TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Livestream tư vấn tuyển sinh 2021 - số 21: “Làm quen với 3 anh em Thương mại – Marketing – Logistics tại Văn Lang”

(P.TS&TT – Văn Lang, 15/04/2021) - Ngày 15/4/2021, Fanpage Trường Đại học Văn Lang tiếp tục phát sống số livestream tư vấn tuyển sinh giải đáp thắc mắc về 03 ngành đào tạo của Khoa Thương mại Trường Đại học Văn Lang: Kinh doanh Thương mại, ngành Marketing và ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng.

Như thường lệ, chương trình được phát sóng vào ngày thứ 5 và thứ 6 hàng tuần. Tính đến thời điểm hiện tại, trường Đại học Văn Lang đã lên sóng hơn 20 ngành đào tạo nhằm giúp thí sinh nắm bắt được nội dung chi tiết của chương trình xét tuyển đại học.

Trong nhiều năm qua, các bạn thí sinh quan tâm và dành tình cảm cho trường Đại học Văn Lang không chỉ về chương trình đào tạo chất lượng với đa ngành nghề, cơ sở vật chất khang trang mà còn là các hoạt động sinh viên sôi nổi. Ở Đại học Văn Lang, Khoa Thương mại là một trong những khoa có số lượng sinh viên đông đảo và các chương trình hoạt động rất sôi nổi.

Trong số livestream này,  TS. Ngô Quang Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, Trưởng khoa Thương mại đồng thời phụ trách chương trình đào tạo đặc biệt của khoa đã đồng hành cùng chương trình. Mọi thắc mắc của thí sinh về chương trình đào tạo (chương trình tiêu chuẩn và chương trình đặc biệt), cơ hội việc làm đã được thầy giải đáp trong xuyên suốt buổi livestream.

vlu livestream khoa thuong maiTS.Ngô Quang Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, Trưởng khoa Thương mại tham gia tư vấn, giải đáp những câu hỏi của thí sinh và phụ huynh tại buổi livestream tư vấn tuyển sinh.

Hiện nay, ngành Marketing của khoa Thương mại có số hồ sơ đăng ký xét tuyển thuộc top 2 những ngành đào tạo tại Văn Lang. Bên cạnh đó, Kinh doanh Thương mại và Logistics luôn là ngành có lượng thí sinh quan tâm đông đảo nhất.

Ngày nay sinh viên rất quan tâm về nhu cầu học Marketing vì doanh nghiệp nào cũng cần phải có bộ phận Marketing. Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay Logistics là một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những sinh viên được hỗ trợ về thương mại sẽ tạo nên những câu chuyện về buôn bán trao đổi” – TS. Ngô Quang Trung chia sẻ về lý do nhận được sự quan tâm đông đảo của 3 chuyên ngành.

Cách thức xét học bạ của khoa Thương mại trường Đại học Văn Lang?

TL: Gồm 4 tổ hợp: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C01 (Toán, Văn, Lý), D01 (Toán, Văn, Anh). Có 4 phương thức xét tuyển dành cho 3 ngành:

  • Điểm thi THPT
  • Điểm học bạ (30/4/2021 hết hạn xét tuyển học bạ đợt 1)
  • Điểm kỳ thi đánh giá năng lực
  • Xét tuyển phương thức xét tuyển thẳng

Thời gian học, số tín chỉ và định hướng đào tạo của 3 ngành: Kinh doanh Thương mại, ngành Marketing, ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng ở Khoa Thương mại?

TL: Số tín chỉ dao động khoảng 132 tín chỉ. Nếu sinh viên nỗ lực trong quá trình học tập, thời gian sinh viên hoàn tất chương trình sẽ sớm hơn so với dự định 0,5 năm (còn 3,5 năm). Trong 3 ngành này, khoa Thương mại sở hữu những chuyên ngành hẹp, có tổng cộng 7 lựa chọn dành cho sinh viên:

  • Thương mại điện tử
  • Kinh doanh quốc tế
  • Marketing Kỹ thuật số
  • Quản trị Marketing
  • Quản lý sự kiện
  • Quản trị logistics
  • Thiết kế và vận hành chuỗi cung ứng.

Khánh Thịnh (Group Cộng đồng sinh viên Văn Lang): Nếu học Kinh doanh Thương mại, ngoài kiến thức chung về kinh tế sinh viên sẽ được học những gì? Khối lượng chương trình học của năm nào nặng nhất?

TL: Mỗi năm học đều có những thử thách mang màu sắc khác nhau, quan trọng sinh viên phải có nỗ lực cố gắng trong quá trình học tập. Khi học Kinh doanh thương mại ngoài kiến thức chung, chương trình còn tập trung vào tính thực tiễn cao, sinh viên sẽ được học các buổi học chuyên đề với những chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực đào tạo, như: Marketing Kỹ thuật số, Thương mại điện tử, những kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề trong quá trình học.

