TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Đại học Văn Lang đề xuất chính sách ủng hộ mạnh mẽ xã hội hoá giáo dục

(P.TS&TT - Văn Lang, 31/102020) - Ngày 31/10/2020, Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố. Tại đầu cầu TP.HCM, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang đã chia sẻ trước Hội nghị các vấn đề chuyển đổi số và xã hội hoá giáo dục để phát triển giáo dục ngoài công lập.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo nhiều Bộ ngành, cơ quan Trung ương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng và nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT các thời kỳ... Chủ trì điểm cầu các địa phương là lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, trong đó có 14 Bí thư tỉnh ủy.

vlu hoi nghi giao duc truc tuyen aaHội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 tại điểm cầu Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Hội nghị ngày hôm nay nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo. Chúng tôi mong muốn được nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu đánh giá về những thành tựu, kết quả của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua và trong giai đoạn 2016-2020, những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các hoạt động của ngành, đặc biệt là đóng góp ý kiến để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.” 

vlu hoi nghi giao duc truc tuyen aBộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn ngành giáo dục năm 2020

Năm học 2019 - 2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục, diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; với thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành Giáo dục. Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng. Trong đó, ngành Giáo dục đã ghi dấu ấn với sự chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, nhất là trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19.

Tại đầu cầu TP.HCM, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang đánh giá cao về báo cáo rất đầy đủ, chi tiết của Bộ GD&ĐT thông qua clip được phát trực tiếp tại hội nghị. Đồng thời, TS. Nguyễn Cao Trí chia sẻ những vấn đề chuyển đổi số và xã hội hoá Giáo dục để phát triển hơn nữa lĩnh vực Giáo dục ngoài công lập.

vlu hoi nghi giao duc truc tuyen cTS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang phát biểu tại điểm cầu TP.HCM

Theo TS. Nguyễn Cao Trí, từ đại dịch Covid-19, với bối cảnh khá đặc biệt, giáo dục đã chuyển đổi số nhanh chóng. Học sinh, sinh viên, giáo viên đã thích ứng với việc giảng dạy, học tập trong đại dịch… để thực hiện nhiệm vụ của năm học và cùng góp phần để đẩy lùi đại dịch. Khả năng thích ứng nhanh chóng như vậy là nhờ vào sự chuẩn bị và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong một vài năm trước đó.

Điển hình, tại Trường Đại học Văn Lang, Nhà trường đã tập trung phát triển hạ tầng và chỉ trong vòng 2 tuần sau khi dịch Covid-19 xảy ra, toàn bộ 25.000 sinh viên của Trường đã hoạt động học tập bình thường, không gặp khó khăn đáng kể.

Cũng theo TS. Nguyễn Cao Trí, trong 5 năm vừa qua, Chính sách xã hội hoá giáo dục của Chính phủ được Bộ GD&ĐT đẩy mạnh đã hình thành những hệ thống giáo dục tư thục lớn, giúp giảm bớt áp lực, san sẻ trách nhiệm với hệ thống giáo dục công lập và giáo dục đại học nói chung. Hiện nay, tính tất cả các cấp học, xã hội hoá giáo dục đạt khoảng 25% ở tư nhân, tư thục. Đây là con số có ý nghĩa, và chắc chắn sẽ tăng nhiều trong 5 năm tới. Đặc biệt, những Chính sách xã hội hóa giáo dục hiện nay của Bộ GD&ĐT đã thu hút nhiều tập đoàn có tiềm lực tham gia đầu tư vào giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục có một số điều chỉnh rất kịp thời trong lĩnh vực đầu tư, chuyển đổi số, điển hình là thông tư cho phép tăng thời lượng online tối đa 30%, TS. Nguyễn Cao Trí đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn, mở rộng thêm các vấn đề này, để các trường thích ứng được không chỉ trong bối cảnh dịch mà cả trong xu thế kỷ nguyên số.

TS. Nguyễn Cao Trí cũng cho rằng, ở góc độ đánh giá 5 năm vừa qua trong rất nhiều nội dung mà Bộ GD&ĐT tổng kết, việc ngành đã thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoài công lập cũng là một thành quả. Tư thục sẽ là động lực để phát triển và góp phần đưa giáo dục Việt Nam đi vào chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế, sẽ giải quyết, san sẻ những vấn đề mà đầu tư công còn gặp bất cập; góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của người học ở các địa phương, mở rộng và cải thiện cơ sở vật chất, nhanh chóng tiếp cận tiêu chuẩn của khu vực, thế giới.

Trường Đại học Văn Lang là cơ sở tư thục và cũng được thừa hưởng Chính sách xã hội hoá giáo dục mạnh mẽ của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT để Nhà trường phát triển lớn mạnh. TS. Nguyễn Cao Trí cho biết: “Chúng tôi mong Chính phủ, Bộ GD&ĐT tiếp tục có những chính sách ủng hộ mạnh mẽ trong xã hội hoá Giáo dục để tạo điều kiện cho các trường phát triển hơn nữa. Với những cách làm vừa qua, thì những năm tới đây, giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ, đưa bức tranh giáo dục của chúng ta nhanh chóng tiếp cận với khu vực và thế giới”.

vlu hoi nghi giao duc truc tuyen bTS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang đưa ra kiến nghị về chuyển đổi số và xã hội hoá giáo dục

Thông qua Hội nghị, Trường Đại học Văn Lang cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT có những chính sách riêng cho việc đầu tư xây dựng trong lĩnh vực y tế, giáo dục, vì hiện có nhiều tập đoàn tư nhân và nhà đầu tư mạnh mẽ nhưng thủ tục xây dựng cơ sở vật chất còn gặp khó khăn. Đồng thời, cần có cơ quan quản lý sau bậc phổ thông để đảm bảo tính liên thông thông suốt trong hệ thống giáo dục. Chính phủ và Bộ GD&ĐT cũng cần có sự quan tâm, chia sẻ nguồn lực trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư cho các đại học xuất sắc hoặc những cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm của lĩnh vực đầu tư công cho lĩnh vực đầu tư tư thục, tư nhân; qua đó kết nối chặt chẽ hai lĩnh vực, cùng tạo ra lực lượng lao động cho xã hội, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của địa phương.

Với mục tiêu kiến tạo môi trường giáo dục chất lượng cho người học, cùng định hướng giáo dục gắn liền với phục vụ xã hội, năm học 2020-2021, Trường Đại học Văn Lang hướng đến nâng tầm chất lượng đào tạo cho thế hệ mới, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng giáo dục linh hoạt trong kỷ nguyên số và vận dụng tốt các Chính sách xã hội hoá giáo dục.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag