kế Đồ họa chia sẻ về chuyên đề Tranh khắc gỗ online năm 2020

vlu trien lam tranh khac go eĐại diện các bạn sinh viên gửi tặng tác phẩm điêu khắc cho PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. ThS. Đinh Xuân Tỏa – Trưởng Phòng Công tác sinh viên thay mặt nhận phần quà.

ThS. Nguyễn Đắc Thái – Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp bày tỏ niềm tự hào: "Có những môn học tưởng như không thể học online nhưng các em đã tạo nên những tác phẩm tuyệt vời trong các môn trang trí cơ sở ngành, tranh vải, tranh khắc gỗ, thiết kế bìa sách… Đây là tín hiệu vui, khích lệ sự năng động và sáng tạo của sinh viên Mỹ thuật Văn Lang. Những thành quả mà chúng ta đang thấy ngày hôm nay chính là sự nỗ lực, khả năng thích nghi và cả năng lực chuyên môn của tập thể Khoa Mỹ thuật Công nghiệp nói riêng và Trường Đại học Văn Lang nói chung."

Chiêm ngưỡng 200 tác phẩm Tranh khắc gỗ được thực hiện bởi sinh viên Khóa 24 ngành Thiết kế Đồ họa tại ĐÂY.

Ngân Trần
Ảnh: Linh Nguyễn


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag