(P.TS&TT – Văn Lang, 22/03/2021) - Ngày 20/3/2021 trong khuôn khổ chương trình Liên hoan phim Văn Lang, workshop với chủ đề “Tổ chức sản xuất phim chuyên nghiệp” đã diễn ra tại cơ sở 3 trường Đại học Văn Lang dưới sự dẫn dắt của ĐD. NSND. Đào Bá Sơn và ĐD. Trần Minh Ngân.
Workshop là một trong những hoạt động bên cạnh giải thi được Liên hoan phim Văn Lang tổ chức dành cho thí sinh tham dự cuộc thi nói riêng cùng tất cả bạn trẻ có đam mê với lĩnh vực điện ảnh, mong muốn tìm hiểu kiến thức chuyên môn về làm phim nói chung. Được biết, trong thời gian diễn ra vòng Bán kết (từ tháng 03 - 04.2021), Liên hoan phim Văn Lang sẽ thực hiện 3 workshop được tổ chức với các nội dung lần lượt: Tổ chức sản xuất phim chuyên nghiệp, Thực hành kỹ năng diễn xuất, Phim hoạt hình – Giao thoa của điện ảnh và thiết kế tương tác.
Sự kiện được diễn ra với sự tham dự của 2 diễn giả:
- ĐD. NSND. Đào Bá Sơn: Nghệ sĩ từng đạt 16 giải thưởng quốc gia với vai trò đạo diễn và sở hữu nhiều tác phẩm tham dự Liên hoan phim quốc tế. Bên cạnh đó, ĐD. NSND. Đào Bá Sơn cũng chính là giám khảo của nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc gia, quốc tế và là thành viên Ban cố vấn chương trình Liên hoan phim Văn Lang lần thứ nhất năm 2021;
- ĐD. Trần Minh Ngân: Anh là đạo diễn, nhà sản xuất trẻ đầy tài năng. Chào sân với tác phẩm đầu tay: Buông và nhận ngay Cánh Diều Bạc năm 2017, ĐD. Trần Minh Ngân đã trở thành một cái tên sáng trong làng điện ảnh – truyền hình Việt. Anh tham gia sản xuất, đạo diễn cho ra đời hàng loạt tác phẩm web drama, chương trình truyền hình có lượng rating cao như: Bố già Bolero, Gia đình hòa thuận, Ngũ long du ký,... Hiện, ĐD. Trần Minh Ngân là cố vấn đội thi lĩnh vực phim ngắn của Liên hoan phim Văn Lang năm 2021.
Sau khi vượt qua vòng loại với tỉ lệ canh tranh từ 89 đội, 45 đội thi được lựa chọn sẽ tiếp tục dự thi ở vòng Bán kết. Workshop: Tổ chức sản xuất phim chuyên nghiệp được thực hiện nhằm giúp các bạn hiểu hơn về các vấn đề cơ bản trong xây dựng kịch bản điện ảnh và những giai đoạn trong công tác làm phim. Mở đầu sự kiện, ĐD. NSND. Đào Bá Sơn chia sẻ về vai trò của kịch bản trong quá trình làm phim và đề cập đến cấu trúc xây dựng kịch bản phim. Một bộ phim cần bám chắc nguyên tắc: đặt vấn đề, phát triển vấn đề, giải quyết vấn đề. Cùng với đó, đạo diễn chia sẻ cách xây dựng lời thoại phù hợp với nhân vật.
Cũng trong buổi workshop, ĐD. Trần Minh Ngân chia sẻ: “Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm, tôi cho rằng kịch bản là phần quan trọng nhất để quyết định bộ phim”. Theo đạo diễn, một kịch bản hay có thể mang lại một bộ phim hay hoặc tệ, nhưng một kịch bản tệ chắc chắc sẽ cho ra một phim không được khán giả đón nhận.
Trong vòng 3 tiếng buổi sáng, buổi workshop đã thành công kết nối và chia sẻ thông tin hỗ trợ thí sinh trong quá trình làm một bộ phim. Giúp những đạo diễn, nhà làm phim trẻ có cái nhìn bao quát hơn về quá trình sản xuất một bộ phim chuyên nghiệp với 3 giai đoạn chính: tiền kỳ, sản xuất, hậu kỳ.