Diệp Đồng Khanh – Quảng Nam: Chương trình tiêu chuẩn với chương trình đặc biệt khác nhau như thế nào?

TL: Ở chương trình đặc biệt, tiếng Anh được bổ sung tăng cường và trang bị từ năm nhất. Sau năm 1, khoảng 50% khối lượng giảng dạy bằng tiếng Anh được đưa vào chương trình đào tạo. Hết năm 1, sinh viên phải đạt trình độ tương đương 5.5 IELTS. Từ năm 3 trở đi, 70% các môn học được đào tạo bằng tiếng Anh. Điều kiện tiên quyết đối với chương trình đặc biệt là sinh viên phải có năng lực về tiếng Anh để tham gia chương trình. Với chương trình tiêu chuẩn, sinh viên sẽ được đào tạo tiếng Anh trong 7 học kỳ cùng với đó kết hợp học môn chuyên ngành.

Vy Trần: Ngành Marketing có chương trình thực tập tại nước ngoài không? Sinh viên sẽ học tất cả hay chuyên sâu từng lĩnh vực Marketing?

TL: Đối với Marketing, có 3 chuyên ngành để sinh viên lựa chọn: Marketing Kỹ thuật số, Quản lý sự kiện, Quản trị Marketing. Hiện nay, khoa Thương mại có hợp tác với các tổ chức trên thế giới giúp sinh viên có cơ hội trao đổi thực tập giữa các trường. Tuy nhiên, sinh viên phải có đủ năng lực, chứng minh trình độ tiếng Anh và học lực của mình. Trường luôn luôn tạo điều kiện nhưng sinh viên phải đáp ứng được những yêu cầu về trao đổi.

Sinh viên sẽ học khối lượng kiến thức cơ sở và kiến thức ngành. Giai đoạn cuối của chương trình học, sinh viên sẽ lựa chọn chuyên ngành chuyên sâu, dao động 15 - 18 tín chỉ chuyên ngành.

vlu livestream khoa thuong mai aTS.Ngô Quang Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, Trưởng khoa Thương mại nhiệt tình giải đáp các thắc mắc cho các thí sinh

Mai Thị Thu Hiền – TP.HCM: Ngành Marketing Kỹ thuật số và ngành Truyền thông đa phương tiện giống hay khác nhau? Không tự tin trong giao tiếp có phù hợp với ngành Marketing không?

TL: Marketing Kỹ thuật số và Truyền thông đa phương tiện có những giao thoa với nhau nhưng không phải là một.

  • Truyền thông đa phương tiện: đào tạo về ngành Truyền thông - PR, sử dụng các phương tiện truyền thông để kết nối giữa doanh nghiệp và xã hội.
  • Marketing Kỹ thuật số: sử dụng những công cụ liên quan đến Marketing, như: công cụ tìm kiếm phát triển thị trường, tiếp cận khách hàng, tìm hiểu hành vi khách hàng…

Đây là 2 mảng sử dụng những công cụ khác nhau để thực hiện. Với năng lực nào cũng có thể chọn học tùy thuộc vào đam mê. Sinh viên ngại tiếp xúc có thể sử dụng phương tiện để phân tích Marketing thay vì giao tiếp.

Nguyễn Cẩm Giang: Ngành Marketing thời gian thực tập là bao lâu?

TL: Thời gian thực tập tương ứng với 1 học kỳ - khoảng 10 đến 12 tuần tại doanh nghiệp. Trường hỗ trợ kết nối sinh viên với doanh nghiệp hoặc sinh viên có thể tự tìm kiếm doanh nghiệp phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu trường đưa ra. Trong quá trình học, sinh viên được đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Phương châm đào tạo của trường luôn gắn liền với thực tiễn nên chương trình đào tạo rất phù hợp thị trường, mang tính tương tác giữa doanh nghiệp và trường.

Phạm Thị Tuyết Hồng – TP.HCM: Ngành Logistics sẽ học gì, trong thời gian bao lâu và ra trường sẽ làm việc tại đâu?

TL: Trong Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có 2 chuyên ngành hẹp: Quản trị Logistics, Thiết kế và Vận hành chuỗi cung ứng. Số lượng tín chỉ 132, sinh viên có thể hoàn thành trong thời gian 3,5 năm. Khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và dịch vụ.

Nguyễn Thanh Thiên: Trường Đại học Văn Lang giảng dạy Logistics theo hướng ứng dụng, vậy hướng ứng dụng là gì?