- Giai đoạn tiền kỳ, kịch bản là phần cơ sở quan trọng nhất để làm phim. Nhân sự chủ chốt của quá trình này bao gồm: sản xuất, đạo diễn, biên kịch. Sau đó tìm địa điểm quay, casting diễn viên, bản kế hoạch chi tiết thiết bị, chi tiết cảnh quay.
- Giai đoạn sản xuất những tổ quan trọng nhất cần phải có, bao gồm: tổ sản xuất, tổ đạo diễn (đạo diễn, trợ lý đạo diễn, thư ký đạo diễn); tổ quay phim; tổ thiết kế (thiết kế bối cảnh, phục trang, đạo cụ); tổ hậu cần…
- Giai đoạn hậu kỳ: ekip dựng phim như đạo diễn dựng phim, người làm âm thanh, nhân sự kỹ xảo… sẽ là những người hoàn chỉnh bộ phim.
Tham dự sự kiện, một thí sinh thuộc đội thi về phim ngắn đã đặt câu hỏi cho diễn giả: “Một kịch bản bám sát vào hiện tượng xã hội thực tế sẽ gây tranh cãi, vậy có nên làm bộ phim được xây dựng với chủ đề như vậy hay không?”. Đa số các bạn tham dự đều lựa chọn nên thử thách với kịch bản, có thể vấn đề sẽ gây nhức nhối nhưng bằng nghệ thuật xây dựng kịch bản sẽ hướng khán giả xem phim cảm nhận được với góc độ khác. Giải đáp thắc mắc cho câu hỏi trên, ĐD. NSND. Đào Bá Sơn kết luận rằng sự dũng cảm của các bạn đã thắng thế sự an toàn, nếu chọn sự an toàn thì nội dung các bộ phim sẽ đi theo lối mòn. Trong khi bên ngoài xã hội có biết bao vấn đề, nếu hàng trăm nhà biên kịch chọn phương pháp an toàn thì nội dung phim sẽ ngày càng mờ nhạt. Đạo diễn đúc kết: biên kịch phải là một người dũng cảm, sẵn sàng viết, phát triển và phải giải quyết vấn đề bằng tất cả nhân thức và tri thức của người xây dựng kịch bản.
Đặc biệt trong buổi workshop, ThS. Lê Anh Trung - một trong năm cố vấn đội thi, thuộc lĩnh vực phim ngắn đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho những thí sinh tham dự. Theo Thạc sĩ, đối với những đoàn phim sinh viên, kỹ thuật thu tiếng còn gặp nhiều khó khăn, điện thoại có chế độ ghi âm là thiết bị hoàn hảo dùng để thu tiếng. Sau đó diễn viên cần nói to, nói rõ, phát âm chuẩn, không nói nhỏ lí hoặc nói quá nhanh. Thí sinh cần thu âm thanh tại hiện trường 1 - 2 phút để có âm thanh nền, xây dựng được tệp âm thanh hoàn chỉnh. Trong quá trình làm phim, vấn đề âm thanh bản quyền rất quan trọng. Nhiều kho nhạc không lời miễn phí trên internet đa dạng cho các bạn sử dụng. Khi làm kịch bản, những âm thanh và soundtrack khó, các bạn nên tìm âm thanh tương tự để sử dụng.
Hiểu được các bạn là đoàn phim sinh viên, thiếu kinh nghiệm và kinh phí thuê thiết bị tổ chức công tác sản xuất, Trường Đại học Văn Lang đã đề ra những chế độ hỗ trợ kinh phí cho thí sinh thuê thiết bị làm phim với chi phí tiết kiệm hơn so với việc thuê thiết bị bên ngoài vốn tốn khá nhiều chi phí. Tuy nhiên, thí sinh cần thông báo cho cố vấn và thư ký các thiết bị mình cần thiết để Ban tổ chức kết nối và hỗ trợ thí sinh kịp thời trong công tác chuẩn bị thiết bị. Đồng thời, nhà trường sẽ hỗ trợ bối cảnh để sinh viên tiến hành quay hình trong khuôn viên trường và studio của trường hoặc studio đối tác.
Xem thêm tại: Báo Thanh Niên - Liên hoan phim của Đại học Văn Lang: Cơ hội nào cho người trẻ?
Bài viết: Kim Tuyến
Hình ảnh: Nhật Huy