TL: Đối với chuyên ngành Thiết kế và vận hành chuỗi cung ứng, trường đang hoàn thiện phòng thực hành để sinh viên có thể mô phỏng thiết kế chuỗi cung ứng 1 cách tốt nhất. Đây là ứng dụng giúp cho sinh viên nghiên cứu các hoạt động phù hợp với thực tế. Các môn trong chương trình học đều liên quan đến kế hoạch thực tiễn để sinh viên nhận ra được tính ứng dụng của môn học.

Phạm Ngọc Quỳnh Như – An Giang: Học Quản lý chuỗi cung ứng đi làm mức lương như thế nào? Nếu bắt đầu công việc ở một công ty nhỏ có gặp trở ngại về sau không?

TL: Khi tốt nghiệp với chuyên môn và năng lực ngoại ngữ tốt, mức lương khởi điểm khoảng trên 10 triệu đồng. Hiện nay nhu cầu về ngành rất đa dạng và cần thiết trong giai đoạn phát triển của ngành kinh tế. Nếu sinh viên tham gia quá trình quản trị tập sự ở những doanh nghiệp lớn, mức lương có thể tăng cao hơn.

Đối với công ty nhỏ, nhân viên sẽ làm nhiều mảng cùng lúc, đảm nhận nhiều công việc thay vì làm việc tại bộ phận chuyên biệt. Tại đây các bạn sẽ có lợi thế học được nhiều việc cùng lúc, rèn luyện kỹ năng kết nối các công việc lại với nhau.

Ngọc Như Lê: Chương tình đặc biệt yêu cầu phải có khả năng ngoại ngữ, tuy nhiên tiếng Anh không tốt, sinh viên có được đào tạo ngoại ngữ từ đầu không?

TL: Để học chương trình đào tạo đặc biệt, hết năm 1 sinh viên phải đảm bảo trình độ anh văn tương đương 5.5 IELTS. Khi vào học phải có năng lực ngoại ngữ nhất định, sinh viên sẽ thi đánh giá năng lực đầu vào để xác định được năng lực tiếng anh của mình đạt mức độ nào. Sau đó chương trình sẽ có những lớp tiếng Anh bổ trợ, sau 1 năm các bạn có thể đạt 5.5 IELTS để tham gia học tập các giai đoạn sau.

Sinh viên cần trang bị gì để tham gia chương trình thực tập tại những công ty lớn?

TL: Năng lực tiếng Anh là yếu tố quan trọng nhất. Tại các công ty lớn, đặc biệt là công ty quốc tế, ngôn ngữ mọi người tiếp xúc với nhau là tiếng Anh. Ngoại ngữ là yếu tố giúp sinh viên có nhiều cơ hội hơn để tham gia làm việc. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm sẽ là yếu tố giúp sinh viên chinh phục nhà tuyển dụng.

Phạm Thanh Trúc: Chương trình đào tạo của chuyên ngành Thương mại điện tử gồm những gì?

TL: An toàn bảo mật thông tin, quản trị dự án thương mại điện tử, quản trị chiến lược, pháp luật thương mại điện tử, thanh toán điện tử, quản trị bán lẻ, quản trị quan hệ khách hàng và các đề án chuyên ngành thương mại điện tử.

Mai Anh: Marketing có bao gồm Quản lý sự kiện không?

TL: Quản lý sự kiện là 1 trong 3 chuyên ngành hẹp của Marketing. Khi học chuyên sâu, sinh viên sẽ được học về Marketing event, Quản lý khách hàng, Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị rủi ro, những đề án chuyên ngành về Quản lý sự kiện. Bên cạnh đó, sinh viên có cơ hội tổ chức sự kiện thật phục vụ cho môn học. Đây là môn học rất được đông đảo sinh viên yêu thích.

Hiện nay, khoa Thương mại có 3 trong số 15 ngành có chương trình đào tạo Thạc sĩ tại trường Đại học Văn Lang. Chương trình sẽ được đào tạo bằng tiếng Anh, học tập tại Văn Lang và khi tốt nghiệp Thạc sĩ sẽ nhận được văn bằng từ trường Đại học tại Anh.

Với chủ đề livestream chủ đề “Làm quen với 3 anh em Thương mại – Marketing – Logistics tại Văn Lang”, trường Đại học Văn Lang hi vọng các bạn thí sinh sẽ hiểu rõ cách thức xét tuyển cũng như chương trình đào tạo của trường. Chương trình livestream tư vấn tuyển sinh Nhà Lạc được phát sóng vào thứ 5 và thứ 6 hàng tuần tại fanpage Trường Đại học Văn Lang. Mọi thắc mắc về tuyển sinh ngành học tại Đại học Văn Lang, các bạn hãy gửi câu hỏi về hộp thư VLU BOX để được hỗ trợ tư vấn và giải đáp.

vlu livestream khoa thuong mai b

Tuyến Nguyễn
Sinh viên K23, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag